Sáng nay, Viettel, MobiFone, VNPT nhất loạt kiến nghị Thủ tướng cho mở lại thẻ cào nạp tiền cho dịch vụ nội dung số
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ TT&TT vào sáng ngày 8/9/2018, Viettel, MobiFone, VNPT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại kênh thanh toán thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ TT&TT sáng ngày 8/9/2018.
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng với Bộ TT&TT vào sáng ngày 8/9/2018, liên quan đến lĩnh vực viễn thông, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho sử dụng hạ tầng viễn thông, tài khoản viễn thông, thẻ cào viễn thông của các nhà mạng để triển khai thanh toán điện tử.
Cụ thể, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng chính phủ xem xét cho phép sử dụng thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số, nhằm phát triển các dịch vụ nội dung số theo quy định của pháp luật. Thẻ cào viễn thông không phải là phương tiện thanh toán, càng không phải là trung gian thanh toán.
Đồng thời Bộ TT&TT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ.
Theo đó, tài khoản viễn thông hiện đang dùng để thanh toán các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng viễn thông. Tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%. Do đó, bằng cách này chúng ta có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ các đối tác nước ngoài vào Việt Nam chiếm lĩnh thanh toán điện tử. Chỉ cần Chính phủ cho phép thì chỉ ngay ngày hôm sau ngân hàng điện tử có thể phủ tới 100% dân.
Về hạ tầng thanh toán điện tử, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo ngân hàng nhà nước cấp phép cho doanh nghiệp Viettel, VNPT làm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các ngân hàng và các doanh nghiệp, các doanh nghiệp và cá nhân.
Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hầu hết đều là các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về khoa học, cộng nghệ, tài chính, có hạ tầng và các kênh bán hàng rộng khắp trên cả nước. Do đó, việc cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng hiệu quả các thế mạnh sẵn có góp phần thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Video đang HOT
Ba nhà mạng xin sớm mở lại kênh thanh toán thẻ cào
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đề nghị Chính phủ và Bộ TT&TT sớm có chính sách cho phép các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào các khâu trong thanh toán điện tử.
Theo ông Tào Đức Thắng, trong quá trình triển khai dịch vụ viễn thông và CNTT có những dịch vụ diễn ra rất nhanh, đi trước luật và thông tư, nghị định ban hành. Khi doanh nghiệp làm các dịch vụ mới hay bị sai vì chính sách chưa có, doanh nghiệp gửi văn bản xin ý kiến cơ quan nhà nước thì được trả lời chưa có trong quy định. Do đó, Viettel đề nghị trong lĩnh vực viễn thông và CNTT cần có quy định đặc thù khi đưa ra các dịch vụ mới. Khi có dịch vụ mà chưa có trong quy định, doanh nghiệp báo cáo lên thì Bộ xem xét những dịch vụ hợp pháp, không vi phạm pháp luật và cho phép làm trước. Sau khi doanh nghiệp triển khai 6 tháng hay 1 năm, Bộ triển khai xây dựng chính sách cho phù hợp thực tiễn doanh nghiêp.
“Trước đây chúng ta hay nói “đưa chính sách vào cuộc sống”, nhưng với lĩnh vực phát triển rất nhanh như viễn thông và CNTT thì cần đổi thành “cuộc sống đi vào chính sách” sẽ phù hợp hơn”, ông Tào Đức Thắng phát biểu.
Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT đề nghị Chính phủ cần sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào lĩnh vực thanh toán điện tử. Trên thế giới đã thúc đẩy thanh toán không tiền mặt từ rất lâu, ở Việt Nam triển khai khá chậm, bởi vì để thanh toán không dùng tiền mặt thì người dân cần có tài khoản ngân hàng, việc phổ cập dịch vụ ngân hàng tới 100% dân số là khá khó khăn. Trong khi các nhà mạng có kênh thẻ cào phủ rất rộng, nếu sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán một số dịch vụ sẽ tiện lợi.
Cũng liên quan đến phát triển Cách mạng 4.0, các doanh nghiệp số tham gia cung cấp rất nhiều dịch vụ số, trong đó có khá nhiều các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Để các doanh nghiệp nhỏ như game online chẳng hạn tự xây dựng các kênh phân phối để đưa dịch vụ ra thị trường là rất khó. Trong điều kiện như vậy, VNPT đề nghị Chính phủ cho tiếp tục dùng thẻ cào để thanh toán dịch vụ nội dung số, đây là cơ hội cho phát triển các dịch vụ số, các doanh nghiệp số.
Có cùng ý kiến với Viettel và VNPT, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch MobiFone, đề nghị cần có hành lang chính thức để cho các doanh nghiệp khác sử dụng thẻ cào viễn thông trong thanh toán. Các dịch vụ cốt lõi viễn thông đang chững lại và giảm xuống trong mấy năm gần đây, các nhà mạng đang trông chờ vào phát triển sang nội dung số và CNTT.
Các nhà mạng có tài khoản thuê bao lớn lên tới 120 triệu thuê bao, có hệ thống quản lý thẻ thông minh, có thể theo dõi được thẻ đó nạp vào đâu, chi tiêu thế nào. Chính vì vậy chi phí sử dụng chung hạ tầng thanh toán qua kênh thẻ cào rất hiệu quả khi các doanh nghiệp khác sử dụng thẻ cào của nhà mạng để thanh toán dịch vụ.
Theo ictnews
Việt Nam sẽ quy hoạch tần số 700MHz dùng cho di động
Tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2018 vừa được tổ chức sáng nay (6.4) tại Hà Nội, đã xuất hiện nhiều chia sẻ việc quy hoạch tần số 700MHz, cùng với đó là những thông tin về tiến độ phát triển 5G.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), ngay từ năm 2013, Bộ TT&TT đã tiến hành quy hoạch các nhóm kênh, đồng thời để lại toàn bộ phần băng tần mà Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã quy hoạch cho di động băng rộng.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện chia sẻ về việc quy hoạch tần số tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt.
Bộ TT&TT cũng đã ban hành quy định về thời gian bắt buộc chuyển đổi tần số băng tần truyền hình, giải phóng hết toàn bộ băng tần từ 694 GHz trở lên dành cho băng rộng di động.
Tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước hiện đang cấp phép cho 3 băng tần 850/900 MHz, 1.800 MHz và 2.100 MHz dùng cho di động. Bộ TT&TT đã quyết định cho phép tất cả các nhà khai thác đang sử dụng những băng tần này được chuyển đổi từ 2G lên 3G và 4G.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, "Chúng ta hiện chưa thể có tốc độ 4G thực tế bởi băng tần sử dụng cho 4G còn hạn chế và các doanh nghiệp chủ yếu khai thác trên băng tần 1.800 MHz".
"Về lý thuyết, có bao nhiêu trạm cũng có thể sử dụng được băng tần 4G, tuy nhiên trên thực tế, tốc độ truy cập bị giới hạn bởi độ rộng băng tần và số lượng người sử dụng. Đây là lý do tốc độ 4G thực tế vẫn chưa thể đạt được tại Việt Nam", người đứng đầu Cục Tần số Vô tuyến điện chia sẻ.
Ba nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VNPT chiếm tới 95% thị phần di động tại Việt Nam.
Bao giờ có quy hoạch băng tần cho 5G?
Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan cho biết 5G được phát triển với 3 mục tiêu. Các mục tiêu này bao gồm việc triển khai di động băng rộng với tốc độ rất cao, cung cấp dịch vụ kết nối IoT với số lượng kết nối cực lớn và cung cấp các dịch vụ có độ tin cậy siêu cao và độ trễ siêu thấp.
Trước thắc mắc về việc bao giờ 5G mới được triển khai, người đứng đầu Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết đến 2019, ITU mới xác định băng tần nào dành cho các dịch vụ của 5G.
Danh sách 156 kênh truyền hình ở tần số 700MHz. Tất cả các kênh này sẽ được chuyển về băng tần dưới 694MHz hoặc phải dừng hoạt động vào năm 2020.
Khi nói về từng mục tiêu phát triển của 5G, ông Đoàn Quang Hoan cho biết việc cung cấp dịch vụ kết nối IoT với số lượng cực lớn và các dịch vụ có độ tin cậy siêu cao, độ trễ siêu thấp có thể đáp ứng ngay ở các băng tần phía dưới. Do vậy, điều này không đòi hỏi phải có băng tần khác.
"Độ tin cậy siêu cao mới chỉ thực hiện trong phòng thí nghiệm. Độ trễ siêu thấp đã được dùng để truyền video các pha biểu diễn tại Olympic mùa đông 2018 vừa diễn ra", ông Đoàn Quang Hoan chia sẻ.
Theo người đứng đầu Cục Tần số Vô tuyến điện, 5G vẫn còn rất lâu nữa mới có thể triển khai ở Việt Nam, công việc trước mắt của chúng ta là quy hoạch băng tần 700MHz dùng cho di động.
Băng tần 700MHz có một ý nghĩa rất quan trọng. Đây là băng tần thấp nhất để cung cấp dịch vụ di động toàn cầu. Trước đây cũng đã có băng tần 450MHz dùng cho viễn thông điện lực, một số nước cũng đã sử dụng băng tần 600MHz nhưng rất hãn hữu. Do đó, băng tần 700MHz là băng tần thấp phổ biến nhất ở phạm vi toàn cầu. Đây cũng là băng tần thích hợp nhất cho băng rộng di động.
Theo Trọng Đạt (VNN)
Chụp chân dung chủ SIM: Nhà mạng vất vả, khách hàng phản ứng Các nhà mạng đang gặp khó khăn trong việc chụp ảnh hàng chục triệu thuê bao cũ lẫn mới, bởi yêu cầu thời gian thuyết phục, chi phí cao. Nhằm quyết liệt loại bỏ nạn SIM rác gây nhức nhối trong nhiều năm qua, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng thực hiện các biện pháp kiểm tra, siết chặt quản lý nhằm tránh...