Sắp có huyết thanh điều trị Ebola
Theo tin của BBC, huyết thanh được chiết xuất từ máu của các bệnh nhân nhiễm Ebola đã bình phục sẽ có trong một vài tuần nữa ở Liberia, một trong những quốc gia bị dịch Ebola ảnh hưởng nặng nề nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Virus Ebola đang là nỗi kinh hoàng ở châu Phi. Ảnh SPL
Phát biểu ở Geneva, Tiến sỹ Paule Kieny cho biết công việc đang được tiến hành khẩn trương để có thể có thuốc chữa trị và vaccine phòng bệnh vào tháng Một năm sau.
Cho đến nay, virus Ebola đã giết chết hơn 4.500 người, đa phần các nạn nhân ở các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Bà Kieny, phó tổng giám đốc WHO phụ trách hệ thống y tế và phát minh, nói: “Đã bắt đầu hình thành những tổ chức liên kết ở ba nước này có khả năng chiết xuất huyết tương một cách an toàn và có những bước chuẩn bị cho việc chữa trị cho những bệnh nhân nhiễm bệnh.”
Hiện vẫn chưa rõ sẽ có bao nhiêu huyết thanh và liệu số lượng có đáp ứng được nhu cầu hay không.
Nếu một người khỏi được bệnh Ebola, điều đó có nghĩa là cơ thể họ đã biết cách đẩy lùi virus này và máu của họ có kháng thể có thể tấn công Ebola.
Các bác sỹ sẽ lấy mẫu máu của họ để chuyển thành huyết thanh – bằng cách loại bỏ hồng cầu nhưng giữ lại những kháng thể quan trọng. Huyết thanh này sau đó sẽ được dùng để chữa trị cho các bệnh nhân.
Nữ y tá Tây Ban Nha – người đầu tiên nhiễm virus Ebola bên ngoài châu Phi – đã có kết quả âm tính với Ebola sau khi được cho là đã nhận huyết thanh có kháng thể chống Ebola từ những người khỏi bệnh.
Tiến sỹ Kieny cho rằng cách làm này không phải là không có rủi ro và WHO đã ra hướng dẫn để đảm bảo an toàn. Bất cứ ai hiến máu cũng cần được kiểm tra các bệnh truyền nhiễm như viêm gan hay HIV.
Video đang HOT
Bà nói việc thử nghiệm hai loại vaccine Ebola chỉ có thể có kết quả ban đầu vào cuối năm nay.
Trước hết vaccine cần được thử nghiệm để xem chúng có an toàn với con người không và có bảo vệ được con người khỏi virus Ebola hay không.
Một khi những vấn đề này đã rõ, WHO hy vọng sẽ mở rộng việc thử nghiệm sang nhiều người hơn và bắt đầu cho sử dụng ở châu Phi.
“Việc thử nghiệm này sẽ bắt đầu trong vòng hai tuần tới… và sẽ tiếp tục từ sáu tháng đến một năm nhưng để có kết quả ban đầu về sự an toàn và hệ gien miễn dịch để biết chọn liều như thế nào thì phải đợi đến tháng 12 năm nay,” bà nói.
Tiến sỹ Keiny cho biết một số loại thuốc đang được thử nghiệm và phát triển ở nhiều nước.
Một dự án liên kết của Đại học Oxford và Quỹ Welcome Trust đang đi đến một số nơi ở ba nước châu Phi ở tâm dịch để xác định xem trung tâm điều trị nào là thích hợp và sẽ sẵn sàng để sớm thử nghiệm thuốc điều trị, bà nói.
Theo NTD/Bizlive
Nữ y tá Mỹ tiết lộ sự thật về điều trị Ebola khiến cả thế giới bàng hoàng
Ngày 17-10, cả nước Mỹ đã rất bàng hoàng khi nữ y tá Briana Aguirre công khai sự thực về quá trình phòng bệnh Ebola tại bệnh viện của mình. Briana đã cho biết nhiều chi tiết "gây sốc" như việc cô phải mặc một bộ đồ bảo hộ bị thủng khi chăm sóc cho bệnh nhân Ebola và các đồng nghiệp của cô phụ trách một lúc nhiều ca bệnh khác nhau, mà chẳng hề mang găng tay hay bao chân.
Nữ y tá Briana Aguirre bày tỏ những nỗi lo lắng và bức xúc về cách ứng phó với Ebola ở bệnh viện Texas Health Presbyterian. Ảnh: WFAA
Aguirre nằm trong số các y tá của bệnh viện Texas Health Presbyterian chăm sóc cho bệnh nhân Ebola Thomas Duncan. Ducan vừa qua đời hôm 8/10. Vài ngày sau, hai đồng nghiệp của Aguirre là Nina Phạm và Amber Vinson được xác định dương tính với virus Ebola.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vừa diễn ra, Aguirre cho hay cô rất sợ mất việc nhưng tin rằng các đồng nghiệp sẽ "tự hào" khi cô dám nói ra sự thật.
"Tôi không thể bảo vệ bệnh viện của mình nữa. Tôi rất xấu hổ vì bệnh viện của mình. Tôi đã chứng kiến họ vi phạm các quy tắc cơ bản về điều dưỡng và chăm sóc y tế", Telegraph dẫn lời cô nói trong nước mắt.
Nhớ lại những ngày cách đây không lâu, Aguirre cho hay các nhân viên trong bệnh viện không hề biết một chút gì về cách ứng phó với virus Ebola.
Khi Duncan được xe cứu thương đưa đến bệnh viện, anh này được chuyển vào một khu vực có đến 7 bệnh nhân khác và các bác sĩ mất đến ba tiếng để gọi cho Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC).
Duncan được đẩy đi khắp bệnh viện mà không hề có biện pháp nào bảo vệ và các bác sĩ cho hay việc di chuyển giữa các phòng không khử trùng vẫn được chấp nhận.
Một y tá chăm sóc cho anh này đồng thời cũng đang phụ trách thêm ba bệnh nhân khác. Khung cảnh xung quanh Aguirre lúc đó thực sự "hỗn loạn" và ngay cả khoa bệnh truyền nhiễm của cô cũng không biết quy trình xử lý trường hợp này là như thế nào.
"Không có biện pháp phòng ngừa đặc biệt, không có thiết bị đặc biệt. Chúng tôi không biết làm gì với các mẫu xét nghiệm của anh ấy", Aguirre kể.
Khi Nina phải nhập viện vì nhiễm Ebola sau đó, Aguirre cũng là người được giao nhiệm vụ chăm sóc cho đồng nghiệp. Tuy nhiên, cô tiếp tục được phát cho một bộ đồ bảo hộ không an toàn. Phần miệng và mũi của cô dễ dàng bị phơi nhiễm thông qua một lỗ hổng rộng vài cm ở cổ.
Các quan chức bệnh viện khuyên cô nên bít cái lỗ lại bằng băng dính. Virus Ebola có thể sống sót nhiều ngày trong các chất dịch cơ thể, như máu, ở nhiệt độ phòng.
"Tôi đã nổi điên lên. Tôi không thể tin được là ở tuần thứ hai của cuộc khủng hoảng Ebola, thiết bị duy nhất họ đưa cho chúng tôi cũng không che được phần cổ", cô nói.
Trong khi đó, chất thải từ các bệnh nhân bị nghi nhiễm Ebola được chất đống trong các thùng rác dọc hành lang. "Chẳng có ai đến lấy rác suốt hai ngày. Chất thải thực sự bị chất đống cao lên tận nóc. Phòng đựng rác đã đầy ứ", cô nói. "Có những người di chuyển mà không đeo găng tay, không bọc chân lại và đi vào cả những khu vực sạch sẽ khác".
Bệnh viện Texas Health Presbyterian. Ảnh: NBC News
Khi được hỏi liệu có muốn chữa trị tại bệnh viện mình đang làm việc không, Aguirre cho biết cô sẽ cảm thấy nguy hiểm nếu đến đó chữa bệnh.
"Nếu tôi không có Ebola thì tôi cũng có thể bị lây ở đó", cô nói. "Tôi không nghĩ có tổ chức nào ở đất nước này đã chuẩn bị cho những gì phải làm".
Những tiết lộ của Aguirre được đưa ra khiến giới chức Mỹ đang bị chỉ trích gay gắt trong cách đối phó với sự bùng phát của Ebola. Một số chính trị gia đã kêu gọi ông Tom Frieden, giám đốc CDC, từ chức, trong khi những người khác đề nghị Tổng thống Barack Obama hạn chế đường hàng không từ Tây Phi, nơi dịch bệnh đã làm hơn 4.500 người chết.
Trong khi đó, bệnh viện Texas Health Presbyterian bác bỏ những cáo buộc của Aguirre. "Những cáo buộc này không phản ánh đúng thực tế từ hồ sơ bệnh án và các tương tác với những người chăm sóc trong phòng bệnh. Bệnh viện của chúng tôi đã tuân thủ các quy định của CDC và tìm những hướng dẫn bổ sung", bệnh viện này cho biết.
Các quan chức CDC đã để cho y tá Vinson lên một máy bay thương mại chở 132 hành khác hôm 13/10, bất chấp cô có dấu hiệu sốt. Cô được xác định dương tính với Ebola ngay hôm sau. Vinson thậm chí có khả năng đã nhiễm bệnh từ trước đó nhiều ngày.
Toàn bộ những người có mặt trên hai chuyến bay đi về giữa thành phố Dallas và Cleveland cùng Vinson hiện đều được liệt vào danh sách cần kiểm soát. Phi hành đoàn trong chuyến bay đã được nghỉ việc tạm thời và phi cơ cũng bị cách ly.
Ba trường học ở Texas phải đóng cửa do có một nhóm học sinh từng đi cùng chuyến bay với Vinson.
Theo Vnexpress
Lập 4 đội phản ứng nhanh cấp quốc gia để phòng chống Ebola Nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Ebola, ngành y tế sẽ lập 4 đội phản ứng nhanh cấp quốc gia tương ứng với 4 khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Sáng 19/10, giáo sư Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola tại Bệnh viện Bệnh nhiệt...