Sài Gòn ‘teo’ dần vì sạt lở
Riêng quận 9 có khoảng 40 ha đất bị nhấn chìm trong hơn chục năm, khu vực ngoại thành khác cũng liên tục bị sạt lở bờ sông khiến diện tích TP HCM đang bị giảm dần.
Trong một tháng qua đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn TP HCM. Mới đây nhất, tối 9/7, khu đất gần 400 m2 tại ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè bị nước nhấn chìm xuống sông Mương Chuối. Toàn bộ nhà số 4/41 rộng hơn 100 m2 biến mất sau một đêm.
Một vụ sạt lở khác hôm 4/7 tại huyện này làm khoảng 1.000 m2 đất ở xã Hiệp Phước biến thành sông, 11 người trong hai căn nhà liền kề may mắn thoát chết. Trước đó 3 ngày, đoạn bờ sông rộng khoảng 2.000 m2 ở cuối đường số 7 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) kéo theo căn nhà kiên cố cùng đôi vợ chồng và con trai 3 tuổi xuống sông nhưng may mắn được cứu sống.
Vụ sạt lở nhấn chìm 2.000 m2 đất xuống sông khuya 1/7 ở quận Thủ Đức. Ảnh: Duy Trần.
Theo khu quản lý đường thủy nội địa TP HCM, từ tháng 5 đến nay đã phát sinh 8 điểm nâng số điểm sạt lở lên 45. Trong đó, huyện Củ Chi có 4 điểm mới; quận 2, Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Nhà Bè mỗi nơi có một.
Tại quận 9, Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ với năm 2003 đến nay đã có hơn 40 ha đất tại phường Long Phước và Long Bình bị sạt lở. Do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vì nạn khai thác cát lậu dọc 22 km bờ sông. Trong 4 tháng đầu năm, lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 8 phương tiện khai thác cát nhưng chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính.
“Nhiều người mua cả nghìn m2 đất, có số hồng hẳn hỏi nhưng hiện bị nước nhấn chìm hết, coi như mất trắng”, anh Phương sống lâu năm ở khu phố Trường Khánh (phường Long Phước) nói.
Theo phản ánh của người dân, gần đây tình trạng sạt lở tại Cù Lao Dừa, thuộc phường Long Trường, cũng bắt đầu xuất hiện. Hơn một tháng qua có hàng chục m2 đất chìm xuống sông, nước ăn sâu vào Cù Lao Dừa 2-5 m và kéo dài hàng chục m.
“Tình trạng này trước đây chưa từng xảy ra, chỉ từ khi xuất hiện những chiếc ghe lạ đến khai thác cát. Chúng tôi rất lo lắng và mong chính quyền sớm ngăn chặn cát tặc để chống sạt lở”, anh Lê Văn Ngói – người dân ở đây cho biết.
Video đang HOT
Tình trạng khai thác cát lậu dọc bờ sông trên địa bàn quận 9 được cho là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ sạt lở. Ảnh: Trung Sơn.
Ngoài ra, việc khai thác cát và nạo vét duy tu luồng tuyến đường thủy nội địa sông Đồng Nai cũng gây sạt lở bờ sông ở quận 9 khiến người dân phản ứng gay gắt. Giữa tháng 6, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân yêu cầu Công ty Cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước – chủ đầu tư – đình chỉ ngay toàn bộ dự án Nạo vét, duy tu tuyến luồng đường thủy nôi đia Quốc gia sông Đông Nai (qua địa bàn TP HCM) cho đến khi cơ quan chức năng có kết luận chính thức về vụ việc.
Riêng tại huyện Nhà Bè, từ đầu năm đến nay đã có 3 vụ sạt lở lớn cuốn trôi hàng nghìn m2, cả chục căn nhà, tài sản… xuống sông. Tại sông Mương Chuối, đoạn qua xã Nhơn Đức, dài khoảng 600 m nước xoáy sâu vào bờ tạo những hàm ếch, nhiều điểm bị sạt lở nước ăn sâu vào đất liền 5-7 m. Hàng dừa nước dọc bờ nhiều cây đã đổ ập xuống lòng sông chỉ còn ngoi lên phần ngọn. Ở phần đất bên trên xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, được người dân rào lại và cấm trẻ em đến gần. Những căn nhà gần bờ sông nứt nẻ, đối diện nguy cơ sạt lở bất kỳ lúc nào.
Nhà bà Nguyễn Thị Hoài, xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) hiện chỉ còn cách bờ gần 10 m khi sông đã ăn sát đến sân nhà. Các vết nứt nẻ trên tường, nền nhà kéo dài và rộng hơn. “Hồi trước tôi xây nhà cách mép sông cả trăm mét nhưng cứ mỗi tháng sạt cỡ gang tay nên giờ bước ra cửa là tới bờ sông. Mất đất sản xuất tiếc lắm nhưng cũng không lo bằng việc sạt lở có thể kéo cả căn nhà là cơ đồ vợ chồng tui dành dụm, xây cất nửa đời người”, bà Hoài chia sẻ.
Một cây dừa bị nhấn chìm chỉ còn phần ngọn ngoi lên mặt nước ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Ảnh: Duy Trần.
Nhà sát bên, bà Đoàn Kim Yến nói rằng các nhà khác ở đây đã nằm dưới đáy sông, một số gia đình phải dọn đi nơi khác tránh lưỡi hái của “hà bá”. “Người ta ở đây chắc mất cũng mấy hecta đất rồi, giờ khu này chỉ còn lại vài căn nhà. Tui và mấy người đang tính chuyện dọn đi cho an toàn, chớ ở lại cũng không còn đất sản xuất…”, bà Yến tỏ ra lo lắng.
Trước thực trạng này, cơ quan chức năng huyện Nhà Bè đã lên kế hoạch di dời khẩn cấp gần 1.000 người sống ven sông rạch như sông Kinh, Cần Giuộc, kênh Lộ… Ở các điểm có nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương cũng cho cắm các biển cảnh báo người dân và phương tiện qua lại. Bên cạnh đó huyện cũng tính chuyện xây bờ kè ngay điểm sạt lở 600 m để giữ đất, đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo Sở Giao thông vận tải TP HCM, ngoài tình trạng khai thác cát bừa bãi thì việc xây cất lấn chiếm sông, kênh rạch làm thu hẹp dòng chảy dẫn đến gia tăng lưu tốc, biến đổi dòng chảy cục bộ là những nguyên nhân gây sạt lở trên địa bàn thành phố.
Để giải quyết tình trạng này, từ đầu năm UBND TP đã bố trí kế hoạch vốn và giao Khu quản lý đường thủy nội địa thành phố làm chủ đầu tư 12 dự án cấp bách chống sạt lở. “Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng rất chậm, gây khó khăn cho việc thi công. Một số dự án chống sạt lở sông rạch đã được triển khai thi công cách đây hơn 2 năm nhưng chưa hoàn thành vì vướng giải tỏa mặt bằng”, đại diện Khu quản lý đường thủy nội địa TP HCM cho biết.
Trung Sơn – Duy Trần
Theo VNE
Sạt lở bờ sông vì khai thác cát, sạn
Việc khai thác cát, sạn trên sông Kiến Giang, đoạn qua các xã Văn Thủy, Mai Thủy... thuộc H.Lệ Thủy (Quảng Bình) gây sạt lở bờ sông. Người dân nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Khai thác cát tràn lan gây sạt lở bờ song - Ảnh: P.T
Khai thác tràn lan
Tiếng gầm rú từ những chiếc thuyền khai thác trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân sống ven sông Kiến Gianh đoạn qua các xã Văn Thủy, Mai Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình).
Trên nhiều đoạn sông, việc khai thác cát (cả có phép lẫn không có phép) hoạt động liên tục từ tờ mờ sáng đến tối mịt. Theo nhiều người dân ở thôn Văn Minh (xã Văn Thủy), kể từ khoảng giữa năm 2014, đoạn sông này xuất hiện nhiều ghe tàu đến khai thác cát, sạn.
Chị Phạm Thị Phượng (ở thôn Văn Minh) cho biết: "Hôm nào cũng vậy, mới 3 giờ sáng mà chúng tôi đã bị đánh thức bởi tiếng máy nổ rầm rầm của các ghe tàu, sà lan thi nhau đục khoét bờ sông. Ban ngày chúng còn ở giữa sông, chứ lúc 3-4 giờ sáng chúng vào sát bờ để khai thác. Nhiều bụi tre trồng hai bên bờ để bảo vệ đã bị chìm xuống sông, cuốn theo cả đất trồng hoa màu cũng đi luôn rồi".
Có mặt tại khúc sông này, chúng tôi chứng kiến trên dưới 10 chiếc ghe tàu, sà lan giăng dài 1km thi nhau cày xới. Nhiều bụi tre do người dân trồng để phòng chống sạt lở đã bị chìm xuống dưới mực nước sâu. Ở bên kia bờ sông, nhiều hộ dân thuộc thôn Xuân Hồi, xã Mai Thủy cũng chịu cảnh tương tự. Việc khai thác cát bừa bãi đã gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. "Nhiều lần bức xúc quá, chúng tôi còn dùng vũ lực, lấy đá ném đuổi chúng đi nhưng chúng không sợ, còn đòi đánh lại chúng tôi", một người dân ở thôn Xuân Hồi, xã Mai Thủy bức xúc nói.
Khó quản lý
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Văn Thủy xác nhận có sự sạt lở bờ sông do khai thác cát sạn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
"Ở mỏ khoáng sản này, công ty Phú Hà được Sở TN-MT tỉnh cấp phép khai thác, hiện tại có 2 thuyền lớn hoạt động. Ngoài ra, còn nhiều thuyền nữa là của một số người dân hoạt động tự phát. Theo sơ đồ quy hoạch thì các thuyền chỉ được phép khai thác giữa lòng sông, nhưng việc họ khai thác đúng điểm quy hoạch không hay vào sát bờ thì do cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý", ông Thủy nói.
Ông Phạm Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND H.Lệ Thủy nhận định, việc khai thác cát sạn trên địa bàn là vấn đề khó quản lý. "Ngoài doanh nghiệp Phú Hà thì còn có 23 thuyền khai thác khác của một số hộ dân không được cấp phép, nhưng chính quyền chưa quản lý được. Bây giờ, các đò khai thác đều bằng ống hút, khi khai thác họ dừng thuyền ở vùng này nhưng lại đưa ống hút ra vùng khác nên rất khó kiểm tra. Vì vậy, chúng tôi phải lên kế hoạch tuần tra hàng tháng và thời gian qua cũng đã xử phạt nhiều thuyền khai thác sai quy định".
Theo ông Thảo, UBND H.Lệ Thủy có ban hành quy chế tạm thời về việc khai thác cát trên sông Kiến Giang, các thuyền chỉ được khai thác từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối hằng ngày.
"Việc người dân phản ánh có thuyền hoạt động lúc 3-4 giờ sáng có thể có một số trường hợp là thuyền của các hộ dân. Với các thuyền hoạt động chưa được cấp phép, chúng tôi đang vận động người dân thành lập hợp tác xã để dễ quản lý, nhưng họ chưa đồng ý", ông Thảo cho biết.
Phan Thủy
Theo Thanhnien
Chạy thoát khỏi 'hà bá' Sáng 5.7, qua nhiều con đường ngoằn ngoèo, PV Thanh Niên Online tìm đến ấp 3 (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM), và ghi nhận nỗi sợ hãi vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt của những người may mắn thoát chết trong vụ sạt lở nghiêm trọng ở khu vực cạnh mé sông Kênh Lộ, vào khuya 4.7. Ngay khi vừa...