Sắp tới giờ G xử đường lưỡi bò của Trung Quốc
Philippines đã kiện toàn những đệ trình cuối cùng tới tòa án trọng tài quốc tế để chứng minh đường lưỡi bò Trung Quốc là vô căn cứ.
Hoàn tất đệ trình cuối cùng
Tờ Vietnamnet dẫn thông tin của hãng tin Reuters cho biết, 5 luật sư Anh và Mỹ đại diện cho Philippines đang hoàn tất các đệ trình cuối cùng tới tòa trọng tài quốc tế trước hạn chót 30/3 để chứng minh tuyên bố của Trung Quốc về”đường lưỡi bò” là vô căn cứ, không có hiệu lực theo Công ước của LHQ về luật biển.
Diễn biến xoay quanh vụ kiện của Philippines đang được Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế ở The Hague, Hà Lan thụ lý.
Philippines đã đưa tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở biển Đông ra trọng tài quốc tế phân xử theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển và được Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế, trụ sở ở The Hague, Hà Lan thụ lý giải quyết.
Tuy nhiên, về phía Trung Quốc, quốc gia này vẫn tiếp tục từ chối ra tòa án quốc tế và cho rằng hành động kiện tụng của Philippines là “thiếu chuyên nghiệp và nhảm nhí”. Đồng thời, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila ngày càng lao dốc khi Manila kiên quyết theo đuổi vụ kiện Trung Quốc đến cùng.
Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế ở The Hague, Hà Lan
Trong một diễn biến gần đây nhất, đỉnh điểm của sự chỉ trích lần nhau, Tổng thống của nước nhỏ Philippines, ông Benigno Aquino đã so sánh các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ngang ngược không kém gì nước Đức vào năm 1938 (nước Đức phát xít).
Ông Aquino nói: “ Thế giới cần phải lên tiếng. Hãy nhớ rằng, Sudetenland (vùng đất của Tiệp Khắc cũ, nay thuộc CH Séc, nơi có đa số người Đức sinh sống – PV) từng được hiến tặng trong một nỗ lực nhằm dỗ dành Hitler ngăn chặn Thế chiến II bùng phát”.
Video đang HOT
Và ngay lập tức, Trung Quốc đã nổi trận lôi đình với Philippines. Việc Trung Quốc không trả lời phiên tòa của Philippines cũng được Manila cho rằng, hành động này đã củng cố thêm niềm tin vào việc quốc gia Đông Nam Á đang nắm phần thắng, còn Trung Quốc đang đuối lý.
Phản ứng của thế giới?
Các luật sư của Philippines từng chỉ ra rằng, tòa trọng tài quốc tế đã ra những quy định cho phép các nước khác ứng dụng để can thiệp hoặc cùng tham gia vào vụ tranh tụng.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc
Giới chức Mỹ tuần trước tiếp tục đưa ra những tuyên bố nêu rõ quan điểm đứng về phía Philippines – nước mà Mỹ có hiệp ước phòng thủ chung.
Đô đốc Samuel Locklear – người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ và Daniel Russel – Thứ trưởng Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, đều lên tiếng ủng hộ hành động của Philippines trong việc tìm kiếm một giải pháp hợp pháp, hòa bình.
Trước những diễn biến đang khiến vụ kiện chống Trung Quốc ở biển Đông “ nóng” lên, giới phân tích nhận định, bất kỳ phán quyết cuối cùng nào của tòa án về vụ tranh chấp, một trong những điểm nóng căng thẳng nhất ở châu Á hiện nay, khó có thể được thực hiện, nhưng sẽ có ảnh hưởng chính trị và đạo đức rất lớn.
“Nếu nhiều nước, bao gồm cả các quốc gia thành viên ASEAN, lên tiếng ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp, Bắc Kinh có thể kết luận rằng, coi thường phán quyết của tòa án là quá tai hại, ngay cả khi đường ‘lưỡi bò’ của Trung Quốc ở khu vực biển Đông được phát hiện là bất hợp pháp”, chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, Mỹ, cho hay.
Theo Báo Đất Việt
Vì sao dân Philippines ủng hộ chính phủ kiện Trung Quốc?
Mới đây nhất, theo kết quả điều tra của nhóm thăm dò độc lập Social Weather Stations (SWS) công bố hôm 10/1 cho biết, phần lớn dân Philippines ủng hộ mạnh mẽ quyết định của chính phủ kiện Trung Quốc ra hội đồng trọng tài quốc tế về những yêu sách chủ quyền phi lý mà nước này tuyên bố ở biển Đông.
SWS cho biết kết quả phỏng vấn trực tiếp 1.550 người trên toàn Philippines cho thấy, 81% ủng hộ tuyệt đối chính phủ Philippines trong cuộc đấu tranh pháp lý dài lâu với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Báo Inquirer Daily dẫn lời ông Raul Hernandez, người phát ngôn Bộ ngoại giao Philippines cho biết sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng khiến chính quyền Manila quyết tâm hơn trong việc theo đuổi cuộc chiến với Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Người dân Philippines tập trung trước văn phòng lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati để phản đối Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông
"Kết quả này đã khuyến khích chúng tôi thêm mạnh mẽ trong việc đưa Trung Quốc ra hội đồng trọng tài quốc tế. Nhân dân Philippines đang đứng sau quyết định của chính phủ về việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông bằng giải pháp hòa bình và theo đúng luật quốc tế"- ông Hernandez nhấn mạnh.
Trung Quốc đã phớt lờ động thái của Philippines, đổi lại Bắc Kinh luôn khăng khăng đối thoại trực tiếp để giải quyết những xung đột về chủ quyền với Manila. Đây là biện pháp mà giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ được lợi thế vì họ là nước lớn. Song, Philippines đã thẳng thừng từ chối đề nghị áp dụng cách này của Trung Quốc.
Trung Quốc khiêu khích ở biển Đông
Dân Philippines ủng hộ chính phủ kiện Trung Quốc bởi lẽ Bắc Kinh luôn có những hành động khiêu khích và tuyên bố phi lý ở biển Đông. Điển hình nhất, Trung Quốc yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải nhận được sự đồng ý của giới chức trách địa phương nước này mới được đánh bắt hoặc khảo sát ở 2/3 biển Đông từ ngày 1/1/2014.
Lệnh mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay, sau khi được giới chức chính quyền Hải Nam đưa ra vào tháng 11 năm ngoái.
Luật của Trung Quốc tuyên bố bất kỳ tàu nào vi phạm quy định về đánh bắt sẽ bị buộc phải ra khỏi khu vực, bị tịch thu đồ đánh bắt và bị phạt tới 82.600 USD. Trong một số trường hợp tàu cá có thể bị tịch thu và thủy thủ trên tàu bị khởi tố theo luật Trung Quốc.
Tàu hải giám Trung Quốc (trái) ngăn không cho tàu Philippines bắt cá tại bãi cạn Scarborough hồi tháng 4/2012
Tuy nhiên, luật cấm đánh bắt cá đó đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước trên thế giới, gay gắt nhất là Philippines.
Ông Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, hôm 18/1 cho biết luật đánh cá mới của tỉnh Hải Nam chỉ là một trong những biện pháp đơn phương của Trung Quốc "để thay đổi nguyên trạng khu vực", nhằm thúc đẩy lập trường về tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông.
Ông Hernandez cũng nói thêm rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với toàn bộ biển Đông là "vi phạm trắng trợn luật quốc tế". "Đây là vấn đề cốt lõi phải được đề cập một cách đặc biệt và đầy đủ", ông nói và kêu gọi Trung Quốc đồng ý đưa vấn đề lên tòa án trọng tài quốc tế.
"Chúng tôi nhắc lại lời mời Trung Quốc cùng góp mặt tại tòa án trọng tài, bởi chúng tôi dự định tiếp tục dù có hoặc không có Trung Quốc trong kế hoạch cuối cùng", phát ngôn viên ngoại giao Philippines cho biết thêm.
Phía Philippines cũng khẳng định "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh vạch ra nhằm tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Đông, trong đó có cả vùng biển đảo gần các nước láng giềng hơn, là bất hợp pháp.
Theo Báo Đất Việt
Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đoạt Nobel Hòa bình Giải Nobel Hòa bình 2013 đã được trao cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hoá học (OPCW), một lần nữa lại hướng thế giới chú ý về Syria. OPCW là một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Tổ chức này thúc đẩy và kiểm tra việc tuân thủ Công ước Vũ khí Hóa học, trong đó...