Sản phụ tử vong, nguy kịch ở Đà Nẵng: Từng đề xuất thay thế thuốc gây tê
Liên quan đến nghi vấn sản phụ tử vong, nguy kịch do dùng thuốc gây tê, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay tỉ lệ dùng thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy số lượng lớn, dù không phải toàn bộ.
Như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương… sử dụng rất tốt, nên muốn quy kết do thuốc hay không phải chờ chứng cứ khoa học.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm sản phụ N.T.H đang điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng Ảnh: T.T
“Hiện Bộ vẫn chưa đưa ra khuyến cáo. Việc khuyến cáo hoặc ngưng sử dụng một loại thuốc cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác điều trị và mua sắm”, Thứ trưởng nhấn mạnh và cho biết thêm sẽ tập hợp tất cả các tài liệu để đưa ra phản ứng sớm nhất.
Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức ĐBSCL, cho hay: “Loại thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy sản xuất ở Ba Lan được đưa vào sử dụng sau khi Sở Y tế trúng thầu năm 2018. Tuy nhiên tôi thấy rất lạ. Thứ nhất bao bì thuốc gây tê tủy sống luôn được đóng gói vô trùng, còn loại thuốc này thì đóng gói trần trụi, sơ sài, mặc dù nó có giấy phép nhập khẩu. Thứ hai, theo tôi quan niệm loại thuốc gây tê phải cần đạt chuẩn châu Âu, phải tinh khiết, đạt vô khuẩn. Với kinh nghiệm trong ngành gây mê gần 30 năm, khi có loại thuốc này tôi đã đề xuất với giám đốc bệnh viện là không nên sử dụng. Và với cương vị Phó chủ tịch Hội Gây mê hồi sức ĐBSCL tôi không đồng ý cho sử dụng loại thuốc này”.
Cũng theo bác sĩ Đào, sau khi dùng thuốc mới chỉ vài tháng, 2 bệnh viện ở Long An, Bến Tre có bệnh nhân tử vong. Nhận thấy tính an toàn của nó không đảm bảo nên sau đó, Sở Y tế Cần Thơ và các tỉnh tại ĐBSCL đã có công văn đề xuất với Công ty Dược phẩm Trung ương 1 đổi loại thuốc này sang các loại có thương hiệu đã từng sử dụng nhiều năm rồi. Bác sĩ Đào chia sẻ thêm: “Được biết, vào ngày 19/7 đã có công văn thu hồi thuốc rồi nhưng không hiểu sao nó vẫn còn sử dụng ở một số bệnh viện”.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho hay, sau sự cố y khoa này, Sở báo cáo ngay cho Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan. Đồng thời tiến hành nhiều công việc để tìm nguyên nhân, trong đó việc đầu tiên là tìm xem lô thuốc đang dùng có vấn đề gì. Bà nhấn mạnh rất khó xảy ra tình huống sử dụng thuốc hết hạn. Hiện tại, Sở sẽ tìm thuốc thay thế loại thuốc gây tê này, các loại thuốc thay thế sẽ nằm trong vòng kiểm soát đặc biệt.
Như Tiền Phong đã thông tin, chưa đầy một tháng, 3 sản phụ đến Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng sinh, sau khi tiêm gây tê 2 người đã tử vong, một người nguy kịch.
THANH TRẦN – KIM HÀ
Theo Tiền phong
Vụ 2 sản phụ tử vong: Nghiên cứu tài liệu rồi mới quyết định ngưng hay dùng thuốc gây tê Bupivacaine
Trước sự cố 2 sản phụ tử vong, 1 sản phụ nguy kịch ở Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng sau tiêm thuốc gây tê tủy sống, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay sẽ nghiên cứu tài liệu mới đi đến quyết định khuyến cáo ngưng hay dùng thuốc trên.
Trưa 21-11, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã cùng bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng đến Bệnh viện Đà Nẵng để thăm sản phụ nguy kịch sau tai biến sản khoa nghi do thuốc gây tê.
Trả lời báo chí tại Bệnh viện Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định hiện tại Bộ chưa có văn bản chính thức về loại thuốc gây tê mà Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng đã dùng, nghi gây ra 3 vụ tai biến sản khoa. Đây là loại thuốc mới được Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng nhập về từ tháng 5-2019 có tên là Bupivacaine của nhà sản xuất Ba Lan.
Thứ trưởng Sơn cho hay: "Bộ phải kiểm tra lại và vẫn chưa dám có khuyến cáo. Dĩ nhiên việc khuyến cáo ngưng hay dùng một loại thuốc sẽ rất ảnh hưởng đến công tác điều trị và mua sắm. Về sẽ nghiên cứu tài liệu rồi mới đưa ra khuyến cáo được".
Bộ Y tế thăm sản phụ tại Bệnh viện Đà Nẵng và trả lời báo chí trưa 21-11
Nói về 3 ca tai biến tại Bệnh viện Phụ nữ, Thứ trưởng cho hay cần phân tích nhiều yếu tố trong đó có xem xét về thuốc, quy trình và phản ứng sau tai biến. "Hiện tại vẫn chưa có kết luận rõ ràng, có một số yếu tố nghi ngờ thuốc gây tê. Đối với thuốc cần phân tích độ an toàn, có độc chất hay nhiễm trùng hay có tạp chất không" - ông Sơn nói. Ông Sơn nói thêm, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã niêm phong 120 lọ còn lại và Bộ có chỉ đạo sớm lập hội đồng chuyên môn để có kết quả.
Thứ trưởng Bộ Y tế cùng Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng thăm sản phụ H. tại khoa Hồi sức chống độc
Thứ trưởng cho hay, hiện tại mẫu thuốc này đã được gửi về Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI và ADR), trung tâm này sẽ có khuyến cáo phù hợp.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho biết loại thuốc gây tê Bupivacaine này hiện đang được nhiều cơ sở y tế trên cả nước dùng với số lượng lớn. "Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, Sản C... đều sử dụng loại thuốc này với số lượng lớn vẫn rất tốt. Nếu muốn quy kết do thuốc thì phải chờ kết luận chính thức" - ông Sơn nói.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trả lời báo chí tại Bệnh viện Đà Nẵng
Nói về việc đánh giá tạp chất trong thuốc, Thứ trưởng cho hay Bệnh viện Phụ nữ đã yêu cầu đơn vị cung ứng cung cấp chất chuẩn. "Dựa vào chất chuẩn mới đánh giá được có tạp chất hay không. Kết quả này có sau 1,5 tháng" - ông Sơn nói.
Thứ trưởng cho biết sẽ yêu cầu các Cục liên quan có báo cáo sớm về vụ việc. Theo Thứ trưởng, khi dùng thuốc mà xảy ra phản ứng trong đó nặng nhất là phản vệ, sau đó tới ngộ độc thuốc và thuốc không an toàn, cách sử dụng thuốc không đúng kỹ thuật. "Nếu muốn kết luận phải phân tích hồ sơ, có hội đồng chuyên môn phân tích hồ sơ bệnh án. Khi có kết quả sẽ gửi cho báo chí" - Thứ trưởng khẳng định.
Diễn biến vụ việc
Ngày 17-11, 2 sản phụ nhập Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng để theo dõi sinh gồm sản phụ V.T.N.S và N.T.H (cùng SN 1986, ngụ TP Đà Nẵng). Sản phụ S. thì tử vong vào tối cùng ngày còn sản phụ H. thì được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, ngày 22-10, sản phụ H.T.P.T (SN 1987, ngụ TP Đà Nẵng) cũng nhập Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng để chờ sinh và tử vong.
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, cả 3 sản phụ trên đều được Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng tiếp nhận đúng quy trình và có chỉ đạo mổ lấy thai. Trong lúc tiêm thuốc gây tê tủy sống, các sản phụ này có biểu hiện co giật. May mắn là 3 trẻ sơ sinh đều được an toàn sau phẫu thuật và hiện ổn định về sức khỏe.
Hiện tại sức khỏe của sản phụ H. hiện đã qua cơn nguy kịch và đang có dấu hiệu phục hồi.
Ngày 17-11, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã chỉ đạo niêm phong lô thuốc gây tê Bupivacaine sản xuất tại Ba Lan mà Bệnh viện Phụ nữ đang sử dụng với số lượng còn lại là 120 lọ. Đồng thời, phòng mổ của bệnh viện này cũng đang đóng cửa để chờ có kết luận chính thức.
Được biết, thuốc gây tê Bupivacaine do Bệnh viện Phụ nữ xin áp thầu và mới nhập về sử dụng từ tháng 5-2019 với số lượng 380 lọ. Trước đó, bệnh viện này sử dụng thuốc gây tê nằm trong gói thầu do Sở Y tế TP Đà Nẵng chỉ định tên là Marcain của Pháp sản xuất. Tuy nhiên sau đó, hãng cung ứng hết hàng buộc bệnh viện phải tìm nguồn thuốc khác thay thế.
Tin-ảnh: B.Vân
Theo nguoilaodong
Thứ trưởng Bộ Y tế vào Đà Nẵng kiểm tra vụ sản phụ tử vong Dự kiến đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ có buổi làm việc với Sở Y tế và lãnh đạo TP vào cuối giờ chiều nay. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm sản phụ đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Ảnh: Tâm An Theo đó, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ...