Roaming với Vinaphone: Gmobile sẽ hết khó khăn?
Đầu tháng 3-2013, Công ty CP Viễn thông di động Toàn cầu (GTel Mobile) đã công bố mạng di động Gmobile chính thức phủ sóng toàn quốc thông qua sóng của Vinaphone.
Việc triển khai chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông mạng di động giữa Vinaphone và Gtel Mobile được thực hiện theo thỏa thuận khung về chia sẻ hạ tầng viễn thông mạng di dộng giữa Tập đoàn VNPT và GTel Mobile. Theo đó, thuê bao của Gmobile được sử dụng sóng của Vinaphone thông qua dịch vụ chuyển vùng trong nước, hay nói một cách khác, thuê bao Gmobile được roaming với sóng Vinaphone tại 61 tỉnh, thành phố (trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).
Khi sử dụng dịch vụ này, nếu thuê bao di chuyển vào vùng Gmobile phủ sóng, sim sẽ tự động chọn mạng và sử dụng sóng của Gmobile; khi thuê bao di chuyển vào vùng không có sóng Gmobile, sim sẽ tự động chuyển và sử dụng sóng của Vinaphone. Dịch vụ chỉ được cung cấp cho các thuê bao có nhu cầu và được tính cước theo quy định riêng, song khách hàng chỉ phải trả cước phí khi phát sinh giao dịch thực tế trong khu vực Gmobile chưa phủ sóng và sử dụng sóng của Vinaphone.
Sau khi roaming với Vinaphone, mạng di động Gmobile liệu có thu hút thêm được nhiều thuê bao? Ảnh: Khôi Ngô
Video đang HOT
Như vậy, với sự hợp tác này, Gmobile đã khắc phục được điểm yếu cơ bản của mình trước đó là vùng phủ hẹp. Sở dĩ nói như vậy là vì tại thời điểm ra mắt thương hiệu mới Gmobile mới thay thế cho Beeline mới chỉ có khoảng 4.000 trạm thu phát sóng (BTS). Hơn nữa, do đặc điểm công nghệ Gmobile cung cấp dịch vụ ở dải băng tần 1.800MHz – có độ phủ xuyên thấu cao (thích hợp với khu vực đô thị) nhưng vùng phủ hẹp – nên phải cần nhiều trạm BTS, mà như vậy thì để đầu tư cho mạng lưới lại phải cần nhiều vốn hơn so với các nhà mạng ở dải băng tần 800-900MHz Mobifone, Vinaphone, Viettel và đây cũng là câu chuyện không đơn giản trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Mặt khác, việc dựng trạm BTS trong cả nước nói chung, nhất là ở khu vực đô thị, trong đó có Hà Nội không thuận lợi do vấp phải sự khiếu kiện gay gắt của người dân… Đó là những lý do được kể ra để minh chứng cho sự gặp khó của Gmobile và từ đó cho thấy câu chuyện hợp tác roaming với Vinaphone là bước đi chiến lược quan trọng cho Gmobile trong việc giữ chân, thu hút thuê bao mới để “trụ hạng” lại trên thị trường di động vốn được mệnh danh là cạnh tranh quá khốc liệt.
Có lẽ không ít khách hàng có thể thắc mắc nhà mạng sẽ tính cước roaming trong nước như thế nào? Có thể hiểu là đương nhiên sẽ phải cao hơn so với cuộc gọi nội, ngoại mạng thông thường, đơn giản vì phải trả cước roaming cho Vinaphone. Song, theo một công bố của lãnh đạo Gmobile với giới truyền thông, trước đó hai nhà mạng đã thực hiện thử nghiệm và kết quả cho thấy có đến 90% lưu lượng sử dụng của khách hàng là dùng sóng Gmobile, chỉ còn 10% lưu lượng sử dụng của thuê bao dùng sóng Vinaphone…
Vậy được roaming với Vinaphone, Gmobile sẽ phát triển hơn? Có lẽ đây là câu hỏi không dễ để trả lời, nhất là khi việc thực hiện mới bắt đầu. Các chuyên gia cho rằng, việc tồn tại của Gmobile bây giờ là chuyện của kinh doanh, của thương hiệu… Tương tự như vậy, trên một số diễn đàn, một số ý kiến cho rằng, Gmobile nếu không biết làm di động thì kể cả có phủ sóng ra thế giới cũng chỉ “mãi mãi là người đến sau”… Nhưng đó chỉ là ý kiến. Còn chúng ta nên chúc cho Gmobile làm ăn ngày càng hiệu quả.
Theo Hà Nội Mới
Viễn thông di động sẽ trở về thời kỳ độc quyền nhóm?
Từ 7 nhà mạng có hạ tầng và 2 nhà khai thác không tần số, thị trường di động Việt Nam từng được cho là có quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ để rồi theo quy luật, những doanh nghiệp (DN) không đủ sức kinh doanh đã phải ra đi. Đến nay, trên danh nghĩa vẫn còn 6 nhà mạng có hạ tầng. Song với mạng S-Fone đang bị xếp vào cảnh "sống thực vật" với tình trạng phải đóng cửa nhiều văn phòng vì chưa trả tiền thuê, nợ lương nhân viên, bị đối tác cắt roaming vì chưa thanh toán cước kết nối, nợ tiền thanh toán các loại phí về tần số, kho số...
Mạng di động được coi như "con gà đẻ trứng vàng". Ảnh: Thanh Hải
Nếu không tìm được nhà đầu tư mới, S-Fone sẽ phải tuyên bố phá sản. Nhà mạng kế tiếp là Gmobile - thương hiệu thay thế Beeline, tuy đã hoạt động trở lại từ cuối tháng 10-2012 nhưng việc kinh doanh không đơn giản khi thị trường đã bão hòa, doanh thu/thuê bao hiện ở mức quá thấp. Thêm nữa, để duy trì hoạt động, Gmobile phải đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng mạng lưới với số vốn cả tỷ USD. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay thật không dễ để "rót" một khoản tiền lớn như vậy.
Hồi đầu năm nay, lãnh đạo Tổng Công ty Viễn thông toàn cầu (Gtel) chủ quản của Gmobile công bố trên một số phương tiện truyền thông đã có thỏa thuận roaming với Tập đoàn VNPT. Như vậy có thể hiểu Gmobile được dùng sóng di động của VNPT để nâng cao chất lượng phục vụ, để thu hút thuê bao mới... song theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành, câu chuyện tồn tại và phát triển của một mạng di động lại không nằm ở sự hợp tác này nọ mà ở vấn đề kinh doanh, thương hiệu. Do đó, trở lại vấn đề như đã đề cập ở trên về nhà mạng này, có thể thấy năm 2013 sẽ rất khó khăn cho hoạt động của Gmobile.
Với Vietnamobile, khoảng nửa năm nay, các thông tin phát ra từ nhà mạng này với giới truyền thông không nhiều và không rộng rãi. Được biết, nhà mạng vẫn thực hiện các chương trình khuyến mãi thẻ nạp giá trị lớn (ít nhất là tặng 100% giá trị thẻ nạp) cho khách hàng nhưng có thể thấy, trong bối cảnh chỉ số doanh thu/thuê bao khá thấp, việc duy trì khuyến mãi lớn để thu hút thuê bao thật không đơn giản.
Còn lại ba nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone đang chiếm tới 95% thị phần, đều là DN 100% vốn nhà nước. Với cơ sở hạ tầng, thuê bao hiện có, có thể thấy chưa xuất hiện mối đe dọa nào ảnh hưởng đến việc duy trì sự phát triển của ba "đại gia" này. Tất nhiên, những khó khăn, khủng hoảng từ nền kinh tế trong nước và thế giới cũng sẽ có ảnh hưởng chung tới các DN, nhưng có thể nói viễn thông vẫn sẽ ít bị ảnh hưởng nhất vì liên lạc hiện trở thành một trong số nhu cầu thiết yếu của con người.
Tại một cuộc tọa đàm về triển vọng ngành viễn thông năm 2013, một số ý kiến cho rằng, để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới, phải thực hiện cổ phần hóa (CPH) các DN này, theo hướng chỉ giữ lại một DN viễn thông 100% vốn nhà nước... Việc thực hiện CPH DN, trong đó có DN viễn thông cũng là xu hướng tất yếu và thực tế Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải CPH các mạng di động kể trên. Nhưng, với ngành viễn thông, nhất là di động được coi như "con gà đẻ trứng vàng" nếu thực hiện CPH cũng phải được chính những người trong cuộc, cơ quan quản lý nhà nước tính toán thận trọng để vừa tạo thế phát triển vừa bảo đảm nguồn vốn cho Nhà nước, quyền lợi của người lao động và càng không để bị rơi vào cảnh một nhóm hoặc cá nhân nào đó thâu tóm như đã xảy ra ở lĩnh vực ngân hàng.
Theo Hà Nội Mới
Mạng di động GMobile ra mắt, công bố gói cước Tỷ phú 3 Chiều 17/9, Công ty Cổ phần Dịch vụ viễn thông Toàn cầu (GTel Mobile JSC) đã họp báo chính thức công bố thương hiệu mới Gmobile, thay thế và chấm dứt việc sử dụng thương hiệu Beeline tại Việt Nam. Gtel Mobile cho biết, thương hiệu Gmobile sử dụng hai màu nhận diện vàng và đen - cũng là hai màu cơ bản...