Rủ nhau… chạy còng
Vùng bãi ngang ven biển quê tôi có nhiều món hải sản tươi ngon. Trong số đó, còng biển là loại giáp xác tuy ít người ở phố biết đến, lại là món ăn dân dã, hấp dẫn của người dân ven biển, nhất là tụi trẻ con.
Chạy còng cũng là thú vui rộn ràng của những đứa trẻ sinh ra đã hít hà vị mặn mà của gió biển.
Con còng hình thù giống với con ghẹ, tuy nhiên thân hình nhỏ bé hơn rất nhiều. Để chạy còng, bọn trẻ thường đợi mặt trời đã lặn xuống núi, lúc ấy những con còng bò đi kiếm ăn. Khi ánh đèn của những chiếc tàu thuyền đánh bắt cá lung linh tận phía xa, những đứa trẻ vùng biển tay cầm đèn pin, xách theo cái xô đi dọc bờ biển “săn” còng.
Còng biển có thể dùng để nấu cháo, nướng hoặc rang me chua.
Còng biển có hai loại đó là còng bùi có màu trắng và loại còng gió chạy nhanh và to hơn còng bùi. Để bắt được còng, phải dùng đèn pin rọi xuống mặt cát để dò lần theo dấu chân còng, tìm những con còng ẩn mình dưới lớp cát mỏng. Hoặc có những chú còng đang bò trên mặt cát, phát hiện có ánh sáng liền bỏ chạy thật nhanh, khi ấy mọi người phải thật nhanh tay lẹ mắt chạy theo rồi chụp. Kinh nghiệm để săn còng biển phải nhanh tay chụp từ trên xuống, nắm cả con còng trong lòng bàn tay cùng với cát, như thế còng sẽ không thể kẹp vào tay. Còn dùng tay cầm vào thân còng, rất dễ bị còng kẹp, vết thương dù nhỏ nhưng rất đau.
Sau một hồi săn còng, ai nấy cũng đều hớn hở. Tuy nhiên lúc ấy nhìn lại mới biết mình đã chạy một đoạn khá xa so với ban đầu. Thế là, ngó chừng “thành quả” đã đủ, cả bọn xách xô mang về. Trong số những món ăn từ còng, phổ biến nhất là món cháo còng. Cả bọn về đến nhà, người thì lo cho gạo vào nồi, người lo rửa, tách còng, gỡ lấy gạch còng để riêng ra rồi phần còn lại giã nhỏ, lọc qua nước. Đợi nồi cháo sôi sùng sục, cho phần gạch còng và nước lọc còng vào nồi cháo, nêm nếm gia vị.
Video đang HOT
Đơn giản như thế thôi có ngay nồi cháo thơm ngon, hấp dẫn. Sau khi chạy còng về vừa đói, vừa mỏi chân, nồi cháo múc ra, cả bọn rôm rả vừa thổi, vừa ăn. Ngoài ra, còng còn chế biến rang me chua ngọt, bóc từng con còng nhâm nhi vị me chua xen lẫn vị ngọt, kèm vị cay của tiêu. Hay món còng nướng trên bếp than hồng tỏa hương thơm lừng khiến ai nấy cũng đều hít hà, chưa ăn mà nước bọt đã túa ra.
Một buổi chiều cuối tuần, tôi về quê tránh cái nắng ngày hè ở phố. Đứa em họ lên lịch rủ nhau đi chạy còng. Thế là, vừa ăn cơm tối xong, các anh chị em trong nhà tập trung lại, theo hướng biển lên đường. Rộn ràng theo từng bước chân “săn” còng giữa không gian thoáng đãng, mát mẻ trên bờ biển, khiến ai nấy cũng đều thích thú. Nếu có dịp, mời bạn về vùng biển chạy còng cùng người dân nơi đây, chắc hẳn sẽ là trải nghiệm vô cùng thú vị.
Độc đáo món bánh xèo
Kết hợp hài hòa từ nhiều nguyên liệu sẵn có, cùng cách chế biến độc đáo, món bánh xèo dân dã đã trở thành món ngon thân thuộc không chỉ say lòng biết bao người thưởng thức, mà còn là món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người dân vùng sông nước ĐBSCL
Đổ bánh xèo phục vụ du khách ở Bảy Núi
Theo những người lớn tuổi, không biết món bánh xèo có từ bao giờ, chỉ biết rằng, đã từ rất lâu đây là món ăn quen thuộc với mỗi người, mỗi gia đình từ thành thị đến nông thôn và không các bà, các mẹ nào ở ĐBSCL không biết cách làm món bánh này. Tên bánh xèo cũng được hiểu theo một cách dân dã, giản dị, lấy từ chính công đoạn khi đổ bột làm bánh vào chảo dầu nóng, bột chín kêu "xèo xèo" nên người dân lấy đặc điểm ấy đặt luôn cho tên bánh.
Bà Trần Thị Bé Tư (70 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, An Giang) cho biết, món bánh xèo rất dễ làm nhưng phải tốn nhiều công đoạn, đặc biệt là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Có thể thấy, nguyên liệu chế biến bánh xèo rất dễ tìm, chủ yếu là "cây nhà lá vườn" như: củ nghệ tươi, dừa khô, bông điên điển, tép đồng, thịt heo, các loại rau ăn sống...
Để bánh xèo thơm ngon thì khâu pha bột rất quan trọng, phải chọn loại gạo ngon xay thành bột. Sau đó khuấy đều bột gạo với một ít nước ấm và nước cốt dừa nhằm làm tăng độ béo cho bánh, rồi cho thêm trứng vịt vào bột để bánh giòn hơn. Phần bột bánh được trộn đều, cho thêm hành lá xắt nhuyễn, bột nghệ vàng để tạo màu sắc cho bánh và nêm gia vị cho bột bánh vừa ăn. "Ngày trước, mỗi lần muốn ăn bánh xèo phải ngâm gạo từ đêm trước rồi xay thành bột mịn, chứ không có bột pha sẵn như bây giờ, chỉ cần mua về pha là có thể làm ăn ngay..." - bà Tư chia sẻ.
Bà Tư cho biết thêm, tùy vào sở thích của mỗi người, khẩu vị của người ăn và nguyên liệu sẵn có mà nhân của bánh xèo được phối hợp biến tấu thành nhiều loại khác nhau, như: củ hũ dừa, đậu xanh, củ sắn, giá, măng tươi, bông điên điển, tôm, thịt heo, tôm, thịt vịt, thịt gà, ốc gạo, tép đồng, tàu hủ, nấm... Mỗi sự kết hợp sẽ cho một hương vị riêng, độc đáo, đây chính là điểm nhấn tạo nên sự phong phú và đa dạng cho món bánh xèo. Đặc biệt, bánh xèo phải được làm bằng chảo gang trên bếp củi sẽ giòn và ngon hơn.
"Làm bánh xèo không khó, tuy nhiên để có một chiếc bánh xèo giòn, ngon đòi hỏi sự công phu, cầu kỳ, phải có "bí quyết" riêng và sự khéo léo. Người đổ bánh phải thật nhanh tay đổ bột, xoay chảo, canh lửa và ước lượng thời gian chính xác thì bánh mới vừa tròn đều, vừa mỏng giòn mà không bị cháy khét" - bà Tư chia sẻ.
Làm bánh xèo đã công phu, thưởng thức bánh xèo cũng không kém phần nghệ thuật. Để thưởng thức món bánh ngon không thể không kể đến nước mắm tỏi ớt chua ngọt. Ngoài ra, bánh xèo sẽ không thể trọn vị nếu thiếu rau ăn kèm đúng kiểu sông nước miệt vườn. Các loại rau vườn, rau nhà, rau rừng đều có thể ăn kèm với bánh xèo... vô cùng hợp lý.
Những loại rau thường thấy khi ăn bánh xèo, như: tía tô, cải bẹ xanh, lá bằng lăng, rau thơm, lá lốt, sao nhái, ngành ngạnh, càng cua, rau diếp cá, lá cách, lá lụa, đinh lăng, lá sen non... Đặc biệt còn có đọt xoài non, cóc non hoặc mận non, khế chua, khóm hay dưa leo, củ cải trắng, củ sắn, củ cải đỏ sắc sợi ngâm chua để kích thích vị giác.
Bánh xèo có nhiều cách ăn tùy theo sở thích của mỗi người, nhưng ăn theo cách dùng tay xé từng miếng bánh xèo nóng hổi có cả phần bột và nhân bánh gói cùng các loại rau là cách thông dụng nhất và được nhiều người thích nhất. Gói đủ loại rau xanh bao quanh bánh xèo chấm chén nước mắm chua ngọt đưa vào miệng cắn một miếng, người ăn sẽ nghe thấy tiếng rộp rộp giòn tan của vỏ bánh xèo trong miệng. Bên cạnh đó sẽ cảm nhận được vị ngọt của nhân bánh, vị thơm béo của nước cốt dừa, vị chan chát của các loại lá rau, vị chua, cay, mặn của nước chấm đầy đủ sắc, hương, vị cùng hòa quyện vào nhau... ngon không thể tả.
"Tôi rất thích về miền Tây ăn bánh xèo vì có rất nhiều loại rau vườn ăn kèm rất ngon. Đặc biệt, năm nào gia đình tôi cũng có 3-4 lần về TP. Châu Đốc và phải dành thời gian đi Bảy Núi để thưởng thức bánh xèo ăn kèm với rất nhiều loại rau rừng được hái tự nhiên trên núi mà không nơi nào có. Ngon không thể nào diễn tả được... "- chị Cao Thị Ngọc Sương (du khách đến TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Tuy là món ăn dân dã, bình dị nhưng bánh xèo là món ăn làm nao lòng biết bao thực khách, dù khó tính thế nào nhưng khi đã một lần thưởng thức sẽ mãi không quên.
Canh hến nấu cà chua Món ăn dân dã mà lại dễ nấu này rất được nhiều người yêu thích. Bạn hãy trổ tài nấu cho người thân nhé để có bữa cơm ngon. Nguyên liệu: - 500g hến còn nguyên vỏ - 2 quả cà chua - 1 bó thì là - Muối, hạt nêm, hành khô. Cách làm: - Hến mua về ngâm vào thau nước...