Sân bay Tân Sơn Nhất 100 năm trước của Sài Gòn
Tọa lạc tại ngôi làng nằm trên gò đất cao nhất của Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất hồi đầu thế kỷ 20 chỉ có một đường băng bằng đất, xung quanh trồng cỏ.
Nằm cách trung tâm TP HCM 8 km về phía Bắc, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ( quận Tân Bình) là đầu mối giao thông quan trọng của cả miền Nam. Năm 2015, sân bay phục vụ hơn 26,5 triệu lượt khách, nằm trong nhóm 50 sân bay có lượng khách nhiều nhất thế giới.
Không ảnh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968, khu vực trên và dưới đường băng vốn là căn cứ quân sự nay thành khu dân cư và sân golf. Ảnh: Flickr
Theo cuốn Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, Tân Sơn Nhứt (tên ngày xưa) trước năm 1919 là tên một ngôi làng nằm trên gò đất cao ráo phía Bắc Sài Gòn có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào khai phá, lập nên đất Sài Gòn – Gia Định. Về địa giới hành chính, làng thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và giáp các thôn Tân Sơn Nhì, Hạnh Thông Tây, Phú Nhuận… nay đều là tên các địa danh ở thành phố.
Đến năm 1920, khi thành lập phi đội Nam kỳ, chính quyền thực dân Pháp lấy phần lớn diện tích của làng Tân Sơn Nhứt để xây dựng sân bay. Tên của làng cũng thành tên sân bay từ đó. Phần đất còn lại của ngôi làng nhỏ hẹp không đủ tiêu chuẩn lập làng riêng, nên hợp với làng Chí Hòa thành làng Tân Sơn Hòa.
Ban đầu sân bay Tân Sơn Nhứt có một đường băng, nền đất, xung quanh trồng cỏ chỉ dùng cho quân sự. Năm 1921 tuyến bay thẳng Hà Nội – Sài Gòn đầu tiên được khai trương, một lượt bay mất 8 giờ 30 phút.
Năm 1930, chính quyền Sài Gòn muốn mở rộng sân bay phục vụ mục đích dân sự nhưng giá đất xung quanh sân bay đã cao vọt lên, không đủ ngân sách để bồi thường. Người ta nghĩ tới việc tìm ở Cát Lái thuộc Thủ Đức một khu đất vuông vức, mỗi chiều 1.400 m để xây dựng sân bay khác.
Công việc chưa kịp tiến hành thì gặp lúc khủng hoảng kinh tế thế giới, nếu xây dựng lại từ đầu tốn kém nên chương trình làm sân bay mới đành hủy bỏ. Nhà chức trách lúc bấy giờ quay lại việc đền bù để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhứt.
Sân bay Tân Sơn Nhất năm 1938 trong lần đón Bảo Đại bị thương khi đi săn ở Đà Lạt về Sài Gòn chữa trị. Ảnh: Tư liệu
Cuối năm 1933, chuyến bay quốc tế đầu tiên của Hãng hàng không Pháp (Air France) bay tuyến Paris – Sài Gòn (hồi đó không bay đêm) mất đúng một tuần mới hạ cánh Tân Sơn Nhất. Sau đó, nhiều tuyến bay quốc tế khác được mở. Đến năm 1937, toàn quyền Đông Dương cho thành lập Sở hàng không dân dụng Đông Dương thay thế cho Sở Hàng không dân sự, để lo việc khai thác các chuyến bay.
Video đang HOT
Khi vào Việt Nam, Mỹ cho xây dựng sân bay rộng hơn, dài hơn 3.000 m bằng bêtông thay cho đường băng đất đỏ Pháp làm trước đó. Sân bay mới vừa phục vụ thương mại vừa là nơi không quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn sử dụng làm căn cứ.
Theo một chuyên gia ngành hàng không, trước năm 1975, Tân Sơn Nhất có số lượng chuyến bay mỗi ngày cao nhất tại Đông Nam Á. Quỹ đất để phát triển lâu dài sân bay lúc đó khoảng 3.600 ha, gấp ba lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore.
Phần đất này sau 1975 được cắt ra trong quá trình đô thị hóa, giao cho một số quận như Tân Bình, Gò Vấp quản lý. Theo đó, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền dọc đường Trường Chinh về ngã tư An Sương hay từ Phổ Quang sang Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung… vốn nằm trong hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất xưa.
Hiện sân bay chỉ còn khoảng 1.500 ha, trong đó 850 ha được sử dụng dân dụng, phần còn lại do Bộ Quốc phòng quản lý. Trong đất quân đội này có 160 ha để làm sân golf và dịch vụ. Cuối năm 2015, Bộ Quốc phòng cũng thông tin sẵn sàng nhường 20 ha đất ở khu vực sân bay cho Bộ Giao thông Vận tải để mở rộng Tân Sơn Nhất nhưng đến nay việc bàn giao chưa hoàn tất.
Không ảnh sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại. Ảnh: Panoramio
Tân Sơn Nhất hiện quá tải do tốc độ phát triển nhanh trong khi việc mở rộng bị đình trệ. Thêm nữa, sân bay phải đối diện việc ngập nước, ảnh hưởng đến hàng chục chuyến bay cũng như đe dọa an toàn bay.
Chiều tối 26/8 mưa lớn, khu vực bãi đỗ máy bay gần kênh thoát nước A41 bị ngập hơn 30 cm khiến hàng chục chuyến bay bị ảnh hưởng, nhiều chuyến phải chuyển sang đáp ở các sân bay lân cận hoặc nước ngoài.
Sơn Hòa
Theo VNE
Sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng trước lễ 2/9
Toàn bộ các tuyến đường dẫn vào Tân Sơn Nhất nghìn nghịt ôtô, xe máy và kéo dài nhiều km.
Lối ra vào sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) từ trưa 1/9 đã có cả nghìn ôtô xếp hàng dài. Đến chiều tối, lượng khách đổ về đây ngày một đông khiến khu vực xung quanh sân bay và đường Trường Sơn ùn tắc 2-3 km.
Ôtô chờ ra khỏi sân bay tại ga quốc tế.
Không chỉ ở Trường Sơn, các con đường xung quanh sân bay như Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyệt, Bạch Đằng... kẹt cứng, các xe không nhúc nhích suốt thời gian dài. Tiếng còi xe huyên náo cả khu vực.
Không gian ngột ngạt, nóng hầm hập. Chị Liên (ngụ quận Tân Bình) chống cằm vẻ mệt mỏi trên đường Bạch Đằng khi dòng phương tiện không thể di chuyển. "Tôi nhích từng chút một đã hơn 30 phút rồi, hai tay mỏi nhừ", chị nói.
Người đàn ông mở cửa ôtô, đu người lên cao nhìn dòng xe kéo dài nhiều cây số, đầy vẻ bồn chồn.
Các xe chạy từ đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) vào đường Bạch Đằng bị kẹt cứng hướng về phía sân bay. Đường nội đô được cho là đẹp nhất TP HCM mới thông xe toàn tuyến hôm 30/8 sớm quá tải khi xe qua lại quá đông vào dịp lễ.
Nhiều hành khách chờ quá lâu sợ trễ giờ bay phải xuống xe chạy bộ vào Tân Sơn Nhất để kịp làm thủ tục.
Họ mang lỉnh kỉnh hành lý, đi bộ 1-2 km để vào sân bay. "Đi thế này còn thấy khoẻ hơn ngồi trong ôtô mà 'đứng hình' suốt cả tiếng đồng hồ, sốt ruột không chịu được. Chuyến bay của chúng tôi cũng gần đến giờ rồi", anh Duy Minh mua vé đi Đà Nẵng nghỉ dưỡng dịp Quốc khánh nói.
Xe ôm túc trực trên vỉa hè chờ đón những vị khách cần vào sân bay gấp. Quãng đường khoảng một km bình thường chỉ mất 20.000 đồng nhưng nay khách phải trả 70.000 đồng.
Tại đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) gần sân bay, dòng người đổ về quê bằng xe máy cũng đông nghịt. Đến giờ tan tầm, con đường này kẹt cứng, hàng chục nghìn phương tiện nhích từng chút một.
Chị Văn Bé Tư cho biết chạy xe máy từ đường Phạm Văn Đồng về vòng xoay Lăng Cha Cả mất hơn một giờ, trong khi thường ngày chỉ khoảng 10 phút
Lực lượng CSGT được huy động, chia nhau chốt tại các giao lộ để điều tiết xe. Họ liên tục di chuyển, tuýt còi, mồ hôi nhễ nhại giữa dòng người đông đúc.
Dịp 2/9 này được nghỉ lễ 3 ngày nên nhiều người chọn về quê hoặc đi du lịch. Các cửa ngõ của Sài Gòn như bến xe, sân bay vì thế kẹt cứng. Từ ngày 10/9, Sở GTVT TP HCM cấm ôtô trên một số đoạn đường quanh sân bay như Trường Sơn, Phạm Văn Hai, Thăng Long và Hậu Giang để giảm ùn tắc cho khu vực cửa ngõ này.
Duy Trần
Theo VNE
Khẩn cấp xây cầu vượt gỡ kẹt cho sân bay Tân Sơn Nhất Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho phép UBND TP.HCM quyết định việc chỉ định thầu theo thẩm quyền chọn nhà thầu xây cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn với đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc...