Run lập cập trước siêu pháo 800mm của Đức phát xít
Nòng pháo dài hơn 32m và bắn ra những viên đạn nặng 7 tấn khiến người ta không khỏi “run lập cập” trước siêu pháo Schwerer Gustav của phát xít Đức.
Schwerer Gustav là siêu pháo lớn nhất của Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và có cỡ nòng lên đến 800mm. Nó được phát triển và cuối những năm 1930 bởi công ty vũ khí Krupp. Tất nhiên người Đức chế tạo hệ thống pháo Schwerer Gustav là nhằm chuẩn bị cho kế hoạch đánh chiếm Châu Âu với mục tiêu đầu tiên là hệ thống phòng tuyến Maginot của Pháp được xây dựng dọc biên giới với Đức.
Phòng tuyến Maginot được xem là pháo đài bất khả xâm phạm của Pháp lúc đó với hệ thống các công trình ngầm kiên cố nằm sâu bên trong lòng đất hoặc lòng núi chạy dọc biên giới Pháp-Đức. Và quân Đức cần tới một khẩu pháo có thể phá hủy các bức tường bê tông dày tới 7m của Maginot từ đó ý tưởng về Schwerer Gustav được ra đời.
Giai đoạn đầu phát triển siêu pháo Schwerer Gustav được phác thảo với nhiều cỡ nòng khác nhau từ 750mm, 800mm, 850mm cho đến 1.000mm, để di chuyển siêu pháo này Krupp đã thiết kế cho nó một bệ pháo nặng tới 1.000 tấn và được đặt trên kéo xe lửa. Quá trình phát triển Schwerer Gustav gặp khá nhiều khó khăn do kích thước khổng lồ của nó, đến năm 1939 Schwerer Gustav mới bắn phát đạn thử nghiệm đầu tiên sau 5 năm phát triển.
Để có thể di chuyển được Schwerer Gustav, Đức đã cho xây dựng một hệ thống đường sắt đặc biệt dành riênng cho mẫu siêu pháo này, nó được đưa vào trang bị từ năm 1941 sau khi Krupp giới thiệu cho Adolf Hitler nguyên mẫu cuối cùng của Schwerer Gustav.
Schwerer Gustav có tổng trọng lượng là 1.350 tấn, dài 47m và cao 11.6m. Đi theo nó gần như là một đội quân với số lượng pháo thủ lên tới 250 binh sĩ và mất tới 54 giờ để siêu pháo này có thể sẵn sàng khai hỏa, cùng với đó là 2.500 binh sĩ và hai tiểu đoàn pháo phòng không 88m Flak đi theo bảo vệ.
Video đang HOT
Mỗi viên đạn của Schwerer Gustav nặng từ 4.8 tấn đến 7.1 tấn và mọi công đoạn để di chuyển chúng vào nòng pháo đều được cơ giới hóa vai trò của con người chỉ là để hổ trợ. Do đó tốc độ bắn của Schwerer Gustav khá chậm chỉ được 14 phát trong một ngày.
Dù được mệnh danh là siêu vũ khí nhưng vai trò của Schwerer Gustav trên chiến trường khá mờ nhạt, trong suốt chiến tranh Schwerer Gustav chỉ khai hỏa đúng 39 lần và thường tham gia vào các trận đánh không mấy tên tuổi.
Số phận của Schwerer Gustav kết thúc vào ngày 14 tháng 4 năm 1945 khi cục diện chiến trường đã ngã ngũ, quân Đức đã quyết định phá hủy siêu pháo này để tránh nó rơi vào tay Đồng Minh. Cả Mỹ và Liên Xô đều quan tâm đặc biệt đến Schwerer Gustav nhưng cả hai chỉ có được trong tay các tài liệu thiết kế của siêu pháo này hoặc các nguyên mẫu nhỏ hơn chưa được hoàn thiện.
Trong ảnh là một quả đạn pháo của Schwerer Gustav được trưng bày tại bảo tàng chiến tranh ở London. Schwerer Gustav sử dụng tới hai loại đạn khác nhau gồm đạn nổ cực mạnh (HE) và đạn xuyên phá (AP). Trong đó đạn AP cao tới 3.6m và nặng 7.1 tấn mang theo một đầu đạn nặng 250kg, nó có thể dễ dàng xuyên phá lớp tường bê tông dày tới 7m.
Tầm bắn của Schwerer Gustav phụ thuộc vào loại đạn nó triển khai trong đó HE là 47km và AP là 38km, đạn nổ cực mạnh HE có thể tạo ra trên mặt đất một hố sâu tới hơn 9m và cũng rộng 9m, nó có thể dễ dàng san phẳng một khu nhà trong một phát bắn duy nhất.
Theo Kiến Thức
Uy lực siêu pháo mới của Mỹ
Hải quân Mỹ sẽ sớm đưa vào sử dụng một siêu pháo mới có thể thay đổi cán cân quân sự với Nga và Trung Quốc.
Một mẫu pháo điện từ của Mỹ. HẢI QUÂN MỸ
Siêu vũ khí mới nói trên được gọi là pháo điện từ, không dùng thuốc súng hay chất nổ. Nó dùng lực tổng hợp của lực điện và lực từ để tống một quả đạn bay với vận tốc sấm sét, có sức công phá như một thiên thạch lao vào tàu đối phương hoặc doanh trại khủng bố, theo tờ The Wall Street Journal (WSJ).
Sức công phá đáng gờm
Hải quân Mỹ đã đầu tư vào súng điện từ hơn 1 thập niên qua và đã chi trên 500 triệu USD. Mới đây, giới chức Mỹ đã công bố một đoạn video về cuộc thử nghiệm và cung cấp thêm nhiều chi tiết về sức hủy diệt của loại vũ khí tối tân này, theo WSJ. Đoạn phim chiếu cảnh một khẩu pháo điện từ bắn quả đạn nặng trên 11 kg với kết quả là đạn bay xuyên thủng 7 tấm thép dựng gần nhau, để lại mỗi tấm một lỗ thủng có đường kính 127 mm.
Pháo điện từ có thể bắn đạn bay với tốc độ trên 7.200 km/giờ, với tầm bắn trên 200 km, vượt xa những khẩu pháo 152,4 mm hiện nay của hải quân Mỹ, vốn chỉ có tầm bắn hơn 24 km, theo WSJ. Vũ khí này còn có tầm bắn và sức công phá hơn cả loại pháo 406 mm của những tàu chiến lớn thời Thế chiến 2, được cho là có tầm bắn gần 39 km và có khả năng xuyên thủng bê tông gần 1 m. "Điều này sẽ thay đổi cách chúng ta chiến đấu", Trưởng văn phòng Nghiên cứu hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc Mat Winter nhận định với WSJ.
Hải quân Mỹ hiện đang muốn sở hữu một thiết kế pháo điện từ có thể khai hỏa với tốc độ 10 phát/phút, với cơ số đạn 1.000 quả. Nếu được trang bị pháo điện từ, một tàu chiến sẽ có khả năng tác chiến cao hơn so với tàu trang bị tên lửa bởi một tàu khu trục Mỹ chỉ có thể mang tối đa 96 tên lửa, trong khi chiến hạm gắn pháo điện từ có thể mang 1.000 quả đạn, cho phép nó bắn tên lửa đến hoặc tấn công các lực lượng đối phương trong thời gian lâu hơn và với tốc độ khai hỏa nhanh hơn.
Lỗ đạn trên một tấm thép do đạn bắn từ súng điện từ tạo ra. ẢNH: THE WALL STREET JOURNAL
Vũ khí "thay đổi cuộc chơi"
Không chỉ sử dụng để tấn công tàu đối phương, giới chức quốc phòng Mỹ còn đang tính đến khả năng áp dụng công nghệ này cho hệ thống phòng thủ tên lửa, bằng cách phát triển hệ thống dẫn đường cho các quả đạn. Loại đạn của pháo điện từ được chế tạo từ tungsten nên cứng hơn nhiều loại thép, và sẽ có giá chỉ 25.000 - 50.000 USD/quả, so với 10 triệu USD của 1 quả tên lửa đánh chặn, theo WSJ dẫn lời giới chức Mỹ.
Việc phát triển hệ thống dẫn đường cho pháo điện từ sẽ sớm được hoàn tất nhưng thách thức còn lại là phát triển các mạch điện gia cố có khả năng chống đỡ được các lực hấp dẫn có thể dập vụn chúng, để gắn vào trong các quả đạn. Giới chức quốc phòng Mỹ ước tính họ chỉ có thể dùng pháo điện từ để bắn hạ tên lửa sau ít nhất một thập niên.
"Đây là đạn thật sự thông minh", Giám đốc văn phòng Các năng lực chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ William Roper khẳng định với WSJ. Ông Roper còn nhấn mạnh: "Hải quân sắp sở hữu một hệ thống chiến thuật, một vũ khí tấn công thế hệ mới. Nó có thể là thứ thay đổi cuộc chơi". Còn Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work nhấn mạnh rằng pháo điện từ không đắt tiền nhưng có giá trị răn đe rất lớn. "Chúng sẽ có thể chống lại máy bay, tên lửa, xe tăng và gần như mọi thứ", WSJ dẫn lời ông Work lý giải.
Tuy nhiên, do ngốn quá nhiều điện - cần một máy phát điện có công suất 25 megawatt, đủ cho 18.750 hộ gia đình sử dụng, để vận hành pháo điện từ - nên vũ khí này hiện chỉ có thể được gắn trên tàu. Hiện nay chỉ có khu trục hạm lớp Zumwalt hiện đại của Mỹ sở hữu máy phát điện có công suất như trên. Do hải quân nước này chỉ định đóng 3 khu trục hạm lớp Zumwalt nên Lầu Năm Góc đang muốn dùng loại đạn pháo điện từ cho những loại pháo khác trên các tàu chiến cũng như pháo lục quân.
Dù bay chậm hơn so với khi được khai hỏa bởi pháo điện từ, loại đạn đặc biệt này vẫn có thể bay với tốc độ lên tới hơn 4.500 km/giờ khi được bắn từ pháo thông thường, giúp mở rộng đáng kể tầm bắn và sức mạnh cho những vũ khí hiện nay.
Hồi năm ngoái, các kỹ sư quân đội Mỹ đã dùng pháo hải quân loại 127 mm và 152,4 mm bắn thử đạn dành cho pháo điện từ. Kết quả là tầm bắn của pháo 152,4 mm được nâng lên tới hơn 61 km từ mức sử dụng đạn thông thường là trên 24 km. Lầu Năm Góc cũng đã cho lựu pháo 155 mm của lục quân bắn thử đạn dành cho pháo điện từ, với kết quả là tầm bắn được nâng đáng kể, theoWSJ. Có lẽ do đó mà Bộ Quốc phòng Mỹ sẵn sàng chi thêm 800 triệu USD để đầu tư vào khả năng phòng thủ tên lửa của pháo điện từ cũng như cải tiến đạn của nó để sử dụng cho các loại pháo thông thường.
Tin tặc Trung Quốc dòm ngó
Với sự lợi hại của pháo điện từ, giới chức Mỹ khẳng định tin tặc Nga và Trung Quốc đang dòm ngó công nghệ của loại vũ khí mới. Trong đó, tin tặc Trung Quốc đã cố xâm nhập hệ thống máy tính của Lầu Năm Góc và các nhà thầu quốc phòng để tìm kiếm những bí mật về pháo điện từ, theo tiết lộ của một số quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ.
WSJ dẫn lời nhiều nhà hoạch định quân sự Mỹ cho rằng pháo điện từ sẽ hữu ích nếu Mỹ phải bảo vệ các nước vùng Baltic chống lại Nga và hỗ trợ một đồng minh hay đối tác chống Trung Quốc ở Biển Đông. Hiện nay Moscow và Bắc Kinh đang đầu tư chế tạo các hệ thống tên lửa nhằm ngăn cản lực lượng Mỹ tiến đến những khu vực nói trên.
Một số quan chức Mỹ cho rằng khả năng phòng thủ tên lửa dựa trên pháo điện từ có thể bảo vệ các lực lượng hải quân và lực lượng trên bộ, giúp quân tiếp viện dễ dàng tiến sát biên giới của Nga hoặc Trung Quốc, theo giới chức Mỹ. "Chúng ta không thể phớt lờ thực tế rằng Nga có khả năng tập trung số lượng lớn các loại tên lửa thông thường và khai hỏa chúng từ xa. Chúng ta phải có khả năng xuyên qua những cơn mưa đạn đó. Và pháo điện từ có thể cung cấp cho chúng ta phương tiện để làm điều đó", WSJ dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work nhấn mạnh.
Văn Khoa
Theo Thanhnien