Saigonbank: Nợ xấu tăng đột biến lên 6,4%, thêm sếp lớn bất ngờ từ nhiệm
Saigonbank thuộc nhóm ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống, có vốn của Thành uỷ TP.HCM.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vừa có thông báo cho biết từ 26/11/2018, ông Nguyễn Minh Trí từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2013-2017 do không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức.
Được biết, ông Nguyễn Minh Trí đại diện cho phần vốn góp của công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa – cổ đông lớn nắm 16,35% cổ phần tại Saigonbank.
Saigonbank là ngân hàng có nhiều biến động về nhân sự cấp cao trong thời gian vừa qua. Cách đây 5 tháng, ngân hàng miễn nhiệm ông Phạm Văn Thông thôi chức Chủ tịch HĐQT từ ngày 19/6 do không còn là người đại diện vốn góp theo ủy quyền của Thành ủy TP.HCM tại ngân hàng.
Ông Phạm Văn Thông từng giữ chức Phó Chánh văn phòng Thành uỷ TP.HCM, bị kỷ luật do sai phạm trong hai vụ việc: Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận hợp tác Đầu tư để chuyển nhượng dự án Khu nhà ở tại phường An Phú, quận 2.
Video đang HOT
Sau khi ông Phạm Văn Thông rời ghế Chủ tịch, ông Vũ Quang Lãm, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Saigonbank cũng thôi giữ chức danh TGĐ để đảm nhiệm công việc của Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017. Bà Võ Thị Nguyệt Minh – Phó TGĐ thường trực chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Saigonbank thay cho ông Lãm.
Về Saigonbank, ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của Việt Nam đang trải qua những ngày khá khó khăn khi tăng trưởng tín dụng và huy động đều bị âm trong 9 tháng, lợi nhuận giảm 50% so với cùng kỳ năm trước (đạt 122 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018).
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu tăng đến mức 6,4% trên tổng dư nợ – gấp đôi ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước cũng là một vấn đề đáng quan ngại đối với Saigonbank trong bối cảnh nhân sự cấp cao liên tục biến động thời gian qua. Tính đến 30/9/2018, tổng nợ xấu của Saigonbank ở mức 885 tỷ đồng, tăng 110% so với đầu năm.
Saigonbank có vốn điều lệ 3.080 tỷ đồng – nằm trong nhóm có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống.
Mới đây, ngân hàng cũng có thông báo cho biết đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về số lượng thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2018-2023 kể từ ngày 26/11 đến 7/12.
Hiểu Minh
Theo nguoiduatin.vn
Nợ xấu tăng cao nhưng Saigonbank vẫn thu hút nhà đầu tư
Tính đến cuối tháng 9/2018, nợ xấu tại ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) là 885 tỷ đồng, tăng 110% so với đầu năm, nhưng Saigonbank vẫn được nhiều nhà đầu tư "săn" đón cổ phần.
Được thành lập ngày 16/10/1987 với vốn điều lệ ban đầu là 650 triệu đồng. Saigonbank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam đầu tiên được thành lập trong hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam hiện nay.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2018 mà ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vừa công bố, tổng tài sản của ngân hàng sụt giảm so với đầu năm xuống còn 21.246 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng giảm xuống còn 13.676 tỷ đồng, huy động tiền gửi của khách hàng giảm còn 14.703 tỷ đồng, kinh tế giảm sút mạnh, tình hình kinh doanh trì trệ.
Riverside Hotel tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM), một trong những khối tài sản lớn của Saigonbank.
Điều đặc biệt, dù tình hình kinh doanh đang trì trệ, doanh thu giảm sút mạnh, nợ xấu vẫn đang ở mức rất cao nhưng Saigonbank vẫn đang được nhiều nhà đầu tư "săn" cổ phần.
Theo tìm hiểu của PV báo Dân Sinh, nguyên nhân Saigonbank vẫn thu hút nhà đầu tư được cho là vì ngân hàng này đang sở hữu nhiều khối tài sản đáng mơ ước tại TP.HCM và các tỉnh thành khác trên cả nước...
Cụ thể, tại TP.HCM, hiện nay Saigonbank đang sở hữu nhiều khu đất vàng ở mặt tiền quận 1 như: khách sạn Riverside Hotel tọa lạc tại số 18 - 19 - 20 Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM); hội sở chính của Saigonbank tại số 2C Phó Đức Chính (Quận 1, TP.HCM); ngôi nhà ở 40 Nguyễn Thái Bình (Quận 1, TP.HCM); tòa nhà nằm trên đường Châu Văn Liêm (Quận 5, TP.HCM) với 2 mặt tiền, cùng nhiều khối bất động sản lớn ở quận 7, TP.HCM...
T òa nhà Saigonbank ở 40 Nguyễn Thái Bình (Quận 1, TP.HCM).
Hiện tại, Saigonbank có Thành ủy TP.HCM là cổ đông lớn nhất khi đang sở hữu đến 18,18% (tương đương 560 tỷ đồng) vốn điều lệ. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác cũng là cổ đông lớn của Saigonbank như Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM lần lượt nắm giữ 16,54%, 16,35% và 14,08% vốn ngân hàng.
XUÂN TRƯỜNG
Theo baodansinh.vn
Vietinbank sẽ bán hơn 15 triệu cổ phần Saigonbank giá bao nhiêu? Hơn 15 triệu cổ phần Saigonbank, tương ứng với 4,91% vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ được bán đấu giá trong thời gian tới. Ảnh minh họa Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank - mã CTG) vừa có thông báo về việc thoái vốn khỏi ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank). Ngày 3/10, HĐQT của VietinBank đã...