Safaricom hợp tác với Huawei triển khai mạng 5G ở Kenya
Nhà cung cấp dịch vụ di động Kenya Safaricom thông báo rằng họ đã hợp tác với tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei để triển khai thương mại mạng 5G ở Kenya.
Biểu tượng của Huawei và mạng 5G tại Diễn đàn băng thông rộng di động toàn cầu lần thứ 10 ở Zurich. Ảnh: AFP/TTXVN
Giám đốc điều hành Safaricom, Peter Ndegwa, nói với các phóng viên tại thủ đô Nairobi rằng công ty của ông có 35 địa điểm 5G đang hoạt động trải khắp các thành phố Nairobi, Kisumu, Kisii, Kakamega, Mombasa và có kế hoạch mở rộng lên 200 địa điểm trên toàn quốc vào tháng 3/2023.
Ông Ndegwa nói: “Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh chuyển đổi của Internet và sẽ tiếp tục cung cấp những công nghệ tiên tiến nhất để giúp khách hàng tận hưởng phong cách sống kỹ thuật số”.
Ông nói thêm rằng việc ra mắt 5G là bước đầu tiên cho phép khách hàng bán lẻ và các doanh nghiệp bắt đầu khám phá những cơ hội mới mà công nghệ này mang lại. Theo ông, các thử nghiệm 5G bắt đầu sớm nhất từ tháng 3/2021 tại Kenya.
Giám đốc điều hành Huawei Kenya, Will Meng, cho biết người tiêu dùng Kenya có xu hướng xem TV độ phân giải cao hơn, chơi nhiều trò chơi trực tuyến hơn, làm việc tại nhà và do đó sử dụng nhiều dữ liệu Internet hơn.
Video đang HOT
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, chỉ có chưa đến một triệu thuê bao cáp quang ở Kenya trong khi có 12 triệu hộ gia đình. Với mức độ phổ biến cáp quang thấp ở Kenya, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể sử dụng 5G thay thế cho cáp quang, có thể đạt được tốc độ tương tự và đáp ứng cho các hộ gia đình”.
Trong hơn 20 năm qua, Huawei đã giúp xây dựng mạng lưới trên khắp Kenya và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác để phát triển nhiều cải tiến 5G tại quốc gia này, giúp nhiều người tiêu dùng, gia đình và doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ 5G.
Ông Meng cho biết Huawei cũng sẽ dựa trên thế mạnh 5G toàn cầu của mình để giúp Safaricom và Kenya tận dụng tối đa công nghệ này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội./.
Chấp nhận công nghệ 5G trở thành xu hướng chủ đạo trên thế giới
Theo một nghiên cứu mới được công bố vào đầu tháng 10/2022 của nhà cung cấp thiết bị viễn thông Ericsson (Thụy Điển) cho thấy, tỷ lệ thâm nhập của người dùng 5G đã vượt quá 15% và sự chấp nhận công nghệ này đang trở thành xu hướng chủ đạo trên thế giới.
Ericsson ConsumerLab đã thực hiện một nghiên cứu về người dùng 5G trên toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó, từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2022, tổ chức này đã tổ chức các cuộc phỏng vấn trực tuyến với 49.100 người dùng tại 37 thị trường trên thế giới. Những người được chọn để phỏng vấn đại diện cho tiếng nói của 1,7 tỷ người dùng di động và 430 triệu người dùng 5G trong độ tuổi từ 15 đến 69 tại các thị trường được khảo sát. Nghiên cứu cho thấy rằng, người dùng 5G hiện nay chủ yếu đến từ các thị trường đã triển khai sớm công nghệ 5G như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Đài Loan và Trung Quốc, đặc biệt số người dùng này có các yêu cầu cao hơn trong các trải nghiệm dịch vụ mới và đang tạo động lực để thúc đẩy các làn sóng người dùng 5G tiếp theo.
Ảnh minh họa.
Trong khi làn sóng người dùng 5G tiếp theo muốn thấy những cải tiến đáng kể về vùng phủ sóng cũng như hiệu suất mạng thì ngược lại những người sử dụng sớm công nghệ 5G chủ yếu mong muốn được trải nghiệm các dịch vụ 5G mới, phong phú và các thiết bị di động 5G cao cấp, theo nghiên của Ericsson ConsumerLab.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, khoảng 30% tổng số người dùng điện thoại thông minh có kế hoạch nâng cấp lên 5G vào năm 2023, tương đương khoảng 510 triệu người dùng tại 37 thị trường trên thế giới bất chấp lạm phát gia tăng và chi phí sinh hoạt tăng. Ngoài ra, trong số những người dùng 5G hiện tại đã được khảo sát thì 1/4 cho biết họ có kế hoạch nâng cấp lên gói cước cao hơn trong 12 tháng tới.
Trên thực tế, nhiều người trong số những người được khảo sát coi băng thông rộng di động 5G là một phần trong danh mục chi tiêu thiết yếu của họ. Theo nghiên cứu, 76% người dùng điện thoại thông minh nói rằng họ sẽ không xem xét việc giảm chi tiêu băng thông rộng di động hàng tháng.Bất chấp những bất ổn kinh tế toàn cầu, người dùng 5G vẫn đánh giá cao kết nối đáng tin cậy và phần lớn người dùng 5G hiện tại không muốn quay lại với 4G.
Người dùng 5G hiện tại đang sử dụng điện thoại thông minh 5G của họ khác với các thiết bị 4G trước đó. Theo Ericsson, người dùng 5G có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho các dịch vụ liên quan đến vũ trụ ảo (metaverse) như chơi game, giao tiếp xã hội và mua sắm các mặt hàng kỹ thuật số trong thế giới ảo 3D.
Trên thực tế, trong hai năm qua, thời gian dành cho các ứng dụng thực tế tăng cường (Augmented Reality) của người dùng 5G đã tăng gấp đôi lên 2 giờ mỗi tuần. Người dùng 5G trung bình đã dành nhiều hơn một giờ mỗi tuần cho các dịch vụ liên quan đến metaverse so với người dùng 4G. Theo dự báo của Ericsson, người dùng sẽ tiêu thụ thêm 2 giờ nội dung video trên các thiết bị di động được tích hợp 5G, trong đó 1,5 giờ họ dự kiến sẽ sử dụng kính thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) vào năm 2025.
Số liệu phân tích của hơn 180 nhà cung cấp dịch vụ di động trên toàn cầu cho thấy, chỉ 20% nhà cung cấp dịch vụ ngày nay phân biệt các gói 5G bằng các ứng dụng và trải nghiệm 5G phong phú, trong khi 14% cung cấp các gói 5G theo các cấp tốc độ khác nhau.
Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, các dịch vụ liên quan đến 5G có thể thúc đẩy tăng doanh thu cho các nhà cung cấp dịch vụ di động và tăng mức độ chấp nhận của người dùng. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ ở các thị trường có mức độ thâm nhập 5G lớn nhất toàn cầu bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu dịch vụ di động trong năm 2021, cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á phát triển là 1,2%.
Liên quan đến tính phí cho các dịch vụ 5G, theo kết quả nghiên cứu của Ericsson thì người dùng mong muốn có nhiều cách tính phí khác nhau. Theo đó, 60% người dùng được khảo sát mong đợi 5G không bị tính phí dựa trên lượng dữ liệu họ sử dụng hoặc tốc độ dữ liệu nhanh hay chậm, chỉ có 25% người dùng muốn các gói 5G được định giá và phân cấp dựa trên tốc độ và mức sử dụng. Ngoài ra, họ muốn có tùy chọn có thể trả tiền để tăng hiệu suất theo yêu cầu khi cần thiết hoặc 5G được nhúng trong một số ứng dụng nhất định như các game thủ có thể trả nhiều tiền hơn để có một phiên chơi game có độ trễ thấp để đáp ứng nhu cầu thực tế của họ.
Theo Báo cáo từ Công ty nghiên cứu và phân tích chiến lược toàn cầu Omdia (Anh) và Hiệp hội thương mại công nghiệp di động 5G Châu Mỹ (5G Americas) cho biết, mức độ thâm nhập mạng di động 5G trên toàn cầu hiện tăng gấp đôi mỗi năm, đạt 813 triệu kết nối vào cuối quý 2 năm 2022. Dự báo kết nối 5G toàn cầu sẽ đạt 1,1 tỷ vào cuối năm 2022, tiếp tục tăng lên và đạt 2 tỷ vào năm 2023 và 5,9 tỷ vào cuối năm 2027.
5G đang mở rộng quy mô nhanh hơn bất kỳ thế hệ di động nào trước đây, lưu lượng dữ liệu mạng di động toàn cầu đã tăng gấp đôi trong hai năm qua, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng liên tục trong việc sử dụng điện thoại thông minh, băng thông rộng di động và các ngành công nghiệp.
Dữ liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường viễn thông TeleGeography và 5G Americas, đến nay số lượng mạng 5G đã triển khai các dịch vụ thương mại cho khách hàng trên toàn cầu đã đạt 233 mạng. Con số này dự kiến sẽ đạt 313 mạng vào cuối năm 2022 và 352 mạng vào cuối năm 2024, thể hiện sự đầu tư vào mạng 5G đang được thúc đẩy mạnh mẽ ở nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, các nhà mạng di động Viettel, Mobifone và Vinafone đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép thử nghiệm công nghệ 5G. Đến nay, các nhà mạng này đang triển khai thí điểm 5G tại 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2030, 100% dân số sẽ được phủ sóng công nghệ 5G.
Riêng tại Nghệ An, ngày 15/10 vừa qua nhà mạng di động Viettel cũng đã chính thức công bố cung cấp thử nghiệm dịch vụ 5G và trở thành nhà mạng đầu tiên triển khai công nghệ này tại địa phương. Trong giai đoạn đầu của cuộc thử nghiệm, người dùng di động có thể trải nghiệm các dịch vụ 5G hoàn toàn miễn phí và không giới hạn dung lượng xung quanh 5 khu vực tại thành phố Vinh, nơi mà nhà mạng này đã đặt trạm phát sóng 5G bao gồm Tòa nhà Viettel Nghệ An, Trung tâm thương mại Vinh Center, Tòa nhà Sở Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Vinh và đường Hồ Tùng Mậu.
Nhà mạng nào có tốc độ nhanh nhất Việt Nam trong quý 3/2022? Theo báo cáo mới nhất về tốc độ mạng tại Việt Nam của Speedtest Ookla, Viettel được đánh giá là nhà mạng có tốc độ nhanh nhất về cả mạng di động và mạng băng rộng cố định. Mạng di động Báo cáo cho biết, Viettel là nhà mạng có tốc độ mạng di động nhanh nhất trong số các nhà cung cấp...