Sắc màu tráng lệ ở mê cung động Thiên Đường – Quảng Bình
Đến với vùng đất gió Lào, Quảng Bình, du khách sẽ có cơ hội khám phá mê cung đẹp lung linh dưới lòng đất ở động Thiên Đường.
Tọa lạc tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, cách trung tâm du lịch Phong Nha khoảng 25 km về hướng tây bắc, nằm ở km 16 thuộc nhánh Tây của đường mòn Hồ Chí Minh, động Thiên Đường ẩn mình trong lòng di sản thiên nhiên thế giới vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Đây là mê cung tráng lệ trong lòng đất và là hang động khô dài nhất châu Á với chiều dài khoảng 31 km, chỗ rộng nhất lên đến 150 m, chiều cao từ đáy lên động khoảng 80 m. Thiên Đường là hang động mang vẻ đẹp lung linh kỳ ảo với tổ hợp măng đá, thạch nhũ tuyệt đẹp hiếm có khiến không ít du khách phải trầm trồ khen ngợi.
Trong hành trình đến tham quan động Thiên Đường, du khách sẽ được trung chuyển bằng xe điện từ bãi đậu xe, đi qua con đường bê tông ngoằn ngoèo uốn lượn trong khu rừng xanh biếc với những tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, dãy núi đá vôi trùng điệp hiện ra hai bên đường. Đến chân động, bạn sẽ phải đi qua 524 bậc thang để đến cửa động.
Ngôi nhà sàn thiết kế nằm lơ lửng ngay trước cửa hang động thuận tiện cho du khách nghỉ mệt sau quãng thời gian đi bộ trên những bậc thang từ dưới lên hay sau hành trình khám phá, thưởng ngoạn bên trong hang động. Nơi này có bản đồ hướng dẫn du khách đi lại và luôn được hướng dẫn viên túc trực, chỉ dẫn nhiệt tình. Các dịch vụ như ca nhạc, thức ăn, đồ uống có sẵn ở đây cho du khách lựa chọn.
Video đang HOT
Cửa hang động khá nhỏ chỉ vừa đủ cho hai người xuống. Đứng trên cửa hang nhìn xuống, động Thiên Đường hiện ra lung linh huyền ảo như một mê cung với hệ thống ánh sáng đèn mờ phản chiếu lấp lánh cùng ánh sáng tự nhiên phát ra từ các khối đá thạch nhũ, đẹp như một bức tranh nguyên thủy mang nét điêu khắc kỳ ảo đến mê hoặc, khiến du khách ngỡ ngàng như đang đứng trước cung điện xa hoa tráng lệ.
Điểm nhấn của hang động chính là hệ thống cầu thang gỗ táu quý hiếm được lắp đặt từ ngay lối vào đến gần cuối động, với chiều dài khoảng 1.000 m, rộng 2 m ngay giữa tâm động, tiện lợi cho du khách tham quan, đi lại. Những khối thạch nhũ tuyệt đẹp rũ xuống từ trên trần động tạo thành hình các bậc thang, tượng thần của người Champa hay tòa tháp mang biểu tượng di tích lịch sử, văn hóa độc đáo của các vùng miền.
Mang danh là hoàng cung trong lòng đất, động Thiên Đường được phân tách thành các cung điện như cung Quảng Hàn, cung Quần Tiên, Thạch Thiên cung hay thác Thiên Hà với hình dáng lung linh tuyệt đẹp như được thiết kế bởi bàn tay của các nghệ nhân chuyên nghiệp.
Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng, khám phá bức tranh nghệ thuật tự nhiên kỳ vĩ từ măng đá, thạch nhũ mang dáng dấp đặc thù đến kỳ ảo như tấm rèm che, tượng phật Quan Âm, mái nhà Rông, Tháp Liên Hoa.
Theo Zing News
Khám phá 'hoàng cung trong lòng đất' Quảng Bình
Động Thiên Đường là nơi phải đến một lần trong đời, để chiêm ngưỡng không gian lộng lẫy, tráng lệ như một cung điện từ hành tinh xa xôi nào đó trong dải ngân hà.
Kỳ 1 : Thiên Đường 1 km - không dễ như bạn tưởng
Không hổ danh là vương quốc hang động, Quảng Bình nổi bật trên đoạn đường cong hình chữ S với những hang động to lớn và kỳ bí, khó lời nào diễn tả hết được vẻ đẹp thần tiên vốn có của nơi này.
Quay trở lại Quảng Bình vào những ngày cuối tháng 8, tôi và người bạn đồng hành lại có dịp khám phá động Thiên Đường - nơi chúng tôi từng đến hai năm trước và hứa sẽ sớm có một ngày phải trở lại - ít nhất một lần nữa trong cuộc đời.
Sông Son hiền hòa ven đường 20 Quyết Thắng.
Khởi hành từ sáng sớm, xe bon bon trên con đường Trường Sơn huyền thoại, con đường huyết mạch đi qua địa phận Quảng Bình đã trở thành cột mốc đỏ đánh dấu lại những thời kỳ oanh liệt, hào hùng của dân tộc. Đây là điểm nhấn chiến lược về giao thông chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, là nơi khởi nguồn cho hai nhánh Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Những địa danh như cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Đá Đẽo, đèo Pula Nhích, ngầm Trà Ang, km20... là những nơi đánh phá ác liệt có tính chất hủy diệt của giặc nhằm chặn sự chi viện cho miền Nam, và đã chứng kiến biết bao chiến sĩ đã ngã xuống mãi mãi.
Rẽ vào đường 20 Quyết Thắng, tôi ngắm nhìn sông Son xanh biếc bên bản làng Phong Nha hiền hòa. Đây là con đường phá thế độc đạo, nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, giành thế chủ động thắng lợi trên mặt trận giao thông - vận tải nên còn có tên gọi: Đường 20 - Quyết thắng. Đây cũng là nơi hầu hết các cán bộ chiến sĩ, thanh niên xung phong ở lứa tuổi 20 tham gia mở và xây dựng con đường dài 123 km.
Trường Sơn Tây được sơn vạch trắng, len lỏi trong vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Hai bên là những cánh rừng nguyên sinh xanh ngắt, phong cảnh hữu tình. Từ khu vực có tấm bảng "Động Thiên Đường", phải chạy xe tiếp 6 km và lên hai con dốc cao mới tới khu bán vé. Vào dịp nghỉ lễ dài ngày, nơi đây luôn xảy ra cảnh kẹt xe, nhiều người phải đi bộ cả 6 km mới tới được cửa vào.
Du khách có thể lựa chọn mua vé xe điện khứ hồi chở đến chân cầu thang dẫn vào động, hai là đi bộ. Chúng tôi quyết định đi bộ 2 km trên con đường mòn giữa những tán rừng nguyên sinh, ríu rít tiếng chim và các loài thực vật đa dạng, trước khi đến thử thách kế tiếp là leo bộ 524 bậc thang đá để đến cửa động. Đây là một thử thách không nhỏ. Nhiều người không leo nổi, ngồi thở dốc trên bậc đá, và những người đi ngang đều động viên: "Cố lên, sắp đến rồi!"
Khung cảnh trong hang lộng lẫy như một cung điện ở thế giới khác.
Lên đến lán nghỉ chân trước cửa động, du khách sẽ cảm nhận được luồng không khí từ bên trong động tuôn ra mát lạnh qua khe cửa, nơi thực chất là một lỗ hổng nhỏ giữa các tảng đá chỉ vừa đủ một người chui qua.
Bước qua cánh cửa dẫn đến thiên đường, cảm giác đầu tiên ập đến với tôi là choáng ngợp. Đằng sau cánh cổng bé nhỏ đó là một thế giới khổng lồ, mát lạnh và sâu thăm thẳm, không nhìn thấy đáy ngoài những vệt sáng đèn được thắp lung linh, soi rọi thần tiên trong bóng tối. Đoàn người nối đuôi nhau bước xuống cầu thang gỗ, hai bên có nhiều dấu tích sụp đổ, ngổn ngang.
Càng đi sâu, không gian càng mở ra trước mắt, lộng lẫy, tráng lệ, và huyền ảo như cả một cung điện từ hành tinh xa xôi nào đó trong dải ngân hà. Những khối thạch nhũ to lớn với muôn hình vạn trạng, cái mọc từ dưới đất lên uy nghi, rắn rỏi, cái buông rũ mềm mại từ trên xuống ôm lấy người đi như một bức rèm nhung. Du khách mặc sức khám phá, thỏa chí tưởng tượng giữa chốn bồng lai.
Du khách sẽ được đắm mình vào một không gian kỳ ảo.
Nào Cung Thạch Hoa Viên với khối thạch nhũ như tượng đức mẹ đồng trinh tay bế hài đồng; nào Cung Giao Trì là nơi Ngọc Hoàng bàn việc nước với các cận thần, xung quanh là tượng kỳ lân, chim phượng hoàng... Độc đáo nhất là Cung Quảng Hàn, nơi khối thạch nhũ rủ xuống như bức rèm của tiên nữ hay Cung Quần Tiên hội tụ với cả quần thể tượng Phật A Di Đà... Tháp Liên Hoa có hình thù đặc sắc mà dưới mắt mỗi người, ở mỗi góc nhìn đều mang những hình thù khác nhau. Thật ra đó là khối thạch nhũ được hình thành từ những giọt nước bắn không theo quy luật nào.
Mải mê ngẩn ngơ ngắm nghía cung điện quên cả mọi thứ, chúng tôi bỗng cụt hứng khi thang gỗ đã dẫn đến nơi cuối cùng của 1 km đầu tiên. Mọi người vẫn đứng ở đây luyến tiếc chưa muốn rời xa nơi này. Hướng dẫn viên phát cho mỗi người một chiếc đèn pin gắn trên đầu, tháo sợi dây thừng buộc cánh cửa nhỏ xíu, dặn dò đôi chút, rồi đoàn chúng tôi 9 người, gồm một hướng dẫn, một khuân vác, 2 người Đức, 2 người Anh, một người Italy và chúng tôi là 2 người Việt Nam, tiến dần khuất sâu vào bóng tối, để tiếp tục thám hiểm 7 km động Thiên Đường.
(Còn tiếp)
Theo Zing News
'Hoàng cung trong lòng đất' ở Quảng Bình (p2) Thông thường, du khách chỉ dừng lại ở đoạn đầu của động Thiên Đường. Những ai đi sâu vào trong sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp như chốn thần tiên nơi hạ giới. Kỳ 2 : Lạc vào thế giới khác Bỏ lại chiếc cầu gỗ và ánh sáng đèn soi rọi phía sau lưng, đoàn chúng tôi tiến dần vào bóng tối...