Sắp tìm ra nguyên nhân tiêm kích F-15K của không quân Hàn Quốc đâm vào núi
Ngày 6.4, Không quân Hàn Quốc đã tìm thấy hộp đen của tiêm kích F-15K bị đâm vào núi một ngày trước đó.
Hiện trường vụ rơi máy bay của không quân Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.
Hộp đen hay máy ghi dữ liệu chuyến bay được kỳ vọng sẽ giúp tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn khiến 2 phi công ngoài 20 tuổi của không quân Hàn Quốc thiệt mạng, theo Yonhap.
Chiếc tiêm kích F-15K đâm xuống núi Yoohak ở Chilgok, tỉnh Bắc Gyeongsang vào chiều 5.4 trên đường trở về căn cứ không quân Daegu sau khi huấn luyện.
Một quan chức của không quân Hàn Quốc cho hay, vẫn còn quá sớm để nói về nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn, đồng thời khẳng định thời tiết khi xảy ra tai nạn thuận lợi.
Hai phi công, được xác định là Đại úy Choi và Trung úy Park, dường như đã không thể thoát ra khỏi máy bay khi vụ việc xảy ra. Các phần của thi thể hai phi công cũng như các mảnh vỡ của máy bay được tìm thấy tại hiện trường.
Được sự đồng ý của gia đình, lực lượng không quân Hàn Quốc sẽ tổ chức lễ tang cho hai phi công tại căn cứ Daegu vào ngày 7.4. Thi thể của các phi công sẽ được an táng tại nghĩa trang quốc gia Daejon trong buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo và tư lệnh không quân Lee Wang-keun cùng các quan chức khác.
Video đang HOT
Máy bay chiến đấu Boeing F-15K Slam Eagle trong vụ tai nạn được không quân Hàn Quốc đưa vào hoạt động năm 2008. Chiếc máy bay này bay tổng cộng 2.158 giờ.
Theo nguồn tin của Yonhap, viên phi công tử nạn họ Choi có kinh nghiệm hơn 890 giờ bay trong khi phi công họ Park có khoảng 280 giờ bay. Ngoài ra, vợ của Đại úy Choi cũng là một sĩ quan không quân.
Ngay sau vụ tai nạn, không quân Hàn Quốc đã ngừng hoạt động tất cả các máy bay chiến đấu, ngoại trừ những máy bay cần cho nhiệm vụ phòng vệ.
Quan chức không quân cho biết, việc dừng hoạt động các máy bay F-15K là một phần của cuộc điều tra vụ tai nạn và các máy bay khác sẽ sớm trở lại hoạt động.
Được biết, Hàn Quốc có khoảng 60 chiếc F-15K.
THANH HÀ
Theo Laodong
Sức mạnh răn đe Triều Tiên của không quân Hàn Quốc
Không quân Hàn Quốc sở hữu số lượng lớn khí tài hiện đại với uy lực vượt trội so với Triều Tiên.
Tiêm kích F-15K Hàn Quốc tham gia diễn tập. Ảnh: Airlive.
Hàn Quốc đang duy trì một lực lượng quân sự mạnh để răn đe Triều Tiên, trong đó không quân Hàn Quốc (ROKAF) với nhiệm vụ cảnh giới bầu trời, tiến công tầm xa và yểm trợ bộ binh được đánh giá là vượt trội hoàn toàn so với đối thủ, theo National Interest.
Nòng cốt của ROKAF hiện nay là 61 tiêm kích F-15K Slam Eagle và 169 máy bay F-16C/D Fighting Falcon, bên cạnh 158 chiến đấu cơ F-5 và 71 tiêm kích F-4 đời cũ. Cùng với đó là máy bay huấn luyện siêu âm T-50 Golden Eagle, sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) và hãng Lockheed Martin của Mỹ. Nhiệm vụ chủ đạo của T-50 là huấn luyện phi công tiêm kích, nhưng nó cũng có thể dùng để tấn công mặt đất.
F-15K Slam Eagle là biến thể hiện đại hóa từ tiêm kích đa nhiệm F-15E Strike Ealge của Mỹ, có thể tấn công cả mục tiêu trên không và dưới mặt đất. So với bản gốc, biến thể F-15K có một loạt nâng cấp như trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) AN/APG-63(V)1, hệ thống tìm kiếm và bám bắt mục tiêu bằng hồng ngoại (IRST), hệ thống ngắm bắn tên lửa gắn trên mũ phi công.
Máy bay F-15K trang bị tên lửa Taurus KEPD 350K. Ảnh: Boeing.
Vũ khí đối không chính của F-15K gồm tên lửa tầm trung AIM-120 AMRAAM và tầm ngắn AIM-9 Sidewinder. Dòng Slam Eagle có thể mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất AGM-84E SLAM-ER với độ chính xác cao.
Tuy nhiên, vũ khí hiện đại nhất của F-15K là tên lửa hành trình Taurus KEDP 350K của Đức. Đây là tên lửa trang bị đầu đạn xuyên Mephisto để tấn công các mục tiêu kiên cố, đóng vai trò chủ lực trong kế hoạch tấn công Triều Tiên bằng vũ khí thông thường của Hàn Quốc. KEPD 350K là tên lửa hành trình cận âm với tầm bắn gần 500 km, có thể đánh trúng gần như mọi mục tiêu ở Triều Tiên nếu được phóng từ phía nam khu phi quân sự (DMZ). ROKAF đã đặt hàng và nhận bàn giao khoảng 170-180 tên lửa KEPD 350K.
Các phi đội tiêm kích F-16C/D, nhiều chiếc trong số đó do Hàn Quốc tự sản xuất, có thể thực hiện các đòn tấn công mặt đất chính xác nhờ hệ thống chỉ thị mục tiêu LANTIRN, cùng với khả năng không chiến nhờ tên lửa AIM-120 AMRAAM và AIM-9. Ngoài ra, phiên bản F-16 Hàn Quốc cũng có thể mang tên lửa diệt radar AGM-88 HARM để chế áp lưới phòng không Triều Tiên.
Ngoài lực lượng chiến đấu cơ hùng hậu, Hàn Quốc cũng sở hữu các máy bay yểm trợ đáng gờm với 4 chiếc phi cơ cảnh báo sớm Boeing 737 AEW&C "Peace Eye". Mỗi chiếc được trang bị hệ thống radar AESA có thể phát hiện mục tiêu trên không từ khoảng cách 320 km và tàu chiến cỡ nhỏ ở khoảng cách 240 km. Seoul đang lên kế hoạch mua thêm hai chiếc loại này.
Máy bay cảnh báo sớm Boeing 737 AEW&C "Peace Eye" của Hàn Quốc. Ảnh: Airliners.
ROKAF cũng có 8 máy bay Hawker 800XP làm nhiệm vụ chụp ảnh căn cứ đối phương ở cách khu DMZ tới 80 km, đồng thời tiến hành do thám tín hiệu. Seoul đang lên kế hoạch mua 4 máy bay không người lái tầm xa RQ-4 Global Hawk để giám sát các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, Hàn Quốc đã xây dựng lực lượng trực thăng hiện đại gồm mẫu CH-47 Chinook, S-70 và S-92.
Hàn Quốc đang hợp tác với Indonesia để phát triển tiêm kích thế hệ 4,5 có tên mã KF-X, kết hợp tính năng của tiêm kích thế hệ 4 như F-16C và F-15K với chiến đấu cơ thế hệ 5 như F-35A. Nước này muốn chế tạo ít nhất 120 tiêm kích KF-X từ năm 2025 để thay thế toàn bộ phi đội F-4 và F-5.
Không quân Hàn Quốc sở hữu khí tài hiện đại và đông đảo, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Đây là lực lượng răn đe thông thường đáng tin cậy nhất của Hàn Quốc trong bối cảnh Triều Tiên tiến gần đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Hàn Quốc diễn tập ám sát ban lãnh đạo Triều Tiên Không quân Hàn Quốc diễn tập không kích vào mục tiêu giả định là lãnh đạo Triều Tiên sau vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Tiêm kích F-15K của Hàn Quốc. Ảnh: Military. Bốn tiêm kích F-15K của Hàn Quốc hôm nay tiến hành diễn tập ném bom vào mục tiêu giả định là ban lãnh đạo Triều Tiên nhằm đáp...