Rời “mẹ” VNPT, MobiFone sẽ thành Viettel thứ hai?
Sau khi tách ra khỏi Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam ( VNPT) và thực hiện cổ phần hóa, Công ty Thông tin di động Việt Nam ( MobiFone) sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của Viettel và VinaPhone.
Trước đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch Phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, Chính phủ đã xác định thị trường viễn thông có ít nhất 3 doanh nghiệp (DN) lớn, trụ cột để đảm bảo duy trì sự cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững.
Với việc MobiFone tách khỏi VNPT và tiến hành cổ phần hóa ngay trong năm nay, thị trường viễn thông Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn về chất. Sự cạnh tranh không còn là chuyện “giữa các con trong một nhà” (vì 3 nhà mạng hiện nắm tổng cộng 95% thị phần viễn thông Việt Nam đều là DNNN), mà sẽ trở nên quyết liệt hơn.
Theo Sách trắng Công nghệ thông tin 2013, thị trường viễn thông đang chứng kiến sự thống lĩnh của 3 nhà mạng trong dịch vụ điện thoại di động, Viettel vẫn chiếm thị phần cao nhất (40,05%), MobiFone ở vị trí thứ 2 (với 21,4% thị phần) và theo sát là VinaPhone (với 19,88%). Vietnamobile chiếm thị phần cao nhất trong các hãng còn lại (với 10,74% thị phần).
Vì vậy, với việc tách MobiFone khỏi VNPT, thị trường sẽ hình thành thế chân vạc Viettel – VinaPhone – MobiFone, tạo ra sự cạnh tranh mới – cuộc đua tam mã đầy thú vị.
Việc MobiFone tách khỏi VNPT, hoạt động độc lập và tiến hành cổ phần hóa sẽ tạo ra bước ngoặt cho thị trường viễn thông. Có nhiều lí do để tin rằng, MobiFone sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm, đe dọa các nhà mạng còn lại.
Video đang HOT
Đầu tiên là vấn đề tài chính độc lập. Bấy lâu nay, cho dù MobiFone hoạt động rất hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận cao, nhưng vẫn là DN trực thuộc VNPT. Trong nhiều năm liên tục, MobiFone và VinaPhone là hai DN mang lại doanh thu và lợi nhuận chính của VNPT. Đơn cử, năm 2012, hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone đã đóng góp 66.379 tỉ đồng trong tổng doanh thu 130.390 tỉ đồng của VNPT.
Thứ hai, với việc tách ra khỏi VNPT, trở thành DN độc lập, không phải mang theo các đơn vị làm ăn thua lỗ, MobiFone sẽ có điều kiện tập trung đầu tư vào sản xuất – kinh doanh, mở rộng lĩnh vực hoạt động. Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone cho biết, sau khi chia tách, MobiFone sẽ triển khai đa dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thay vì chỉ giới hạn trong kinh doanh viễn thông.
Dù chưa tiết lộ cụ thể MobiFone sẽ tiến quân vào lĩnh vực nào, nhưng với những động thái mới đây có thể thấy rằng, MobiFone sẽ đầu tư mạnh vào lĩnh vực Internet, phi thoại, OTT… Bên cạnh đó, sau khi được cổ phần hóa, MobiFone không chỉ có thêm nguồn tài chính, mà còn được “tiếp sức” nhờ công nghệ hiện đại, phương thức quản lí tiên tiến, nếu có sự tham gia góp vốn của các tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới. Đây là nhân tố được coi là một vũ khí lợi hại cho MobiFone.
Trong thế chân vạc hậu tái cấu trúc VNPT, MobiFone sẽ là đối thủ chính, đối trọng lớn của Viettel. Với doanh thu năm 2013 đạt hơn 163.000 tỉ đồng và vừa từ bỏ khái niệm nhà mạng, Viettel tiến thêm một bước trên đường trở thành nhà cung cấp dịch vụ và đang mở rộng kinh doanh mạnh mẽ ra ngoài lĩnh vực di động.
Thị trường viễn thông đang kì vọng vào “cú huých” mang tên MobiFone, bởi 10 năm trước (vào năm 2004), Viettel mới đặt chân vào lĩnh vực di động và đã phá thế độc quyền, tạo ra một thị trường viễn thông như ngày nay.
Chỉ có thời gian mới trả lời cho câu hỏi liệu MobiFone có thể làm được điều tương tự như Viettel đã từng làm hay không?
Nếu Mobifone trở thành một Viettel thứ hai, ít nhất cũng có thể kì vọng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi về giá trị dịch vụ, giá cước, trước khi mơ đến lúc thị trường viễn thông sẽ có cuộc cách mạng thứ hai như Viettel đã từng làm được.
Theo Bao Đâu Tư
MobiFone ra riêng, lãnh nợ 1.600 tỷ đồng giúp VNPT
Tại phiên họp báo Chính phủ được tổ chức chiều 1/4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết đã có kết luận về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tinh thần là đồng ý với đề nghị mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho hay, thời gian qua xã hội rất quan tâm tới đổi mới tái cơ cấu VNPT. Bởi, việc tái cơ cấu VNPT không chỉ ảnh hưởng tới khoảng 45.000 cán bộ công nhân viên chức của VNPT mà còn ảnh hưởng tới hàng chục triệu người sử dụng mạng VinaPhone và MobiFone.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan tham mưu đã làm việc rất thận trọng khi đưa ra quyết định. Chiều 31/3, Đề án tái cơ cấu VNPT đã được thông qua với trọng tâm tách MobiFone ra khỏi VNPT.
Như vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trở thành đại diện chủ sở hữu VNPT và MobiFone. Thủ tướng cũng chỉ đạo nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa MobiFone theo đúng lộ trình.
Trước đó, tại buổi tọa đàm "Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam" hồi trung tuần tháng 2/2014, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định phương án tách MobiFone chứ không phải VinaPhone khỏi VNPT có nhiều ưu điểm.
Thứ nhất, MobiFone là đơn vị có thương hiệu mạnh, hoạt động độc lập hơn so với VinaPhone trong tập đoàn VNPT. Do đó, khi được tách khỏi VNPT, việc cổ phần hóa sẽ nhanh chóng hơn và MobiFone vẫn có điều kiện để phát triển.
Thứ hai, việc tách MobiFone, cùng một số phương án mà VNPT đề nghị, vẫn có thể bảo đảm cho VNPT có bức tranh tài chính lành mạnh.
"Một số phương án" nói trên chính là việc tách MobiFone cần kèm theo điều kiện là doanh nghiệp này sẽ phải ôm theo số nợ khoảng 1.600 tỷ đồng mà VNPT đang đầu tư vào các doanh nghiệp trái ngành nghề buộc phải thoái vốn.
Tuy nhiên, có vẻ như số tiền trên chẳng "thấm tháp" gì với MobiFone, khi ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone khẳng định việc tách khỏi VNPT chính là cơ hội vì với doanh thu và lợi nhuận hiện tại, MobiFone hoàn toàn tự tin cạnh tranh trên thị trường viễn thông.
Theo ông Minh, việc tách khỏi VNPT giúp MobiFone trở thành một doanh nghiệp độc lập và triển khai đa dịch vụ hơn ở lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, chứ không chỉ dừng lại "nghề chính" là thông tin di động như hiện nay.
Theo Vietnam
VNPT cố giữ MobiFone: 'Tham thì thâm' Tìm đủ mọi cách giữ MobiFone dù phải đi ngược tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, trái với chiến lược phát triển viễn thông tới năm 2020... VNPT đã phải gánh hậu quả. Năm 2005, việc cổ phần hóa MobiFone được Thủ tướng phê duyệt. Những năm kế tiếp, thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đạt cực thịnh...