Sài Gòn thời Pokemon Go
Cơn sốt Pokemon Go thay đổi đời sống Sài Gòn về đêm, người chơi ra đường nhiều hơn, ảnh hưởng cả với những người không mê game.
“Không cầm điện thoại, không chơi Pokemon thì giờ này ra đây làm gì”, Duy Thành, 22 tuổi, sinh viên một trường Đại học tại quận 3, vừa nói vừa dán mắt vào smartphone, trên màn hình, một chú Pokemon xanh lá đang nhảy múa.
Thay đổi nếp sống đêm
Thành chỉ là một trong hàng trăm người chơi có mặt tại công viên Tao Đàn vào lúc nửa đêm về sáng. Chỉ cách đây khoảng 1 tuần, công viên hàng trăm năm tuổi này thường trôi qua những đêm yên ả, không một bóng người.
Nhưng vài ngày trở lại đây, tiếng bước chân thay thế sự yên tĩnh, các bức tượng đá chẳng ai đoái hoài thường ngày giờ tụ tập nhiều người. Buổi sáng, những động tác thể dục, bài võ của các cụ già được thay thế bằng CP, level và hàng loạt thuật ngữ lạ lẫm khác trong game.
Pokemon Go khiến nhiều khu vực vốn yên tĩnh như công viên Tao Đàn nhộn nhịp hơn về đêm.
Ngày 6/8, Pokemon Go chính thức phát hành tại Việt Nam sau khi đã càn quét các bảng xếp hạng ứng dụng iOS và Android trên thế giới. Trò chơi nhanh chóng trở thành cơn sốt với hàng chục triệu lượt tải trên di động, chỉ sau gần một tuần ra mắt.
Từ khóa “Pokemon Go” trở thành hàng nóng trên mọi diễn đàn, mạng xã hội. Mọi động thái liên quan đến trò chơi này được theo dõi từng ngày, từng giờ trên các phương tiện truyền thông.
Ở các đô thị lớn, người ta chứng kiến những nhóm người đổ xuống đường, mắt nhìn vào điện thoại với niềm vui mới.
Tuy nhiên, là một trò chơi mới, Pokemon Go còn nhiều bất cập. Người chơi than phiền vài điểm không có Pokemon, trong khi vài nơi khác lại tập trung rất nhiều thú ảo cũng như các vật phẩm hỗ trợ từ các PokeStop.
Một trong những nơi đó là công viên Tao Đàn. “Tao Đàn là ‘thiên đường’ rồi, ở Tân Phú, Tân Bình phải đi 2 cây số mới có một PokeStop, ở đây ngồi một chỗ có thể ‘xoay’ được 3 điểm”, Phong, nhà ở quận Tân Phú đang thu thập các “bóng” bắt Pokemon ở khu vực tượng Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh. Phong đến đây từ 9h tối, “hôm nay cuối tuần, ở lại muộn hơn”.
“Bình thường họ chơi đến 1-2h sáng, có đứa chơi đến sáng mới về”, nhân viên giữ xe trên đường Trương Định chia sẻ. 1h30 sáng, từng dòng xe vẫn đổ đến bãi giữ này.
Video đang HOT
Không phải ai cũng muốn đi bộ, theo đúng mục đích của trò chơi, không khó bắt gặp những người chở nhau trên xe máy, đuổi theo một Pokemon nào đó.
Có người chạy một mình, lái xe một tay và tay còn lại tìm thú ảo, mắt tất nhiên không nhìn đường. Chuyện va chạm nhẹ, lạng quạng tay lái là thường xuyên. Vài chiếc xe hơi đậu ở lề đường, với ánh sáng của smartphone sau cửa kính.
Trong công viên, đông người đứng ngồi ở các góc, tay vuốt màn hình, đa phần là im lặng, thi thoảng rộ lên vài tiếng xuýt xoa giận dữ vì bắt trượt, hay phấn khích khi thấy Pokemon hiếm.
Thi thoảng, cả đoàn người lao xao dồn về một góc nào đó để tranh một Pokemon hiếm vừa xuất hiện. “Vui lắm, y hệt đi săn thú thật, từ trước giờ hình như chưa có trò chơi nào thu hút như vậy”, Phong nói.
Sức hút lớn từ thú ảo
Trò chơi có sức hút lớn, ngay cả với những người chưa từng tìm hiểu nhiều về Pokemon trong quá khứ.
“Mình thấy bạn bè chơi rồi chơi theo, nhà mình ở ngay đối diện Tao Đàn. Chơi trò này vui, bắt được con này con kia nhìn thích, nhưng bắt xong chỉ khoe chứ chẳng biết để làm gì”, Phương Linh, nhân viên văn phòng tại Quận 3 vừa nói vừa khoe “chó lửa” mới ném được.
Tuy vậy, không khó nhận ra những người chơi “nghiêm túc” tại công viên, họ đi thành từng nhóm 3-4 người, tranh luận rất gay gắt về việc một Pokemon mạnh hay yếu, nên bắt hay không.
“Trò này thực tế, và khó hơn những game tương tự trên máy tính lúc trước, muốn mạnh phải tính toán chỉ số, kỹ năng của Pokemon”, Trương Anh, quận 8, chơi cùng 4 người bạn đồng hành. “Ra đây vừa có không khí, nhiều chỗ nhặt banh, với hình như chỗ nào đông người sẽ dễ ra Pokemon lạ và mạnh”.
Những người chơi này cho biết, rất khó cạnh tranh với những người hack nhân vật vì quá chênh lệch, nhưng họ cũng không muốn dùng phần mềm trái phép, phần vì sợ bị khóa nick, phần vì “ra đường vui hơn”.
Ảnh hưởng đến những người không chơi game
1h sáng tại Bến Bạch Đằng, một giọng thất thanh vang lên: “Công an kìa”. Đoàn người tập trung tại đây lập tức “tháo chạy”, nhiều người trong số đó vẫn vừa lấy xe vừa nhìn màn hình. Đoạn đường bờ sông trên đường Tôn Đức Thắng cũng là một địa điểm săn Pokemon ưa thích của fan Niantic.
“Mấy hôm nay công an phải đi tuần nhiều hơn, mấy đứa chơi ‘Pikachu’ khuya, dựng xe dưới đường, qua nay có mấy chiếc bị đưa về phường rồi”, chị Thanh, một người bán hàng rong ở đây cho biết.
Tình trạng để xe dưới lòng lề đường để chơi Pokemon diễn ra ở hầu hết các điểm chơi lớn. Theo ghi nhận của Zing.vn, các lực lượng trật tự đô thị phải đi tuần và giải tán những chiếc xe đậu không đúng quy định, khoảng 15 phút một lần. Tuy vậy, hầu như việc này không mấy tác dụng.
Người chơi “tháo chạy” khi lực lượng công an đến giải tán những phương tiện đậu xe sai quy định.
“Công an ‘lùa’ thì mình cứ chạy chầm chậm thôi, xong vòng lại đây chơi tiếp. Mình cũng biết để xe đây là sai, nhưng vậy cho gọn, đỡ gửi xe khi di chuyển từ chỗ này qua chỗ kia lụm banh dễ hơn”, một người chơi tên Hà nói khi quay lại xe sau khi đi vào tượng đá ở Tao Đàn.
“Anh cẩn thận đừng có đứng giữa đường chụp hình”, một người chơi cảnh báo chúng tôi, “hôm qua mới có giật điện thoại, may mà mấy người ở đây đuổi theo bắt được ngay”.
Nhiều dịch vụ ăn theo như hàng rong bán thức ăn, nước uống xuất hiện nhiều hơn, một số dịch vụ khác như vá, giữ xe cũng tăng giá. Tuy vậy, không có tình trạng xả rác bừa bãi ở những điểm chơi này.
Dường như những người được lợi nhiều nhất từ Pokemon Go lại là những người không chơi Pokemon Go.
Tất cả chỉ là khởi đầu
“Ba mẹ, bạn bè cũng cản, sợ mình chơi game này nghiện, nhưng thực ra không đi săn thì giờ này cũng ở nhà ôm máy tính, chẳng khác nhau là mấy”, Phương Linh chia sẻ. “Với chơi mấy ngày cuối tuần, hôm nào đi làm cũng chả có thời gian nữa, bắt mấy ngày hình như cũng hết Pokemon mới”.
Theo các diễn đàn chơi game, hiện Pokemon Go vẫn chưa tung hết chức năng, và chuyện nghiện game là hoàn toàn có thể khi họ đưa ra bản đầy đủ của trò chơi.
“Có thông tin tháng 10 sẽ mở các chức năng trao đổi, đấu Pokemon giữa người chơi, thời điểm đó cũng vào nhập học, sẽ nhiều vấn đề”, Hải Minh, quản trị một nhóm chơi trên Facebook cho biết. “Cũng như những trò chơi khác, sẽ có những người nghiện, nhưng lúc nào cũng có người này người kia, chủ yếu do ý thức, nhưng phải công nhận đêm nào cũng chơi khuya thì không ổn”, Anh nói.
Lê Phát
Theo Zing
Tài khoản Pokemon Go giá 11.000 USD trên chợ đen tại Mỹ
Tại Mỹ, xuất hiện khá nhiều màn rao bán tài khoản Pokemon Go, kèm theo đó là dịch vụ "cày thuê" cho những người lười chơi.
Cơn sốt Pokemon Go đang lan ra toàn cầu. Ảnh: Getty Images.
Pokemon Go là một hiện tượng toàn cầu. Ngay cả khi bạn không có chút hứng thú nào, bạn hẳn vẫn nghe khá nhiều về nó, thậm chí chứng kiến những cảnh tượng chưa từng có khi "người người đi bắt pokemon".
Game này mang về 200 triệu USD doanh thu cho nhà phát triển sau một tháng phát hành, lập kỷ lục về số lượng người download trên Apple Store và Google Play. Người ta dành thời gian cho nó mỗi ngày nhiều hơn cả Facebook, Twitter hay Snapchat, theo các nghiên cứu mới đây.
Tại Mỹ, những trang web như League of Trading hoặc PlayerAuctions được xem là "chợ đen", nơi game thủ có thể mua tài khoản của nhiều game phổ biến, từ game trên PC cho đến di động. Những ngày qua, các màn rao bán tài khoản Pokemon Go tràn ngập trên các website này.
Tài khoản Pokemon Go cấp độ 30 được rao bán với giá hơn 11.000 USD tại Mỹ.
Giá bán của những tài khoản này dao động từ 10 USD cho đến hơn 11.000 USD, tùy thuộc vào cấp độ của huấn luyện viên, bộ sưu tập pokemon, điểm Combat (CP) của pokemon và các vật phẩm đi kèm như Stardust, Ultraballs.
Bên cạnh đó, các dịch vụ "cày thuê" cũng xuất hiện nhan nhản. Người chơi chỉ việc cung cấp thông tin tài khoản, phía cung cấp dịch vụ sẽ đăng nhập và làm phần việc còn lại, giúp cho tài khoản của họ lên cấp, kiếm về những chú pokemon khủng.
Những dịch vụ này có giá khởi điểm từ 500 USD. Nó sẽ dao động tùy thuộc vào thời gian chơi và thỏa thuận giữa các bên.
Nhiều người tin rằng, những màn rao bán hay dịch vụ như vậy khó có đất sống. Tuy nhiên, CNBC vừa có cuộc trao đổi với một người có tên Amir Hussaini - người kiếm sống bằng cách bán tài khoản game.
Ông này coi đó là một ngành kinh doanh, với một nhóm người làm nhiệm vụ đi và bắt pokemon một cách hiệu quả nhất. Ông cho biết, ông kiếm trung bình 2.000 USD mỗi tháng từ dịch vụ này, có khi lên đến 5.000 USD.
Đức Nam
Theo Zing
Pokemon GO chạm mốc 100 triệu lượt tải về Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường App Annie, sau một thời gian phát hành, tựa game Pokemon GO đình đám đã chính thức chạm mốc 100 triệu lượt tải về trên Android và iOS. Pokemon GO hiện đã chạm mốc 100 triệu lượt tải về. ẢNH: AFP Theo TechCrunch, con số trên hoàn toàn hợp lý khi chỉ tính trong...