‘Robinson của Italy’: Tôi đang ở nơi an toàn nhất Trái Đất
Mauro Morandi – cư dân duy nhất của hòn đảo Budelli hơn 30 năm qua – nói mình đang ở “nơi an toàn nhất Trái Đất”. Ông chia sẻ lời khuyên cho những ai phải cách ly vì dịch Covid-19.
Hơn 30 năm qua, Mauro Morandi là cư dân duy nhất của hòn đảo Budelli xinh đẹp trên vùng biển Địa Trung Hải. Vài tuần qua, căn chòi đơn sơ của ông là nơi trú ẩn an toàn để theo dõi cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu.
Sau gần 1/3 quãng đời sống với những chiêm nghiệm của riêng mình, ông có cái nhìn sâu sắc về sự cô lập mà nhiều người đang trải qua vì dịch bệnh, trong vài tuần đến vài tháng tới.
Morandi – từng là một giáo viên – tình cờ đặt chân tới đảo Budelli, ngoài khơi Sardinia khi đang đi thuyền từ Italy đến Polynesia 31 năm trước. Trót yêu những vùng nước trong vắt, rặng san hô và ánh hoàng hôn tuyệt đẹp, ông quyết định ở lại.
Morandi tiếp quản hòn đảo từ người trông coi trước đó. Ở tuổi 81, ông vẫn ở đây và được mệnh danh là “ Robinson Crusoe của Italy”.
Mauro Morandi sống một mình trên hòn đảo Budelli từ năm 1989 và được mệnh danh là “Robinson Crusoe của Italy”. Ảnh: National Geographic.
Mỗi đêm, Morandi ngủ trong ngôi nhà bằng đá cũ kỹ và thức dậy trong vòng tay của “mẹ thiên nhiên”. Ông thích khám phá những bụi cây, vách đá và trò chuyện với những con chim nhỏ vào bữa sáng khi chúng bay ra, bay vào cửa sổ căn bếp của mình.
Dù sống một mình, ông vẫn cập nhật tin tức về thế giới bên ngoài, trước tiên là lệnh phong tỏa Italy nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19, sau đó là phần còn lại của nhân loại.
Trong thế giới đơn độc của mình, Morandi nói rằng ông cảm thấy mình đang ở “nơi an toàn nhất trên Trái Đất”. Ông cũng muốn chia sẻ vài lời khuyên về cách đối mặt với sự cô lập một cách tốt nhất.
“Tôi ổn, tôi không hề sợ”, ông nói với CNN Travel qua điện thoại di động – phương tiện liên kết ông với thế giới bên ngoài.
“Ở đây, tôi cảm thấy an toàn. Hòn đảo này cho tôi sự bảo vệ toàn diện. Không hề có rủi ro nào”, ông nói.
“Thời điểm khó khăn”
Giống như nhiều người, mối quan tâm chính của Mauro Morandi lúc này là sự an nguy của gia đình và bạn bè ở Modena, miền Bắc Italy, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất vì dịch bệnh ở Italy.
“Họ đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn”, ông nói.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Italy, Morandi cho biết nhịp sống của ông có chút thay đổi khi phải đợi người dân mang thức ăn từ đất liền ra đảo lâu hơn trước.
Điều này đồng nghĩa các chuyến viếng thăm của khách du lịch trong mùa đông cũng chấm dứt. Trong những năm qua, ông đã quen với việc kết bạn và chia sẻ đồ ăn của mình với họ.
Còn lại một mình, Morandi dành cả ngày để ngắm biển, hít thở không khí trong lành, kiếm củi, chuẩn bị bữa ăn và không quên đăng ảnh lên Instagram.
“Tôi cảm thấy buồn chán. Vì vậy, tôi giết thời gian bằng việc chụp hình bãi biển, động vật hoang dã và phong cảnh, chỉnh ảnh rồi chia sẻ lên mạng xã hội. Tôi có rất nhiều người theo dõi”, ông nói.
Phong cảnh nên thơ ở hòn đảo Budelli qua ống kính nhiếp ảnh của Mauro Morandi. Ảnh: @maurodabudelli.
Morandi nghĩ rằng nếu lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 tiếp tục được áp đặt, khách du lịch sẽ không lui tới đảo ít nhất cho đến tháng 7. Tuy nhiên, viễn cảnh về một mùa hè yên ắng không khiến ông hoảng sợ.
Với những người đang phải cách ly ở Italy và các nơi khác bởi đại dịch, ông khuyên rằng một vài tuần giấu mình bên trong 4 bức tường không có gì để buồn bã. Thay vào đó, mỗi người có cơ hội để hiểu chính mình hơn.
Dù gắn bó với hòn đảo từ rất lâu, với Morandi, mùa đông Địa Trung Hải vẫn khắc nghiệt và ông dành nhiều tháng chỉ ở trong nhà.
“Tôi dành cả mùa đông để đóng cửa trong nhà. Cuối tháng tôi hầu như không đi lang thang trên đảo, mà giết thời gian dưới tán cây bên mái hiên trước nhà. Vậy thì lý do gì mọi người không thể ở nhà trong 2 tuần? Đó là điều vô lý”, ông nói.
Thực tế, khi Italy thắt chặt quản lý việc di chuyển của người dân để kiểm soát dịch bệnh, hàng chục người bị phạt trong vài ngày qua khi rời khỏi nhà vì những lý do không nguy cấp như đi dạo trong công viên hoặc bãi biển.
Morandi sống trong một căn chòi đơn sơ bên bãi biển. Ảnh: National Geographic.
“Phần lớn đã quá quen với lối sống tiện nghi”
Morandi từng lang thang khắp châu Âu, trước khi trở thành cư dân duy nhất của hòn đảo xinh đẹp ở Địa Trung Hải.
“Tôi chỉ cảm thấy không muốn đi du lịch nữa. Không có hứng thú”, ông giải thích.
“Tôi hiểu rằng những chuyến đi tốt đẹp, mạo hiểm và hài lòng nhất là cuộc hành trình khám phá bản thân, cho dù đang ngồi trong phòng khách hay dưới tán cây ở Budelli. Đó là lý do phải ở nhà và không được làm gì có thể khó khăn với nhiều người”.
Nhưng ông khẳng định: “Tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn”.
Theo quan điểm của Morandi, nhiều người không muốn ở một mình vì sợ đối mặt với cảm giác cô đơn. Với ông, cuộc khủng hoảng hiện tại là cơ hội để mỗi người tự đánh giá lại cuộc sống của mình, nhưng ông cho rằng nhiều người sẽ không tận dụng tối đa khoảng thời gian này.
“Có lẽ một số cá nhân sẽ nhận ra, nhưng phần lớn đã quá quen với những tiện nghi và lối sống quay cuồng”, Morandi nhận định.
Từ kinh nghiệm sống của mình, Morandi cho rằng việc bị cách ly trong 2 tuần hoặc hơn nữa là điều không hề đáng sợ. Ảnh: National Geographic.
Thời gian trôi qua ở Budelli với Morandi vẫn như thường lệ. Nhưng mùa đông năm nay dễ chịu hơn, với nhiệt độ giống như mùa xuân và mặt trời ấm áp.
Môi trường sống của hòn đảo vẫn còn khá hoang sơ. Không ô nhiễm. Nước biển màu ngọc lam trong vắt, thảm thực vật hoang dã tươi tốt, những tảng đá tía giống như tác phẩm điêu khắc tự nhiên và không khí trong lành.
“Con mèo của tôi đã chết khi tròn 20 tuổi. Có lẽ khí hậu nơi đây giúp sống lâu hơn”, Morandi nói.
Trong vài năm qua, quyền sở hữu hòn đảo xinh đẹp nhất Địa Trung Hải đã thay đổi nhiều lần.
Kể từ năm 2016, Budelli đã trở thành công viên quốc gia thuộc sở hữu của chính phủ. Điều này khiến vai trò trông coi nơi đây của Morandi trở nên lỗi thời, dẫn đến việc ông phải quyết định có nên tiếp tục sống ở đó.
Tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh có thể trì hoãn mọi quyết định nào cho tương lai của Morandi vào lúc này, dù căn chòi xiêu vẹo của ông cần có thêm nhà vệ sinh.
“Hiện giờ tôi đã có mọi thứ mình cần. Có điện dù cần sửa chữa, nước sinh hoạt và một căn bếp nhỏ để sưởi ấm. Không có gì để than phiền hết”.
Covid-19: Mỹ ngừng cấp visa phổ thông toàn cầu, Đức phong tỏa bang đầu tiên
Mỹ và Đức có các động thái mạnh tay để ngăn ngừa sự lây lan của virus trong bối cạnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Mỹ tạm dừng cấp visa phổ thông toàn cầu
Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/3 thông cáo ngừng cấp visa phổ thông vào Mỹ, trừ các loại visa khẩn cấp.
"Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ ngừng các dịch vụ cấp visa thông thường tại toàn bộ đại sứ quán và lãnh sự quán. Các loại visa khẩn cấp vẫn được xem xét nếu các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ có đủ nhân viên", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đăng ngày 20/3 nêu rõ.
Chính quyền Tổng thống Trump hôm 20/3 áp đặt hạn chế đi lại giữa biên giới Mỹ với Mexico.
Việc ngừng cấp visa không ảnh hưởng tới các trường hợp được miền thị thực khi nhập cảnh vào Mỹ. Tuy nhiên, Washington đang áp lệnh cấm đi lại trong 30 ngày với 26 quốc gia châu Âu.
Hiện Mỹ cũng nâng cảnh báo đi lại lên mức 4 - mức cao nhất, kêu gọi công dân dừng toàn bộ các chuyến đi nước ngoài. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân về nước sớm hoặc chuẩn bị ở lại nước ngoài trong một thời gian chưa xác định.
Chính quyềnTổng thống Trump hôm 20/3 thông báo áp đặt hạn chế đi lại trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa Mỹ với Mexico.
Tong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định việc đi lại không cần thiết giữa Mỹ và Mexico sẽ không được phép.
Các hạn chế đi lại tương tự cũng được áp dụng cho biên giới giữa Mỹ và Canada, tuy nhiên hoạt động thương mại sẽ được phép tiếp tục. Ông Trump khẳng định Mỹ đối xử bình đẳng với biên giới phía Bắc và biên giới phía Nam của nước này.
Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, các hạn chế với Mexico và Canada sẽ có hiệu lực trong 30 ngày từ giữa đêm ngày 20/3.
Đức phong tỏa bang đầu tiên
Trong bối cảnh Đức đang tăng mạnh số ca mắc Covid-19, giới chức nước này áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bavaria trở thành bang đầu tiên của Đức ra lệnh phong toả toàn bộ dân cư. Theo đó, từ 0h ngày 21/3, toàn bộ người dân Bavaria phải ở lại trong nhà và chỉ được ra khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm, tiếp cận chăm sóc y tế hoặc đi làm với các công việc không thể làm việc tại nhà.
Thống đốc bang Bavaria Markus Soeder. (Ảnh: DPA)
"Chúng ta bắt đầu chứng kiến các diễn biến giống như tại Italia và Pháp. Số ca nhiễm bắt đầu gia tăng rất nhanh tại Đức. Tôi đã có cuộc họp với các chuyên gia và các chính trị gia, một số người nói rằng nên chờ khoảng 1 tuần hay 10 ngày nữa xem liệu các biện pháp đã đưa ra có đủ hay không.
Nhưng tôi thấy mọi điều đang diễn biến xấu tại bang Bavaria và không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Giờ không phải là lúc để chần chừ", Thống đốc bang Bavaria Markus Soeder cho biết.
Bavaria là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19 ở Đức. Số người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 tại bang này là 15 người, chiếm 1/3 tổng số người chết vì dịch viêm phổi cấp ở Đức.
Đức hiện ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm và là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới.
Ngoài Bavaria, 2 thành phố Đức là Leverkusen và Freiburg cũng áp dụng lệnh phong tỏa trong ngày 20/3.
18 linh mục thiệt mạng ở Italy
Ít nhất 18 linh mục thiệt mạng tại do nhiễm virus chủng mới trong thời gian tới khu chăm sóc đặc biệt để an ủi các bệnh nhân mắc Covid-19.
Theo tờ Công giáo Avvenire, ít nhất 10 linh mục thiệt mạng vì Covid-19 tại giáo phận Bergamo gần Milan. 5 trường hợp khác được ghi nhận ở thành phố Parma. Các ca thiệt mạng còn lại xuất hiện tại Brescia, Cremona và Milan, tất cả đều ở miền Bắc Italy.
Video: Cách ly 1.000 dân ở chung cư Hòa Bình
Italy hiện là ổ dịch thứ 2 nhất thế giới với trên 47.000 ca nhiễm và hơn 4.000 người thiệt mạng. Riêng trong ngày 20/3, nước này ghi nhận tới 627 người chết vì Covid-19, số ca thiệt mạng lớn nhất trong một ngày từ trước tới nay trên toàn thế giới.
Để đối phó với tình hình hiện tại, Italy đang phải huy động mọi nguồn lực để chống lại dịch bệnh. Quân đội Italy đang được triển khai tới các thành phố lớn như Milan để giám sát việc người dân tuân thủ các hạn chế về đi lại.
Tất cả công viên sẽ bắt dầu đóng cửa từ 21/3 để ngăn chặn việc người dân tụ tập quá đông ở khu vực này.
SONG HY (Tổng hợp)
Những du học sinh Việt sống với Covid-19 tại châu Âu Trong khi bạn bè về nước tránh dịch, nhiều du học sinh Việt quyết định ở lại vì sợ lây nhiễm trong quá trình di chuyển và tin tưởng Covid-19 sẽ được dập tắt trên toàn thế giới. Cuối tháng 2, Covid-19 bùng phát tại Italy rồi nhanh chóng lan rộng sang Đức, Anh, Pháp, Canada... khiến châu Âu trở thành tâm chấn...