Rocket của Hamas từng rơi trúng căn cứ nghi chứa tên lửa hạt nhân của Israel
Phân tích hình ảnh của New York Times cho thấy một quả rocket mà Hamas phóng từ Dải Gaza vào ngày 7/10 đã đánh trúng một căn cứ quân sự của Israel bị nghi là nơi chứa tên lửa có khả năng hạt nhân.
Mũi tên chỉ vị trí bị trúng rocket, gần nơi nghi cất giữ tên lửa Jericho của Israel. Ảnh: Planet Labs
Mặc dù bản thân các tên lửa không bị bắn trúng nhưng tác động của rocket đối với căn cứ Sdot Micha ở miền Trung Israel đã gây ra một đám cháy lan tới các cơ sở chứa tên lửa và các vũ khí nhạy cảm khác.
Israel chưa bao giờ thừa nhận có kho vũ khí hạt nhân, mặc dù một số nguồn tin Israel, các quan chức Mỹ và các nhà phân tích hình ảnh vệ tinh đều cho rằng nước này có ít nhất một số lượng nhỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn Nhà khoa học Mỹ, ước tính Israel rất có thể có từ 25 đến 50 bệ phóng tên lửa Jericho có khả năng hạt nhân tại căn cứ trên. Theo các chuyên gia và tài liệu được giải mật của chính phủ Mỹ, tên lửa Jericho của Israel có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Theo ông Kristensen, những đầu đạn đó rất có thể được cất ở một vị trí riêng và cách xa căn cứ, do đó không bị đe dọa trong cuộc tấn công ngày 7/10.
Cuộc tấn công vào căn cứ Sdot Micha chưa từng được đưa tin trước đây và là trường hợp đầu tiên các tay súng Palestine tấn công một địa điểm bị nghi chứa vũ khí hạt nhân của Israel. Không rõ liệu Hamas có biết chi tiết cụ thể về những gì họ định tấn công không, ngoài thông tin rằng căn cứ này chỉ đơn giản là một cơ sở quân sự.
Tuy nhiên, việc Hamas nhằm vào một trong những địa điểm quân sự nhạy cảm nhất ở Israel cho thấy phạm vi của cuộc tấn công ngày 7/10 có thể còn lớn hơn những gì mà người ta từng biết, và rocket có thể xâm nhập không phận ở trên khu vực chứa vũ khí chiến lược được bảo vệ chặt chẽ của Israel.
Theo dữ liệu cảnh báo, Hamas đã nã hàng loạt rocket suốt vài tiếng vào khu vực xung quanh Sdot Micha. Không rõ có bao nhiêu tên lửa đã bị hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel đánh chặn hoặc đã vượt qua và rơi trúng căn cứ. Trong một số trường hợp trên khắp Israel vào ngày 7/10, Vòm Sắt đã quá tải trước số lượng rocket đang lao tới hoặc hết tên lửa đánh chặn.
Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel từ chối bình luận về thông tin trên của New York Times. Tuy nhiên, từ ngày 7/10, Israel dường như đã nhận ra và đề phòng mối đe dọa nhằm vào Sdot Micha. Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy các gò đất và rào chắn bằng đất mới đã được xây dựng xung quanh các vị trí quân sự gần vị trí từng bị rocket đánh trúng, có lẽ là để chắn các mảnh đạn hoặc mảnh vỡ từ các cuộc tấn công trong tương lai.
Theo cơ sở dữ liệu theo dõi các cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân của Đại học Maryland, trước đây, chỉ có khoảng 5 cuộc tấn công trên toàn thế giới nhằm vào các căn cứ có vũ khí hạt nhân. Nhưng vì tính bí mật vốn có của vũ khí hạt nhân nên sẽ không bao giờ có con số chính xác.
Video đang HOT
Vị trí căn cứ Sdot Micha. Ảnh: New York Times
Tuy nhiên, ông Gary Ackerman, một trong những nhà nghiên cứu thiết lập cơ sở dữ liệu trên, cho biết cuộc tấn công ngày 7/10 là khác thường. Ông nói: “Đây không phải là điều xảy ra hàng ngày”.
Hamas và các nhóm tay súng Palestine khác thường bắn rocket vào các thị trấn và thành phố của Israel nằm tương đối gần Gaza. Họ đã bắn hàng nghìn quả đạn vào những địa điểm này vào ngày 7/10. Trong những trường hợp hiếm hoi mà các nhóm bắn rocket tầm xa, họ thường nhắm vào các thành phố của Israel xa Gaza như Tel Aviv và Rishon LeZion hơn là các căn cứ quân sự chứa vũ khí tiên tiến.
Căn cứ Sdot Micha tồn tại từ năm 1962, có thể nhìn thấy rõ ràng trên hình ảnh vệ tinh công cộng, trải trên khu vực đồi núi rộng. Mặc dù rocket do Hamas bắn ở Dải Gaza có thể không chính xác nhưng khó có khả năng Sdot Micha bị bắn trúng một cách tình cờ. Ngoài các cơ sở quân sự nhạy cảm, hầu như không có mục tiêu nào khác trong vòng hơn 3km quanh địa điểm mà quả rocket đã lao trúng. Ngoài ra, còn có rất ít mục tiêu quan trọng, phi quân sự trong toàn bộ khu vực này vì dân số thưa thớt.
Mặc dù ngọn lửa đã thiêu rụi một phần căn cứ quân sự này nhưng vũ khí và thiết bị vẫn được đảm bảo an toàn. Theo phân tích hình ảnh vệ tinh, ngọn lửa dừng lại cách cơ sở Jericho khoảng 300m.
Theo ông Kristensen, ngay cả nếu ngọn lửa lan đến các tên lửa, thì cũng khó gây thiệt hại vì các cơ sở thường để tên lửa dưới lòng đất, có đường hầm chống chịu được với các thiệt hại. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn có những rủi ro khi đám cháy bùng lên gần các kho nhiên liệu và đạn dược dễ bắt lửa.
Trước đó, New York Times cũng đưa tin rằng Israel đã có trong tay bản kế hoạch tấn công của Hamas từ hơn một năm trước. Tuy nhiên, giới chức Israel cho rằng kế hoạch này quá tham vọng và Hamas không thể thực hiện được. Trong thực tế, những gì xảy ra vào ngày 7/10 đều diễn ra chính xác theo bản kế hoạch dài 40 trang nói trên.
Trong cuộc tấn công này, Hamas đã giết chết 1.200 người Israel và bắt khoảng 240 người làm con tin. Israel đáp trả bằng đợt không kích dữ dội và chiến dịch trên bộ, khiến trên 16.000 người Palestine thiệt mạng. Sau giai đoạn ngừng bắn và thả con tin kéo dài 7 ngày, hai bên tiếp tục giao tranh ác liệt.
Thương vong bất đối xứng trong các cuộc xung đột Israel Palestine
Cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine đang leo thang nguy hiểm, trở thành cuộc chiến có nhiều người chết nhất giữa hai bên.
Tuy nhiên, dữ liệu lịch sử cho thấy người Palestine luôn phải trả giá đắt hơn về sinh mạng.
Một tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 9/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNBC, hơn một tháng diễn ra cuộc chiến giữa Israel và Hamas, con số thương vong và mức độ tàn phá do cuộc xung đột gây ra là chưa từng có trên nhiều mặt.
Theo Cơ quan Y tế Gaza do Hamas kiểm soát, sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10, Israel đã tấn công trả đũa, khiến trên 11.000 người Palestine thiệt mạng.
Theo dữ liệu do Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) tổng hợp, con số này đã vượt qua tổng số người Palestine thiệt mạng trong 15 năm qua do xung đột với Israel.
Israel cũng chịu tổn thất to lớn, trong đó ngày 7/10 là ngày người Do Thái chịu nhiều thương vong nhất kể từ nạn diệt chủng Holocaust.
Theo dữ liệu từ OCHA, khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng chỉ trong ngày 7/10. Con số này gần gấp 4 lần tổng số người Israel thiệt mạng vì những cuộc xung đột như vậy kể từ năm 2008. Israel ước tính khoảng 240 con tin bị bắt giữ ngày hôm đó.
Đã có 5 cuộc xung đột quân sự lớn giữa Israel và Hamas kể từ khi Israel đơn phương rút khỏi Dải Gaza vào năm 2005. Trong tất cả các cuộc xung đột lớn năm 2008, 2012, 2014, 2021 và hiện nay 2023, số người chết ở các lãnh thổ của Palestine (Gaza và Bờ Tây) cao hơn phía Israel rất nhiều.
Ông H.A. Hellyer, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho biết: "Nói chung, từ năm này qua năm khác, số thường dân Palestine bị lực lượng Israel giết hại vượt số thường dân Israel bị người Palestine giết hại, gấp nhiều lần".
Dữ liệu do CNBC tổng hợp cho thấy trên 18.600 người Palestine ở Gaza và Bờ Tây đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột với Israel kể từ năm 2008. Con số này cao hơn nhiều so với ít nhất 1.500 người thiệt mạng ở Israel trong cùng thời kỳ.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, kể từ năm 2008, ít nhất 183.500 người Palestine đã bị thương do xung đột, trong khi khoảng 11.700 người ở Israel bị thương.
Trong các cuộc chiến, không thể có được con số thương vong chính xác. Hiện tại, trên 2.000 người thuộc diện mất tích ở Gaza, trong khi Israel vẫn đang nỗ lực xác định danh tính nạn nhân vài tuần sau vụ ngày 7/10, cũng như cố gắng giải cứu các con tin.
Để có được cái nhìn chính xác hơn, CNBC đã sử dụng dữ liệu từ Liên hợp quốc, đối chiếu với các con số từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và Cơ quan Y tế ở Gaza do Hamas kiểm soát. Con số có thể bao gồm cả những cái chết mà có thể không nhất thiết do phía bên kia gây ra.
Xung đột bất đối xứng
Chuyển nạn nhân sau cuộc oanh tạc của Israel xuống khu dân cư thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 7/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Giải thích lý do tại sao số lượng thương vong chênh lệch nhiều giữa hai bên, ông Hellyer nói: "Israel có một số vũ khí tiên tiến nhất trên thế giới, thường nhằm vào các khu vực chủ yếu là dân sự ở lãnh thổ Palestine".
Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel được coi là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong kho vũ khí của nước này. Bộ Quốc phòng Israel cho biết họ đã đánh chặn thành công 97% tổng số rocket mà người Palestine phóng trong một đợt giao tranh bùng phát cuối tuần năm 2022. Hệ thống này ghi nhận tỷ lệ thành công 95,6% khi đối phó với cuộc tấn công rocket của nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine vào tháng 5.
Theo ông Hellyer, vũ khí của tất cả các nhóm tay súng người Palestine gộp lại đều không thể so sánh được với loại kho vũ khí của Israel. Ông nhận định: "Đây là một cuộc xung đột bất đối xứng, trong đó Israel có vũ khí hủy diệt mạnh hơn nhiều".
Ngoài ra, ông Paul Scham, Giáo sư nghiên cứu về Israel tại Đại học Maryland, giải thích rằng rocket của Hamas chủ yếu bắn trúng các khu vực không có người ở, trong khi tên lửa của Israel rơi ở các khu vực đông dân cư.
Với 2,3 triệu người sống trên diện tích 365km2, Dải Gaza là một trong những vùng lãnh thổ đông dân nhất thế giới. Có khoảng 3 triệu người Palestine sống ở Bờ Tây. Trong khi đó, Israel có dân số khoảng 9 triệu người.
Quân đội Israel cho biết họ đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa khả thi để giảm thiểu thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, một người phát ngôn quân đội Israel nói: "Hamas đã hoạt động trong cơ sở hạ tầng dân sự và hoạt động trên toàn bộ Dải Gaza. Chúng tôi sẽ tấn công Hamas bất cứ khi nào cần thiết".
Ông Daniel Byman, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, giải thích rằng số người chết cao ở Palestine một phần là do Hamas đặt các tài sản quân sự và dân sự cùng nhau, khiến cho việc trả thù Hamas khó có thể tách rời.
Israel tố cáo Hamas dùng người Palestine làm lá chắn sống và đã xây dựng một mạng lưới đường hầm rộng lớn dưới lòng đất, ngay bên dưới các công trình đông dân cư. Theo Israel, bệnh viện lớn nhất Gaza là Al-Shifa, nơi hàng chục ngàn người Palestine di tản đang trú ẩn, là một ví dụ về một địa điểm như vậy. Hamas luôn bác bỏ các cáo buộc này của Israel.
Tuy vậy, ông Scham nói: "Tôi không nghi ngờ gì tuyên bố của Israel rằng các mục tiêu quân sự của Hamas gần và thường nằm dưới các cơ sở dân sự. Gaza là một nơi cực kỳ nhỏ và không có không gian rộng rãi để bố trí các cơ sở quân sự".
Theo ông Byman, mặc dù Israel tuyên bố sẽ xóa sổ Hamas, nhưng việc tiêu diệt tổ chức này là cực kỳ khó khăn và sẽ gây tốn kém cho Israel.
Ông Hellyer nhận định Hamas là một tổ chức gồm hàng chục nghìn người, có các thủ lĩnh ở trong và ngoài Gaza. Do đó, Israel không có khả năng xóa sổ tổ chức này. Mặc dù vậy, khi Israel nỗ lực tiêu diệt Hamas, người dân Gaza sẽ phải trả cái giá đắt về sinh mạng.
Hamas có ý đồ đẩy Israel vào vũng lầy Gaza Hai nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo phong trào Hồi giáo Hamas cho biết Hamas đã chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài ở Dải Gaza và tin rằng họ có thể kìm hãm bước tiến của Israel đủ lâu để buộc Israel đồng ý ngừng bắn. Tìm kiếm người mắc kẹt dưới đống đổ nát sau các cuộc không...