RÒM: Lời cảnh tỉnh về một xã hội bại hoại do “số đề”, nơi trẻ con cùng quẫn bởi khát vọng “đổi đời” của người lớn
Bộ phim Ròm là một tác phẩm điện ảnh với thông điệp mạnh mẽ, vẽ nên những mảnh đời cùng quẫn, tuyệt vọng chỉ vì “số đề”. LƯU Ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim. Các bạn cân nhắc kỹ trước khi đọc tiếp nhé!!!
Ròm - bộ phim Việt đặc biệt nhất điện ảnh 2020 đã chính thức ra mắt sau bao nhiêu thăng trầm. Đến thời điểm hiện tại, doanh thu phòng vé của Ròm ước tính xấp xỉ 30 tỷ đồng, hâm nóng phòng vé Việt Nam sau nhiều tháng rạp chiếu “đóng băng” vì dịch bệnh. Tuy nhiên, câu chuyện của Ròm vẫn gặp phải nhiều tranh cãi từ phía khán giả: ai là kẻ thiện, ai là kẻ ác, và liệu có hồi kết nào cho cái trò chơi số đề ác nghiệt?
Trailer của Ròm
Cái kết của bộ phim không đưa ra một hướng đi, một cách giải quyết nào đó để dứt điểm hằng hà sa số những biến cố đã xảy ra. Thay vào đó, Ròm kết thúc với hình ảnh hai chú bé “cò đề” vẫn mải miết trong cuộc đua của những con số để tranh nhau từng đồng tiền lẻ. Với nhiều người, cái kết này gây ra sự hụt hẫng lớn và không giải quyết được những vấn đề mà bộ phim đặt ra. Tuy nhiên, điều đó không làm mờ đi một phần thông điệp rõ ràng của Ròm: trò đề như một “con ma” hủy hoại cuộc sống của những kẻ đi theo nó.
Chẳng cái kết có hậu nào dành cho những con “ma đề”
“Đánh đề ra đê mà ở” là một câu nói quen thuộc của người Việt Nam mỗi khi nhắc đến “đề đóm” – một tệ nạn cờ bạc bị lên án mạnh mẽ nhưng ở đâu cũng thấy. Ai cũng biết con số đề nó nguy hiểm lắm, tỉ lệ thắng không cao nhưng độ nghiện thì chẳng khác nào một thứ chất kích thích với cơn adrenaline duy nhất truyền vào não bộ là giấc mộng giàu sang, đổi đời sau 16h30 chiều. Nó chính là giọt chất nghiện thống trị, bao trùm lên miếng cơm, giấc ngủ của những cư dân trong căn chung cư xập xệ của Ròm.
Từng kiếp người xuất hiện trong Ròm, ai cũng ít nhiều dính dáng đến trò chơi số đề, và tất cả đều không nhận được một cái kết có hậu. Từ sự ra đi thảm khốc của bà Ba (Thiên Kim) cho đến những người như bà Ghi ( Cát Phượng), những con “ma đề” trong cái chung cư ngày đêm cầu trời khấn Phật xin một con số, hay cả Phúc, cả Ròm, tất cả đều không thoát khỏi tấn bi kịch trong khát vọng thoát nghèo.
Bi kịch của kẻ này biến thành nụ cười của gã kia, và ngược lại – tạo thành một vòng xoáy những người cắn xé nhau vì khát vọng cá nhân không có điểm dừng. Hình ảnh bà Ghi thét lên một câu “Tôi cũng nghèo như mấy người mà thôi!” để tự vệ cho hành vi lôi kéo, dụ dỗ người khác chơi đề bỗng khiến người ta giật mình, chẳng biết như vậy là đáng trách hay đáng thương? Mặc dù điều bà ta làm có là sai đi chăng nữa thì khi đặt bản thân vào hoàn cảnh của nhân vật ấy, liệu chúng ta có bị nghiêng người về những cám dỗ?
Ghi – một nhân vật đáng thương, đáng trách của Ròm với đứa con bị ung thư
Với những người tự rước họa vào thân như vậy, liệu họ có phải kẻ xấu hay không? Họa chăng chính là cái nghèo, cái niềm hy vọng hão huyền vào tương lai tươi sáng mới chính là thứ đẩy họ xuống vực thẳm của trò chơi nợ nần, cờ bạc. Những kẻ gieo rắc thứ niềm tin ấy không ai khác chính là các ông bà chủ đề, nhà cái sẵn sàng làm mọi thứ để lôi kéo người ta đánh đề nhằm chuộc lợi cho bản thân. Sự cùng quẫn của các nhân vật trong phim không để ra cho họ nhiều lựa chọn: hoặc là chết đói, hoặc là “được ăn cả ngã về không”.
Những đứa trẻ lọt thỏm trong trò đời của người lớn
Ròm (Trần Anh Khoa) và Phúc ( Anh Tú Wilson) xét cho cùng đều là những đứa trẻ bị xã hội ruồng bỏ trong vô vàn những đứa trẻ khác đồng cảnh ngộ. Chúng hấp tấp, hành động theo bản năng và cô đơn. Hai đứa nhóc loai choai không nhà vừa là tình địch, vừa là những kẻ cùng giai cấp giành nhau miếng thịt nhỏ xíu rớt ra từ bàn ăn của người lớn.
Ròm và Phúc đối chọi nhau nhưng chung quy cũng chỉ vì miếng cơm manh áo
Ròm – nhân vật chính của phim hiện lên với những góc quay nghiêng ngả, méo xệch đúng như cuộc đời của nó. Có một phân đoạn để lại nhiều ấn tượng là lúc Ròm đi qua đi lại giữa một con đường nơi nó hay chờ ba má, với khung hình vội chếch nghiêng mỗi khi thằng bé kịp bước ra ngoài, tạo cảm giác như nhân vật đang phải leo dốc đầy khó khăn để với tới lối thoát. Chỉ khi Ròm trở về điểm giữa – cái điểm mà nó đứng chờ ba má hàng ngày trong vô vọng, thì cũng là lúc cuộc sống của nó không còn sự cố gắng.
Chỉ là một phân đoạn nhỏ nhưng đạo diễn Trần Thanh Huy cùng ekip đã thể hiện được sự bế tắc, khó khăn của một đứa nhỏ tìm cách thoát khỏi trò đời, trò đề mà nó chẳng may bị cuốn vào.
Ròm trong phim liên tục hứng chịu những trận đòn của người lớn nhưng không bao giờ dám chống trả
Trong góc nhìn nhỏ bé của Ròm, nó vẫn coi đề đóm là một lối thoát. Ròm đánh một con đề cuối, chẳng biết có thắng hay không, mà dường như nó vừa bị đẩy sâu hơn vào “trò chơi toán học” – một sự thật cay độc không ai mong muốn nhưng vẫn đang xảy ra trên cuộc sống này. Một đứa bé ngây thơ với hình vẽ nguệch ngoạc được nắm tay bố, tay mẹ nhưng vẫn hớn hở rằng “hạnh phúc” chỉ là con số 41, thật chua xót làm sao!
Nhân vật chủ nợ ( Wowy) – hiện thân của cái kết tàn khốc khó tránh dành cho dân “ghiền” đề
Chừng nào xã hội còn tệ nạn chơi đề thì khi ấy vẫn sẽ có cảnh nợ nần. Những nhân vật như tên chủ nợ tàn nhẫn của Wowy là một nguồn “cung” không bao giờ có thể diệt tận gốc. Chỉ có người như hắn mới đủ đáp ứng nhu cầu muốn được “bốc nhanh vài bát họ” để làm con đề, con lô của các đề thủ. Bộ phim Ròm đặt nhân vật này vào trung tâm của nửa sau cốt truyện như hiện thân của cái kết đầy đen tối cho sự đam mê cờ bạc. Khán giả không biết điều gì sẽ xảy đến với nhân vật của Wowy, nhưng ai cũng hiểu gã chính là hậu quả tất yếu, là điều không thể tránh khỏi đối với những người dân của khu chung cư xập xệ trong phim.
Những kẻ như nhân vật của Wowy sẽ không bao giờ biến mất nếu những tệ nạn như đề đóm còn tồn tại
Tạm kết
Nhìn rộng hơn, Ròm lên án một xã hội tài nhẫn dám lấy trẻ em ra làm công cụ phục vụ cho tham vọng ích kỷ của người lớn. Giống như câu kết cuối phim rằng đề đóm là một vòng luẩn quẩn không lối thoát, phim cũng bất lực trong việc vẽ ra một sự thay đổi thực tế cho Ròm, Phúc hay bất kỳ các nhân vật nào khác. Xét cho cùng, chúng quá nhỏ bé, non nớt, vừa quá “sõi đời” vừa chẳng hiểu gì về đời! Cao trào của phim – khi cả khu chung cư chìm trong biển lửa có thể được coi là lời cảnh tỉnh của tác giả dành cho những người còn ham mê thứ cờ bạc đỏ đen, trái pháp luật, còn mê muội và bị dẫn dắt bởi những tên nhà cái lươn lẹo với thứ ước mơ giàu sang rởm đời, hão huyền.
Ròm là hồi chuông cảnh tỉnh dành cho những con người đang “bán rẻ” tương lai vì những con số hão huyền
Ròm đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 25/9/2020.
CHÍNH THỨC: Doanh thu RÒM cán mốc 1 triệu đô chỉ sau 2 ngày công chiếu
Chỉ vừa kết thúc những ngày công chiếu đầu tiên nhưng Ròm đã mang về thêm một mốc doanh thu mới siêu ấn tượng.
Tựa phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy tiếp tục có những cột mốc doanh thu ấn tượng tại Việt Nam. Sau 2 ngày công chiếu đầu tiên, phim đã "cá kiếm" về cho mình tổng doanh thu lên đến con số 1 triệu đô. Ước tính, đã có 250.000 vé được bán ra trên toàn quốc, chứng tỏ độ nóng "không ai bì nổi" của Ròm.
Đoàn phim Ròm đăng tải cột mốc 1 triệu đô doanh thu
Đây là thành công ngoài sức tưởng tượng của Ròm khi phim đánh mạnh vào đề tài nhạy cảm và nhức nhối của xã hội - chơi số đề. Từ phương xa trở về Việt Nam sau nhiều năm bôn ba, Ròm trở thành "quý nhân" mang sứ mệnh hồi sinh phòng vé Việt, đạt được nhiều thành tích về lượt đặt vé, mua vé và doanh thu khiến ai ai cũng trầm trồ.
Chúc mừng ekip Ròm, tất cả đã vất vả rồi!
Trailer Ròm
Ròm hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
RÒM: Bi kịch xóm nghèo phá vỡ mọi chuẩn mực điện ảnh, xứng đáng hai chữ "tự hào" của phim Việt Gần gũi nhưng lại độc đáo, làm phim nhưng lại như không làm phim, mọi thứ mà Ròm toát ra là sự gai góc của cuộc sống, những vết thương nhức nhối của cuộc đời mưu sinh và tính phê bình xã hội vô cùng cần thiết với nghệ thuật ngày nay. Khi tên phim hiện lên cùng với tên của những người...