Sao Nam Việt và nghi án lấy vợ vì tiền
Các sao Nam của làng giải trí Việt lấy vợ vì điều gì?
Huy Khánh
Huy Khánh lần đầu gặp Hoàng Anh khi anh đóng phim trước cửa nhà cô. Một thời gian sau, họ tình cờ gặp lại nhau trong một nhà hàng và tình yêu đến với họ từ đó. Chàng diễn viên cho biết đã bị sự thông minh, duyên dáng của Hoàng Anh cuốn hút. Còn Hoàng Anh lại cho rằng sự chân thật, quan tâm của Huy Khánh đã hút hồn cô.
Năm 2005, cặp đôi này thành vợ chồng với một đám cưới được cho là sang trọng bậc nhất Sài thành sau 3 tháng quen nhau. Khi cưới nàng đã 35 tuổi và có hai con còn chàng mới 26 tuổi. Lúc đó, Huy Khánh mới chỉ được biết đến là một người mẫu đẹp trai đá ngang sang điện ảnh và có cuộc tình với Tăng Thanh Hà. Hoàng Anh thì đang làm trợ lý cho Tổng giám đốc ngân hàng Sacom Bank. Cô biết kiếm tiền sớm, từ năm thứ nhất đại học, cô đã có khả năng làm thông dịch viên rất trôi chảy cho nhiều hợp đồng kinh tế lớn giữa các công ty liên doanh nước ngoài. Người phụ nữ tuổi Dần này cho rằng mình có chút tài lẻ và kiến thức mà không phải phụ nữ nào ở tuổi cô cũng có. Cô còn điều hành một công ty máy lọc nước và một công ty làm về hoa. Phần lớn các lẵng hoa trong khách sạn lớn là do cô cắm. Cô từng chia sẻ rằng công việc của Huy Khánh không mang lại nhiều tiền nhưng cũng đủ cho anh chi phí cuộc sống hàng ngày.
Khi cuộc hôn nhân của cặp đôi này đổ vỡ. Hoàng Anh đã thừa nhận với báo chí rằng cô đã từng nhắn tin cho người đẹp K.T rằng: “Tất cả những tài sản là của chị. Nếu em lấy chồng chị, thì em chỉ lấy được chính anh ta thôi” .
NSƯT Hoàng Dũng
Gần 30 năm gắn bó với nghiệp diễn, tham gia rất nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình, cùng với NSND Lê Khanh, NSƯT Hoàng Dũng là diễn viên có số huy chương vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc nhiều nhất ở Hà Nội. Thêm giải diễn viên xuất sắc nhất trong Cánh diều vàng 2004 của Hội Điện ảnh, coi như Hoàng Dũng đã vẹn cả đôi đường. Nghệ sỹ Hoàng Dũng được các đồng nghiệp nhận xét là một người biết trân trọng nghề nghiệp, làm việc rất nghiêm túc và sáng tạo. Thói quen chính xác, cẩn thận của một người làm quản lý khiến anh luôn đúng hẹn. Để đáp ứng được yêu cầu của đoàn làm phim cũng như công việc của nhà hát, Hoàng Dũng tiết kiệm đến mức tối đa thời gian cho riêng mình.
Là một diễn viên kiêm giám đốc nhà hát kịch Hà Nội, trong thời buổi sấn khấu không được hưng thịnh, anh phải lùi lại hầu như không tham gia các vai kịch để các anh em trong nhà hát có cơ hội được xuất hiện trên sân khấu. Rất tận tình với các hoạt động nghề nghiệp, nơi nào cần anh cũng đều tham gia, như đào tạo diễn viên trẻ cho đài truyền hình, làm giám khảo cho các cuộc thi tuyển diễn viên. Bận rộn vậy, nên có tham gia đóng phim truyền hình, anh cũng chỉ nhận những vai phụ, thường quay vào ngày cuối tuần hoặc đêm đồng nghĩa với thu nhập cũng bị hạn chế.
Nghệ sỹ Hoàng Dũng từng chia sẻ rằng để có thể dành hết tâm lực cho công việc như vậy, anh rất biết ơn hậu phương vững chắc là người bạn đời của mình. Chị vốn là một cô gái Hà Nội gốc, đã chấp nhận bỏ nghề giáo viên chuyển sang kinh doanh quần áo trẻ con, rồi phụ tùng xe máy, … để lo lắng êm xuôi đời sống kinh tế của gia đình.
Quang Dũng
Cặp đôi Quang Dũng – Jennifer Phạm chính thức gặp nhau khi cùng đóng chung bộ phim nhựa Những chiếc lá của thời gian. Trong phim này, Jennifer Phạm (vai Angela) yêu Quang Dũng (vai Nguyễn) một cách say đắm. Từ khi bộ phim đang bấm máy quay, đã có nhiều thông tin đồn thổi về mối quan hệ trên mức bình thường giữa Quang Dũng và Jennifer.
Jennifer còn cho biết cô vốn là một người hâm mộ giọng hát Quang Dũng. Cô thích anh từ khi còn ở bên Mỹ. Sau khi đăng quang hoa hậu châu Á tại Mỹ năm 2006, những lần về thăm quê hương là dịp để cô đi nghe trực tiếp Quang Dũng hát. Cho đến khi bộ phim Những chiếc lá của thời gian ra mắt, Jennifer Phạm khẳng định cô đã tìm được một nửa của mình. Khi cặp đôi này kết hôn, cũng có những lời đồn đại là Quang Dũng lấy Jen vì muốn được sống và hoạt động ca nhạc tại Mỹ. Nhưng sau khi cưới, Quang Dũng vẫn phần lớn sinh sống và phát triển sự nghiệp tại Việt Nam khiến những giả thiết bị loại bỏ.
Đức Tiến
Đức Tiến thuộc lớp người mẫu đã đạt được khá nhiều thành công trong sự nghiệp. Cúp vàng Model Star anh nhận được có thể xem như một trong những giải thưởng danh giá nhất trong sự nghiệp người mẫu của anh. Tuy nhiên, Đức Tiến cho rằng, chẳng có gì vinh quang và hạnh phúc hơn việc anh rước được hoa hậu Áo dài Dalas Bình Phương về dinh!
Video đang HOT
Tại Vinpearl Land vào tháng 8 – 9/2007, khi Bình Phương là thí sinh tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt , Đức Tiến là người đưa cô ra sân khấu trong đêm chung kết – hai người đã gặp và dần cảm mến nhau. Qua những lần trò chuyện, chia sẻ qua mail, điện thoại, tình cảm giữa đôi “trai tài gái sắc” sâu đậm. Sau một thời gian tìm hiểu, họ đã tổ chức đám cưới vào ngày 21/3/2010 nhưng vẫn chịu cảnh “vợ chồng Ngâu” cách nhau nửa bán cầu giữa Việt Nam và Mỹ. Họ cho rằng, về chung một mái nhà là chuyện đương nhiên nhưng bây giờ chưa phải là thời điểm. Họ muốn tạo dựng tương lai tốt đẹp nên tạm thời chấp nhận xa nhau một thời gian và rời kế hoạch sẽ có con trong 3 năm nữa. Cặp vợ chồng “Tiên Đồng Ngọc Nữ” này vẫn là một ẩn số với làng giải trí Việt.
Một tập phim Bí thư tỉnh ủy được trả giá theo cát-xê nhà nước, cao nhất cho diễn viên chính là 1,5 triệu đồng. Tính cả thời gian quay, làm hậu kỳ, tổng cộng 1 năm mới xong 50 tập, cộng lại, chia ra là biết catxê có đủ nuôi sống diễn viên hay không. Vì vậy, mang tiền nhà đi đóng phim là cảnh thường thấy của các diễn viên.
Nghệ sỹ Dũng Nhi từng kể rằng theo nghề diễn, nếu ông không gác vợ con sang một bên, thật khó có đủ tâm trạng làm việc. Vợ con ông không nhận được sự chăm sóc đầy đủ từ chồng: vợ chửa, đẻ một mình, nuôi con cũng một mình. Thậm chí, vợ phải lo tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Công việc sửa chữa nhà cửa, đáng ra là của người đàn ông phải làm thì vợ cũng đảm nhiệm. Các con ông, bên cạnh ở cùng mẹ thì tự thân chúng phải vận động, chứ không thể đợi cha chỉ bảo này khác. Diễn viên Dũng Nhi cho rằng thực sự, trách nhiệm của ông với gia đình chủ yếu về mặt tinh thần, bằng cách động viên con cái, vợ qua lời nói, công việc của mình. Những thành quả ông đạt được cũng chứng tỏ rằng, thời gian xa gia đình không uổng phí và ông cố gắng trong công việc để vợ con thấy sự hy sinh của họ là xứng đáng.
Lê Tuấn Anh
Từ sau khi tham gia phim Gió qua miền tối sáng đến nay, Lê Tuấn Anh từ chối mọi lời mời đóng phim, kể cả của bạn bè thân. Anh muốn tập trung lo việc hậu phương cho bà “bầu” Hồng Vân thoả chí tung hoành.
Diễn viên Hồng Vân là con của Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Kế Sương, từng là Viện trưởng Viện Sinh học TPHCM. Cùng một lúc đỗ hai trường, ĐH Y khoa và khoa Đạo diễn trường Nghệ thuật Sân khấu, nhưng cô đã chọn cho mình nghiệp diễn.
Đó chính là quyết định hết sức đúng đắn của Hồng Vân, khi cô trở thành một trong những diễn viên vàng của sân khấu thể nghiệm 5B, mà đến bây giờ vẫn chưa có lứa diễn viên nào vượt qua. Đồng thời, Hồng Vân là một đạo diễn khá tài ba và ăn khách với nhiều vở diễn luôn thắp sáng các sân khấu như Chí Phèo, Mướn chồng, Cậu Tèo về nước …
Với “tổng hành dinh” là sân khấu Phú Nhuận, Hồng Vân đang là một “bà bầu” rất thành công ở thị trường TPHCM trong nhiều năm qua. Sau lưng của Hồng Vân, không ai khác, chính là chàng diễn viên tài hoa lãng tử một thời: Lê Tuấn Anh.
Không ngại với hình ảnh người đàn ông đeo tạp dề đứng sau người phụ nữ thành đạt, Lê Tuấn Anh cảm thấy hạnh phúc: “Nếu gói gém cuộc sống trong hai chữ hạnh phúc thì tự nhiên sẽ xoá đi những quan niệm cổ hủ. Mình không nên nặng nề việc đàn ông phục vụ vợ”.
Theo 2Sao
Dũng Nhi: "Nghề diễn là phải gác vợ con sang một bên"
"Vợ con tôi không nhận được sự chăm sóc đầy đủ từ tôi: vợ chửa, đẻ một mình, nuôi con cũng gần như một mình. Công việc sửa chữa nhà cửa, đáng ra là của người đàn ông thì vợ cũng đảm nhiệm...", nam diễn viên truyền hình được yêu thích nhất năm 2010 thổ lộ.
Dũng Nhi trong Bí thư tỉnh ủy
Mất 4 tháng "bồi đắp" hình ảnh cố bí thư Kim Ngọc
- Gần 40 năm cống hiến cho nghệ thuật thứ 7 nhưng ít có duyên với những giải thưởng truyền hình thì bất ngờ 2 năm liền "giật" 2 giải trong giải thưởng bình chọn phim truyền hình được yêu thích nhất. Năm 2010 là giải Cống hiến với vai diễn trong phim "Ngõ lỗ thủng", năm 2011 là giải nam diễn viên truyền hình được yêu thích năm. Điều đó có ý nghĩa như thế nào với anh?
- Từ xưa đến nay, anh em bạn bè, đồng nghiệp vẫn thường xuyên hỏi tôi về chuyện này, và tôi vẫn cứ nói vui là chẳng có duyên gì với danh hiệu, giải thưởng, mặc dầu tất cả những phim tôi tham gia đóng vai chính từ năm 1973 như Bài ca ra trận, Sao tháng tám, Dòng sông Lam đều đoạt giải thưởng quốc gia. Nhưng điều đó không làm tôi phải suy nghĩ nhiều, có thể là do bản thân chưa làm trọn vẹn công việc nên phải cố gắng thôi.
Sự cố gắng ấy được đền đáp khi năm 2009, lần đầu tiên tôi nhận giải thưởng cống hiến, năm nay lại giành giải diễn viên được yêu thích nhất truyền hình năm 2010. Với tôi, đó là một niềm hạnh phúc lớn lao, một sự ghi nhận của khán giả cho công việc, sự phấn đấu của mình.
Dũng Nhi tìm hiểu 4 tháng mới cảm nhận được nhân vật cố Bí thư Kim Ngọc.
- Bên cạnh sự ghi nhận về phía công chúng, còn có sự ghi nhận, đánh giá của giới chuyên môn bằng danh hiệu như NSƯT, NSND. Bao lâu nay, anh vẫn đơn thuần chỉ là một diễn viên, điều đó khiến anh chạnh lòng?
- Thực ra, điều này đúng thôi! Tôi không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Tôi học Sư phạm, sau đó trở thành giáo viên dạy văn, trong năm đi dạy, hè đến tham gia đóng phim. Từ năm 1973 đến 1979, dù đóng nhiều vai chính trong các phim nhựa lúc bấy giờ, tôi vẫn chỉ là diễn viên nghiệp dư, một người tay ngang.
Sau đó, tôi được chuyển về bên Hãng phim truyện, lại không phải ngạch diễn viên mà học về đạo diễn, ăn lương đạo diễn. Do đó, tôi nghĩ đơn giản, không ai trao danh hiệu cho một người làm tay trái cả - dù trong nhiều phim, tôi đảm nhiệm vai chính kiêm luôn vai trò phó đạo diễn.
- Trong khi phát sóng bộ phim "Bí thư tỉnh ủy", anh có lo ngại vấn đề một bộ phim chính luận nói về nhân vật lịch sử sẽ rất khô khan, ít người quan tâm?
- Làm về con người cụ thể, quả thực rất khó, tuy nhiên, trong khi đi tìm hiểu về con người bác Kim Ngọc, tôi biết cố bí thư được mọi người rất yêu quý. Chuyện về nhân cách cách ông hết sức hấp dẫn, vì vậy, bên cạnh nỗi lo liệu đủ sức phản ánh chân thực con người bác Kim Ngọc, là niềm tin câu chuyện cuộc đời ông hay, đẹp, mang nhiều điều thú vị mà chưa chắc các nhân vật đương đại khác có được.
Khi đoàn làm phim bắt tay làm việc, có nhiều luồng dư luận về hình ảnh cố Bí thư, ngay cả lãnh đạo Đài truyền hình có lúc phải dao động. Rồi thì đến chuyện báo chí có người gọi điện đến đạo diễn hỏi liệu chọn tôi vào vai đó chuẩn xác chưa? Có đảm đương được không? Bởi lứa tuổi tôi hiện tại hơn nhân vật trong phim gần chục tuổi lại đóng suốt trong giai đoạn gần 30 năm, điều đó không hề đơn giản. Họ không tin không ít người quan niệm, tôi chỉ là diễn viên nghiệp dư - ngay cả trong giới diễn viên, đạo diễn vậy.
Tôi nhớ, có lần khi đang quay, chị biên tập nói lãnh đạo Đài yêu cầu dừng lại, mang các cảnh quay về ráp nối, chiếu xem đảm bảo chất lượng không rồi mới quay tiếp. Chính điều đó như liều thuốc kích thích giúp tôi, đoàn phim cố gắng hơn nữa để đạt được mục đích của mình. Cũng may, hoàn thành xong bộ phim, công chúng hết sức đón nhận làm tôi vô cùng hạnh phúc.
- Trong quá trình hóa thân vai Bí thư Kim Ngọc, anh phải mất bao lâu mới tạo dựng, cảm nhận được hình ảnh cố Bí thư?
- Trước khi bắt tay vào làm tầm 4 tháng, đoàn phim cùng lãnh đạo VFC thường xuyên qua lại Vĩnh Phúc, rồi đến nhà cố Bí thư Kim Ngọc chơi, tìm hiểu. Tôi thích ngồi lặng lẽ quan sát gia đình, tìm phong cách, dáng dấp cố Bí thư qua hình ảnh người con trai. Sau đó, tôi gặp gỡ bà cụ nói chuyện, tôi xin xem ảnh, hỏi cụ thời gian, những ai có mặt ở đó, kỷ niệm xung quanh bức ảnh. Tôi cũng hỏi ông bà yêu nhau thế nào, sống với nhau ra sao? Từ đó dần dần hình ảnh cụ thể của bác Kim Ngọc được bồi đắp sau 4 tháng tìm hiểu.
- Đoàn làm phim nhận được ủng hộ tinh từ thần phía người dân Vĩnh Phúc ra sao?
- Tôi chưa đi đến vùng đất nào mà đoàn làm phim được lãnh đạo, dân ưu ái đến thế! Trước hết, phải biết ơn bác Kim Ngọc vì điều ấy. Gặp chúng tôi, câu đầu tiên mọi người thường hỏi là ai đóng Bí thư Kim Ngọc, rồi dù chưa thấy đoàn làm gì, cứ ôm vai, chúc mừng nhiệt tình. Nhiều lần, thấy chúng tôi làm việc vất vả, có điện thoại lạ gọi đến khuyên nghỉ ngơi, sau đó mời ăn bữa liên hoan nho nhỏ lấy lại sức, chia vui với bà con Vĩnh Phúc. Nhận được sự ưu ái, tuy khổ, chúng tôi làm việc rất phấn khởi.
- Được biết, trong quá trình hoàn thành bộ phim, điều kiện ăn ở, đi lại khá khó khăn, rồi chuyện cát-xê rất thấp. Anh vượt qua những điều đó như thế nào?
- Tôi nghĩ điều đó không phải riêng đoàn làm phim Bí thư tỉnh ủy. Chúng ta chưa có trường quay nên bất cứ đoàn phim nào về đời sống nông thôn đều rất khổ, phải về địa điểm quay và ở lại đó. Phim Bí thư tỉnh ủy, chúng tôi nhận được sự ưu ái đặc biệt của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi ở của đoàn phim là nhà khách Ban chỉ huy Quân sự tỉnh. Mọi người ở đây tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể chúng tôi sinh hoạt, làm việc.
Về tiền cát-xê, thì từ xưa đến nay, kể cả phim nhựa hay truyền hình, tôi chưa bao giờ kiếm được tiền bằng nghề. Tôi vẫn nói đùa, bản thân nuôi mình còn chưa đủ chứ không dám nói đến chuyện lo cho gia đình. Nếu không có người vợ đảm, con cái chịu khó, hiếu thảo, khó mà tôi có thể theo đuổi nghề diễn.
Cứ tính mà xem, 1 tập phim Bí thư tỉnh ủy được trả giá theo cát-xê nhà nước, cao nhất cho diễn viên chính là 1,5 triệu đồng. Tính cả thời gian quay, làm hậu kỳ, tổng cộng 1 năm mới xong 50 tập, cứ cộng lại, chia ra xem có đủ sinh hoạt một người không, chứ chưa nói đến tích trữ làm giàu nữa.
- Nghe anh nói, dễ khiến người khác có cảm giác, anh từng rất nhiều lần mang tiền gia đình đi đóng phim?
- Cái đó cũng không phải riêng tôi, mà tôi biết nhiều anh chị em từng làm như thế.
"Vợ tôi chửa, đẻ, nuôi con một mình"
- Mỗi người có 1 nghề và họ đều có cách yêu nghề riêng của mình. Khi nghề diễn không mang lại điều kiện kinh tế, anh yêu nó vì đâu?
- Ngày trước khi bắt đầu tham gia điện ảnh, tôi mới biết đến một nghề thực sự kỳ thú. Là diễn viên, người ta luôn luôn xóa sạch bản thân để trở thành một con người khác. Mỗi lần như thế, tôi được sống thêm một cuộc đời. Các nhân vật của tôi chưa bao giờ giống nhau, bởi vậy, tôi đã sống đến hàng trăm cuộc đời khác nhau rồi. Đó là hạnh phúc của một diễn viên, nói cách khác, là hạnh phúc của sự sáng tạo.
- Nếu có một so sánh nho nhỏ giữa nghiệp diễn với nghề giáo anh từng trải qua...
- Là 2 thái cực hoàn toàn khác nhau. Nghề giáo mang một bộ mặt hết sức mô phạm từ lúc trẻ, tới già không bao giờ thay đổi cả. Dạy học trò, cũng lời ấy, bài giảng ấy hết năm này sang năm khác, lặp lại như 4 mùa trong năm, chỉ có điều càng dạy lâu, càng phải đào sâu hơn. Ngược lại, nghề diễn viên luôn biến động, mang bộ mặt mới, không lặp lại.
- Tính sư phạm của một nhà giáo ảnh hưởng đến cách diễn của anh không?
- Tôi vẫn bị anh em đùa là mang chất sư phạm vào cuộc sống hằng ngày. Khi sinh hoạt cùng đoàn phim, phẩm chất nhà giáo của tôi không thay đổi: không ăn to nói lớn, không làm những chuyện bạo liệt hay có mối quan hệ rắc rối. Còn ở trên phim, tôi sống cuộc sống của nhân vật.
- Anh từng thể hiện rất nhiều dạng nhân vật nổi tiếng có thật, với tần suất dày như anh hùng Lê Mã Lương, chiến sĩ cách mạng trung kiên Tô Hiệu, nhân vật nhà văn Nguyễn Tuân, tay giang hồ khét tiếng Năm Sài Gòn trong tiểu thuyết "Bỉ vỏ", mới nhất có ông thứ trưởng Cao Đức Cẩm trong "Chạy án 1&2". Rồi đến Bí thư tỉnh uỷ Hoàng Kim, nguyên mẫu "cha đẻ khoán hộ" Kim Ngọc... Anh cảm nhận ra sao về cái duyên với dạng vai này?
- Tôi không hiểu tại sao các đạo diễn lại thích tôi đóng những dạng vai có thật, hoặc trong tiểu thuyết. Dạng nhân vật này, có cái dễ, là nhân vật cụ thể, hình hài có để nắm bắt được. Bên cạnh đó cực khó vì là nhân vật có thực, chỉ cần diễn viên sơ sẩy một chút là có sự so sánh, đánh giá ngay. Như vào vai Bí thư Kim Ngọc, nếu sai, chắc chắn vợ con, bạn vè ông ấy có thể so sánh đời thực và trên màn ảnh. Bởi vậy, nếu làm không chuẩn, lột tả hết chiều sâu rất dễ bị nhận diện. Hay các nhân vật trong tiểu thuyết, bản thân các nhân vật ấy đã rất hấp dẫn, rất đẹp, còn thể hiện trên phim, thực ra làm để nhân vật trong phim hay hơn tiểu thuyết là rất khó.
- Lăn lộn với phim trường mấy chục năm, rong ruổi khắp mọi miền đất nước, đến nỗi có khi một năm chỉ ở nhà vài ngày. Anh tạo sự tin tưởng cho vợ con như thế nào?
- Làm nghề diễn, nếu không gác vợ con sang một bên, thật khó có đủ tâm trạng làm việc. Vợ con tôi không nhận được sự chăm sóc đầy đủ từ tôi: vợ chửa, đẻ một mình, nuôi con cũng một mình. Thậm chí, vợ phải lo tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Công việc sửa chữa nhà cửa, đáng ra là của người đàn ông phải làm thì vợ cũng đảm nhiệm. Các con tôi, bên cạnh ở cùng mẹ thì tự thân chúng phải vận động, chứ không thể đợi cha chỉ bảo này khác, nên con có tính tự lập rất cao là vì vậy. Hai con tôi đều đã trưởng thành, con lớn ngót 40, hai vợ chồng cùng làm nghệ thuật. Con gái thứ 2 làm tiếp viên hàng không rồi lấy chồng định cư nước ngoài, ngay đến ngày cưới con, bố cũng không về được.
- Nghe anh nói, người ta dễ đặt ra câu hỏi, trách nhiệm người cha ở đâu?
- Thực sự, trách nhiệm của tôi chủ yếu về mặt tinh thần, bằng cách động viên con cái, vợ bằng lời nói, công việc của mình. Và, những thành quả tôi đạt được, dù nhỏ thôi, cũng chứng tỏ rằng, thời gian xa gia đình không uổng phí và tôi cố gắng công việc để vợ con thấy, sự hy sinh của mình là xứng đáng.
Tôi không biết người khác thế nào chứ tôi từng dẫn vợ đi theo đoàn làm phim ở Buôn Ma Thuột. Vậy là vợ được chứng kiến chồng diễn xuất, từ cảnh đánh nhau, say rượu, thậm chí yêu đương. Có những khoảng thời gian, sau buổi quay về tôi không nói được, vợ thương và thực sự hiểu công việc vất vả nhọc nhằn nên rất cảm thông, chứ không có chuyện vì chồng đi làm xa mà thấy day dứt không đáng có.
Theo VTC
'Bí thư tỉnh ủy' thắng lớn Với 3 giải thưởng trong cuộc "Bình chọn phim truyền hình được khán giả yêu thích 2010", bộ phim truyền hình dựa trên nguyên mẫu có thật đã thắng lớn ở cuộc bầu chọn thường niên do Tạp chí truyền hình, Đài THVN tổ chức. Ông Vũ Văn Hiến, TGĐ Đài THVN trao giải "Phim truyền hình được khán giả yêu thích 2010"...