Samsung và BlackBerry cùng phủ nhận vụ sáp nhập 7,5 tỷ USD
Thông tin Samsung đề nghị mua lại BlackBerry với giá lên tới 7,5 tỷ USD đã gây xôn xao trong giới công nghệ.
Hãng tin Reuters cho biết các lãnh đạo của hai công ty đã gặp nhau tuần trước để bàn về một vụ sáp nhập. Samsung đưa ra mức giá 13,35 USD – 15,49 USD cho mỗi cổ phiếu của hãng Canada. Nếu thương vụ thành công, Samsung sẽ lập tức nắm trong tay kho bằng sáng chế phong phú cũng như đưa hãng Hàn Quốc có vị thế cao hơn trên thị trường thiết bị dành cho doanh nghiệp đầy béo bở và hấp dẫn.
Ảnh: Reuters.
Khi thông tin này được phát đi, cổ phiếu của BlackBerry tăng vọt hơn 30% lên thành 12,6 USD (cao nhất kể từ tháng 6/2013). Tuy nhiên, ngay sau đó, BlackBerry đã lên tiếng khẳng định không có cuộc đàm phán mua bán nào giữa họ và Samsung thời gian qua. Giá cổ phiếu lập tức hạ xuống 10,65 USD.
Trong khi đó, báo Globe and Mail cũng cho biết BlackBerry đã từ chối một số lời đề nghị trong các tháng qua vì ban lãnh đạo và các nhà đầu tư lớn cho rằng việc tập trung cải tổ, tái cấu trúc sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho các cổ đông so với những gì mà một vụ sáp nhập đem lại.
Cuối ngày 14/1, Samsung cũng phủ nhận thông tin trên và cho biết họ không đưa ra lời đề nghị mua BlackBerry. Samsung hiện là nhà sản xuất smartphone số một trên thị trường nhờ những sản phẩm dành cho người tiêu dùng, trong khi đó họ chưa thiết lập được vị trí đáng kể trên thị trường khách hàng doanh nghiệp.
Châu An
Theo VNE
8 sự kiện nổi bật làng công nghệ 2014
2014 là năm có nhiều biến động trong lĩnh vực công nghệ với hàng loạt vụ tấn công mạng quy mô lớn, những vụ sáp nhập tiền tỷ và sự vươn lên của các thương hiệu điện thoại Trung Quốc.
Sự phổ biến và ra đi bất ngờ của Flappy Bird
Video đang HOT
Hành trình đầy thăng trầm của Flappy Bird cùng những lần xuất hiện hiếm hoi của tác giả Nguyễn Hà Đông đã khiến giới truyền thông thế giới phải tò mò.
Ra đời từ năm 2013 nhưng không thu hút sự chú ý và những tưởng sẽ dần rơi vào quên lãng, Flappy Bird bất ngờ gây sốt vào đúng dịp đầu năm 2014. Nhiều người cảm thấy bực bội khi không thể điều khiển được con chim bay qua các ống nước, trong khi báo chí liên tục săn tìm thông tin về tác giả của trò chơi gây khó chịu nhất thế giới. Thậm chí, khi nhiều độc giả yêu cầu hãy để Nguyễn Hà Đông được yên, tạp chí Forbes đã trả lời rằng đây là câu chuyện hấp dẫn và họ không thể bỏ qua.
Khi đang ở đỉnh cao, Hà Đông một lần nữa đưa ra quyết định gây ngỡ ngàng là gỡ trò chơi khỏi App Store và Google Play vì "không muốn mọi người quá nghiện game" trong sự tiếc nuối của người dùng. Dù Flappy Bird không quay trở lại, thành công của Hà Đông đã tạo niềm cảm hứng cho không ít nhà phát triển ứng dụng và game tại Việt Nam.
Sản phẩm đầu tiên của Tim Cook ở thời hậu Steve Jobs
Apple vẫn liên tục gặt hái thành công lớn với sự chèo lái của CEO Tim Cook. Tuy nhiên, điều đó vẫn không đủ thuyết phục giới phân tích vì họ cho rằng thành công của Apple đến từ những sản phẩm ra đời dưới sự điều hành và con mắt khắt khe của Steve Jobs. Họ mong chờ một sản phẩm hoàn toàn mới mang đậm dấu ấn của Tim Cook.
Điều này cuối cùng đã diễn ra vào tháng 9 khi Apple trình làng đồng hồ thông minh Apple Watch - thiết bị di động không còn chữ "i" đứng đầu như iPhone, iPad, iPod, iMac. Dù chưa được bán ra thị trường, Apple Watch đã được xếp vào danh sách 25 phát minh của năm do tạp chí Time bình chọn.
Cũng trong sự kiện vào tháng 9, Apple lần đầu gia nhập thị trường phablet với iPhone 6 và iPhone 6 Plus. Dù vấp phải nhiều chỉ trích rằng sản phẩm dễ dàng bị bẻ cong, bộ đôi iPhone mới vẫn đạt doanh số kỷ lục trong giai đoạn đầu.
Facebook chi 19 tỷ USD mua WhatsApp
2014 là năm của những thương vụ tiền tỷ trong giới công nghệ: Google mua Nest giá 3,2 tỷ USD, Lenovo mua Motorola với 2,9 tỷ USD, Apple chi 3 tỷ USD mua Beats, Microsoft mua Mojang với 2,5 tỉ USD... Tuy nhiên, tất cả đều thua trước thương vụ gây sốc của Facebook. Mark Zuckerberg đã không ngần ngại bỏ ra tới 19 tỷ để có được WhatsApp - công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin di động mới thành lập cách đây 5 năm và chỉ có 55 nhân viên.
"Không ai trong lịch sử đã làm được điều như thế", Mark Zuckerberg nhận xét về thành công của WhatsApp. "WhatsApp đang trong hành trình kết nối một tỷ người với nhau". Trước đó, khi mà cả thế giới coi ứng dụng trên điện thoại di động chỉ là các phần mềm nhỏ bé, Facebook đã gây xôn xao khi chi 1 tỷ USD để mua lại Instagram vào đầu năm 2012, mở ra những giấc mơ làm giàu cho các nhà phát triển ứng dụng.
Hơn 100 sao bị lộ ảnh nóng vì tài khoản iCloud bị hack
Lần đầu tiên, một vụ "hack tập thể" tài khoản iCloud của các ngôi sao Hollywood bị công khai trên mạng. Kẻ tấn công đã sử dụng các thủ thuật để dò mật khẩu cá nhân và thu thập hàng loạt những bức hình nhạy cảm của Jennifer Lawrence, Kate Upton, Rihanna, Ariana Grande... rồi tung lên diễn đàn 4Chan.
Apple cho hay sự cố này không phải lỗi hệ thống của iCloud mà do người dùng đã đặt mật khẩu dễ đoán. Trong khi đó, Google lại bị vạ lây và vướng phải kiện cáo vì không xóa những ảnh nude này trong các kết quả tìm kiếm.
Vụ tấn công mạng đình đám nhất 2014
Một loạt vụ tấn công, đều có quy mô rất lớn, đã xảy ra trong năm 2014 nhưng vẫn không thể so với "cú chót" cùng sự tham gia của ba nhân vật chính: Sony, The Interview và nhóm hacker GOP.
Sony Pictures thực hiện bộ phim hài giả tưởng mang tên The Interview, trong đó hai ngôi sao Seth Rogen và James Franco vào vai các nhà báo được CIA thuê ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đúng một tháng trước ngày công chiếu dự kiến (25/12), Sony Pictures hứng chịu một đợt tấn công lớn khiến toàn bộ hệ thống máy tính nhân viên tại hãng phim này phải ngưng hoạt động và tê liệt bởi nhóm hacker tự nhận là GOP, lấy đi hơn 100 TB dữ liệu khác nhau.
Nhóm hacker đã gây áp lực yêu cầu Sony Pictures hủy công chiếu The Interview. Sony cũng quyết định hoãn vì nhiều hệ thống rạp lớn ở Mỹ đã từ chối chiếu phim do lo ngại nguy cơ khủng bố gây ảnh hưởng đến người xem. Trong khi đó, Cục điều tra liên bang Mỹ FBI khẳng định đã tìm ra bằng chứng cho thấy Triều Tiên liên quan đến vụ tấn công này. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên tiếng cảnh cáo Triều Tiên trong khi Triều Tiên tuyên bố sẽ sẵn sàng đáp trả nếu bị tấn công.
Gần đến Giáng sinh, Sony bất ngờ quyết định vẫn giữ nguyên kế hoạch công chiếu The Interview và thu về hơn 1 triệu USD trong ngày đầu tiên, khiến có nhiều ý kiến cho rằng bộ phim đã vô tình được hacker "PR" một cách ngoạn mục.
Thị trường smartphone không còn Nokia
Sau nhiều tháng sáp nhập và chuyển đổi giữa Microsoft và Nokia, "cựu vương" đến từ Phần Lan cuối cùng cũng chia tay thị trường smartphone. Tháng 4/2014, bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia đã chính thức thuộc về tập đoàn phần mềm Mỹ và được đổi tên thành Microsoft Mobile.
Tiếp đó, đến tháng 10/2014, thương hiệu Nokia Lumia trở thành Microsoft Lumia. Sự chuyển đổi này diễn ra trên cả tên gọi của các thiết bị, bao bì và tại hệ thống bán lẻ. Dù biết điều này sớm muộn sẽ diễn ra, không ít người dùng vẫn tỏ ra tiếc nuối vì cái tên Nokia đã luôn gắn bó với họ từ thời điện thoại di động mới xuất hiện ở Việt Nam.
Xiaomi và sự trỗi dậy của các hãng điện thoại Trung Quốc
Các hãng điện thoại vẫn luôn lo ngại về sự bành trướng của dòng thiết bị giá rẻ đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong số đó, Xiaomi nổi lên như một "thế lực mới". Ra đời năm 2010, chỉ sau vỏn vẹn 4 năm với kiểu kinh doanh khác truyền thống (bán theo đợt online thay vì phân phối qua các đại lý), Xiaomi đã nhanh chóng vươn lên đứng vị trí thứ tư thế giới trong quý III/2014 theo thống kê của Gartner.
Không dừng lại ở đó, Xiaomi còn khiến các ông lớn là Apple và Samsung "nóng mặt" khi tuyên bố sẽ là công ty số một trên thị trường smartphone trong vòng 5-10 năm tới. Jonathan Ive, Phó chủ tịch phụ trách thiết kế của Apple và vốn là người kiệm lời, đã lên tiếng chỉ trích Xiaomi chỉ là kẻ lười biếng khi ăn cắp ý tưởng thiết kế của Apple để sản xuất ra những mẫu điện thoại giống iPhone cả về ngoại hình lẫn giao diện người dùng.
Bill Gates rời ghế chủ tịch, Microsoft có tân CEO
Năm nay, Microsoft có sự xáo trộn lớn khi nhà đồng sáng lập Bill Gates không còn giữ chức Chủ tịch. Sau nhiều năm nắm quyền lực cao nhất tại hãng phần mềm số một thế giới, tỷ phú nổi tiếng này sẽ chỉ còn giữ chức cố vấn công nghệ. Thay thế ông là John Thompson, người đang giữ một ghế giám đốc tại Microsoft.
Trong khi đó, Satya Nadella, người Ấn Độ và năm nay 46 tuổi, đã nắm giữ vị trí CEO của Microsoft thay cho Steve Ballmer. Nadella đã tạo được dấu ấn đáng kể trong vài tháng năm quyền, như chi 2,5 tỷ USD mua nhà sản xuất game Minecraft hay tập trung phát triển Windows 10...
Châu An
Theo VNE
Những vụ sáp nhập đình đám trong làng công nghệ 2014 2014 là năm mua sắm sôi động của làng công nghệ với những thương vụ kỷ lục như Facebook thâu tóm WhatsApp, Apple mua Beats... Google "mở hàng" bằng việc tuyên bố đạt được thỏa thuận mua lại công ty Nest Labs với giá 3,2 tỷ USD tiền mặt vào giữa tháng 1/2014. Nest là công ty chế tạo máy điều nhiệt thông...