Sáp nhập xã, phường: Bắt đầu từ đâu?
Nghệ An, Hà Tĩnh là những địa phương đi đầu và có nhiều kinh nghiệm trong việc sáp nhập thôn, xóm, khối phố. Nhiệm vụ nặng nề trước mắt là sáp nhập xã, phường để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của bộ máy, nhân lực.
Khó cũng phải làm
Tại Nghệ An, theo báo cáo, riêng tại TP.Vinh, ở khối, xóm, số lượng những người hoạt động không chuyên trách còn tới gần 4.000. Chưa kể, việc bố trí những người không chuyên trách phường, xã không đồng đều, có một số xã chỉ bố trí 10 – 12 người, nhưng có một số xã có tới 18 – 20 người. Từ việc một số xã bố trí đội ngũ hoạt động không chuyên trách ít nhưng các nhiệm vụ chính trị ở địa phương vẫn trôi chảy đã đặt ra vấn đề cần sắp xếp lại một cách khoa học và hợp lý hơn qua việc tinh giản bộ phận này.
Cán bộ xã Thạch Đỉnh mong muốn sẽ có chính sách hỗ trợ hợp lý nếu tới đây sáp nhập xã phải nghỉ việc. Ảnh: Hữu Anh
Chủ tịch UBNDTP.Vinh Nguyễn Hoài An cho hay, TP.Vinh đang xây dựng đề án để triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) gắn với các định hướng và lộ trình sáp nhập một số tổ chức, đơn vị sự nghiệp. Thành phố có kế hoạch triển khai sáp nhập một số xã, phường có quy mô nhỏ như Quang Trung, Hồng Sơn, Lê Mao… trong thời gian tới.
Còn tại huyện miền núi Anh Sơn (tỉnh Nghệ An), từ năm 2015 đến nay, thực hiện chủ trương sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy, Anh Sơn đã giảm 6 phó chủ tịch UBND cấp xã nhiệm kỳ 2016 – 2021; giảm 59 biên chế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Tồn tại trông thấy rõ của huyện Anh Sơn là số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có tới 354 người. 13/21 xã, thị trấn bố trí 17 – 20 người và chỉ có 1 xã bố trí 13 người.
Video đang HOT
Theo ông Cao Tiến Trung – Phó Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An, bất cập trong việc bố trí công chức cấp xã, cụ thể là công chức địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường; tài chính – kế toán; tư pháp – hộ tịch tại huyện Anh Sơn là 2 người/xã, cá biệt có 6 xã bố trí 3 công chức địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường; có xã nguồn thu trên địa bàn chỉ trên dưới 150 triệu đồng/năm nhưng vẫn bố trí 2 công chức tài chính – kế toán là lãng phí. Sắp xếp, bố trí lại bộ phận này là cần thiết.
Còn tại Hà Tĩnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Nguyễn Phi Quang cho biết, thời điểm này Hà Tĩnh đang xây dựng đề án sắp xếp và sáp nhập xã, phường nhưng làm từng bước vì liên quan đến hàng loạt cán bộ công chức cấp xã dôi dư buộc phải nghỉ việc sau khi các xã sáp nhập. Dự kiến, Hà Tĩnh sẽ sáp nhập trên 60 đơn vị hành chính cấp xã, phường dưới 50% cả 2 tiêu chí diện tích và dân số.
Thôn, xóm làm được sẽ tạo đà sáp nhập xã, phường
Trao đổi với PV NTNN, ông Phan Hữu Tuất -Trưởng Phòng Nội vụ huyện Thạch Hà cho biết: “Quá trình triển khai sáp nhập thôn, xóm thì dễ nhưng khi sáp nhập xã, phường thì không hề đơn giản vì liên quan đến hàng loạt cán bộ công chức có sổ bảo hiểm phải nghỉ việc sau sáp nhập”.
“Qua rà soát huyện Thạch Hà đang lập đề án sáp nhập 11 xã, tỉnh giao triển khai sớm từ nay đến 2019. Tới đây, huyện cho sáp nhập 11 xã sẽ giảm đi khoảng 8 đơn vị hành chính, bình quân xã có 30 người, trong đó có 20 cán bộ công chức và 10 cán bộ không chuyên trách. Như vậy tính sơ qua cũng phải có đến hơn 200 cán bộ phải nghỉ giữa chừng do dôi dư sau khi sáp nhập” – ông Tuất nói.
Cái khó là vậy nhưng nhiều lãnh đạo huyện, xã vẫn tin rằng sáp nhập thôn xóm sẽ tạo đà cho việc sáp nhập xã, phường.
Tại xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) – một xã bãi ngang điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc triển khai sáp nhập thôn, xóm được địa phương này tiến hành sớm. Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh nói: “Năm 2013, xã đã triển khai xong việc sáp nhập thôn, xóm, sau sáp nhập, việc vận hành ở các thôn hiệu quả hơn, cán bộ thôn cũng chuyên tâm công việc hơn vì thu nhập được nâng lên”. Ông Hồng cho biết thêm, trước năm 2013, xã Thạch Đỉnh có 12 thôn, sau khi sáp nhập chỉ còn 4 thôn. Trước đây mỗi thôn chỉ có 50-80 hộ nay sáp nhập lại thôn ít nhất cũng có 240 hộ và thôn nhiều nhất 330 hộ.
“Sau sáp nhập, mọi hoạt động ở thôn được triển khai sinh hoạt nhộn nhịp và hứng khởi hơn. Ngoài hỗ trợ của nhà nước, việc chung tay đóng góp của người dân vào xây dựng các công trình ở thôn cũng triển khai dễ dàng và quy mô hơn” – ông Hồng nói.
Cũng theo ông Phan Hữu Tuất, Thạch Hà có 31 xã, thị trấn, trong đó, có 5 xã miền núi, 7 xã vùng bãi ngang ven biển. Trước khi triển khai sáp nhập thôn, xóm (năm 2012), toàn huyện có 344 thôn, tổ dân phố (93 thôn dưới 100 hộ). Sau 6 năm triển khai sáp nhập, đến nay huyện Thạch Hà còn 217 thôn, tổ dân phố. “Cán bộ không chuyên trách cấp thôn đến nay còn 642 người, người làm nhiệm vụ khác cấp thôn 2.493 người, giảm 1.509 người hoạt động cấp thôn so với thời kỳ chưa sáp nhập. Tiền chi trả phụ cấp 1,8 tỷ đồng/tháng. Như vậy mỗi năm giảm được 12,8 tỷ đồng so với thời kỳ chưa sáp nhập” – ông Tuất nói. Ông Tuất cho biết thêm: “Sau khi sáp nhập, bộ máy thôn được tinh gọn, giảm đầu mối, chất lượng đội ngũ cán bộ thôn được nâng lên, tính tự quản, tính cộng đồng được nâng lên, giảm chi phí hội họp, hiệu quả hoạt động tốt hơn và được nhân dân đồng thuận cao hơn”.
Theo Danviet
Đà Nẵng: Nhiều cán bộ, lãnh đạo xin thôi việc trước tuổi hưu
Một số cán bộ, lãnh đạo ở các cơ quan, ban ngành của Đà Nẵng, trong đó có ông Lê Văn Quang - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố - xin thôi việc sớm trước tuổi hưu.
Một số cán bộ, lãnh đạo lớn tuổi ở các cơ quan, đơn vị của Đà Nẵng xin thôi việc sớm trước tuổi hưu
Chiều 5/9, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - xác nhận ông Lê Văn Quang (59 tuổi, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng) có đơn xin thôi việc. Việc xem xét cho ông Quang nghỉ việc sẽ do Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng quyết định.
Được biết, ngoài ông Quang, còn có một số cán bộ ở các cơ quan, đơn vị có nguyện vọng xin thôi việc sớm trước tuổi hưu. Những người này đa số đều đã gần tuổi nghỉ hưu. Việc đồng ý cho từng người nghỉ hay không tuỳ từng cấp sẽ do cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật quyết định.
Trước đó, tại kỳ họp giữa năm 2018, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ. Độ tuổi áp dụng chính sách là từ 55 tuổi đối với nam và trên 50 tuổi đối với nữ.
Chính sách tập trung cho đội ngũ cán bộ làm lãnh đạo, quản lý. Theo đó, cán bộ lãnh đạo của TP Đà Nẵng chủ động nghỉ hưu trước tuổi có thể được nhận mức hỗ trợ cao nhất lên đến 200 triệu đồng.
Đây được cho là một chính sách hay của Đà Nẵng nhằm khuyến khích cán bộ, công chức lớn tuổi thôi việc để nhường chỗ cho lớp trẻ, thực hiện đề án xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ vào các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Theo Sở Nội vụ Đà Nẵng, rà soát ban đầu, có khoảng hơn 300 cán bộ lớn tuổi của thành phố phù hợp để động viên thôi việc theo diện chính sách này.
Tâm An
Theo Dantri
Người hưởng chính sách tinh giản biên chế sai đối tượng phải hoàn trả tiền Khi tinh giản biên chế không đúng đối tượng theo quy định của pháp luật, người đã hưởng chính sách tinh giản biên chế phải hoàn trả số tiền đã thực nhận. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Nghị định...