“Săn lùng” đặc sản vùng miền về ăn Tết, “thượng đế” cần lưu ý những gì?
Càng cận Tết, các mặt hàng thực phẩm, đặc sản vùng miền ngày càng thu hút người tiêu dùng.
Theo đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đặc sản Tết cũng “chạy nước rút” để đưa sản phẩm ra thị trường.
Để cung ứng cho thị trường dịp Tết, thời điểm này, nhiều cơ sở đã tất bật tăng ca, các cửa hàng kinh doanh đặc sản Tết cũng tăng lượng hàng nhập vào.
Từ tôm khô Cà Mau, mắm An Giang, lạp xưởng Sóc Trăng đến hạt điều rang muối Bình Phước, khô trâu gác bếp Tây Bắc,… loại nào cũng có bán từ offline đến online.
Đặc sản vùng miền hút khách dịp Tết.
Thêm vào đó, thay vì những năm trước người dân có xu hướng chọn giỏ quà Tết hàng ngoại thì năm nay nhiều người chọn giỏ quà gồm nhiều đặc sản vùng miền, bởi có giá “nới hơn”, đảm bảo chất lượng và an tâm về nguồn gốc xuất xứ.
Video đang HOT
Chị Phương- cơ sở sản xuất cá khô- tôm khô- cá sấy Thái Phong (Ba Tri- Bến Tre), cho hay: “Cận Tết tôi cũng tham gia một số hội chợ để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.
Khách hàng được dùng thử, vừa ý, vừa miệng thì mua. Tết nên cơ sở tút lại mẫu mã, bao bì, có đầy đủ thông tin về nơi sản xuất, hạn sử dụng, thành phần nguyên liệu, để khách hàng yên tâm”.
Kinh doanh gần 200 đặc sản miền Tây, anh Trương Hòa Hội- chủ cửa hàng đặc sản Miền Tây quê tôi Hòa Hội (TP Cần Thơ), cho hay: Các mặt hàng kinh doanh tại cửa hàng đều gắn với câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên 13 tỉnh miền Tây. Sản phẩm có sự đầu tư chất lượng, mẫu mã đa dạng. Cận Tết nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, đặc sản Tết cũng tăng hơn.
Theo đó, các mặt hàng được ưa chuộng nhiều như: gạo ST25, nước mắm, khô, đông trùng hạ thảo,… Các sản phẩm đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để tạo an tâm cho người tiêu dùng.
Để chào hàng thị trường Tết, chị Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH My Tỷ Mai (Vĩnh Long), cũng đã cho ra thị trường nhiều dòng sản phẩm mới, cải tiến mẫu mã mang đậm vị Tết để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Trong đó, công ty cũng thiết kế theo kiểu dáng hộp quà tặng với đa dạng mẫu mã, giá cả để người tiêu dùng chọn làm quà.
Dù sức mua có tăng, song, nhiều chủ cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cho rằng, tuy thị trường dịp Tết có khởi sắc nhưng sức mua giảm hơn so với mọi năm 30- 40% do người dân thắt chặt chi tiêu hơn.
Một số cơ sở kinh doanh đặc sản vùng miền cho biết, các mặt hàng đặc sản giá cao không phải là do hàng độc khó tìm mà do công vận chuyển, rồi tìm nguồn hàng, chọn lọc hàng phức tạp hơn so với hàng thông thường. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá có nhích hơn so với thời gian trước.
Bên cạnh bán trực tiếp, nhiều cơ sở, cửa hàng cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online. Một số chủ cửa hàng cho hay: Nhu cầu mua hàng online của người tiêu dùng ngày càng tăng bởi tiết kiệm được thời gian, đảm bảo an toàn trong giai đoạn dịch bệnh còn phức tạp, đồng thời lại có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi hơn.
Anh Trương Hòa Hội, cho biết thêm: Hiện nay nhu cầu mua sản phẩm đặc sản qua online chiếm gần 80% số lượng đơn hàng. Do đó, cửa hàng cũng chăm chút quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua Facebook, Zalo, trang thương mại điện tử,…, đồng thời cập nhật sản phẩm mới thường xuyên để khách hàng dễ lựa chọn.
Vừa “chốt đơn” khô trâu Sơn La, tung lò mò An Giang, bánh tráng Trảng Bàng, chị Lê Anh Thư (Phường 4- TP Vĩnh Long), cho hay: “Cận Tết tôi rất thích mua một số món đặc sản lạ để làm phong phú cho bữa cơm gia đình. Giờ lên mạng muốn mua gì cũng có, thanh toán lại dễ dàng hơn”.
Đa dạng chủng loại, hàng hóa phục vụ Tết
Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là đến Tết Nhâm Dần 2022, tại thành phố Đà Nẵng, thị trường quà Tết, hàng hóa Tết đang bắt đầu sôi động.
Các gian hàng sản phẩm truyền thống dịp Tết như bánh kẹo, hạt dưa, hạt dẻ cười, mứt... thu hút nhiều người mua sắm.
Tại các chợ, các siêu thị, các cửa hàng đều đã trang trí, trưng bày rất nhiều mặt hàng "truyền thống" phục vụ Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, đồ khô, rượu bia, nông sản, thực phẩm đóng gói, giỏ quà biếu...
Tại các siêu thị lớn như MM Mega, Lotte Mart, Co.op Mart Đà Nẵng... đều dành diện tích đẹp để bày gian hàng các giỏ quà Tết. Tại siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng, các giỏ quà mang những chủ đề về Tết như: Xuân hứng khởi, Xuân sum vầy, Tấn tài tấn lộc, Tân niên phú quý, đều đồng giá 328.000 đồng cho cả hàng ngọt và mặn.
Còn siêu thị MM Mega Market Đà Nẵng thì có 20 loại giỏ quà Tết với các tên gọi: Tiêu chuẩn, Sức khỏe, Đoàn viên và Phú quý, với giá bán từ 300.000 đồng đến 2.500.000 đồng. Cũng lựa chọn hàng hóa để đóng gói các giỏ quà có sẵn, siêu thị Vinmart Đà Nẵng có các mẫu giỏ quà với giá từ 299.000 đến 699.000 đồng/giỏ.
Tại các chợ, các cửa hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các tiểu thương cũng bày bán nhiều loại giỏ quà Tết với mức giá phổ biến từ 200.000 - 3.000.000 đồng. Ngoài các thành phần bánh kẹo, rượu bia "truyền thống" thì giỏ quà Tết năm nay có một số sản phẩm mới như thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng, dược liệu, hàng nông nghiệp chất lượng cao, hàng OCOP...
Đặc biệt, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người dân không thể về quê đón tết, các đơn vị cung ứng đã chủ động nhập về các đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu và hàng đặc sản Tết như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu, dưa món,... để những người con xa quê vẫn có thể cảm nhận được một phần không khí Tết nơi quê nhà. Dịch vụ bán hàng online, ship hàng tận nhà cũng được các siêu thị, cửa hàng áp dụng tối đa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Trước đó, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 3396/KH-SCT về dự trữ, cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch, tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 1.900 tỷ đồng.
Trong số đó, 19 đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia dự trữ với tổng giá trị gần 819 tỷ đồng. Các thương nhân kinh doanh tại 4 chợ loại 1 thuộc Sở (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường) và các chợ trên địa bàn quận, huyện đã dự trũ hàng hóa với tổng kinh phí 550 tỷ đồng.
Các thương nhân tại các tuyến phố kinh doanh cũng dự trữ hàng hóa với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Hàng hóa được dự trữ phục vụ Tết tập trung vào các mặt hàng: gạo, nếp, thịt các loại, rau củ quả, thực phẩm khô, bánh kẹo.... Riêng tại chợ đầu mối Hòa Cường, vào những ngày giáp Tết, lượng rau, củ, quả dự trữ từ 800 - 900 tấn/ngày.
Theo đánh giá của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, nhìn chung năm nay, hàng hóa dự trữ, chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên Đán 2022 từ phía các doanh nghiệp và thương nhân trên địa bàn thành phố khá đa dạng và phong phú về chủng loại. So với năm 2021, lượng hàng hóa dự trữ tăng nhẹ, khi nhu cầu tiêu dùng tăng, các doanh nghiệp sẽ điều động bổ sung để phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Kon Tum: Trồng dưa hấu trúng mùa nhưng bán rẻ hơn rau muống, gọi thương lái ời ời vẫn "bặt tăm" Nông dân trồng dưa hấu tại tỉnh Kon Tum đang "đứng ngồi không yên" khi gần đến mùa thu hoạch, giá dưa hấu rớt thê thảm chỉ còn từ 2.500-3000 đồng/kg. Điều này xuất phát từ việc các cửa khẩu thông thương với Trung Quốc ở phía Bắc bị ùn ứ hàng hóa, trong đó có dưa hấu. Vụ dưa hấu năm nay,...