Rượu “quốc lủi” trước giờ khai tử
Việc nấu rượu trong nhân dân, trong các làng rượu nức tiếng, rồi đây (chính xác là sau 1/1/2013) sẽ bị khai tử khi mà quy định mới yêu cầu tất cả các loại rượu đều phải có nhãn mác, việc sản xuất rượu phải có giấy phép…
Tóm lại, “quốc lủi” sẽ khó “lủi” thêm nữa. Đây là một chủ trương đúng đắn, vì nó liên quan đến sức khoẻ trực tiếp của người dân. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên ngày 27/12 thì việc triển khai quy định này xem ra chưa tới được cả người nấu rượu lẫn người… uống!
Nghị định chưa… về làng
Nghị định (NĐ) số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu (gọi tắt là Nghị định 94) quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.
Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2013, nhưng qua khảo sát một số địa phương chuyên nấu rượu từ nam chí bắc, hầu hết đều không biết đến quy định này. Khi được phóng viên “phổ biến”, những người dân “làng cồn” (nơi chuyên sản xuất rượu) thậm chí còn bảo: “Quy định về làng cồn rồi cũng sẽ sớm… bay hơi thôi!”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết – chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công tại thôn Bãi Sậy 3, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) hoàn toàn không biết gì về nghị định 94 (Ảnh chụp chiều 27/12). Ảnh: Nguyễn Lộc
Bà Nguyễn Thị Tâm – chủ một cơ sở sản xuất rượu tại làng Tó (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) – nơi nổi tiếng với nghề làm rượu thủ công với lịch sử hàng trăm năm – vẫn đang say sưa cho đấu rượu cuối của ngày để kịp đến chợ, thản nhiên khi phóng viên phỏng vấn: “Mình làm thì bán cho người làng, chứ có xuất nhập khẩu gì đâu mà phải đăng ký. Với lại, nếu có quy định thì lấy ai ra mà kiểm tra, nên chúng tôi không quan tâm lắm đâu”. Cùng chung suy nghĩ với người dân tại làng Tó, ông Nguyễn Xuân Bình – chủ hàng rượu có tiếng tại thôn Đại Lâm, xã Tam Đa (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) – bảo: “Quy định này rất khó khả thi, bởi ai sẽ đứng ra quản lý nhãn mác?”.
Video đang HOT
Thậm chí đến một người có “chức sắc” như ông Phạm Ngọc Liệu – Chủ tịch UBND xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nơi có làng rượu truyền thống Chi Nê nổi tiếng – cũng hoàn toàn chưa biết đến NĐ94: “Tôi cũng chưa thấy có văn bản nào gửi đến hay thông báo gì. Trong ngày mai (ngày 28/12) tôi sẽ cho bộ phận văn phòng kiểm tra lại”.
Chủ tịch UBND phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng – ông Trần Văn Thành – ngớ người ra vì chưa từng nghe đến NĐ94. Ông Thành nói: “Chúng tôi chưa có bất cứ văn bản hay hướng dẫn thực hiện nào. Tất nhiên các tổ dân phố và cả các chủ hộ nấu rượu thủ công, cơ sở kinh doanh mua bán rượu… đều chưa biết đến những chính sách mới này của Nhà nước”.
Tương tự, ở miền Tây Nam Bộ như xã An Vĩnh Ngãi (TP.Tân An, tỉnh Long An), xã Phú Kiết (Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), hầu hết những hộ sản xuất rượu thủ công cũng đều không biết đến quy định trên. “Lò” rượu của họ thật đơn giản, chỉ gồm vài cái nồi to, bồn chứa nước, vài mét ống dẫn… Mỗi ngày họ sản xuất vài chục lít rượu để tiêu dùng trong gia đình, họ hàng, chòm xóm. Tiền lời không đáng là bao, chủ yếu là được “hèm” nuôi heo. Họ khó mà đáp ứng các quy định mới về sản xuất, kinh doanh rượu.
Ông Đỗ Văn Tép – chủ lò rượu Tám Tép ở An Vĩnh Ngãi – cho biết, ông chưa từng được nghe nói về NĐ94 đã đành, thậm chí người con của ông là cán bộ xã cũng không biết gì. Khi biết để sản phẩm được một doanh nghiệp kinh doanh rượu nào đó mua, hộ sản xuất cần phải đáp ứng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế, PCCC, môi trường…, ông Tép ngao ngán lắc đầu: “Nếu vậy chắc tui nghỉ nấu, mình làm nhỏ lẻ làm sao đáp ứng được các quy định trên”. Cạnh đó, chủ “lò” Ba Tiến nói: “Cũng giống như đi xe không chính chủ, nếu nói mua mà chưa sang tên mới bị phạt, còn nói xe mượn thì đâu ai phạt. Mai này ai có hỏi, tui nói nấu rượu để trong gia đình dùng, không mua bán, chắc hổng bị phạt”.
“Làng cồn” liệu có “bay hơi”?
Ông Nguyễn Văn Hạnh – chủ sản xuất rượu thủ công tại làng rượu Chi Nê – tâm sự: “Quy định như NĐ94 có thể “giết chết” nghề rượu, vì có bao giờ chúng tôi nghĩ đến việc phải đăng ký cho một sản phẩm vốn chưa từng rời khỏi làng như rượu đâu”. Ông Nguyễn Văn Sự – người 3 đời nấu rượu ở Làng Vọc (xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, Hà Nam) – lại đưa ra một lẽ khác: “Cũng nên xây dựng một thương hiệu rượu Việt nói chung, nên tôi cũng nhất trí với chủ trương thôi. Nhưng đùng cái bảo làm, thì thử hỏi ngang bằng với khai tử nghề rượu của chúng tôi”.
Ông Hoàng Đắc Tư – nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh) – thì bảo: “Tôi cũng hay sang làng Đại Lâm mua rượu nên tôi biết, hầu hết rượu ở đây chỉ bán loanh quanh trong vùng, hoặc khá lắm thì qua tay mấy gã chợ đen rồi ra ngoài chứ bảo mong chờ tương lai từ nghề rượu như vậy thì còn xa lắm”.
Làng Vân (thôn Vân Xá, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang), nghề nấu rượu đã trở thành một nghệ thuật cùng với những bí quyết mà ông tổ nghề của làng truyền lại được các thế hệ sau này nối truyền và đưa tiếng thơm của rượu đến với tửu khách khắp các vùng. Tuy nhiên, tiếng là vậy, nhưng đến nay cả làng cũng chỉ có khoảng chục gia đình là có đăng ký sản xuất và có giấy chứng nhận, số còn lại hầu hết vẫn sản xuất nhỏ lẻ và chưa có điều kiện để đăng ký thương hiệu.
Giới hạn của NĐ ban hành thì không phân chia ranh giới, vùng miền, mà một số không nhỏ làng quê, thôn, bản vùng cao cũng gắn với nghề làm rượu thủ công và đa số là không có đăng ký sản xuất: Rượu ngô Bản Phố (xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) do người Mông sản xuất, rượu Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) do dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn chưng cất… Bởi vậy, việc áp dụng NĐ94 lúc này cũng không khác nào đòi nghề rượu nơi đây phải tự… khai tử! Ở những địa phương mà phóng viên khảo sát, nếu đi kiểm tra và xử phạt theo quy định thì gần như 100% hộ gia đình nấu rượu thủ công đều vi phạm.
Rồi thì xử phạt sao đây? Nói như ông Huỳnh Hùng – một tổ trưởng dân phố ở Hoà Vang (Đà Nẵng): “Sẽ rất khó quản lý, kiểm soát những hộ nấu rượu quy mô nhỏ. Họ sẽ “tắt bếp”, phi tang dụng cụ khi có đoàn kiểm tra rồi lén lút nấu sau đó. Theo tôi là không nên cấm mà phải kiểm soát, buộc họ tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, phòng, chống cháy nổ…”.
Theo 24h
Lên cao nâng chén ban sơ
Chúng tôi đã có những chuyến đi xuyên Việt chỉ để nếm rượu Việt, từ rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh), rượu Phú Lễ (Bến Tre), rượu Gò Đen (Long An), rượu Bàu Đá (Bình Định), rượu Kim Long (Quảng Trị), rượu làng Chuồn (Huế), đến rượu nếp cái hoa vàng làng Vân (Bắc Giang)...
Những tên rượu mà tôi vừa kể đích thị danh tửu của làng quê Việt, đáng gọi là "nước mắt quê hương" theo ngôn ngữ của bợm rượu. Nếu bày ra một cuộc tuyển chọn quốc tửu thì tôi xin đề cử thêm một ứng viên là rượu Shan Lùng (còn được gọi trật đi là Sắn Lùng hay Sán Lùng) của Lào Cai.
Chén rượu Shan Lùng cháy lửa xanh - Ảnh: NGUYỄN DUY
Shan Lùng (xã Bản Xẻo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là bản của người Dao Đỏ, nghĩa của chữ Shan Lùng là Tam Long (ba con rồng), là tên dãy núi ở đây. Đi đủ các loại xe, từ ôtô đến xe thồ, rồi chúng tôi phải lội bộ suốt bốn giờ đồng hồ mới đến bản Shan Lùng trên lưng chừng núi cao gần hai ngàn mét, tìm vào một nhà dân, nhờ nấu cho một nồi rượu mẫu.
Rượu Shan Lùng được nấu từ thóc nếp nương pha cao lương đỏ (tỉ lệ 90% thóc nếp nương/10% cao lương). Đó là thóc nếp của nương rẫy tại chỗ, không xay xát thành gạo mà để nguyên vỏ trấu, ngâm nước qua đêm rồi đổ vào chõ lớn đồ (hấp) cho đến khi những hạt thóc chín nứt trắng như nhú mầm thì dỡ ra, để nguội, rắc men. Men rượu được làm từ bột gạo trộn với lá rừng, gọi là men lá. Đấy là những loại lá gì, không ai biết rõ, trừ những người làm rượu, họ giữ bí mật của những loại lá ấy. Men được tán nhuyễn rắc lên thóc nếp nương vừa đồ, để cho men "ăn" thóc, đổ vào thùng ủ cho ngấu khoảng 4-5 ngày tùy theo thời tiết rồi mang ra nấu.
Cao lương chiếm 10% trong thành phần nấu rượu Shan Lùng - Ảnh: NGUYỄN DUY
Nồi nấu rượu của người Dao Đỏ được thiết kế kiểu cách thủy cả trên và dưới: nồi rượu đặt lọt vào một cái chảo lớn, đáy chảo dùng chứa nước (cách thủy phía dưới); trên nồi rượu là một cái nắp úp ngửa ra để đổ nước vào (cách thủy phía trên). Bếp rượu đun lửa củi, canh cho cháy đều, ngọn lửa không cháy ào ạt cũng không leo lét mà lúc nào cũng đượm. Cứ như thế, người nấu rượu cứ quẩn quanh bếp lửa, chờ đợi. Hơi rượu ngưng đọng từ cái nắp đậy chứa nước lạnh phía trên, tạo thành những hạt mưa rượu rơi xuống máng hứng và chảy ra ống dẫn. Rượu tăm, trên dưới 50 độ, quẹt que diêm ly rượu bắt lửa xanh, nhưng nhấm nháp thì thơm lừng và ngọt hậu. Uống say mềm mà không mệt.
Thế đấy, với thóc nếp nương, men lá rừng bí truyền, nước suối lưng chừng núi, rượu Shan Lùng mang một hương vị riêng, không lẫn vào đâu được. Trước khi đến bản Shan Lùng, với tôi rượu nếp cái hoa vàng của làng Vân là tuyệt nhất, nhưng bây giờ thì lòng tôi phân vân lắm, mà khinh khoái. Nếu như rượu nếp cái hoa vàng của làng Vân dịu dàng hương đồng ruộng, thì rượu thóc nếp Shan Lùng có mùi ngai ngái hoang dại của vỏ trấu, của nương rẫy, của suối rừng - tất cả như quyện vào nhau tạo nên sự quyến rũ đặc biệt. Tôi muốn gọi mùi của rượu Shan Lùng là mùi của xa xưa, của ban sơ trời đất. Uống một chén Shan Lùng là hưởng một chén ban sơ đầy dư vị.
Người phụ nữ Dao Đỏ đang canh nồi rượu Shan Lùng - Ảnh: NGUYỄN DUY
Bản Shan Lùng có khoảng 15 lò rượu thôi, tính trung bình cả bản chỉ làm được khoảng 100 lít rượu mỗi ngày. Thế nhưng trên đường từ Lào Cai về Yên Bái có cả một thị trấn chuyên pha chế rượu Shan Lùng từ cồn công nghiệp với số lượng... bao nhiêu cũng có, bán đi khắp nơi. Cũng như rượu Bàu Đá thứ thiệt chỉ có ở thôn Cù Lâm (Nhơn Lộc, An Nhơn, Bình Định) và được nấu từ khoảng 30 lò thủ công với mức 7 lít/lò mỗi ngày, nhưng dọc quốc lộ 1A từ thị trấn Bình Định ra tới Quảng Ngãi, đâu cũng thấy rượu Bàu Đá bày bán với số lượng khủng khiếp. Nói như thế để thấy rượu "dỏm" rất nhiều, và rượu ngon tuy có thật nhưng không phải ai cũng được uống. Chẳng lẽ muốn uống rượu thóc nếp Shan Lùng lại phải leo lên tận bản Shan Lùng?
Một lần đến Shan Lùng nếm rượu thì suốt đời không thể nào quên. Vị ngọt hậu đằm thắm và hương thơm ngai ngái hoang dại của núi rừng như lâng lâng theo mãi người về ồn ào phố xá.
Theo TNO
Số người chết vì rượu độc ở Ấn Độ lên 143 Ít nhất 143 người tử vong và hàng chục người vẫn đang điều trị trong các bệnh viện do ngộ độc rượu tại bang Tây Bengal của Ấn Độ. Tử thi của một nạn nhân được người thân khiêng vào nhà xác trong bệnh viện Diamond Harbour ở bang Tây Bengal, Ấn Độ hôm 15/12. Ảnh: AFP. Người dân tại 12 làng trong...