Sầm Sơn “thất thủ” ngày cuối tuần
Thời gian qua, thời tiết nắng nóng nên lượng người dân và du khách đổ về bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) rất đông, đặc biệt là dịp cuối tuần.
Thậm chí giờ cao điểm ngày cuối tuần, bãi biển này trở nên “thất thủ”, người người chen chân tắm biển.
Theo ghi nhận trong 2 ngày cuối tuần (22 và 23-6), bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón lượng khách rất đông về đây tắm mát, giải nhiệt. Ảnh: Quách Du
Lượng người dân và du khách đổ về bãi tắm Sầm Sơn đông nhất vào khoảng từ 16h30 đến 17h30 hằng ngày. Ảnh: Quách Du
Vào lúc cao điểm, có đến cả vạn người chen chân tắm mát, khiến bãi tắm trở nên “thất thủ”. Ảnh: Quách Du
Lượng người tắm biển đông, khiến lực lượng cứu hộ bãi biển phải làm việc liên tục, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Ảnh: Quách Du
Video đang HOT
Trên bờ cát và dưới mặt nước luôn trong tình trạng chật kín người. Ảnh: Quách Du
Các hàng quán thu hút khá đông du khách ngồi uống nước, hóng mát. Ảnh: Quách Du
Tại các bãi trông giữ xe luôn trong tình trạng chật kín phương tiện. Ảnh: Quách Du
Núi thiêng Trường Lệ và dấu tích khu nghỉ dưỡng thời Pháp thuộc
Ít người biết rằng, người Pháp trong thời kỳ đô hộ Việt Nam đã từng xây dựng một hệ thống khu nghỉ dưỡng với nhiều tòa lâu đài nguy nga và tráng lệ trên núi thiêng Trường Lệ (Phường Trường Sơn, Thành phố Sầm Sơn, Tỉnh Thanh Hoá).
Phía Đông, chân dãy núi Trường Lệ có bãi biển Vua Bảo Đại với những khối đá có hình thù bắt mắt
NÚI THIÊNG TRƯỜNG LỆ
Cái tên Núi Trường Lệ gắn liền với câu truyện thần thoại của cư dân miền biển Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay). Chuyện xưa kể rằng, năm ấy một cơn đại hồng thủy đã cuốn hết thảy mọi thứ ra Biển Đông, một người phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh hạ bị nước lũ cuốn trôi ra biển, khi nước rút, sóng đẩy người phụ nữ vào bờ, thuộc làng Kẻ Trường. Dân làng khóc thương nàng, lấy đất, đá đắp thành nấm mộ, tạo nên dãy núi Trường Lệ, có nghĩa là nước mắt dài. Từ trong bụng người mẹ đó sinh ra cậu bé khôi ngô, chẳng bao lâu sau đã trở thành một chàng trai vạm vỡ, sức khỏe phi thường, hàng ngày giúp đỡ dân làng.
Cũng vào thời điểm này xuất hiện một loài thủy quái thường ăn thịt ngư dân ngoài biển, lúc lại vào làng sát hại dân lành, khiến nhiều người hoang mang, bỏ làng đi nơi khác kiếm sống. Để diệt bầy thủy quái giúp dân làng, chàng trai đã dùng thanh kiếm sắc rạch thân mình ra làm hai: một nửa cùng dân làng ra khơi đánh cá, nửa còn lại đứng ở đầu dãy núi Trường Lệ, từ đó bọn thủy quái không còn xuất hiện nữa. Dân làng ngày một đông vui, cá đầy khoang sau mỗi lần ra biển. Nhớ ơn chàng, dân làng xây đền trên núi Trường Lệ, gọi là Đền Độc Cước. Từ Đền Độc Cước, bạn có thể tận hưởng gió trời lồng lộng mang theo vị mặn của biển. Xa xa, những làng chài lấp ló sau rặng phi lao hát vi vu trong gió.
Bãi biển Vua Bảo Đại tuyệt đẹp
Núi Trường Lệ còn ẩn chứa trong mình một truyền thuyết đẹp về Đền Cô Tiên. Truyền thuyết xưa kể lại rằng, ngôi đền này thờ một người con gái làm nghề thuốc cứu nhân độ thế. Cô gái vì không vâng lời cha lấy một kẻ nhà giàu nên bị cha đuổi đi. Sau đó, cô đem lòng yêu và lấy anh chàng nghèo khó mà tốt bụng tên là Côi. Cuộc sống đang êm ả thì nàng bị bệnh hủi. Có một cụ bà xuất hiện đã chạy chữa bằng thuốc nam và nước suối lấy từ Vụng Tiên. Cô gái khỏi bệnh, bà cụ ra đi để lại cho vợ chồng họ một tay nải để che mưa và một giỏ mây để đựng thuốc lá cứu người.
Một lần, hai vợ chồng đi chữa bệnh về khuya, gặp trời mưa to, nhớ lời bà cụ dặn lấy tay nải ra che mưa, rồi thiếp đi lúc nào không biết. Sáng dậy, hai vợ chồng thấy mình đang ở trong một ngôi nhà 3 gian khang trang, sạch đẹp. Từ đó, hai vợ chồng ở lại ngôi nhà, hái lá nam chữa bệnh cho mọi người trong vùng. Một buổi sáng đẹp trời, cả hai vợ chồng ăn mặc rất đẹp, dắt tay nhau đi lên đỉnh núi rồi không thấy trở về. Từ đó ngôi nhà trở thành Đền Cô Tiên, được dân làng chăm lo khói hương. Ngôi đền vinh dự được Bác Hồ về thăm và nghỉ chân năm 1960 và đã nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Núi Trường Lệ xuất hiện trong từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh: "Tên một trái núi ở Thanh Hóa, khí hậu rất tốt, người Tây lấy để làm nơi nghỉ mát". Điều này trùng với những khảo cứu của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ: "Người Pháp xây dựng trên núi Trường Lệ chỗ hòn Cổ Giải một khu dành riêng cho họ nhiều lâu đài, biệt thự mang tên "Sầm Sơn Haut", dịch Sầm Sơn Thượng. Bãi biển Sầm Sơn là khu vực bãi tắm, sở cẩm, bang tá và khu phố nhỏ gồm cửa hàng, chợ búa để phục vụ người Pháp là chính...".
Với cảnh sắc hùng vĩ, hữu tình cùng nhiều thắng tích huyền thoại, người Pháp đã nhìn ra một viễn cảnh sáng giá của Sầm Sơn và đón đầu xu hướng du lịch nghỉ dưỡng từ hơn 100 năm trước. Do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, những tòa lâu đài nghỉ dưỡng của người Pháp xây dựng đã sụp đổ và nằm im lìm dưới tán rừng rậm rạp của núi Trường Lệ. Những dấu tích này được đánh thức khi chúng tôi trở lại tìm dấu tích.
Một phần núi Trường Lệ phía giáp Biển Đông.
DẤU TÍCH CÒN SÓT LẠI
Trong ký ức chưa xa của ông Vũ Tiến Khả, thủ nhang Đền Cô Tiên trên dãy núi Trường Lệ, thì chỉ cách đây chừng 20 năm thôi, ông lên núi hái củi vẫn thấy những bức tường dày chừng 30 cm hoang phế lấp ló trong những bụi dứa dại. Có những vết tích nền nhà rộng hàng trăm m 2 ẩn hiện trong hoang vu cây sim um tùm. Ông Khả bảo rằng, theo lời bố ông kể lại, thời đó, bố ông Khả bị Pháp điều động làm "cuông nhốc" (người phục dịch) cho Pháp để xây những công trình nghỉ dưỡng trên núi Trường Lệ. Vật liệu xây dựng thời đó gồm gạch đặc, đá khai thác từ núi Nhồi (Tp. Thanh Hóa) và đá thạch anh, loại đá vốn có trên dãy núi Trường Lệ. Các công trình Pháp xây dựng gồm có: đường cho ô tô lên núi, bãi đỗ trực trăng, nhiều nhà nghỉ dưỡng và khu nhà ăn.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa Tp. Sầm Sơn Cao Văn Tâm thì trên dãy núi Trường Lệ vẫn còn hiển hiện dấu tích một khu nghỉ mát của Vua Bảo Đại rộng vài trăm m 2. Dẫn chúng tôi vượt qua những tán dứa dại cao hơn 3m, ít dấu chân người, anh Tâm vạch cỏ chỉ dẫn nền móng tòa nhà khu nghỉ mát của vị Vua này. Theo quan sát của chúng tôi, khu nghỉ dưỡng của Vua Bảo Đại rộng chừng 500 m 2, còn dấu tích móng từng tòa nhà lớn nhỏ. Anh Tâm cho biết, bãi biển này là nơi Vua Bảo Đại hay xuống tắm mỗi lần về núi Trường Lệ nghỉ dưỡng. Sau năm 1975, người dân Sầm Sơn lên núi hái củi còn nhặt được vàng lá xung quanh nơi này. Đi hết khu nền móng là bãi biển tuyệt đẹp hiện ra. Ngày nay, người dân địa phương vẫn gọi bãi biển này là Bãi biển Vua Bảo Đại.
Khu vực biển Bảo Đại có nhiều khối đá có hình thù và màu sắc kỳ lạ, bắt mắt. Theo khảo sát của Viện Địa chất Việt Nam, những khối đá này như những tấm bản đồ địa chất tự nhiên, có thể đọc được quá trình hình thành địa chất của dãy núi Trường Lệ cũng như kiến tạo địa chất vùng biển Thanh Hóa thời kỳ cổ đại.
Vết tích nền móng xây dựng bằng đá thạch anh của người Pháp
Dãy núi Trường Lệ được cấu thành từ những núi xếp liên tiếp nhau, hướng từ phía đất liền vươn dần ra tới biển. Anh Tâm cho biết, dãy núi này có khí hậu khác biệt so với phần còn lại của Tp. Sầm Sơn, mùa hè mát rượi như đi rừng nguyên sinh, chỉ cần xuống chân núi thôi là bắt gặp cái nóng hầm hập của miền Trung nắng gió. Có lẽ vì có vùng tiểu khí hậu ôn đới đặc biệt, người Pháp và Vua Bảo Đại đã chọn dãy núi này để xây dựng khu nghỉ dưỡng mà ngày nay, do chiến tranh tàn phá chỉ còn lại những vết tích nền móng.
Ông Lương Tất Thắng, Chủ tịch UBND Tp. Sầm Sơn cho biết, tận dụng những lợi thế về địa hình, địa mạo và những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thành phố đang quy hoạch và xây dựng dãy núi Trường Lệ thành khu du lịch trọng điểm. Thành phố đã giao cho Trung tâm Văn hóa tìm kiếm tài liệu sử học từ các nguồn trong và ngoài nước để có thể phác họa phần nào khu nghỉ dưỡng của người Pháp và của Vua Bảo Đại gồm các nội dung: năm xây dựng, quy mô công trình, cách thức xây dựng, vai trò của khu nghỉ dưỡng này thời kỳ Pháp thuộc... để giới thiệu đến du khách, làm phong phú hơn nét văn hóa người miền biển của thành phố trẻ Sầm Sơn
Singapore mong muốn đón thêm du khách Việt Nam Trong năm 2023, Singapore đã chào đón hơn 458.000 lượt khách Việt Nam. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024, hơn 155.000 du khách Việt Nam đã đến Singapore. Những con số này khẳng định Singapore vẫn là điểm đến được du khách Việt ưa chuộng. Theo bà Serene Ng - Trưởng đại diện Cơ quan Du lịch Singapore (STB) tại Việt Nam,...