Rủi ro ở tim khi chạy marathon
Chạy marathon đang phổ biến hơn bao giờ hết trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những tin tức gần đây về những vụ tai biến xảy ra trên đường chạy nhắc nhở chúng ta rằng chạy hơn 42km có thể không lành mạnh như chúng ta nghĩ.
Cuộc đua marathon đặt ra yêu cầu rất lớn đối với hệ thống hô hấp, tim mạch và cơ xương khớp. Trong những trường hợp hiếm gặp, nó có thể thúc đẩy huyết khối động mạch vành hoặc cơn đau tim.
Một báo cáo trên tờ Sports Medicine ước tính đau tim xảy ra với 1/80.000 người hoàn thành cuộc thi London Marathon. Điều đáng lo ngại hơn là, trong số tám người tử vong trong thời gian nghiên cứu, chỉ có một người biết rằng họ có vấn đề về tim.
Những ai có nguy cơ?
Có vẻ như ở đây có một nghịch lý. Chạy bộ thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe của tim và luyện tập cho một cuộc chạy marathon sẽ giảm nguy cơ ngừng tim trong suốt cuộc đời. Nhưng, trong chính cuộc chạy, nguy cơ bị một tai biến như vậy lại tăng lên.
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã nghiên cứu máu của các vận động viên marathon tham gia giải chạy Boston Marathon, trước và sau cuộc đua. Họ phát hiện ra rằng mức một số chỉ báo sinh học của viêm đã tăng vọt trong cuộc chạy. Điều này có liên quan đến tổn thương cơ, khi người chạy đạt tới ngưỡng và cơ bắp hết glycogen. Thật không may, cơ thể không phân biệt được giữa chấn thương cơ do chạy marathon và với bất kỳ chấn thương nào khác. Kết quả là, máu trở nên dễ đông hơn. Ở những người mắc bệnh tim mạch vành, tình trạng đông máu này có thể dẫn đến đau tim.
Vậy những ai có nguy cơ? Theo bác sĩ Arthur J Siegel, giám đốc nội khoa tại Bệnh viện McLean và là giảng viên Trường Y Harvard, Massachusetts, phần lớn các trường hợp này là ở nam giới trên 40 tuổi.
Uống aspirin liều thấp trước khi chạy để giảm nguy cơ đau tim?
Video đang HOT
BS. Siegel, một chuyên gia nghiên cứu về marathon và là vận động viên kỳ cựu của 20 cuộc đua marathon, chỉ ra rằng trong khi nguy cơ là thấp, thì hậu quả có thể chết người. Ông muốn làm cho môn thể thao này an toàn hơn bằng cách thúc đẩy sử dụng rộng rãi thuốc aspirin liều thấp trước cuộc chạy ở những người không bị dị ứng và về y học là an toàn khi sử dụng thuốc.
“Có một nguy cơ lớn đối với những nam giới lớn tuổi đang chạy marathon – một phần vì nghịch lý là họ tin rằng việc làm này có tác dụng bảo vệ. Nhưng chạy marathon có nguy cơ và aspirin có thể bù đắp nguy cơ đó”.
Uống aspirin trước khi chạy, dành cho nam giới trên 40 tuổi, đã được khuyến nghị cho những người tham gia cuộc đua marathon Rio 2014 và được Hội các Giám đốc Y tế Marathon Quốc tế chấp thuận. Tuy nhiên, cách làm này không được quảng bá rộng rãi tại các sự kiện lớn khác.
Chưa có thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn về aspirin ở người chạy marathon, mặc dù Bs. Siegel giải thích rằng, vì đây là một tai biến tương đối hiếm gặp, nên một thử nghiệm như vậy là không khả thi trên thực tế. Tuy nhiên, có bằng chứng tốt về việc sử dụng aspirin liều thấp để phòng ngừa cơn đau tim trong một nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên tiến cứu có tên là nghiên cứu Sức khỏe Bác sĩ.
BS. Siegel rất mong muốn cách làm này được áp dụng rộng rãi hơn. “Không may là phải qua những bi kịch thì mọi người mới nhận thức được vấn đề này nghiêm trọng như thế nào”.
Ngay cả những người chạy viên marathon thường xuyên cũng có thể gặp rủi ro. Một nghiên cứu nhỏ khảo sát 50 người chạy marathon trong thời gian dài cho thấy thể tích mảng bám động mạch vành tăng ở người chạy so với nhóm đối chứng ít vận động.
“Tôi muốn khuyên những nam giới trung niên muốn chạy marathon là nên chụp CT mạch vành và xem tình trạng của mình thế nào”, BS. Siegel nói. Nếu kết quả không có vấn đề gì, thì có thể an toàn. Nếu có vôi hóa, nên uống aspirin, nếu có điểm số vôi hóa cao thì có lẽ nên tập luyện nhưng hãy từ bỏ ý định tham gia cuộc chạy, bởi vì đó có thể là một rủi ro không đáng để thử”.
Có những rủi ro sức khỏe khác ít rõ rệt hơn.
Năm 2006, các nhà nghiên cứu Áo đã báo cáo về một nhóm gồm 210 vận động viên marathon có nhiều nốt ruồi không điển hình và các tổn thương da khác gợi ý nguy cơ ung thư da hơn so với nhóm đối chứng.
Các nhà nghiên cứu đề nghị rằng, cho đến khi có thêm các công trình nghiên cứu để tìm hiểu về mối liên quan tiềm tàng giữa ức chế hệ miễn dịch do tập luyện và khối u ác tính, người chạy nên nhận thức được những nguy cơ và thực hiện các bước để giảm tiếp xúc với tia cực tím.
Marathon đẩy cơ thể lên đến giới hạn của nó. Hầu hết mọi người chạy trong các cuộc đua marathon vì họ thích thử thách. Nhưng nếu bạn tham gia vào một cuộc chạy với hy vọng sẽ sống lâu hơn, thì tốt hơn là nên luyện tập chăm chỉ và đứng cổ vũ cho cuộc đua.
Cẩm Tú
Theo Health
Chàng trai 23 tuổi đột tử ở đường chạy HCMC Marathon 2019
Gác lại nhiều hoài bão, ước mơ ở tuổi 23, chàng trai đã ra đi mãi mãi khi chưa kịp kết thúc đường chạy Marathon quen thuộc.
Ngày 14/1, cộng đồng mạng thương tiếc về sự ra đi đột ngột của chàng trai trẻ, năng nổ Võ Văn Thơm (quê Bình Thuận) khi chưa kịp kết thúc đường chạy HCMC Marathon 2019, một giải đấu quen thuộc với chàng trai.
"Bạn đã ra đi mãi mãi do cơn đột quỵ ở tuổi 23 khi tham gia chạy marathon. Gia đình vô cùng bàng hoàng bởi Thơm là một bạn trẻ khỏe mạnh, giỏi nhiều môn thể thao, năm 2018 từng nằm trong top 90 người hoàn thành Marathon 42 km trong thời gian sớm nhất của TP.HCM", một người bạn của Thơm chia sẻ.
Trước đó, vào ngày 13/1, khi đang tham gia đường chạy HCMC Marathon 2019 cự ly 42 km thì đến km 18, chàng trai bất ngờ ngã gục trên đường chạy. Ngay sau đó, dù được cấp cứu hồi sức tại hiện trường và đưa về bệnh viện cứu chữa nhưng chàng trai không qua khỏi.
Đây là năm thứ 6 giải chạy HCMC Marathon được tổ chức. Năm nay giải chạy thu hút hơn 9.000 vận động viên tham gia với các cự ly 5 km, 10 km, 21 km và 42 km.
Chàng trai trẻ Võ Văn Thơm yêu thích các hoạt động thể thao phong trào. Ảnh: FBNV
Ngày 14/1, BS Trịnh Văn Hải, trưởng khoa cấp cứu BV FV, người trực tiếp cấp cứu cho Thơm tại hiện trường cho biết Thơm không có tiền sử bệnh tim mạch. Khi tiếp cận tại hiện trường, bệnh nhân đã trong tình trạng ngưng tim.
Đội ngũ cấp cứu đã tiến hành hồi sức cấp cứu tại hiện trường gồm các công đoạn đặt đường truyền, ép tim, sốc điện và dẫn thuốc vào mạch để hồi sức cho tim của bệnh nhân đồng thời gọi thêm một ê kíp từ BV 115 và sau đó chuyển bệnh nhân về BV FV để tiếp tục cấp cứu, tuy nhiên bệnh nhân không qua khỏi.
Theo BS Hải, nguyên nhân tử vong có khả năng do vận động viên hoạt động quá sức chịu đựng của tim dẫn đến trụy tim . Tuy nhiên, nguyên nhân tử vong cuối cùng phải chờ kết quả giải phẫu tử thi.
Trao đổi thêm về việc vận động quá sức có thể ảnh hưởng sức khỏe, BS Hải cho rằng thời gian vừa qua, phong trào chạy bộ được nhiều người hưởng ứng tham gia, đặc biệt là giới trẻ, tuy nhiên vẫn còn trường hợp chạy theo sở thích, không hiểu rõ về tình trạng sức khỏe bản thân. Những trường hợp này ít nhiều có ảnh hưởng sức khỏe, nhẹ là các chấn thương khi vận động, nặng là những bệnh lý liên quan đến tim mạch.
BS Hải khuyến cáo những người tham gia chạy bộ nên tìm hiểu kỹ về kỹ thuật chạy từ những vận động viên có kinh nghiệm, chạy theo những cự ly phù hợp với thể trạng cơ thể, khởi động kỹ trước khi chạy và không cố gắng quá sức khi thấy cơ thể có dấu hiệu quá tải.
Hoàng Lan
Theo Pháp luật TPHCM
Tại sao bạn nên chạy bộ dù trời lạnh? Bạn có thói quen chạy bô môi buôi sáng, nhưng thời tiêt lạnh, bạn e ngại cảm lạnh vì vây đã bỏ đi buôi tâp thê dục. Tuy vây, thời tiết lạnh trở nên đáng giá đặc biêt khi ta chạy, theo Livestrong. Shutterstock Người sáng lập Dự án Brave Body Amber Rees và Lindsey Clayton (Mỹ) đã từng tránh chạy ra ngoài...