Sao Mai Hiền Anh ra mắt MV nhân dịp 8/3
Nữ ca sĩ khiến khán giả xúc động về câu chuyện tình mẫu tử cũng như thông điệp ý nghĩa nhân ngày quốc tế phụ nữ trong MV “Bình yên con nhé”.
Bình yên con nhé ra đời năm 2014 theo “đơn đặt hàng” của Hiền Anh với nhạc sĩ trẻ Dương Trường Giang. Tác phẩm nằm trong CD vol.2 của nữ ca sĩ mang tên Mùa của giấc mơ do nhạc sĩ Phố không mùa đóng vai trò nhà sản xuất âm nhạc.
Nhạc sĩ Dương Trường Giang chia sẻ, trước khi sáng tác ca khúc Bình yên con nhé nói về mẹ, anh đã viết ca khúc Làm cha được Hoài Lâm thể hiện khá thành công. Nhạc sĩ trẻ chia sẻ, anh đặt cảm xúc thật của mình vào mỗi bài hát để cả 2 trở nên gần gũi và dễ đồng cảm nhất với khán giả.
Bình yên con nhé là câu chuyện có thật của chính sao Mai Hiền Anh. Cuộc sống của nữ ca sĩ trẻ cũng trải qua những giông gió và nhiều suy tư như trong ca khúc này. Cuộc sống gặp nhiều trắc trở, không được như mong muốn đã giúp cho Hiền Anh có thêm cảm xúc để thu âm bài hát này.
Bình Yên Con Nhé – Hiền Anh
Cô dồn nén tất cả tình cảm cho người con trai của mình. Tình mẫu tử luôn thiêng liêng nhất và nữ ca sĩ chỉ mong con được sống trong bình yên. Chính vì thế, bài hát vừa là món quà, cũng là lời nhắn nhủ của chị đến con về giá trị của gia đình trong cuộc sống hiện đại.
MV Bình yên con nhé được đạo diễn Anh Quân xây dựng thành câu chuyện quen thuộc của các gia đình Việt Nam. Mỗi người con khi lớn lên, họ đều rời xa vòng tay gia đình để thực hiện những hoài bão riêng. Tuy nhiên nhà là nơi để về và thông điệp lớn nhất trong MV này là sự bình yên của người mẹ luôn hướng về con của mình.
Video đang HOT
Theo Zing
'Trước khi viết nhạc, tôi giỏi nhất là... đánh nhau'
Với vẻ ngoài có phần ngang tàng và gai góc, khi mới bắt đầu tập tành viết nhạc, Dương Trường Giang đã nhận được không ít dè bỉu rằng, anh khó mà trở thành ca sĩ hay nhạc sĩ được.
Bởi trước khi đến với âm nhạc, thứ Dương Trường Giang giỏi nhất chính là... đánh nhau. Nhưng rồi âm nhạc đã đến với Giang khá tình cờ, khiến anh nói được những điều mình nghĩ và xóa đi định kiến của mọi người về bản thân.
Nhạc sĩ của phố
Sáng tác nhiều, lại có thể hát và đảm nhiệm vai trò phối khí, nhà sản xuất âm nhạc, nhưng dấu mốc để khán giả định hình về cái tên Dương Trường Giang là khi anh kết hợp với Bùi Anh Tuấn.
Chỉ một ca khúc Phố không mùa đã đủ làm nên cái tên cho chàng nhạc sĩ trẻ Hà Nội "oanh tạc" trên các sân chơi âm nhạc. Thậm chí, có đơn vị kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ muốn mua bản quyền ca khúc với giá hàng trăm triệu, nhưng Dương Trường Giang đã từ chối. Anh không muốn mình bị "sa đà" quá sớm vào việc viết nhạc để kiếm tiền. Giang muốn tạo dựng thương hiệu trước nên khước từ những điều khiến anh sẽ nổi tiếng nhanh chóng.
Nhạc sĩ trẻ Dương Trường Giang.
Đó cũng là lý do mà sau sức hút của Phố không mùa phải đến 3 năm sau, Giang mới trình làng những tác phẩm mới bằng việc ra mắt một album mang tên: From Phố không mùa - Dương Trường Giang.
Vốn là ca sĩ cá tính và có chất "ngông" nên dù đây là sản phẩm được anh chắt chiu sau 10 năm sáng tác, Giang đã dự tính sẽ không đưa tên mình vào sản phẩm, chỉ để tác phẩm lên tiếng.
Giang chia sẻ: "10 năm trước, không ai biết tôi là ai nên bây giờ có lẽ cũng không cần phải biết. Chỉ cần họ hát và chọn tên ca khúc đó là được rồi. Khi thiết kế bìa đĩa, tôi cũng không để hình mình lên đó, cách thông thường mà các ca sĩ, nhạc sĩ ra album đều thực hiện. Nhưng vì hình đã không có rồi mà không có cả tên mình trên bìa đĩa thì nghe cũng không ổn lắm. Vậy nên cuối cùng tôi chỉ để ở vị trí khá khiêm tốn thôi".
Vì tách mình ra khỏi xu hướng thị trường nên Dương Trường Giang có sự thảnh thơi để thỏa mãn đam mê với âm nhạc theo cách riêng của mình.
Chùm 3 ca khúc: Hà Nội mùa lá bay, Mùa đi ngang phố và Phố không mùa được anh chủ định viết theo kiểu "series" với cách hòa thanh gần giống nhau, ca từ cũng mang đầy tính tự sự hoài niệm. Đây cũng là phong cách mà Giang có thế mạnh nên chú tâm theo đuổi. Nó giúp cái tên Dương Trường Giang dễ nhận diện hơn trong dòng chảy âm nhạc có nhiều màu sắc hiện nay.
Trong khi các nhạc sĩ trẻ luôn hướng ngoại từ ca từ đến trào lưu, thị hiếu thì Giang thích những điều "trôi về phía cũ". Ở đó, điều luôn được nhắc đến trong tất cả các ca khúc của Giang là thiếu hình ảnh của những con phố.
Những sáng tác của Dương Trường Giang mang nhiều chất tự sự nhưng vẫn bay bổng và giàu chất thơ.
Trong suy nghĩ của nhạc sĩ trẻ này, phố chính là nơi mà con người va chạm nhiều nhất mỗi ngày. Anh nói: "Chúng ta làm việc, đi chơi, mọi vui buồn cũng đều có sự hiện diện của phố. Phố cho ta kỷ niệm và kinh nghiệm để lớn lên. Tôi không nói đến tên cụ thể, nhưng nghe rồi sẽ thấy nó là điều mà chỉ có Hà Nội mới có và ai cũng cảm thấy mình trong đó".
Viết nhạc như viết nhật ký
Dương Trường Giang chia sẻ, từ nhỏ, mỗi khi đi trên đường, phố luôn mang lại cho anh rất nhiều cảm xúc. Và sự viết giống như một quá trình thúc đẩy, đưa Giang đến với nghiệp viết. Anh gọi đó là "viết nhật ký bằng nhạc". Nếu không phải là nhạc thì rất có thể sẽ là văn chương.
Thế nên, các ca khúc của Giang đều được trau chuốt về ca từ. Khi là chất thơ, khi lại giống như anh đang mang tản văn vào âm nhạc vậy: "Và gió vẫn dẫn lối quen yêu thương quen, con đường quen/Và cay đắng rồi cũng sẽ như một thói quen thôi/Ở góc phố, quán nước đơn sơ nay đang mang tên là quen"; "Em theo gió đi rồi, anh vẫn quen góc hay ngồi/Đợi chờ một nụ cười không mới/Đã rất khó để tập quên nay anh đang phải tập quên"; "Mùa đi ngang phố hay phố không mùa nữa"...
Không ít người cảm thấy bất ngờ khi ở tuổi ấy, với vẻ ngoài gai góc và xù xì ấy lại thốt lên được những cảm nhận đầy tinh tế và có chiều sâu đến vậy. Trong các ca từ của Dương Trường Giang, dường như có sự chuyển hóa từ cảm xúc văn chương thành cảm xúc âm nhạc vậy.
Dương Trường Giang và Bùi Anh Tuấn.
Cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi mới bắt đầu tập tành viết nhạc hồi THPT, Giang đã nhận được không ít dè bỉu rằng, người có vẻ ngoài ngổ ngáo như anh khó mà trở thành ca sĩ được. Anh chia sẻ: "Trước khi đến với âm nhạc, thứ mà tôi giỏi nhất chính là... đánh nhau. Nhưng rồi thật may là âm nhạc đã đến với tôi, khiến tôi nói được những điều mình nghĩ và xóa đi định kiến của mọi người về bản thân.
Khi tôi nói với bố muốn thi vào Nhạc viện, bố tôi đã không đồng ý vì muốn tôi đi du học. Nhưng rồi tôi vẫn quyết thi và đỗ vào khoa Thanh nhạc. Tôi muốn chứng tỏ rằng, sự nhìn nhận bằng vẻ ngoài nhiều khi sẽ làm hạn chế đi khả năng của ai đó. Sâu xa hơn là sẽ giết chết ước mơ trong lòng họ. Ai cũng là một thiên tài, nên hãy để họ được làm điều mình thích nhất hoặc giỏi nhất".
Viết nhiều, nhưng Dương Trường Giang khá cẩn trọng khi lựa chọn ca khúc để công bố. Phần nữa, không phải ca khúc nào cũng có thể có chỗ đứng ngay được, vì nó cũng không phải dễ nghe với số đông công chúng.
Đã có người nhìn nhận rằng, Phố không mùa nếu không phải là Bùi Anh Tuấn thể hiện, chưa chắc nó đã trở nên đình đám đến vậy. Nói như thế vừa đúng, lại vừa có phần... khập khiễng bởi một tác phẩm âm nhạc là sự cộng hưởng bởi cái duyên gặp gỡ của nhạc sĩ, ca sĩ và khán giả. Thiếu một trong ba cái đó, tác phẩm dù được chăm chút cỡ mấy cũng khó mà lan tỏa được.
Minh Nhật/Báo Gia đình & Xã hội
'Ngày trôi về phía cũ': Tản văn bằng âm nhạc Nhạc sĩ Dương Trường Giang mất 10 năm để ra mắt đĩa nhạc "Từ Phố không mùa... Ngày trôi về phía cũ". Album giống như tập tản văn đầy cảm xúc được diễn giải bằng giai điệu và ca từ. Trong những năm gần đây, âm nhạc và văn chương của giới sáng tác trẻ 8X Việt Nam đang xích lại gần nhau...