Sáng 8/3 vaccine Covid-19 có mặt tại 4 điểm tiêm đầu tiên
Bốn xe chở vaccine AstraZeneca sẽ lần lượt xuất kho VNVC lúc 3h và 6h sáng 8/3 đi hai nơi ở Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Tại kho tổng của Công ty Cổ phần vacxin Việt Nam (VNVC) tại quận Đống Đa, Hà Nội, khoảng 3h sáng 8/3, hai ôtô chuyên dụng bắt đầu chở vaccine tới Trung tâm y tế huyện Kim Thành và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương. Thời gian di chuyển khoảng 3-4 giờ cho quãng đường 90-120 km, tới mỗi địa điểm.
6h sáng, một xe khác sẽ xuất phát từ kho đưa vaccine đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Cùng lúc tại TP HCM, một xe chở vaccine cũng rời kho lên đường đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Đây là bốn địa điểm đầu tiên được triển khai tiêm vaccine Covid-19 trên cả nước, vào sáng 8/3. Nhóm được tiêm đầu tiên là những người trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, lực lượng truy vết dịch tễ, xét nghiệm…
Lô vaccine AstraZeneca tiêm đợt một cho các tỉnh Hải Dương, Hà Nội, đã được vận chuyển bằng máy bay đi Hà Nội đêm 6/3. Ảnh: Thư Anh.
Video đang HOT
Đại diện VNVC khẳng định tất cả vaccine sẽ có mặt tại 4 điểm tiêm đúng theo yêu cầu của Bộ Y tế, trước khi chương trình tiêm chủng bắt đầu. Ngoài ra VNVC còn hỗ trợ các địa điểm tiêm ê kíp 12 người, gồm bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên chăm sóc sau tiêm.
Đêm qua, vaccine đã được chuyển an toàn từ kho lạnh của VNVC tại TP HCM, theo đường hàng không ra Hà Nội. Số lượng vaccine không được tiết lộ cụ thể.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, có 900 nhân viên y tế của bệnh viện sẽ được tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca, triển khai trong vòng một tuần. Buổi tiêm đầu tiên sáng 8/3 có đại diện Bộ Y tế chứng kiến.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, có 100 y bác sĩ trực tiếp điều trị, chăm sóc hoặc có nguy cơ nhiễm nCoV sẽ tiêm trước, bắt đầu từ 8h sáng. Công tác tiêm chủng và theo dõi sau tiêm diễn ra tại Trung tâm phòng chống dịch bệnh. Bệnh viện đã bố trí 3 bàn tiêm với đủ phương tiện, kỹ thuật cần thiết.
Toàn bộ người được tiêm chủng sẽ phải khám sàng lọc trước khi tiêm. Người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở sẽ không được tiêm vaccine Covid-19. Sau tiêm, họ được theo dõi tại viện 30 phút và theo dõi tại nhà trong 24 giờ tiếp theo. Dự kiến sau 12 tuần, họ sẽ tiêm mũi vaccine thứ hai. Lịch sử tiêm chủng sẽ được theo dõi trên hồ sơ sức khỏe điện tử.
Một hộp vaccine Covid-19 AstraZeneca gồm 10 liều tiêm 0,5ml, có hạn sử dụng 6 tháng. Ảnh: Thư Anh.
Việt Nam đang có 117.600 liều vaccine AstraZeneca. Bộ Y tế quyết định phân phối vaccine dựa trên đề xuất số lượng từ các sở y tế, bệnh viện điều trị Covid-19. Cụ thể, trong đợt một, vaccine được phân phối cho 35 nơi, gồm 14 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và 21 cơ sở điều trị Covid-19, để tiêm chủng từ ngày 8/3.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 6/3 cho biết, lượng vaccine ít, không thể phân bổ 63 địa phương mà chỉ có thể điều phối một phần cho 13 tỉnh, thành đang có dịch. Bộ vẫn đang tích cực đàm phán với đối tác nước ngoài để chuyển sớm vaccine về Việt Nam. Hy vọng tháng 3 có thể có thêm 1,3 triệu liều vaccine trong chương trình Covax Facility. Sau đó, tháng 4 và 5, nguồn cung vaccine tiếp tục tăng lên. Do số lượng vaccine ít nên tập trung ưu tiên 11 nhóm đối tượng và nhóm trực tiếp tham gia phòng chống dịch.
Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia vaccine Covid-19 lần này được Bộ trưởng đánh giá là lớn nhất trong lịch sử, với khoảng 100 triệu liều. Dự án do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phụ trách việc tiếp nhận, vận chuyển vaccine tới các cơ sở tiêm chủng theo danh sách Viện cũng hướng dẫn các địa phương, đơn vị bảo quản, phân phối và phối hợp với các cơ sở tiêm chủng khác để sử dụng vaccine Covid-19.
17 bệnh viện TP HCM được xét nghiệm khẳng định nCoV
Bộ Y tế công nhận 17 cơ sở y tế công lập, tư nhân ở TP HCM đủ năng lực xét nghiệm khẳng định nCoV bằng phương pháp RT-PCR.
Sở Y tế thành phố cho biết, mới đây, Viện Pasteur TP HCM được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đánh giá, đã cấp Giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định nCoV cho một bệnh viện tư nhân và hai bệnh viện trực thuộc Sở.
Kỹ thuật viên Trần Nguyễn Thu Thảo, khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM soát mã code mẫu bệnh phẩm trước khi thực hiện các bước xử lý khác. Ảnh: Quỳnh Trần.
Như vậy, tính đến ngày 17/9, TP HCM có 17 đơn vị được phép thực hiện xét nghiệm khẳng định nCoV bằng phương pháp RT-PCR (xét nghiệm kháng nguyên). Bao gồm:
- 6 cơ sở và bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố: Viện Pasteur TP HCM, các bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y dược TP HCM, Thống Nhất, Quân y 175, Quân y 7A.
- 6 cơ sở và bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố, các bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi Đồng 1, Nhi đồng Thành phố, Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngọc Thạch.
- 3 bệnh viện tư nhân gồm FV, Gia An 115 và Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Ngoài ra, còn có hai chi cục Thú y vùng VI và vùng VII, được xét nghiệm khẳng định nCoV.
Sở Y tế yêu cầu 17 đơn vị này bảo đảm duy trì năng lực xét nghiệm; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nCoV. Mục tiêu của TP HCM là tất cả bệnh viện đa khoa thành phố đủ khả năng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nCoV trước ngày 31/12.
Ba bệnh nhân Covid-19 nặng ở Quảng Nam tiến triển tốt hơn Ba bệnh nhân Covid-19 nặng điều trị tại Quảng Nam đến chiều nay tiến triển khả quan, trong đó có bệnh nhân 100 tuổi. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đang điều trị 50 bệnh nhân Covid-19, trong đó ba bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực, là bệnh nhân 624, 592 phải thở máy và bệnh nhân 593....