Sài Gòn giãn cách nhưng không…xa cách: ‘Thuyền trứng’ lan tỏa yêu thương đến cộng đồng
Những ngày TP. HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, anh Lê Văn Lộc, Uỷ viên BCH Công đoàn trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cùng những người bạn vận động quyên góp nhu yếu phẩm để giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn.
Cả gia đình anh Lộc cùng nhau gấp những chiếc thuyền giấy “chở” trứng gà cho người dân khu vực bị phong tỏa. Ảnh NVCC
Cả nhà xếp thuyền trứng trong những ngày Sài Gòn giãn cách
Trong những ngày Sài Gòn giãn cách, khi chuẩn bị nhu yếu phẩm gửi đi hỗ trợ, gia đình anh Lộc đã gặp khó khăn trong việc đóng gói trứng gà:”Với số lượng hơn 1.000 trứng gà ta được đựng trong một thùng xốp lớn nên ban đầu chúng tôi không biết làm sao để đóng gói vì trứng rất dễ bị vỡ khi di chuyển. Thế là “trong cái khó ló cái khôn”, cô cháu gái của tôi đã nghĩ ra ý tưởng dùng giấy xếp thành những chiếc thuyền nhỏ, lót một lớp trấu dưới đáy thuyền sau đó mới đóng gói” anh Lộc kể lại.
Nhờ ý tưởng độc đáo của cô cháu gái mà gia đình anh Lộc có dịp quây quần bên nhau trổ tài khéo tay để làm ra 100 chiếc thuyền giấy đựng trứng gà. Nhữngchiếc thuyền giấy đựng trứng rất chắc chắn, giữ được trứng không bị vỡ trong quá trình di chuyển đến các điểm bị phong tỏa.
Trứng được đóng gói cẩn thận để hạn chế bị vỡ khi di chuyển. Ảnh NVCC
Lê Gia Hy (16 tuổi), con trai anh Lộc, chia sẻ: “Tôi cảm thấy may mắn vì có được cuộc sống đầy đủ hơn nhiều người nên việc san sẻ với những mảnh đời khó khăn hơn là điều hết sức cần thiết. Cùng nhau xếp những chiếc thuyền giấy để đóng gói trứng là một việc làm rất ý nghĩa đối với tôi vì nó vừa giúp gia đình có những phút giây gắn kết vừa giúp các cô chú có bữa ăn ngon”.
Anh Lộc cho biết khoảng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, do nhu cầu quá lớn nên rất khó tìm mua trứng, vợ anh phải nhờ một người quen đặt hàng từ Tiền Giang với số lượng hơn 1.000 trứng gà ta.
Nụ cười của người dân là nguồn năng lượng
Là người nghiện làm thiện nguyện, công tác xã hội nên ngay từ đợt dịch đầu tiên vào năm 2020, anh Lộc đã cùng người bạn thân là chị Quan Tuyết Vân (Trưởng Ban Điều hành khu phố 3, phường 14, quận 11, TP.HCM) kêu gọi quyên góp giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, anh Lộc và chị Vân vẫn tiếp tục gõ cửa từng nhà xin quyên góp để mua rau củ, mì gói, gạo,…giúp người nghèo bớt đi gánh nặng cơm áo, gạo tiền trong những ngày “Sài Gòn đổ bệnh”.
Hàng trăm kg rau củ đang chờ để đến tay người dân nghèo. Ảnh NVCC
“Chúng tôi muốn làm nhịp cầu nối giữa những người cho và người nhận để cả hai cùng tìm đến hạnh phúc. Đó là sự sẻ chia thiết thực bằng những phần quà thiết yếu cho cuộc sống. Đối tượng mà chúng tôi quan tâm nhiều nhất là bà con đang trong những khu phong tỏa, những người bán vé số, hàng rong,…có hoàn cảnh khó khăn và các em sinh viên”, chị Vân chia sẻ.
Làm thiện nguyện đã khó nhưng làm trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì càng nhiều thử thách. Theo lời anh Lộc, mọi công việc đã được lên kế hoạch từ trước nhưng đến ngày nhận rau,trứng,.. thì bị hủy đơn hàng vì không vận chuyển được vào thành phố. Có lúc đặt được hàng nhưng vì thời gian vận chuyển quá lâu khiến số rau củ bị hư hỏng hơn một nửa.
Video đang HOT
Niềm vui của người dân khi nhận được sự hỗ trợ thiết thực và kịp thời. Ảnh NVCC
“Những lúc như vậy tất cả mọi người điều rất sốc, nhưng cũng nhanh chóng lấy lại tinh thần tìm kiếm nguồn hàng khác để kịp giúp đỡ bà con. Cũng nhờ những người bạn, học trò cũ giúp đỡ mà chúng tôi đã tìm được gần 100 kg rau tươi để kịp đi hỗ trợ vào ngày 15.7 vừa rồi” anh Lộc nói.
Dù vất vả, khó khăn là thế nhưng đối với anh Lộc, chị Vân niềm vui, nụ cười của người dân nghèo khi được cầm trên tay món quà hỗ trợ khiến họ như được tiếp thêm năng lượng và sức mạnh.
“Mọi công đoạn đều được 2 chị em lên kế hoạch và chuẩn bị từ trước, khi thực hiện thì rất may mắn có được sự hỗ trợ chuyển hàng từ các anh công an phường, các bạn bên Đoàn thanh niên và các lãnh đạo địa phương” anh Lộc chia sẻ.
Trong những ngày sài Gòn giãn cách, anh Lộc, chị Vân đã cùng nhau quyên góp được hàng trăm kg rau, trứng, thịt,… nhu yếu phẩm hỗ trợ các khu vực bị phong tỏa tại quận 11, ký túc xá ĐH Sư phạm TP.HCM… Vào ngày 19.7 nhóm anh Lộc, chị Vân sẽ tiếp tục hỗ trợ 500 ổ bánh mì nướng đến 3 khu cách ly trên địa bàn quận 11, sinh viên KTX Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM và hơn 250 kg lương thực cho Đoàn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hỗ trợ sinh viên ở trọ bị “kẹt” lại thành phố.
Tiếp tục giãn cách, 4 phụ nữ Sài Gòn nổi lửa nấu cơm giúp cả ngàn người
Chị Chun đang trong bếp thì chạy vào bàn, tới giờ họp trực tuyến. Trao đổi xong xuôi, sếp nói 'thôi nhặt rau tiếp đi'.
Ai cũng biết Chun vừa làm việc vừa nổi lửa nấu cơm tặng người cần khi Sài Gòn giãn cách nên rất quý.
Bánh mì kẹp Sài Gòn, một trong những món ăn những người phụ nữ làm và gửi tặng những người đang cần trong giãn cách xã hội. ẢNH NVCC
Những ngày Sài Gòn giãn cách xã hội, được làm việc từ xa, 4 cô cháu gồm cô Sáu (tên thật là Kim Vân), chị Chun (Quỳnh Trang), chị Hoàng Nga và em Út Trang (Thu Trang), làm ở các lĩnh vực như ngân hàng, dầu khí..., cũng kiêm luôn việc nổi lửa 4 bếp ăn đặc biệt. Gọi là đặc biệt, bởi những người phụ nữ Sài Gòn này nấu những hộp cơm vừa ngon, vừa đẹp, gửi tặng công nhân nghèo thất nghiệp trong các nơi phong tỏa, những cô bác lao động tự do, bán vé số, xe ôm... không có thu nhập trong thời gian này.
Những người luôn hết lòng vì những bữa cơm ngon của người cần trong lúc Sài Gòn giãn cách xã hội. ẢNH NVCC
Cô Sáu, đã nghỉ hưu, có riêng một bếp ở Q.Gò Vấp. Chị Chun phụ trách bếp ở Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), em Út Trang nổi lửa ở Q.Tân Bình còn chị Hoàng Nga đảm nhiệm gian bếp mới mở ở Q.12. "Một cậu em cũng muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, một hôm nói, chị ơi, bây giờ em thu xếp công việc được rồi, chị cho em làm chung với. Thế là chúng tôi cùng nổi lửa", chị Hoàng Nga kể.
Càng nấu càng thương
Hơn 20 ngày qua, các gian bếp luôn đỏ lửa. Ban đầu mọi người tính mỗi ngày nấu hơn 50 phần cơm gửi đi, nhưng càng làm càng gặp nhiều người khó khăn, càng thương, xót và số phần ăn cứ thế tăng thêm. Bây giờ, mỗi ngày các chị nấu hơn gần 2.000 hộp cơm.
Cơm gạo phải dẻo, đồ ăn phải ngon, như mực xào rau củ, gà sốt roti, gà tần thuốc bắc, bún mọc sườn, thịt kho măng... "Chúng tôi tâm niệm là có duyên mới được tặng cơm cho một người đang cần, chẳng biết sau này có bao giờ lại được tặng cho họ lần 2 nên cơm phải ngon, nhiều chất dinh dưỡng", chị Hoàng Nga nói.
Bà con trong một con hẻm còn được tặng thịt gà về nấu cơm
Các chị còn tặng rau xanh tới các hẻm cho bà con lấy về nấu cơm
Những phần cơm thơm ngon
Xóm nào đông trẻ em sẽ được ưu tiên một thực đơn khác, để các bé thấy thích
Niềm vui của các em nhỏ khi được nhóm của chị Hoàng Nga tặng những món khoái khẩu trong ngày giãn cách xã hội. ẢNH NVCC
Trước đây nhóm các chị vừa nấu vừa đi tặng cơm cho bà con. Sau này, công việc phát cơm đã có đội ngũ tình nguyện viên lo. Điều này hiệu quả hơn rất nhiều vì địa điểm phát cơm được khảo sát trước ở các khu dân cư ở Sài Gòn nhằm biết những hoàn cảnh khó khăn, số lượng bao nhiêu để phần cơm tới đúng tay người đang cần.
Mỗi ngày cơm giao tới một khu vực khác nhau, ưu tiên xóm lao động nghèo, nhiều cô bác gom ve chai, bán vé số, những người nghèo đang ở trong các điểm phong tỏa. Thương các bác sĩ tuyến đầu chống dịch và những người chốt trực 24/24 ở các điểm phong tỏa quá vất vả, các chị còn lo thêm các phần đồ ăn cho các lực lượng này.
"Xóm nào đông trẻ em, chúng tôi xào nui, rồi làm thêm xúc xích, phô mai que, khoai tây chiên, bò lúc lắc để động viên tinh thần các bé. Có những khu phong tỏa chúng tôi tặng rau, gạo, cá, gà để bà con tự nấu cơm. Chúng tôi đều làm trong các cơ quan nhà nước, vừa làm việc từ xa, vừa làm việc vừa nấu cơm, công việc luôn tay chân từ sáng sớm tới khuya muộn nhưng chứng kiến niềm vui của những người khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội này nhận được quà thì quên hết mệt nhọc ", chị Hoàng Nga kể.
Các chị tâm niệm, giúp được ai đó là duyên, không biết bao giờ được giúp nữa, nên mong muốn 1 hộp cơm sẽ phải thật ngon, giàu chất dinh dưỡng. ẢNH NVCC
Người mẹ của một bé gái 7 tuổi cho hay, chị cảm động nhất là tinh thần san sẻ, yêu thương lẫn nhau của bà con. "Hôm bữa tôi gửi rau cá, đường, sữa cho một xóm nghèo ở Q.Bình Tân, vì bà con đếm nhầm nên chỉ gửi 12 phần thay vì 13. Nhưng một chị dưới đó gọi nói là không có vấn đề gì hết, các chị đã san sẻ với nhau để ai cũng có phần, thùng cá nhiều quá, các chị còn mang đi chia cho xóm cũng khó khăn kế bên", người phụ nữ Sài Gòn bộc bạch.
Kinh phí nấu hàng ngàn phần cơm của các bếp ăn cho những người khó khăn ở Sài Gòn suốt thời gian qua do những nhà hảo tâm, bạn bè, người thân của các chị luôn tin tưởng và ủng hộ. Người góp tiền, người tặng rau củ quả, thịt cá để cùng nấu cơm. Trao đi yêu thương cũng nhận lại yêu thương, tại chợ Thanh Đa, tiểu thương biết các chị mua nguyên liệu về nấu ăn cho bà con Sài Gòn thì ai cũng thương, người cho thêm, người hạ giá...
Cảm ơn Sài Gòn!
Cô Sáu, chị Chun, chị Hoàng Nga và em Út Trang gặp nhau từ những cơ duyên giúp đỡ người khó khăn cách đây hơn 3 năm trước. Họ có những hoạt động như nấu cháo cho các bệnh nhi ở bệnh viện; đi Ninh Thuận nấu cơm từ thiện; "Bếp thứ 6" mỗi tuần nấu hơn 100 phần cơm tặng cho người lao động nghèo hay vào các mái ấm làm những mâm tiệc như buffet vừa ngon vừa đẹp để trẻ em trong mái ấm được thưởng thức những món ngon...
Bây giờ, 4 cô cháu với 4 bếp từ thiện, lúc nào cũng đỏ lửa, mong phần cơm nóng hổi tới tay người nghèo trong lúc Sài Gòn "bị ốm". Nhất là khi Sài Gòn tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trong 14 ngày nữa, các chị sẽ còn tiếp tục làm đầu bếp. Mới đây, trong những phần cơm hay bịch rau củ gửi tặng bà con trong một xóm nghèo, người em của chị Hoàng Nga còn ghi thêm những tờ giấy đáng yêu "Cảm ơn Sài Gòn, cảm ơn mọi người", khiến người nhận cũng bớt đi âu lo mùa dịch.
Thông điệp "Cảm ơn Sài Gòn" trong hộp cơm trao đi
Bà con trong một con hẻm ở Q.12 cùng giúp chị Hoàng Nga một tay để nổi lửa nấu cơm
Nhiều bạn bè, nhà hảo tâm chung tay cùng 4 bếp ăn của 4 người phụ nữ Sài Gòn
Các chị gửi tới các phần ăn tặng lực lượng chốt trực
Rảnh là đi tới vùng khó khăn để giúp đỡ người nghèo, rảnh là vào bếp nấu cơm tặng người đang cần những bữa cơm ngon trong khi Sài Gòn giãn cách xã hội, cô Sáu, chị Chun, chị Hoàng Nga, em Út Trang đặt tên cho nhóm mình cũng bằng 3 từ giản dị "Rảnh là đi". Các chuyến đi của những người phụ nữ Sài Gòn đáng yêu luôn có những em bé - con của các chị, để các bé cùng vào bếp, nấu nướng, học được sự yêu thương, tình bao dung, chia sẻ cùng nhau khi hoạn nạn. Bởi sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình...
Chuyện ấm lòng khi Sài Gòn giãn cách: Hội chị em miệt mài nấu hàng trăm phần cơm, đi khắp nơi để tặng cho người khó khăn "Nay mình nấu món này, mai nấu món khác, chị chuẩn bị quần quật cả ngày, mệt nhưng rất vui. Mình có điều kiện hơn thì sao không giúp đỡ người ta, giờ ra đường thấy nhiều người tội nghiệp lắm, bữa có anh kia đói quá, tay cầm hộp cơm run run nói cảm ơn", chị Tưởng chia sẻ. 8 ngày Sài...