Sẵn sàng tài nguyên Internet cho chuyển đổi số trong Cách mạng công nghiệp 4.0
Song hành với sự phát triển của các xu thế di động và công nghệ mới IoT, Big Data, AI… IPv6 chính là nhân tố “thầm lặng” đảm bảo lượng không gian địa chỉ khổng lồ cho dịch vụ mạng thế hệ mới và đáp ứng các tiêu chuẩn trong kết nối Internet kỷ nguyên cách mạng 4.0
IPv6 giữ vai trò quan trọng quá trình phát triển IoT
Kể từ thời điểm địa chỉ Internet IPv4 chính thức cạn kiệt cách đây 6 năm, tỉ lệ ứng dụng triển khai IPv6 đã có sự tăng trưởng lớn trong hoạt động Internet toàn cầu. Mức tăng trưởng trong tỉ lệ chuyển đổi IPv6 thế giới đạt 3000% từ năm 2012 đến năm 2018 cho thấy chuyển đổi IPv6 không còn là một “trào lưu” mà là một xu thế tất yếu để tham gia hoạt động trên môi trường mạng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, câu chuyện chuyển đổi IPv4/IPv6 không đơn thuần chỉ là giải bài toán cạn kiệt nguồn địa chỉ IPv4.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Hợp tác – Quản lý tài nguyên, Trung tâm Internet Việt Nam tham luận về “Vai trò của chuyển đổi IPv6 đối với dịch vụ mạng thế hệ mới và CMCN 4.0″ tại hội nghị VIIF 2018.
Hiện tại, thế giới đã có hơn 4 tỷ người sử dụng Internet, chiếm khoảng 53% dân số thế giới. Sự tích hợp Internet và viễn thông, sự bùng nổ thông tin di động và sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ mới như Internet of Things (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data) trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 khiến số lượng các thiết bị kết nối Internet ngày càng cao.
Video đang HOT
Theo số liệu từ báo cáo của Cisco về thế giới số, ước tính đến năm 2020 trên toàn cầu sẽ có hơn 26 tỉ thiết bị kết nối vào Internet; 66% lưu lượng IP toàn cầu là từ công nghệ không dây (thống kê năm 2015 tỷ lệ này là 48 %); và trung bình một người sử dụng Internet tạo ra 44,1 Gbyte dữ liệu trong 1 tháng (năm 2015 là 18,9 Gbyte). Trong bối cảnh Internet đang có những thay đổi mạnh mẽ, các chuyên gia cho rằng, chỉ có IPv6 với không gian địa chỉ khổng lồ mới có thể giúp tiếp nối hoạt động Internet. Bởi lẽ, phải 100.000 tỷ thiết bị mới chỉ tiêu thụ 5% lượng không gian địa chỉ IPv6.
Các chuyên gia cũng cho hay, ngoài việc đảm bảo số lượng tham số định danh thực cho mỗi thiết bị thì tính ưu việt trong liên kết các chuẩn kết nối, khả năng tự động cấu hình, khả năng tích hợp với các ứng dụng thông minh là lý do khiến IPv6 đóng vai trò quan trọng trong CMCN 4.0, đặc biệt là trong quá trình phát triển IoT. “Với thiết kế định tuyến đơn giản nhưng không bị giới hạn truy cập, khu vực, IPv6 vừa đảm bảo kết nối từ xa và tốc độ cao cho việc phát triển các thành phố thông minh trong tương lai, vừa tiết kiệm chi phí vận hành cho các các doanh nghiệp, nhà quản lý”, một chuyên gia Internet nhấn mạnh.
Tỉ lệ truy cập Internet qua IPv6 của Việt Nam đã đạt 15%
Trao đổi tại phiên hội thảo chuyên đề “Giải pháp và dịch vụ số với công nghệ 4G/5G” trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam – VIIF 2018 được tổ chức trong 2 ngày 27 – 28/9 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Hợp tác – Quản lý tài nguyên, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ TT&TT nhận định, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỉ lệ ứng dụng triển khai IPv6 tốt trong khu vực và trên toàn cầu.
Số liệu thống kê của VNNIC cho hay, tính đến tháng 9/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 15% (nguồn APNIC) với 8.000.000 người dùng IPv6 (công bố bởi Cisco), đứng thứ 3 Khu vực ASEAN, thứ 5 khu vực châu Á, chỉ sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan. “Mạng IPv6 quốc gia của Việt Nam trên nền tảng hệ thống mạng trung chuyển Internet VNIX và Hạ tầng DNS quốc gia được duy tri và phát triển ôn đinh đã phát huy thế mạnh cho các doanh nghiệp kết nối và triển khai cung cấp dịch vụ công nghệ cao”, bà Thủy nhấn mạnh.
Đáng chú ý, bên cạnh các kết quả ứng dụng triển khai thực tế về IPv6, trước ngưỡng cửa của cuộc CMCN 4.0, song hành với địa chỉ IP, tài nguyên tên miền quốc gia Việt Nam “.VN” cũng đạt bước cải tiến lớn trong công tác cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền cũng như quản lý hồ sơ khi Trung tâm VNNIC mới đây chính thức cho phép triển khai đăng ký sử dụng tên miền “.VN” thông qua hồ sơ điện tử.
Trung tâm Internet Việt Nam quảng bá dịch vụ đăng ký tên miền quốc gia .VN qua hồ sơ điện tử tới người sử dụng tại hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam 2018 kết hợp Triển lãm India – ASEAN ICT Expo diễn ra trong 2 ngày 27 – 28/9 tại Hà Nội.
Cũng trong tham luận tại hội thảo chuyên đề nêu trên, đại diện VNNIC cho biết, với việc đăng ký tên miền qua hồ sơ điện tử, thay vì phải nộp hồ sơ bản cứng và thực hiện đăng ký trực tiếp tại Nhà đăng ký hoặc gửi hồ sơ đăng ký tên miền qua đường bưu chính, chủ thể tên miền có thể thực hiện thủ tục đăng ký trực tuyến, kích hoạt đăng ký tên miền nhanh chóng sau khi hoàn tất bản khai đăng ký và đảm bảo được tính xác thực của thông tin tên miền.
Tính đến ngày 27/9/2018 đã có 2 Nhà đăng ký tên miền tiến hành thử nghiệm việc tiếp nhận đăng ký tên miền quốc gia “.VN” qua hồ sơ điện tử, đó là iNet và Mắt Bão. Trong đó, nhà đăng ký Mắt Bão đã cung cấp dịch vụ hồ sơ điện tử cho các chủ thể là cá nhân; nhà đăng ký iNET đã sẵn sàng tiếp nhận đăng ký cho cả tổ chức và cá nhân. Tiếp sau 2 nhà đăng ký này, các nhà đăng ký khác như PA Việt Nam, Nhân Hòa … cũng đang nhanh chóng xúc tiến chuẩn bị triển khai phương thức tiếp nhận hồ sơ này.
Việc triển khai đăng ký sử dụng tên miền “.VN” thông qua hồ sơ điện tử, theo chia sẻ của đại diện VNNIC là nhằm thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, nhất là trong xu hướng của cuộc CMCN 4.0 hiện nay. Việc này cũng bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký sử dụng tên miền.
“Đây là một bước quan trọng đánh dấu bước cải tiến hướng tới các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ, lưu trữ hồ sơ trong cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.VN” được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng”, đại diện VNNIC nói.
Theo ITCNews
Ứng dụng công nghệ rô-bốt trong cách mạng công nghiệp 4.0
Công nghệ rô-bốt đang được ứng dụng vào mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, mang lại nhiều thay đổi mạnh mẽ cho nền kinh tế. Để ứng dụng hiệu quả công nghệ rô-bốt, bắt nhịp được với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Trong CMCN 4.0 việc ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, kinh doanh là một xu hướng tất yếu nhằm tạo ra năng suất lao động cao. Trên thế giới đã có nhiều nhà máy sử dụng toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hóa, đưa rô-bốt vào thay thế sức lao động của con người, tạo ra các sản phẩm tốt, độ chính xác cao. Trong khi đó, tại Việt Nam hầu hết dây chuyền sản xuất vẫn chưa được tự động hóa, sử dụng công nghệ cũ, chỉ đưa công nghệ thông tin và điều khiển, tự động hóa vào một số công đoạn ở mức độ đơn giản. Vì vậy sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được với thế giới do chất lượng kém hơn, không đồng bộ, giá thành cao và chỉ một số ít thay đổi mới nhận được những kết quả bước đầu. TS Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viện máy và dụng cụ công nghiệp cho biết, đơn vị đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo thành công hệ thống máy đóng bao tự động cho Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, nhờ đó giúp giảm lượng nhân công đáng kể, và năng suất cao hơn nhiều lần. Công nghệ này đã thay thế cho hoạt động của các công nhân đóng bao bằng tay giúp tăng mỹ quan sản phẩm, giảm lượng bụi phát tán ra môi trường ở vị trí kẹp bao, gấp bao làm ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người lao động.
Một sản phẩm rô-bốt được lập trình của Công ty cổ phần Misa. Ảnh: QUANG MINH
Mặc dù việc tự động hóa có thể giải phóng sức lao động, nhưng thực tế để ứng dụng rô-bốt tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn về nhân sự, vốn đầu tư hệ thống công nghệ, trình độ kỹ thuật... Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện nay, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, công nghệ lõi vào quá trình sản xuất còn thấp. Với 97% các doanh nghiệp là vừa, nhỏ và siêu nhỏ, cho nên luôn gặp khó khăn về nguồn vốn, trình độ khoa học và công nghệ (KH và CN), nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo. Rất ít doanh nghiệp có mối liên kết với các tổ chức KH và CN, viện nghiên cứu, khiến họ gặp thách thức lớn khi muốn ứng dụng công nghệ rô-bốt vào quá trình sản xuất. Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho rằng, công nghệ rô-bốt là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện, đưa nhiều ứng dụng vào các lĩnh vực của đời sống. Doanh nghiệp cần có những giải pháp để bắt kịp xu thế, nhưng muốn triển khai thực hiện cần có đánh giá toàn diện, có những hướng đi cụ thể phù hợp để có thể đón nhận thành công những cơ hội mà công nghệ rô-bốt và CMCN 4.0 mang lại.
Đáng chú ý, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam khá mơ hồ, chưa biết ứng dụng rô-bốt vào làm gì trong hoạt động sản xuất của họ, liệu có nâng cao được năng suất, chất lượng và lợi nhuận hay không, trong khi đó lại phải đầu tư một khoản khá lớn. Nhiều doanh nghiệp còn chưa biết rô-bốt mềm, cứng là gì, ứng dụng công nghệ này như thế nào để phù hợp với từng loại dịch vụ như: nông nghiệp, y tế hay các ngành công nghiệp nặng... Nhất là Việt Nam vẫn chưa có các tổ chức trung gian chuyên nghiệp để có thể tư vấn cho các doanh nghiệp, giúp họ nhận thấy việc ứng dụng rô-bốt sẽ tăng hiệu quả sản xuất. PGS, TS Hồ Anh Văn, Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản - Jaist (Nhật Bản) cho biết, ngoài ứng dụng sản xuất trong công nghiệp, các rô-bốt mềm có thể ứng dụng hái rau quả, chăm sóc cây trồng, hoặc trong y tế được dùng phẫu thuật để không gây hại các cơ quan nội tạng...
Vì vậy các doanh nghiệp nhỏ cần xây dựng hệ thống tự động quy mô nhỏ, nhưng trình độ cao để có thể sản xuất các sản phẩm cung cấp cho các doanh nghiệp lớn. Nhà nước cũng cần đầu tư cho hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực tạo nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ, sản phẩm của CMCN 4.0. Bên cạnh đó, sớm có những dự án cụ thể giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp với đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam trong nước và ngoài nước làm cơ sở hình thành mạng lưới liên kết trong lĩnh vực rô-bốt. Các viện nghiên cứu, trường đại học cần phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ sản xuất, sáng tạo và phát triển sản phẩm mới. Khi đã có nguồn nhân lực, trí tuệ và một hệ thống hạ tầng, các ngành công nghệ cao sẽ có thể phát triển ở Việt Nam, tạo đà thúc đẩy nền kinh tế thuận lợi bắt kịp con tàu CMCN 4.0.
Theo nhandan
Chuyển đổi số sẽ có tác động thế nào tới châu Á - Thái Bình Dương? Thực hiện chuyển đổi số là một đòi hỏi cấp thiết đối với các nhà sản xuất, trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo các số liệu mới được Microsoft công bố, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt thêm 387 tỉ USD vào năm 2021 và tăng thêm 1%...