Review ‘Tiếng gọi nơi hoang dã’: Câu chuyện nhân sinh ấm áp từ tiểu thuyết trăm tuổi nổi tiếng
“Tiếng gọi nơi hoang dã” là tựa phim ở mức vừa ổn nhưng vẫn rất lôi cuốn và ý nghĩa, đặc biệt với hình tượng chú chó Buck nổi tiếng được tạo dựng 100% từ CGI.
Tác phẩm hơn 100 tuổi của nhà văn Jack London - The Call of the Wild (tựa Việt: Tiếng gọi nơi hoang dã) đã chính thức trở lại với phiên bản điện ảnh mới nhất do hãng 20th Century Fox sản xuất. Tiếng gọi nơi hoang dã lần này cũng đánh dấu 65 năm kể từ lần ra mắt của tựa phim liền trước của đạo diễn Jerry Jameson, đồng thời cũng đánh dấu sự chuyển biến mới của điện ảnh Hollywood khi lần đầu tiên, việc tạo hình nhân vật chú chó Buck huyền thoại hoàn toàn nhờ vào công nghệ CGI.
Tiếng gọi nơi hoang dã theo chân Buck – chú chó to lớn ở Bắc California, vốn là thú cưng của một vị thẩm phán địa phương. Biến cố ập đến khi chú bị bắt cóc và bán đến phía Bắc, trở thành “tài sản” của chủ nhân mới, để rồi sự gặp gỡ cùng John ( Harrison Ford) khiến Buck nhận ra sự thay đổi lớn trong bản thân, rằng phải chăng chính nơi hoang dã ngoài kia lại chính là ngôi nhà lý tưởng nhất, vượt xa khỏi sự tù túng và xiềng xích của cuộc sống con người.
Poster chính thức của “Tiếng gọi nơi hoang dã – The Call of the Wild”.
Chú chó “kỹ xảo” gây ấn tượng vừa đủ
Sau những lần tận dụng những chú chó thật trong các phiên bản Tiếng gọi nơi hoang dã cũ, thì tựa phim năm 2020 đã chính thức xây dựng một Buck hoàn toàn bằng kỹ xảo CGI bắt mắt. Tuy không hoàn hảo và tiên tiến như The Lion King, thậm chí có đôi ba cảnh Buck trông không “thật” lắm, nhưng nhìn chung phần hiệu ứng hình ảnh đã làm tròn nhiệm vụ của mình xuyên suốt phim.
Chó Buck hoàn toàn được làm từ kỹ xảo CGI.
Nhắc đến đôi ba cảnh có phần hạn chế, đó là những lúc như khi Buck chuyển động khá kì lạ khi vui vẻ, dễ làm khán giả gợi nhớ đến một Scooby-Doo lém lỉnh đến lố bịch. Trong một số cảnh phim đòi hỏi tốc độ, phần hình ảnh có phần bị nhòe và trong như trong trò chơi điện tử. Dù là thế, nhưng có thể thấy phía sản xuất đã không hề lạm dụng CGI, và hoàn thành tốt ngay cả ở những cảnh Buck gặp tai ương và phải lăn lộn chật vật, một điều mà chắc chắn nhiều khán giả sẽ không thể chịu nổi nếu xem một chú cún thật.
Dĩ nhiên, những chi tiết có phần bạo lực trong tác phẩm gốc của Jack London đã được lược bỏ hoặc cải biên cho nhẹ nhàng hơn, để phù hợp với nhãn PG thân thiện của phim, từ đó cũng giúp cho quá trình hiệu chỉnh kỹ xảo được trau chuốt hơn. Khán giả có thể sẽ có nhiều quan điểm trái chiều về Buck trong sản phẩm lần này, nhưng phải đồng ý rằng phần hình ảnh của phim có thể được đánh giá ở mức ổn, nhất là với kinh phí chỉ nhỉnh hơn 100 triệu USD.
Hình ảnh Buck làm tròn vai trò của mình dù cho không quá hoàn hảo và tân tiến.
Diễn xuất tuyệt vời của Harrison Ford
Những câu chuyện theo mô-tuýp “chủ nhân và cún cưng” thường tập trung vào nhân vật người là chính, nhưng trong The Call of the Wild thì nhân vật của nam diễn viên Harrison Ford chỉ đóng vai trò thứ chính. Ông hóa thân thành John Thornton – một con người cô đơn sống tại Alaska và vô tình chạm mặt Buck nhiều lần, cho đến khi cả hai nhận ra không thể thiếu nhau.
Nhân vật của Harrison Ford ghi điểm.
Không chỉ xuất hiện trong phim, nhân vật John này còn đóng vai trò là người dẫn truyện ở hồi một của phim, dẫn dắt khán giả làm quen với chú chó dũng mãnh của Jack London. Tuy nhiên, bước vào hồi hai thì Tiếng gọi nơi hoang dã cũng không quên xây dựng nhân vật của Ford trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu, bổ trợ cho sự thay đổi về thể chất cũng như tinh thần của nhân vật chính vốn chỉ là hiệu ứng hình ảnh nhân tạo. Ngài John cũng là hiện thân của chính khán giả trong phim, là cầu nối giúp người xem cảm nhận và thêm yêu thương chú chó.
Thế nhưng, dù Harrison Ford đã có màn thể hiện trên cả tuyệt vời ở hồi hai trở đi, nhưng việc ekip cho Harrison Ford đóng vai trò dẫn truyện trong hồi một có phần không cần thiết, dù cho đó là vì mục đích tốt là hướng khán giả đứng trên góc nhìn của một chú chó đang lưu lạc nơi hoang vu.
Cặp đôi John – Buck khiến khán giả cảm động và yêu thương.
“Ác nhân” gây thất vọng
Bên cạnh Buck, The Call of the Wild còn có nhiều nhân vật đáng chú ý khác, giả dụ như ông John của Harrison Ford, ghi dấu ấn vô cùng sâu sắc, đó là đến khi một cặp nhân vật chủ chốt, xuất hiện như một sự thất vọng lớn. Đó là cặp thượng lưu lạc lối ở cánh rừng hoang dã (do Dan Stevens và Karen Gillan thủ vai), với nét tính cách hoàn toàn trái ngược với John và chú chó Buck – hai nhân vật vốn đã và vẫn đang làm quen với lối sống phong trần.
Nếu cả hai chỉ đóng vai trò nhỏ nhằm bám sát bản gốc, còn The Call of the Wild hoàn toàn có thể xuất sắc hơn. Thế nhưng, nhân vật của Dan rốt cuộc lại “hắc hóa”, trở thành… phản diện của bộ phim, hoàn toàn khác xa với nguyên tác của Jack London. Từ một chuyến phiêu lưu của riêng “cặp bài trùng” John – Buck, phim lại rẽ sang hướng chống chọi với kẻ ác, thành ra khiến câu chuyện anh chàng Hal trở nên lạc lõng và không hề có sự đóng góp trong tiến trình phát triển của phim.
Nhân vật của Dan Stevens hóa phản diện trong “Tiếng gọi nơi hoang dã”.
Tiếng gọi nơi hoang dã phiên bản 2020 là một tựa phim vừa ổn, không quá xuất sắc nhưng vẫn mang nhiều giá trị của nguyên tác, và hoàn toàn ghi điểm dù cho nhân vật chính – chú chó Buck hoàn toàn là công nghệ vi tính. Từ đây, có thể nói huyền thoại về siêu khuyển nổi tiếng nhất phương Bắc của Jack London đã thành công khi lưu truyền sang thập kỷ mới của thời đại, mang lại nhiều bài học quý giá về tình thương, tình thân và sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên.
Xem qua trailer chính thức của “Tiếng gọi nơi hoang dã – The Call of the Wild”.
Tiếng gọi nơi hoang dã chính thức công chiếu ngày 21/02/2020 tại Việt Nam.
Theo saostar
Tiếng gọi nơi hoang dã: Phiên bản chuyển thể sống động, hứa hẹn chinh phục không chỉ người lớn mà còn cả khán giả nhỏ tuổi
Động vật không chỉ là những vật nuôi đơn thuần, giúp đỡ con người trong đời sống hàng ngày, mà còn là những sinh vật có tình cảm, giúp hoàn thiện thế giới của chúng ta theo chiều hướng bao dung và hướng thiện.
Chính vì yếu tố này mà chưa bao giờ các bộ phim về động vật lại trở nên lỗi thời với người xem, dù ở bất cứ độ tuổi nào. Bộ phim sắp khởi chiếu The call of the wild (Tiếng gọi nơi hoang dã) cũng là một tác phẩm về động vật không thể bỏ qua với các khán giả yêu phim, đặc biệt là các đối tượng sau.
Những người yêu động vật, đặc biệt là loài chó
Hội khán giả mê phim và yêu động vật hẳn không còn xa lạ với những tác phẩm điện ảnh đầy xúc động như Hachiko - A Dog's Story, hồi hộp và đầy tính nhân văn như Ratatouille (Chú chuột đầu bếp) hay li kì và hấp dẫn như 101 chú chó đốm. Trong Tiếng gọi nơi hoang dã, chú chó Buck hứa hẹn sẽ lại trở thành một nhân vật loài chó tiêu biểu trong các bộ phim lấy đề tài động vật.
So với các chú chó khác từng xuất hiện đầy ấn tượng trên màn ảnh như Hachiko hay đàn chó trong Eight Below, chú chó Buck vẫn hiện lên với cá tính và câu chuyện riêng biệt. Cuộc hành trình của Buck không chỉ bao gồm quãng đường vượt qua gian nan để sinh tồn và mối quan hệ sâu sắc với người chủ, mà còn là chuyến đi tìm lại bản năng và tiếng gọi sâu thẳm về với thiên nhiên hoang dã.
Những người đam mê du lịch/phượt thủ
Không chỉ là bộ phim lý tưởng cho những người yêu động vật, Tiếng gọi nơi hoang dã còn là lựa chọn vô cùng phù hợp với những tâm hồn thích ngao du đến những vùng đất mới mẻ và xa lạ. Với những thước phim từ trên cao, loạt cảnh quay tỉ mỉ và sống động về những cánh rừng xanh ngắt, núi tuyết mênh mông trắng xóa, con thác gập ghềnh hiểm trở, Tiếng gọi nơi hoang dã đưa người xem chìm đắm vào vẻ đẹp nguyên thủy của hành tinh xanh nơi chúng ta sinh sống.
Khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt trong phim phần nào gợi nhớ tới những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Into the wild hay The secret life of Walter Mitty. Bối cảnh thiên nhiên choáng ngợp trong Tiếng gọi nơi hoang dã sẽ đưa người xem vào một chuyến phiêu du qua màn ảnh, tới những vùng đất nguyên sơ, xinh đẹp vẫn còn ít dấu chân người. Nếu bạn là người ham xê dịch, đây chính là bộ phim dành cho bạn.
Fan của bộ truyện
Với những độc giả đã say mê tác phẩm văn học kinh điển cùng tên của nhà văn Jack London, Tiếng gọi nơi hoang dã chính là bộ phim chuyển thể giúp hiện thực hóa chân thật và sinh động câu chuyện quen thuộc, cảm động về chú chó Buck.
Tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã vốn không còn mấy xa lạ với độc giả khắp thế giới, ngay tại Việt Nam các độc giả nhỏ tuổi cũng đã được làm quen với nhân vật chú chó Bấc (tên phiên âm của Buck) trong trích đoạn truyện ở sách giáo khoa Ngữ văn. Từ một chú chó nhà sống êm đềm bên gia đình chủ ở California, Buck bị buộc phải trở thành chó kéo xe ở Alaska trong Cơn sốt vàng những năm 1890.
Hẳn độc giả đều giữ lấy những tưởng tượng cho riêng mình về hình tượng Buck, John Thornton và thiên nhiên châu Mỹ. Và bộ phim Tiếng gọi nơi hoang dã, với đặc trưng và thế mạnh của điện ảnh, sẽ mở ra những trải nghiệm mới cho fan của tiểu thuyết, biến những hình dung trước đây về thiên nhiên và động vật trở nên sinh động gấp nhiều lần.
Với đạo diễn Chris Sanders - người đứng sau thành công của How To Train Your Dragon và The Croods, cùng các hiệu ứng hình ảnh và công nghệ hoạt hình tiên tiến nhất, hình ảnh chú chó Buck và thiên nhiên châu Mỹ hẳn sẽ không làm khán giả thất vọng. Bên cạnh đó, diễn xuất của diễn viên kì cựu Harrison Ford trong vai ông John Thornton giàu tình yêu thương cũng là một điểm sáng của bộ phim. Bản thân Harrison Ford cũng là một người yêu mến loài chó lâu năm, ông cũng từng nuôi nhiều chú chó và những trải nghiệm riêng tư của Ford về tính cách, sở thích của loài chó hẳn cũng giúp ích không nhỏ cho vai diễn lần này.
Bộ phim dành cho gia đình
Tiếng gọi nơi hoang dã không chỉ đưa người xem về với khung cảnh tự nhiên hoang sơ hùng vĩ mà còn khắc họa câu chuyện cảm động về tình bạn giữa con người - động vật, cùng những giá trị nhân sinh về tình yêu thương, sự dũng cảm, bản năng sinh tồn, quá trình tự nhận thức và trưởng thành. Vì lý do này, bộ phim là tác phẩm cả gia đình có thể cùng thưởng thức. Khán giả ở mọi độ tuổi, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều sẽ tìm được niềm cảm hứng để dõi theo câu chuyện trong phim. Với những gia đình có con nhỏ, Tiếng gọi nơi hoang dã còn là cơ hội để người lớn cùng chia sẻ trải nghiệm điện ảnh với các bé và khơi lên trong con trẻ những cảm xúc tốt đẹp về thiên nhiên và loài vật, lòng cảm thông và sự can đảm.
Tiếng gọi nơi hoang dã là chuyến phiêu lưu của chú chó Buck về với tự nhiên, cũng là chuyến hành trình của người xem về với vùng đất nguyên thủy, để từ đó khởi phát những câu hỏi về thiên nhiên, về thế giới. Chuyến đi mạo hiểm, li kì của Buck trong phim sẽ mang đến cho khán giả những khoảnh khắc bên màn ảnh tuyệt vời cùng giá trị nhân văn giản dị mà sâu sắc.
Trailer phim
The Call Of The Wild (Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã) khởi chiếu trên toàn quốc vào ngày 21/02/2020.
Theo trí thức trẻ
Những người nhất định không thể bỏ qua Tiếng gọi nơi hoang dã Động vật và mối quan hệ gần gũi giữa chúng với con người đã trở thành đề tài đầy cảm hứng cho những người làm nghệ thuật, nhất là trong lĩnh vực điện ảnh. Có biết bao loài vật quen thuộc đã được khắc họa trong các bộ phim, khơi gợi nhiều cảm xúc ấm áp và tốt đẹp cho các thế hệ...