Sản xuất nông sản an toàn vẫn mạnh ai nấy làm
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường liên kết giữa cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản rõ nguồn gốc và an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Mục đích để người dân Thủ đô được sử dụng nhiều nông sản, thực phẩm an toàn theo chuỗi hơn.
Diện tích sản xuất VietGAP ngày càng lớn
Trong những năm qua, TP.Hà Nội đã liên tục quan tâm chỉ đạo công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhờ đó trên địa bàn thành phố đã hình thành nên các vùng sản xuất chất lượng, hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Trong lĩnh vực trồng trọt, đã hình thành 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành; 170ha cây ăn quả VietGAP; trên 80ha chè VietGAP; diện tích rau an toàn được quản lý, chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận đạt 5.000ha, diện tích giám sát sản xuất theo VietGAP đạt 352,7ha và trên 40ha rau hữu cơ.
Video đang HOT
Sản xuất rau an toàn ở xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Việt Tùng
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nội đã hình thành rõ nét các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm: 76 xã chăn nuôi trọng điểm, bao gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm và 3,232 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hiện nay đã xây dựng được 11 chuỗi liên kết sản phẩm rau an toàn, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tổng sản phẩm trong các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã đạt hàng ngàn tấn rau, 4.500 tấn thịt lợn, gia cầm, 140 triệu quả trứng, 29.000 tấn sữa tươi.
Theo thống kê, hiện tổng dân số Hà Nội đạt khoảng 10 triệu người (gồm cả học sinh, sinh viên, lao động ngoại tỉnh cư trú và làm việc, tham quan du lịch tại Hà Nội). Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp tại chỗ của Thủ đô mới đảm bảo khoảng 69% thịt gia súc, gia cầm; 32% thủy sản các loại; 38% gạo tẻ chất lượng; 60% rau, củ quả; 18% quả tươi các loại. Lượng còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành trong cả nước và nhập khẩu nước ngoài.
Đưa nông sản an toàn vào siêu thị
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội, toàn thành phố hiện có 425 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 66 chợ hạng 2, 310 chợ hạng 3 và 34 chợ chưa được phân hạng, 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng ngàn cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm chủ yếu tập trung tại các quận nội thành.
Tuy nhiên, hiện nay có một lượng lớn các sản phẩm nông sản được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối sau đó đưa đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể, trong đó lượng sản phẩm được chứng nhận nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%. Các chợ đầu mối vẫn đang đóng vai trò là khâu điều phối sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ. Việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhau vẫn còn hạn chế, chủ yếu theo hình thức mạnh ai nấy làm nên quá trình kết nối với doanh nghiệp phân phối gặp nhiều khó khăn; sản phẩm tạo ra có tính cạnh tranh thấp. Công tác tuyên truyền, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn và xúc tiến thương mại còn hạn chế…
Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn TP.Hà Nội luôn mong muốn được giới thiệu các sản phẩm chất lượng của mình đến doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng cam kết chỉ sản xuất ra nông sản an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, không phân hóa học cũng như các chất cấm trong chăn nuôi để sản phẩm có thể lên các kệ hàng trong siêu thị, trung tâm thương mại.
Theo Danviet
73% người bán rau "mù mờ" về sản phẩm
Năm 2008, Sóc Sơn là huyện đầu tiên của Hà Nội thí điểm chương trình trồng rau sạch và rau hữu cơ do Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức ADDA Đan Mạch hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện sản xuất rau an toàn (RAT) trên địa bàn Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn ở đầu ra do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng RAT, rau hữu cơ. Mặc dù RAT Hà Nội đã hình thành một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, có tem, dán nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 HTX nhưng sản lượng tiêu thụ dạng này còn ít, chỉ đạt 20.000 tấn/năm, chiếm 5% tổng sản lượng RAT, 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng.
Thực tế, người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng ngày một nhiều hơn các loại RAT, nhưng do thiếu thông tin hoặc thông tin không minh bạch nên người tiêu dùng còn e dè. Theo số liệu khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (năm 2014) có tới 73% người bán rau tại Hà Nội không thể phân biệt được rau bẩn và RAT, tỷ lệ này ở người mua lên tới 95%.
Người dân Hà Nội mua rau sạch tại Trung tâm Triển lãm nông nghiệp (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang
Năm 2008, Sóc Sơn là huyện đầu tiên của Hà Nội thí điểm chương trình trồng rau sạch và rau hữu cơ do Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức ADDA Đan Mạch hỗ trợ. Hiện toàn huyện Sóc Sơn có 13 nhóm, 2 liên nhóm và 2 HTX sản xuất rau hữu cơ với diện tích hơn 20ha. Các nhóm sản xuất ký kết hợp đồng cung ứng rau hàng ngày cho các công ty và nhóm khách hàng tiêu thụ tại Hà Nội mỗi tháng từ 75-80 tấn.
Dù giá bán rau hữu cơ luôn cao hơn RAT khoảng 10 - 20% nhưng sản phẩm rau hữu cơ Sóc Sơn luôn hết hàng; sản lượng rau mới chỉ đủ để cung cấp cho một số khách sạn, nhà hàng cao cấp, cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội và tại một số điểm chuyên bán rau hữu cơ chứ chưa đủ để bán rộng rãi. Ông Nguyễn Duy Hồng cho rằng phải xây dựng được hệ thống khép kín về RAT thì sản phẩm mới được tiêu thụ ổn định. Doanh nghiệp phải cùng nông dân chia sẻ những khó khăn, bảo đảm các bên cùng có lợi.
Hiện nay, Hà Nội đã phê duyệt 30 dự án về làm hạ tầng cơ sở trong đề án sản xuất RAT nhưng mới chỉ có 10 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong khi đó, việc đầu tư hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ chế, đóng gói, bao tiêu sản phẩm ra thị trường.
Theo Danviet
Cử nhân trồng rau sạch kiếm 20 triệu một tháng Tốt nghiệp ngành kỹ thuật máy tính ĐH Bách Khoa TP HCM, Phạm Thế Tư về Hóc Môn, TP HCM phát triển dự án rau sạch. Công việc sau tốt nghiệp đại học không suôn sẻ, anh Tư tìm đến huyện Hóc Môn thuê đất trồng rau. Vốn ban đầu là 100 triệu đồng được vay từ ngân hàng để đầu tư tất...