Review Cô Gái Mặt Nạ (Mask Girl): Bi kịch của những kẻ khao khát tình yêu thương
Cùng nói về những cô gái nổi tiếng thông qua các mạng xã hội, nhưng Mask Girl đen tối hơn và chỉn chu hơn bộ phim hot hit gần đây là Celebrity.
Tuy vậy, phim vẫn còn những hạn chế đáng tiếc.
Lên sóng vào ngày 18/8/2023 trên nền tảng Netflix, Mask Girl nhanh chóng tạo nên một cơn sốt, liên tục được mang ra làm chủ đề bàn luận trên khắp các mạng xã hội và các trang/diễn đàn bàn về phim ảnh. Với chủ đề báo thù ăn khách bậc nhất màn ảnh Hàn thời gian gần đây, Mask Girl nhanh chóng chiếm được sự chú ý của đông đảo khán giả, lọt top 1 series được xem nhiều nhất trên Netflix tại nhiều quốc gia.
Mask Girl (tựa Việt: Cô Gái Mang Mặt Nạ) – Ảnh: Netflix
So với series gần đây nhất của Hàn Quốc được Netflix độc quyền phát sóng là Celebrity, thì Mask Girl có phần nổi bật hơn về nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lỗ hổng đáng tiếc khiến bộ phim chưa thể chạm tới cột mốc hoàn hảo nhất.
Thông tin chung về Mask Girl
Tựa gốc: 마스크걸Nguyên tác: Webtoon Mask Girl – tác giả Mae Mi, minh họa Hee SeNgày phát sóng: 18/8/2023Thể loại: Giật gân, tội phạm, hài đen, tâm lý, noir, goreĐạo diễn và biên kịch: Kim Young HoonDiễn viên: Lee Han Byul, Nana, Go Hyun Jung, Ahn Jae Hong, Yeom Hye Ran, Shin Ye Seo, Han Jae Yi,…Số tập: 7Nền tảng phát sóng: Netflix
Mask Girl là câu chuyện về cuộc đời của Kim Mo Mi (lần lượt do Lee Han Byul, Nana và Go Hyun Jung thủ vai) – một cô gái sinh ra với ngoại hình bị cho là xấu xí, nhưng có ước mơ được trở thành người nổi tiếng và được yêu thương. Ban ngày, Mo Mi là một nhân viên văn phòng bình thường nhưng khi đêm đến, cô mang lên chiếc mặt nạ và trở thành nữ streamer nổi tiếng với nickname Mask Girl. Khi danh tính của Mo Mi vô tình bị một đồng nghiệp nam phát hiện, một loạt biến cố kéo theo khiến cuộc đời cô rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.
Bi kịch của những con người bên lề xã hội mong muốn được yêu thương
Một điều dễ nhận thấy và được đề cập đến ngay từ ban đầu, đó là gần như toàn bộ các nhân vật của Mask Girl đều là những người bình thường, dễ bắt gặp trong cuộc sống và đều khao khát tình yêu thương, mong mỏi có được sự chú ý, nhưng vì nhiều lý do mà họ không có được điều đó, lại còn bị tổn thương bởi chính tình yêu mà mình ước ao có được.
Nữ chính Kim Mo Mi từ ngày bé thơ đã thích được đứng dưới ánh hào quang, thích tận hưởng sự chú ý và yêu mến của công chúng. Tuy nhiên, Mo Mi không có nhan sắc của một người nổi tiếng, mà xung quanh cô cũng không có ai cho cô sự động viên hay tôn trọng nào. Người thân cận nhất là mẹ ruột thì luôn tỏ vẻ ghét bỏ, dè bỉu, chê bai ngoại hình Mo Mi; trong quá trình trưởng thành, cô còn vấp phải nhiều sự khinh khi, miệt thị ngoại hình đến từ bạn bè và những mối quan hệ xã hội khác, khiến Mo Mi càng thêm tự ti.
Mo Mi có ước mơ được sống dưới ánh hào quang sân khấu, nhưng ngoại hình lại là yếu tố ngăn cản cô hiện thực hóa giấc mơ – Ảnh: Netflix
Từ ước mơ được đứng dưới ánh hào quang, Mo Mi trưởng thành an phận với vị trí một nhân viên văn phòng bình thường, không được ai chú ý. Nhưng khát khao cháy bỏng trong tim lại thúc đẩy Mo Mi tìm kiếm tình thương, tìm kiếm sự khẳng định bằng một nhân dạng khác, từ đó gây nên một tấn bi kịch cho chính bản thân cô và những người khác.
Joo Oh Nam (Ahn Jae Hong) cũng có những trải nghiệm gần giống với Kim Mo Mi khi từ nhỏ đã thường phải chịu cảnh bị bắt nạt, dè bỉu vì ngoại hình khác với “tiêu chuẩn sắc đẹp” thông thường mà xã hội đặt ra. Thêm vào đó, hắn lại có một người mẹ độc đoán, quan tâm quá mức đến mình. Hắn ta tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân rằng nếu muốn được yên ổn sống thì phải càng mờ nhạt càng tốt. Thế nhưng, hắn cũng có khát khao được yêu đương, được phái đẹp để mắt đến.
Joo Oh Nam từ bé đã bị bắt nạt nên chọn cách sống khép kín – Ảnh: Netflix
Thiếu thốn kỹ năng giao tiếp xã hội, tự khép mình trong một thời gian dài, không được định hướng đúng lúc và đúng cách khiến hắn trở nên lệch lạc về mặt tình cảm và tình dục. Sự lệch lạc đó trở thành mối dây nối giữa cuộc đời hắn với cuộc đời Mo Mi, đồng thời cũng nối liền những bi kịch từ cuộc đời Mo Mi sang cuộc đời hắn.
Kim Kyung Ja (Yeom Hye Ran) xuất thân nghèo khó, bị chồng phản bội. Trong cuộc đời thiếu thốn tình yêu thực thụ, bà chỉ còn duy nhất con trai Joo Oh Nam để trao đi và nhận về yêu thương. Vì con, bà sẵn sàng làm tất cả, nhưng tình thương của bà mang tính ám ảnh và độc đoán, không chỉ khiến con trai mình lớn lên kém lành mạnh, mà còn khiến bản thân trở thành một người phụ nữ vô lý, máu lạnh.
Kim Kyung Ja thương con đến mức ám ảnh – Ảnh: Netflix
Kim Chun Ae (lần lượt do Kim Sang Ji và Han Jae Yi đóng) lại càng có nhiều điểm tương đồng với Mo Mi: có ngoại hình xấu xí, không được ai yêu thương. Cô mong muốn được xinh đẹp, mong có được tình cảm của người mình thầm thích, nhưng thứ cô có được sau bao nỗ lực chỉ là bị lợi dụng hết lần này đến lần khác. Kim Mi Mo (Kim Ha Neul và Shin Ye Seo) chỉ là một cô bé vô tội, nhưng vì mang danh là con gái kẻ sát nhân mà bị ghét bỏ. Thứ cô bé muốn cũng chỉ là tình yêu thương mà thôi.
Kim Chun Ae yêu đương mù quáng – Ảnh: Netflix
Kim Mi Mo bị cô lập vì xuất thân là con gái kẻ sát nhân – Ảnh: Netflix
Ngoài ra, nhiều nhân vật phụ khác cũng cho thấy nhu cầu được yêu thương, được quan tâm, được trở thành trung tâm của sự chú ý. Mong muốn được yêu thương, mong muốn trở nên xinh đẹp – đây đều là những khát vọng rất đỗi bình thường mà bất cứ ai cũng có thể có. Chúng vốn dĩ không xấu, nhưng vì ảnh hưởng từ định kiến xã hội, từ hoàn cảnh cá nhân và vì không được định hướng đúng mà dần dần, những mong ước ấy ngày càng bị biến tướng, trở nên tiêu cực và nuốt chửng cuộc đời các nhân vật trong tấn bi kịch không hồi kết.
Khai thác nhiều vấn nạn nhức nhối
Xuyên suốt 7 tập phim, Mask Girl đề cập đến nhiều vấn đề đã và đang tồn tại trong xã hội, khiến nhiều khán giả thấy rùng mình.
Định kiến về sắc đẹp, sự khinh miệt ngoại hình (body-shaming/face-shaming)
Đầu tiên và dễ thấy nhất là định kiến về “tiêu chuẩn sắc đẹp”. Không chỉ ở Hàn Quốc mà tại nhiều nơi trên thế giới, ngoại hình vẫn là yếu tố đi đầu trong việc quyết định cách mà chúng ta được đối xử, thậm chí quyết định cả cơ hội việc làm và tương lai của chúng ta. Càng xinh đẹp thì cuộc sống càng thuận lợi. Mỗi thời đại, mỗi nền văn hóa lại có những quy chuẩn về sắc đẹp khác nhau, điểm chung là những ai nằm ngoài các quy chuẩn ấy đều dễ dàng bị khinh miệt, bị đẩy ra khỏi vòng tròn chung của xã hội, trở thành những kẻ bên lề không được quan tâm, có khi còn phải chịu đối xử bất công.
Vấn nạn miệt thị ngoại hình được Mask Girl khai thác sâu – Ảnh: Netflix
Có thể nói, định kiến về sắc đẹp chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chuỗi bi kịch của các nhân vật chính trong Mask Girl.
Vấn nạn stalking (rình rập, đeo bám) và sự ám ảnh mù quáng
Vấn đề này được thể hiện rõ nhất ở nhân vật Joo Oh Nam và ở những fan cuồng của streamer Mask Girl. Những người này đa phần có xu hướng lệch lạc về suy nghĩ và về tình cảm/tình dục. Họ ám ảnh với người nổi tiếng mà mình yêu thích, một số tự xem đó là tình yêu chân chính, một số lại chỉ muốn lợi dụng để thỏa mãn nhu cầu thể xác. Từ đó dẫn đến hành động lén lút theo dõi, rình rập, xa hơn nữa là gây hại đến người khác vì nỗi ám ảnh của chính mình.
Joo Oh Nam đại diện cho những kẻ đeo bám biến thái – Ảnh: Netflix
Góc khuất của người nổi tiếng
Một đề tài dễ thấy khác là góc tối đằng sau ánh hào quang của người nổi tiếng. Có thể xem các streamer, hot girl/hot boy mạng xã hội, influencer, KOL là những người nổi tiếng không chính thống. Khác với các diễn viên, ca sĩ, idol, người mẫu – những người nổi tiếng chính thống với công việc chính là đứng giữa ánh hào quang, giới streamer/KOL/influencer đa số đều có một nghề tay phải khác, còn sự chú ý có được từ các nền tảng mạng xã hội chỉ hỗ trợ thêm cho công việc chính của họ, hoặc để kiếm thêm thu nhập, hoặc để thỏa mãn một nhu cầu nào khác.
Đại diện cho giới nổi tiếng không chính thống này là nữ chính Kim Mo Mi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng được tiếp cận với giới nổi tiếng chính thống thông qua nhân vật Choi Bu Yong (Lee Jun Young) – chàng idol của nhóm nhạc Kpop. Thông qua hai nhân vật này, một lần nữa các nhà làm phim khẳng định với khán giả rằng cuộc sống phía sau ánh hào quang của người nổi tiếng không hề đơn giản, những gì chúng ta thấy chưa chắc đã là con người thật của họ.
…và Choi Bu Yong cho thấy những góc khuất khác nhau đằng sau ánh hào quang của người nổi tiếng – Ảnh: Netflix
Đằng sau sự quyến rũ, cuốn hút của nữ streamer Mask Girl là một nhân viên văn phòng bình thường, có phần xấu tính. Đằng sau chiếc mặt nạ đẹp đẽ ấy còn là một đôi bàn tay đẫm máu. Đằng sau vẻ điển trai hoàn hảo của chàng idol Choi Bu Yong là quá khứ ăn chơi trác táng khi chưa đủ tuổi, lợi dụng tình cảm, ăn bám các cô gái yêu thích mình, lười biếng và bạo lực.
So với Celebrity – bộ phim khai thác về mặt trái của người nổi tiếng, tuy Mask Girl đề cập đến chủ đề này với tần suất thấp hơn, nhưng lại lưu được dấu ấn mạnh mẽ và sâu sắc hơn.
Tình yêu mù quáng, vặn vẹo
Có nhiều kiểu tình yêu mù quáng, méo mó trong Mask Girl. Đầu tiên là tình yêu của Mo Mi dành cho quản lý Park (Choi Daniel). Biết rõ đó là người đã có gia đình, cô vẫn đâm đầu yêu, vẫn tự ảo tưởng rồi ghen tuông mù quáng, tự hủy hoại mình trong tình yêu đơn phương sai trái ấy. Tiếp đến là tình yêu của Joo Oh Nam hướng đến Mo Mi, cũng là một thứ tình cảm đơn phương đầy cố chấp, điên cuồng.
Trong Mask Girl, không có câu chuyện tình yêu nào là màu hồng mà tất cả đều mang sắc thái u tối, rợn người – Ảnh: Netflix
Tình yêu mà Kim Chun Ae dành cho Choi Bu Yong cũng mù quáng không kém. Rõ ràng Chun Ae biết Bu Yong là kẻ tồi tệ thế nào, biết rõ hắn không trân trọng mình, nhưng cô vẫn lựa chọn lao vào vòng tay hắn, để hắn bám riết lấy mình. Biết tình yêu của hắn hoàn toàn chỉ là lợi dụng, cô vẫn chấp nhận đắm chìm trong thứ tình cảm giả tạo ấy.
Bên cạnh tình yêu nam nữ, còn có tình mẫu tử vặn vẹo của Kim Kyung Ja dành cho con trai Joo Oh Nam. Bà kiểm soát con về mọi mặt, đặt toàn bộ trọng tâm cuộc đời mình lên cuộc đời của con trai, từ chối chấp nhận sự thiếu sót của con mình. Bởi yêu thương đến mức ám ảnh về con trai mà đến khi Oh Nam bước vào độ dậy thì, bà vẫn tự tay tắm rửa, chăm con như thuở còn thơ bé thay vì có những định hướng giáo dục giới tính đúng lúc.
Đến cả tình mẫu tử trong phim cũng bất bình thường – Ảnh: Netflix
Tình thương méo mó của bà Kyung Ja biến Oh Nam thành một kẻ lệch lạc, biến thái và nhấn chìm cuộc đời chính mình trong những đau khổ, thù hận bất tận. Đồng thời, nỗi ám ảnh ấy còn thúc đẩy bà đi đến những hành động cực đoan, gây bi kịch cho những cá nhân vô tội khác.
Tư tưởng báo thù tiêu cực
Đây chính là vấn đề của bà Kyung Ja, cũng là một vấn đề còn gây nhiều ý kiến phân cực trong xã hội. Trả thù cá nhân hay phán quyết của pháp luật, phương pháp nào công bằng hơn? Điều đó còn tùy thuộc vào góc nhìn về sự công bằng của từng cá nhân. Không ai xác định được như thế nào là công bằng.
Trong Mask Girl, bà Kyung Ja cho rằng con trai mình là người tài giỏi, hiền lành, hiếu thảo, chẳng bao giờ làm hại ai, cho nên kẻ gây hại đến con bà cũng phải chịu nỗi đau hệt như bà đang chịu. Bà từ chối nhìn vào những lỗi lầm con trai đã gây ra và để trả thù, bà sẵn sàng lôi kéo những người vô tội khác vào bóng tối.
Câu chuyện báo thù điên cuồng của Kim Kyung Ja thể hiện mặt tiêu cực của hành động trả thù cá nhân – Ảnh: Netflix
Khía cạnh vô lý, vô nhân đạo trong sự báo thù của bà Kyung Ja trên phim được khắc họa rõ ràng, ai cũng nhận thấy, nhưng đó là vì chúng ta xem ở góc độ của kẻ thứ 3, được thấy toàn cảnh câu chuyện. Ở ngoài đời thật, ranh giới giữa công bằng và quá khích trong hành vi báo thù lại không dễ để phân định rạch ròi như vậy. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là nếu cứ ôm chấp niệm tự tay báo thù, tự tay tìm lại công lý thì thù hận sẽ kéo dài bất tận.
“An eye for an eye makes the whole world blind” (tạm dịch: “Nếu áp dụng luật mắt đền mắt thì cả thế giới sẽ trở nên mù lòa”) – trích lời M. K. Gandhi, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng người Ấn Độ.
Những vấn đề khác
Bên cạnh các đề tài nổi bật trên, Mask Girl còn đề cập đến nhiều vấn đề khác như bắt nạt học đường, bạo hành tâm lý và thể xác, thói ganh tỵ, “drama” chốn văn phòng, ngoại tình, tham nhũng, lạm quyền,… Đặc biệt, sức mạnh của tin đồn thất thiệt cũng được làm nổi bật trong xuyên suốt bộ phim, thông qua tình tiết Mo Mi tung tin đồn về quản lý Park vì ghen tuông và tình tiết tuổi thơ của Mi Mo bị phá hủy vì những tin đồn xoay quanh xuất thân của cô bé.
Góc khuất của cuộc sống công sở, lạm quyền, tham nhũng và nhiều vấn nạn khác cũng được đề cập trong phim – Ảnh: Netflix
Kịch bản xoáy sâu vào tâm lý, nhân vật đa chiều, mạch phim kịch tính
Mask Girl xây dựng và phát triển tâm lý nhân vật một cách sâu sắc và tài tình. Không có ai trong câu chuyện là hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, tất cả đều có khía cạnh đáng thương và đáng trách riêng, cũng giống như trong thực tế cuộc sống, ai trong chúng ta cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Chuyện phim được kể thay phiên trên góc nhìn của nhiều nhân vật, giúp tạo được tính đa chiều cho tổng thể tác phẩm, mỗi nhân vật đều có cơ hội được đứng ở trung tâm, được tỏa sáng.
Các tình tiết được sắp xếp hợp lý, làm nổi bật được từng cá nhân từ chính đến phụ trong câu chuyện cũng như nêu bật được thông điệp chung của toàn bộ tác phẩm. Bởi khắc họa sâu các góc tối trong tâm lý con người và phản ánh nhiều vấn nạn trong xã hội nên Mask Girl mang màu sắc tổng thể u ám và nặng nề, thích hợp với những khán giả ưa chuộng dòng phim tâm lý xã hội.
Các nhân vật của Mask Girl thú vị và đặc sắc bởi không ai hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu – Ảnh: Netflix
Vì mỗi một tập phim được kể trên một góc nhìn khác nhau nên trong Mask Girl tồn tại những plot twist khó lường trước, khiến quá trình theo dõi trở nên hồi hộp và thú vị hơn. Bên cạnh đó, những tình tiết mang tính bước ngoặt liên tục xảy ra, thôi thúc khán giả tiếp tục xem để khám phá các nhân vật sẽ đưa ra lựa chọn thế nào, cuộc đời họ sẽ rẽ theo hướng nào sau những quyết định ấy.
Dàn diễn viên thể hiện tròn vai
Một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn một bộ phim tới thành công chính là dàn diễn viên. Dàn cast của Mask Girl không chỉ hợp vai mà còn thể hiện nhân vật của mình một cách trọn vẹn trên từng biểu cảm, cảm xúc. Tân binh Lee Han Byul cho thấy được một Kim Mo Mi tự ti nhưng cũng dữ dằn không kém ai. Cựu idol Nana lại thể hiện một Kim Mo Mi với khía cạnh khác: trầm lắng hơn nhưng cũng điên cuồng hơn sau khi trải qua nhiều biến cố của cuộc đời. Cựu Á hậu Hàn Quốc Go Hyun Jung khắc họa một Kim Mo Mi tuổi trung niên vô hồn, tàn tạ, thương con vô điều kiện.
3 nữ diễn viên thể hiện trọn vẹn hình ảnh Kim Mo Mi ở 3 giai đoạn khác nhau của cuộc đời – Ảnh: Netflix
Chàng béo đáng yêu trong Reply 1988 – Ahn Jae Hong sẵn sàng thay đổi ngoại hình để tạo nên một Joo Oh Nam biến thái, khiến người xem thấy kinh tởm. Diễn viên kỳ cựu Yeom Hye Ran từng chiếm được tình cảm của khán giả nhờ vai Chu Mae Ok chu đáo trong Nghệ Thuật Săn Quỷ Và Nấu Mì, hay vai Kang Hyun Nam chân chất trong The Glory, nay lại thuyết phục công chúng với nét diễn độc đoán, nhẫn tâm, điền cuồng trong vai người mẹ Kim Kyung Ja.
Ahn Jae Hong “lột xác” với vai kẻ biến thái Joo Oh Nam – Ảnh: Netflix
Khán giả đã quen với một Yeom Hye Ran đáng mến trong các tác phẩm trước sẽ ngạc nhiên với hình tượng độc ác của cô lần này – Ảnh: Netflix
Ngoài ra còn có Shin Ye Seo trong vai Kim Mi Mo lãnh cảm nhưng luôn khát khao tình thương, Kim Min Seo đáng yêu trong vai cô bé tốt bụng Kim Ye Chun, cựu idol nhóm UKISS – Lee Jun Young rũ bỏ hình tượng lịch thiệp thường thấy để vào vai gã idol đểu cáng Choi Bu Yong,… Tất cả đều khắc họa được tốt các nét tính cách nổi bật và những biến chuyển trong tâm lý nhân vật, giúp bức tranh Mask Girl thêm màu sắc và thêm chân thật, sống động hơn.
Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc
Một điểm sáng không thể phủ nhận khác của Mask Girl nằm ở khâu chỉ đạo của đạo diễn, từ đó tạo nên được các mise-en-scène mãn nhãn – vừa đáp ứng được tính nghệ thuật, vừa đáp ứng được tính truyền tải cảm xúc, vừa đáp ứng được tính kể chuyện. Mise-en-scène là một thuật ngữ tiếng Pháp được dùng trong sân khấu và điện ảnh, ý chỉ tất cả các yếu tố trong một khung hình, bao gồm bố cục, ánh sáng, bối cảnh, nhân vật và diễn xuất.
Đạo diễn Kim Young Hoon và các diễn viên thảo luận về cảnh quay – Ảnh: Netflix
Đạo diễn Kim Young Hoon tuy còn là tân binh trong nghề, nhưng tác phẩm đầu tay của anh – phim điện ảnh Chó Săn Tiền từng oanh tạc phòng vé năm 2020 và nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Trong bài phỏng vấn với KBS, Kim Young Hoon cho biết với Mask Girl, anh và đạo diễn nghệ thuật đã lựa chọn dùng hình thức đẹp đẽ để kể một câu chuyện tăm tối với mục đích giúp tác phẩm dễ tiếp cận hơn. Đồng thời, điều này cũng phù hợp với chủ đề chung của bộ phim: câu chuyện về đẹp và xấu, về một cô gái dùng chiếc mặt nạ đẹp đẽ để che giấu sự xấu xí của mình.
Những hạn chế đáng tiếc của Mask Girl
Tuy có nhiều điểm sáng gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng, nhưng cũng không thể phủ nhận bộ phim vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế. Về mặt kịch bản, Mask Girl có nhiều phân đoạn được kể một cách vắn tắt quá mức, gây khó hiểu và thiếu liền mạch.
Ví dụ như lý do vì sao mẹ Mo Mi lại ghét bỏ con gái ra mặt, trong khi đối với cháu gái tuy nghiêm khắc nhưng vẫn rất thương yêu và quan tâm? Lẽ nào lại chỉ vì con gái mình có ngoại hình không xinh đẹp mà người mẹ lại ghét con hay sao?
Bên cạnh đó, mốc thời gian giữa một vài sự kiện có sự mâu thuẫn, khoảng thời gian từ lúc Mo Mi bắt đầu phẫu thuật thẩm mỹ đến lúc đến làm ở hộp đêm không được đề cập đến, khiến người xem không thể hình dung được cụ thể cô ấy đã gặp những chuyện gì, từ đó hình thành nên sự thay đổi thế nào trong tâm lý.
Việc lượt bỏ một giai đoạn trong đời Mo Mi khiến mạch tình tiết và mạch cảm xúc thiếu liền mạch – Ảnh: Netflix
Ngoài những lỗ hổng trong kịch bản, Mask Girl còn có một điểm hạn chế khác nằm ở việc thay đổi diễn viên thể hiện nhân vật nữ chính Mo Mi. Tất nhiên, trước và sau khi nhân vật phẫu thuật thẩm mỹ không thể do cùng một người diễn vì đã có sự khác biệt lớn về ngoại hình, nhưng cách mà hai nữ diễn viên Lee Han Byul và Nana thể hiện nhân vật Kim Mo Mi lại khá là khác biệt, khiến cho nhân vật như biến thành một con người khác, làm gãy mạch cảm xúc của người xem.
Cách thể hiện nhân vật Mo Mi của Nana khác biệt khá nhiều so với Lee Han Byul, khiến nhân vật thiếu tính đồng nhất – Ảnh: Netflix
Tuy nhiên, phần thể hiện của Go Hyun Jung khi vào vai Mo Mi trung niên lại dễ hiểu và dễ chấp nhận. Vì khán giả đã được chứng kiến hơn nửa cuộc đời đầy biến cố của Mo Mi, nên việc cô trở nên trầm tính, thất thần ở độ trung niên không có gì là khó hiểu. Điều này dẫn chúng ta quay ngược về sự đứt mạch tình tiết đã đề cập phía trên. Có lẽ nếu khán giả được chứng kiến rõ hơn quá trình thay đổi tâm lý giữa Mo Mi trước phẫu thuật và Mo Mi sau phẫu thuật thì sự khác biệt trong cách diễn của hai nữ diễn viên sẽ trở nên dễ chấp nhận hơn.
Một số khác biệt so với nguyên tác
Cũng như nhiều tác phẩm chuyển thể khác, Mask Girl đã được cải biên không ít so với nguyên tác webtoon. Một số khác biệt quan trọng, ảnh hưởng đến mạch phát triển của bản chuyển thể là:
Bối cảnh bắt đầu câu chuyện trong webtoon là năm 2015, nhưng ở bản phim là năm 2009. Vì vậy mà các trang mạng xã hội, các bài hát được nhân vật sử dụng,… đều được thay đổi để phù hợp với thời đại.Trong nguyên tác, nhân vật Mo Mi chủ động giết người 2 lần và Joo Oh Nam không hề giúp cô xử lý bất kỳ ai. Mo Mi trong webtoon xấu tính và tiêu cực hơn Mo Mi trên phim, được thể hiện qua nhiều quyết định và hành động trong xuyên suốt cuộc đời. Nhưng khi lên phim, nhân vật này có phần được “tẩy trắng”.Mo Mi và Chun Ae trong nguyên tác có mối quan hệ không hề hòa thuận. Vì cả hai có gương mặt gần giống nhau sau khi phẩu thuật thẩm mỹ nên thường đối đầu, cạnh tranh với nhau. Với bản chuyển thể, đạo diễn Kim Young Hoon cho biết anh không thể khiến hai cá thể có nhiều trải nghiệm tương đồng, cùng chịu nhiều tổn thương như Mo Mi và Chun Ae phải đối đầu nhau đến cùng nên đã quyết định thay đổi, để họ đùm bọc lẫn nhau.
Mo Mi và Chun Ae trên phim có mối quan hệ tốt đẹp, khác hoàn toàn so với trong nguyên tác – Ảnh: Netflix
Trong bản webtoon, Mo Mi ban đầu dùng nhân dạng Mask Girl để sống một cuộc đời khác. Sau khi phẩu thuật thẩm mỹ và gặp Chun Ae, cô lại bắt chước phong cách của Chun Ae. Đến khi bị bắt giam và di chứng phẩu thuật thẩm mỹ khiến nhan sắc tàn phai, Mo Mi lại muốn vượt ngục để điều chỉnh lại khuôn mặt. Đây chính là ý nghĩa của tựa đề Mask Girl – cả cuộc đời Kim Mo Mi đều phải sống dưới lớp mặt nạ, không thể sống thật. Tuy nhiên khi chuyển thể, nhân vật đã được cải biên tốt đẹp hơn nhiều, khiến ý nghĩa của tựa đề Mask Girl có phần mờ nhạt đi.
Ý nghĩa tiêu đề Mask Girl trên phim không được thể hiện rõ ràng bằng trong truyện do có sự cải biên về mặt nội dung – Ảnh: Netflix
Trên phim, giai đoạn từ sau khi Mo Mi phẫu thuật thẩm mỹ đến khi gặp Chun Ae và có con đã bị lượt bớt nhiều tình tiết. Trong khi đó, ở nguyên tác, giai đoạn này trong đời Mo Mi còn xuất hiện khá nhiều nhân vật khác, trong đó có cha của Mi Mo. Những nhân vật này không được nhắc đến trong phim, vì vậy mà cha của Mi Mo cũng được cải biên thành một người khác. Phần cải biên này khiến quyết định của Mo Mi có phần khiên cưỡng, khó hiểu và khiến mốc thời gian trong phim trở nên mơ hồ.Mo Mi trên phim tự thú, còn trong truyện là bị bắt khi đang cố trốn ra nước ngoài.
Mo Mi trên phim tốt đẹp và dễ đồng cảm hơn so với trong nguyên tác – Ảnh: Netflix
Hai mẹ con Mo Mi và Mi Mo trong nguyên tác không hề gặp lại nhau. Bên cạnh đó, cũng chỉ có Ye Chun đến giải cứu Mi Mo ở bản webtoon. Khi chuyển thể, phần kết của mẹ con Mo Mi – Mi Mo đã được viết lại theo hướng nhân văn và có hậu hơn.
Một số thông tin thú vị ngoài lề
Thông tin về nữ chính Lee Han Byul được giữ kín cho đến gần ngày phát hành bộ phim. Trước đó, khán giả chỉ biết vai Kim Mo Mi do Nana và Go Hyun Jung đảm nhiệm, nhưng không ai biết Mo Mi trước phẩu thuật thẩm mỹ do ai thủ vai. Theo chia sẻ từ đạo diễn, Lee Han Byul đã phải vượt qua vòng casting đầy cạnh tranh để có thể nhận được vai chính của Mask Girl.
Lee Han Byul là nhân tố bí ẩn được nhà sản xuất giữ bí mật, đến tận trước khi phim lên sóng vài ngày mới được công bố – Ảnh: Netflix
Thông qua phỏng vấn với Kukinews, đạo diễn Kim Young Hoon cho biết bộ phim được chia làm 3 phần với 3 chủ đề riêng. Tập 1 và 2 tập trung vào định kiến ngoại hình và nạn stalking, tập 3 và 4 xoay quanh nỗi ám ảnh và sự kết nối của những người phụ nữ, các tập còn lại nói về tình mẫu tử vặn vẹo và sự cứu rỗi dành cho các nhân vật chính. Để thể hiện sự phân định này, nam đạo diễn đã dùng 3 màu sắc khác nhau để viết tựa đề các tập phim: tập 1 và 2 là màu vàng, 3 và 4 là màu cam, các tập còn lại là màu xanh lục.
Chiếc mặt nạ được sử dụng trong livestream của nữ streamer Mask Girl được thực hiện theo đường nét khuôn mặt của Nana.
Chiếc mặt nạ trên phim được dựng theo khuôn mặt mỹ nhân Nana – Ảnh: Netflix
Diễn viên Ahn Jae Hong chia sẻ, phần hóa trang cho nhân vật Joo Oh Nam mất tận 2 tiếng. Theo đó, mái tóc hói của nhân vật trên phim thực chất chỉ là tóc giả và da đầu được hóa trang giả.
Mái đầu hói của nhân vật Joo Oh Nam chỉ là sản phẩm của hóa trang – Ảnh: Netflix
Nhìn chung, Mask Girl là một series có nội dung sâu sắc, thông điệp ý nghĩa với phần hình thức chất lượng ngang ngửa một tác phẩm điện ảnh, có lẽ lý do lớn nhất là vì đạo diễn Kim Young Hoon định hướng bản thân theo mảng điện ảnh.
Kịch bản xoáy sâu vào khai thác tâm lý và các vấn đề xã hội, kết hợp với diễn xuất đầy tâm huyết của cả dàn cast từ chính đến phụ, từ già đến trẻ giúp câu chuyện trong phim trở nên chân thật, sống động và gợi được nhiều cảm xúc nơi người xem hơn. Dù vẫn còn thiếu sót nhưng đây vẫn là một tác phẩm danh xứng với thực, đáng để khán giả bỏ thời gian theo dõi.
'Mask Girl': Khi kẻ yếu thế bị dồn vào bước đường cùng
Mask Girl khiến khán giả bất ngờ khi khai thác tâm lý nhân vật một cách chân thật, trần trụi nhất. Yếu tố miệt thị ngoại hình được dàn diễn viên thể hiện tròn vai khiến bộ phim tạo sức hút với người xem trên toàn thế giới.
Đầu tháng 8 năm nay, Netflix tiếp tục ra mắt series gây sốt mang tên Mask girl (tên tiếng Việt: Cô gái mang mặt nạ). Bộ phim thuộc thể loại phim chính kịch, giật gân, mang nhiều yếu tố 18 , phản ánh những góc tối trong xã hội hiện đại, nơi con người yếu thế cố gắng vẫy vùng để sống một cuộc đời tốt đẹp hơn. Song, chính họ lại bị mắc kẹt trong những bi kịch do chính mình tạo ra.
Mask girl là bước tiến mới của phim ảnh Hàn. Netflix
Khai thác triệt để vấn nạn miệt thị ngoại hình
Không giống như chuyện tình lãng mạn trong Celebrity được Netflix phát hành dạo gần đây, Mask Girl dành cho những khán giả yêu thích thể loại giật gân, đen tối và tương đối "nặng đô". Vấn nạn miệt thị ngoại hình là yếu tố chính dẫn đến hàng loạt bi kịch sau này. Nhân vật chính Kim Mo Mi từ nhỏ đã bị mọi người xung quanh miệt thị là "xấu xí" chỉ vì cô không đạt những tiêu chuẩn về cái đẹp mà xã hội đặt ra. Ở xã hội hiện đại, phụ nữ phải xinh đẹp và thứ họ theo đuổi là có cho mình những quý ông điển trai, có tiền tài địa vị. Trong hành trình chạy theo những tiêu chuẩn về cái đẹp để được mọi người đánh giá cao, Mo Mi đã vô tình hủy hoại chính bản thân mình.
Ngoài Mo Mi, Joo Oh Nam - đồng nghiệp của cô cũng là nạn nhân của nạn "body shaming"(miệt thị ngoại hình). Anh mang trong mình tâm lý mặc cảm, luôn bế tắc với cuộc sống và đôi khi trở nên điên dại. Cái hay của Mask Girl là phản ánh sâu sắc thế giới nội tâm của những nạn nhân "body shaming". Trong đó, có một câu hỏi nhức nhối hiện lên sau khi bộ phim kết thúc, rốt cuộc Mo Mi ác độc hay chính xã hội mà cô sống quá bạo tàn đã gieo rắc cho cô những ám ảnh tâm lý suốt hành trình lớn lên?
Chỉ xuất hiện trong 2 tập phim, nhưng Lee Han Byul (Mo Mi thời trẻ) đã gây ấn tượng đặc biệt với người xem. Netflix
Dàn diễn viên thể hiện tròn vai
Dàn diễn viên Mask Girl khiến khán giả bất ngờ vì quá giống nhân vật ở bản webtoon. Đến khi phim ra mắt, mỗi diễn viên đều hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. Lee Han Byul thủ vai Kim Mo Mi ở 2 tập đầu tiên, nữ diễn viên 31 tuổi khiến khán giả ấn tượng bởi đã lột tả rất trọn vẹn tâm lý của "cô gái mặt nạ" giai đoạn đầu.
Ở giai đoạn tiếp theo, Na Na - cựu thành viên nhóm nhạc After School đảm nhận vai Mo Mi sau khi phẫu thuật thẩm mỹ và trở nên xinh đẹp. Na Na được nhận xét biểu đạt thành công những sắc thái của Mo Mi sau khi trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, từ bất lực, lạnh lùng, đau khổ. Mỹ nhân đẹp nhất thế giới khiến người xem xuýt xoa vì sắc vóc nổi bật. Vai diễn Kim Mo Mi đã tạo nên một bước tiến mới với sự nghiệp diễn xuất của Na Na.
Nana - diễn viên xinh đẹp thủ vai Mo Mi ở giai đoạn sau. Netflix
Cuối cùng, Go Hyun Jung tái hiện hình ảnh Kim Mo Mi ở độ tuổi trung niên với gương mặt chảy xệ, biến dạng sau di chứng hậu phẫu thuật thẩm mỹ. Xuất hiện trong trang phục tù nhân với mái tóc cắt ngắn và gương mặt thất thần, Go Hyun Jung không những gây ấn tượng với tạo hình nhân vật mà còn thể hiện trọn vẹn tâm lý nhân vật giai đoạn này chỉ qua ánh mắt. Đó là ánh mắt vô hồn sau khi đã trải qua những sóng gió trong đời. Có lẽ sau một thời gian dài đấu đá, sử dụng chiêu trò, thủ đoạn để sống, Mo Mi ở giai đoạn trung niên đã mệt mỏi và chỉ mong muốn được bình yên.
Go Hyun Jung đã khắc họa nên một Mo Mi của tuổi trung niên rất trọn vẹn. Netflix
Ngoài nữ chính, các tuyến nhân vật khác cũng được khai thác triệt để tâm lý nhằm tạo nên mạch phim lôi cuốn và kịch tính. Mẹ của Mo Mi - Một người mẹ không có kỹ năng giao tiếp, lạnh lùng nhưng sẵn sàng hy sinh tính mạng vì cháu của mình. Hay Ju Oh Nam (Ahn Jae Hong), từ một nam đồng nghiệp si mê, điên cuồng trước Mo Mi cho đến kẻ sát nhân sẵn sàng ra tay giết người vì người mình yêu. Phần diễn xuất của nam diễn viên Reply 1988 được nhận xét khiến người xem "nổi da gà".
Ahn Jae Hong đã hóa thân tròn vai một kẻ có tâm lý lệch lạc và hành vi biến thái. Netflix
Mẹ của Hay Ju Oh (Yeom Hye Ran) lại thương con đến mức cực đoan, dùng tình yêu của mình biến con thành kẻ biến thái với những suy nghĩ lệch lạc. Từng nhân vật xuất hiện đều liên quan mật thiết đến nữ chính và có một vai trò nhất định. Không chỉ có Mask Girl Mo Mi đeo mặt nạ che giấu thân phận, các nhân vật trong phim đều khoác lên chiếc mặt nạ vô hình để được tôn trọng, ủng hộ và yêu thương. Họ dám hãm hại người khác, thậm chí giết chóc để thỏa mãn cơn thù hận trong bản thân. Thế nhưng sâu trong nội tâm, họ lại là những người yếu đuối và khát cầu sự bao dung.
Yeom Hye Ran gây chú ý với vai diễn người mẹ vì báo thù cho con trai mà sẵn sàng ra tay giết người. Netflix
Mạch phim kịch tính và khó đoán
Suốt 7 tập phim, khán giả sẽ không khỏi bất ngờ trước sự khó đoán trong từng diễn biến phim. Nhiều chi tiết được cho là quá giật gân, u tối và gây ám ảnh, tuy nhiên phim đã đem đến cho người xem những cung bậc cảm xúc mãnh liệt, từ hồi hộp đến bất ngờ, sợ hãi vì các tình tiết đều đi sâu vào góc tối của con người. Mask Girl không thể hiện sự đồng cảm, thương xót trước những phận đời yếu thế, bị ức hiếp trong xã hội. Ngược lại, nhà làm phim khai thác những tính cách xấu xa, ác độc nhất khi con người bị ép vào đường cùng. Vì suy cho cùng, bi kịch lớn nhất của việc làm người chính là bị dồn nén đến mức mất đi nhân tính. Mask Girl đã "trần trụi" lột tả điều ấy qua cách xây dựng tâm lý từng nhân vật. Họ đều có những thân phận, nỗi khổ riêng và mất đi niềm tin với con người qua một thời gian dài chịu tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Rốt cục, dàn nhân vật trong Mask Girl đáng thương hay đáng trách? Chắc hẳn, ta sẽ có câu trả lời khi thấy những giây phút đau đớn đến bất lực hiện lên trong ánh mắt họ.
Phim còn nhiều tình tiết thiếu hợp lý, cách thay thế diễn viên thể hiện nhân vật Kim Mo Mi cũng chưa đồng nhất vì gương mặt của 3 người quá khác biệt. Những phân cảnh bạo lực, 18 của Na Na cũng bị nhiều người xem chỉ trích khi không thực sự cần thiết. Tuy nhiên, Mask Girl vẫn là một siêu phẩm đáng xem với những khán giả tìm kiếm một bộ phim "nặng đô" trong nửa đầu năm 2023 này.
"Mask girl": Bộ phim trực diện về bạo lực, tình dục gây ám ảnh Bộ phim truyền hình 7 tập "Mask girl" (Cô gái đeo mặt nạ) vừa ra mắt vào trung tuần tháng 8, lập tức gây sốt trên Netflix nhờ đề cập nhiều vấn đề "nóng" trong xã hội hiện đại. Mask girl (Cô gái đeo mặt nạ) chính thức lên sóng vào ngày 18/8. Theo số liệu của trang thống kê độc lập Flixpatrol,...