Romania phản bác nhận xét của Tổng thống Putin về lá chắn tên lửa
Bộ Ngoại giao Romania bày tỏ sự ngạc nhiên về cách Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét về hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này, hãng tin ATC Media (Romania) cho biết.
Bộ Ngoại giao Romania lên tiếng sau những phát biểu của Tổng thống Putin liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa đặt ở nước này. REUTERS
Trước đó, trong chuyến công du Hy Lạp ngày 27.5, Tổng thống Putin khẳng định Nga buộc phải xem Romania và Ba Lan là những mục tiêu và sẽ có hành động đáp trả. Lý do ở chỗ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đặt lá chắn tên lửa tại hai nước kể trên.
Trong một thông cáo đưa ra ngày 29.5, Bộ Ngoại giao Romania khẳng định lập luận của Tổng thống Nga xem như đã lờ đi lời giải thích của Romania, NATO và Mỹ về tính chất phòng thủ của các lá chắn tên lửa.
“Quan điểm (của ông Putin) đã nói lên sự thật rằng, điều mà cả Romania lẫn các đồng mình của chúng tôi đã giải thích nhiều lần – cụ thể là hệ thống tên lửa đó đơn thuần chỉ phục vụ mục đích phòng thủ – đã bị cho qua. Nó cũng có thể được giải thích theo kiểu một mối đe dọa cho khu vực. Chúng tôi nhắc lại một lần nữa nhân dịp này, rằng các thỏa thuận song phương về phòng thủ tên lửa của Romania và Mỹ chính xác phục vụ cho bản chất phòng thủ của lá chắn ở Deveselu và tuân thủ các quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Bộ Ngoại giao Romania nhắc lại rằng hệ thống này không nhằm vào Nga hay bất kỳ nước nào khác”, ATC Media ngày 30.5 dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Romania.
Video đang HOT
NATO trước đó đã đưa hệ thống tên lửa Aegis ở Deveselu (Romania) đi vào hoạt động. Điều này đã tạo ra căng thẳng về an ninh từ phía Nga. Moscow khẳng định việc Mỹ và NATO lấy cớ ngăn ngừa mối đe dọa từ Iran lúc này đã không còn tác dụng, vì đàm phán hạt nhân Iran đã xong xuôi, và không có lý do gì để tiếp tục giữ những lá chắn ấy.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Romania cũng tiếp tục lập luận rằng Nga đã thường xuyên bóp méo thực tiễn, và “ngạc nhiên” khi câu chuyện về an ninh khu vực lại được ông Putin nhắc tới, trong khi “ai cũng biết rõ lý do của mối đe dọa an ninh ấy đến từ đâu”.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Tổng thống Putin: Nga buộc coi Romania, Ba Lan là mục tiêu
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27.5 khẳng định việc Mỹ và NATO đặt lá chắn tên lửa tại Romania và Ba Lan buộc Nga phải coi 2 nước này là mục tiêu và có hành động đáp trả.
Tổng thống Vladimir Putin cho rằng NATO có thể dễ dàng chuyển đổi mục đích sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania nhắm vào Nga. REUTERS
"Chúng tôi sẽ buộc phải phản ứng theo cách riêng. Trước đây, một số vùng tại Romania không hề hay biết gì đến việc bị coi là mục tiêu. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi phải có những biện pháp để giữ gìn an ninh đất nước", Tổng thống Putin phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại Athens ngày 27.5, theo RT cùng ngày.
Nói đến hệ thống phòng thủ tên lửa trên bờ Aegis trị giá 800 triệu USD mà NATO vừa cho hoạt động tại Deveselu (Romania), Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Hiện tại các tên lửa đánh chặn của hệ thống này có tầm bắn 500 km, không lâu nữa nó sẽ tăng lên 1.000 km. Tệ hơn nữa là hệ thống này có thể sử dụng các tên lửa tấn công có tầm bắn 2.400 km, điều đó có thể dễ dàng được thực hiện bằng cách chuyển đổi phần mềm nên thậm chí ngay cả người Romania cũng chẳng hề hay biết".
Ông Putin cũng quả quyết rằng Nga có đủ khả năng để đáp trả bằng các tên lửa tầm trung (Kalibr) phóng từ biển mà nước này từng sử dụng tại Syria. Các tên lửa Iskander phóng từ các căn cứ trên bộ cũng là một phương án "tuyệt vời", theo ông Putin.
Tổng thống Putin bác bỏ những tuyên bố của phương Tây rằng hệ thống Aegis là biện pháp phòng thủ nhằm đối phó với mối đe doạ từ chương trình hạt nhân của Iran. "Chương trình đó giờ đâu rồi? Nó không hề tồn tại", ông Putin nói.
Thủ tướng Hy Lạp Tsipras cũng nhấn mạnh rằng Nga là một phần của hệ thống an ninh tại châu Âu; đồng thời những nỗ lực nhằm xa lánh Nga như thực hiện các lệnh trừng phạt làm ông liên tưởng đến thời Chiến tranh Lạnh.
Ông Tsipras khẳng định tương lai của châu Âu không thể thiếu Nga và giải pháp duy nhất cho những mâu thuẫn hiện nay là đối thoại, theo TASS. Ngoài ra, Thủ tướng Hy Lạp cho rằng những lệnh trừng phạt của EU đối với Nga sẽ chẳng đi đến đâu.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Hy Lạp Tsipras tại Athens ngày 27.5. REUTERS
Chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Hy Lạp ngày 27.5 là chuyến đi châu Âu đầu tiên sau 7 tháng của ông. Chuyến đi này cũng diễn ra vài tuần trước khi EU quyết định có gia hạn lệnh trừng phạt với Nga hay không.
Sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, Nga hứng chịu lệnh cấm vận của Mỹ và nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên trong phát biểu ngày 27.5, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng Nga sẽ không bàn luận gì về việc trả Crimea lại cho Ukraine.
"Về phần Crimea, chúng tôi nghĩ vấn đề đã được khép lại mãi mãi. Đó (sự sáp nhập) là quyết định lịch sử của người dân tại Crimea".
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Vũ khí nào giúp Nga đối phó lá chắn tên lửa của Mỹ? Sau khi Mỹ cho hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên bờ Aegis tại Romania, Nga tuyên bố có quyền đáp trả thích hợp. Những vũ khí nào có thể giúp Nga đối phó lá chắn tên lửa Mỹ? Tên lửa liên lục địa Yars của Nga, tầm bắn 12.000 km. REUTERS Sau khi Mỹ kích hoạt hệ thống...