Rét đậm: Coi chừng liệt mặt, méo miệng vì thức đêm
Những người hay thức đêm, làm việc khuya rất dễ bị liệt mặt, méo miệng. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với di chứng nặng nề theo suốt cuộc đời.
Bệnh nhân bị liệt mặt điều trị ở bệnh viện (Ảnh: BVCC)
Tấn công bất ngờ
TS. BS. Hoàng Văn Lý – Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Hữu Nghị – cho biết: Liệt mặt, méo miệng thường xảy ra đột ngột sau khi bệnh nhân gặp lạnh, đặc biệt là khi chuyển từ nóng sang lạnh: ban đêm ngủ nằm điều hòa lạnh, có gió lùa, sau khi tắm vào phòng điều hòa lạnh, ngồi trên xe ô tô, xe bus mở điều hòa lạnh, tắm nước lạnh sau khi vận động ra mồ hôi,…
Bệnh liệt mặt, méo miệng thường xảy ra vào mùa thu-đông và đông-xuân do thời tiết nhiều gió lạnh và hay thay đổi.
Đối tượng dễ mắc bệnh là những người có thể trạng yếu, ít tập luyện thể dục, những người hay sử dụng rượu bia, đi sớm về khuya. Ngoài ra những người có tiền sử huyết áp cao, xơ vữa động mạch, hay thức khuya cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.
Người bệnh thường có biểu hiện cười, nói khó, đánh răng, súc miệng, nước bị trào ra một bên mép. Biểu hiện rõ nét nhất là khuôn mặt mất cân xứng – bên liệt trông như mặt nạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất; miệng và nhân trung méo về bên lành.
Biểu hiện rõ nét nhất của bệnh liệt mặt, méo miệng là khuôn mặt mất cân xứng (Ảnh: BVCC)
Video đang HOT
Sự mất cân xứng trên khuôn mặt càng rõ khi người bệnh làm một số động tác chủ động như cười – mặt bị méo lệch sang bên lành. Đặc biệt, mắt bên liệt của bệnh nhân nhắm không kín do liệt cơ khép vòng mi và nhãn cầu bị đẩy lên trên để lộ một phần lòng trắng.
Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác ít gặp hơn như cảm giác tê một bên mặt, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi, khô mắt do không tiết nước mắt hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc ngay sau bữa ăn.
Đa số các trường hợp mắc bệnh thường khỏi sau khoảng 1-3 tháng nếu được điều trị đúng. Nếu để lâu sẽ có 1 số biến chứng và di chứng như: Viêm loét giác mạc (do mắt nhắm không khép kín dễ bị gió bụi bẩn bám vào gây nhiễm khuẩn), co giật cơ mặt (do hồi phục thần kinh không hoàn toàn) hoặc co cứng nửa mặt (do dây thần kinh thoái hóa).
BS. Lý cho hay: Nguyên nhân chính gây ra bệnh liệt mặt, méo miệng là do lạnh (chiếm trên 80%) dẫn tới co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Phải điều trị bằng thuốc, phương pháp đặc hiệu
Theo BS. Lý, đối với những bệnh nhân bị liệt mặt đã xác định được nguyên nhân, cần điều trị bằng các thuốc và phương pháp đặc hiệu
Bệnh lệt mặt do lạnh hoặc không xác định được nguyên nhân thì Y học hiện đại sẽ sử dụng corticoid liều cao kết hợp với các thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, vitamin B kết hợp với một số phương pháp vật lý trị liệu như chiếu đèn hồng ngoại.
Ngoài ra, các phương pháp Y học cổ truyền cũng đã được sử dụng từ lâu đời và chứng minh được hiệu quả, an toàn khi điều trị liệt mặt ngoại biên gồm: Điện châm; cứu ngải; xoa bóp bấm huyệt; thủy châm, laser châm; cấy chỉ,… uống thuốc Y học cổ truyền phù hợp với thể trạng người bệnh.
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)
Thực tế cho thấy, người bệnh sẽ được điều trị hiệu quả khi kết hợp cùng lúc nhiều phương pháp điều trị, đặc biệt nếu điều trị càng sớm hiệu quả đạt được càng cao và rút ngắn được thời gian điều trị. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời và hợp lý.
Để chủ động phòng bệnh liệt mặt, méo miệng, BS. Lý khuyến cáo: Mỗi người nên giữ cho cơ thể khỏe mạnh, khám bệnh định kỳ tại các cơ sở uy tín, đồng thời, kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh như huyết áp, mỡ máu, tiểu đường và tránh gió, lạnh từ thiên nhiên, điều hòa, ăn đồ sống lạnh.
Thói quen xấu khiến nhiều người trẻ liệt mặt, méo miệng khi trời lạnh
Thu, 24 tuổi, Hà Nội tới khám tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương trong tình trạng nửa mặt bên phải có cảm giác tê, miệng méo, khi uống nước hay súc miệng đều bị rơi vãi, mắt phải không thể nhắm kín.
Cô cho biết đột ngột xuất hiện các triệu chứng trên sau khi ngủ dậy. Qua thăm khám, thực hiện các xét nghiệm kỹ lưỡng, bác sĩ chẩn đoán cô bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Bệnh do rất nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất do ngoại cảm phong hàn (gió và lạnh).
Những ngày gần đây khi trời trở lạnh sâu, lượng bệnh nhân có các triệu chứng méo miệng, liệt mặt tới khám và điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương tăng đáng kể. Trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20-30 bệnh nhân, gấp 2, 3 lần so với giai đoạn trước.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa cho biết, trước đây, bệnh nhân liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đa phần là trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện người trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 45 mắc bệnh này lại chiếm số đông.
"Nhiều người già đã hiểu về bệnh và có biện pháp phòng tránh, trẻ em cũng được cha mẹ quan tâm kỹ hơn. Còn những người trẻ tuổi lại thường có tâm lý chủ quan nên rất dễ mắc bệnh", bác sĩ Hưng nói.
Bác sĩ châm cứu cho 1 bệnh nhân trẻ tuổi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên - Ảnh: N.Liên
Một trong những biểu hiện của người bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là một bên mắt không thể nhắm kín, kèm cảm giác rất cộm - Ảnh: N.Liên
Nam bác sĩ phân tích, nguyên lý của bệnh là khi gặp lạnh đột ngột, các mạch máu co lại khiến dây thần kinh số 7 ngoại biên không được nuôi dưỡng, mất chức năng. Từ đó, các cơ bám da vùng mặt sẽ bị liệt, người bệnh không thể vận động các cơ vùng mặt, không thể biểu cảm.
Trong thời tiết lạnh, nhiều người có thói quen xấu như mặc không đủ ấm, tắm nước lạnh, ăn uống các đồ quá lạnh dễ khiến cơ thể nhiễm lạnh đột ngột, dẫn tới liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Bệnh này có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, không riêng những người sức đề kháng yếu.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh là nước rơi vãi ở bên mặt bị liệt khi uống nước hoặc súc miệng. Khi bệnh nhân ăn, cơm sẽ bị giắt ở phía liệt. Ngoài ra, phần mắt ở bên liệt không thể nhắm kín, kèm cảm giác rất cộm và khô. Nhiều người có thêm tình trạng hơi tê vùng mặt.
Bác sĩ Hưng cho biết, tùy từng tình trạng, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện điện châm, thủy châm (tiêm thuốc vào huyệt), xoa bóp, bấm huyệt nhẹ nhàng, sưởi ấm, chườm ấm hay cứu (làm nóng lên ở huyệt).
"Có trường hợp chỉ điều trị 5 ngày là khỏi và được xuất viện. Nhưng cũng có bệnh nhân phải điều trị tới 6 tháng do mức độ tổn thương lớn", ông Hưng cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Châm cứu Trung ương - Ảnh: N.Liên
Những trường hợp nặng đa số nhập viện muộn do chủ quan, tự điều trị bằng các bài thuốc truyền miệng hoặc tin vào thầy lang theo quảng cáo. Bác sĩ Hưng chia sẻ, một số bệnh nhân điều trị tới 6 tháng, 1 năm vẫn chưa hồi phục hoàn toàn bởi tình trạng quá nặng.
"Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị xơ hóa cơ ở phần mặt bị liệt, ảnh hưởng đến chức năng ăn uống và thị lực. Đặc biệt, vấn đề thẩm mỹ, diện mạo bên ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Hưng nhấn mạnh.
Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Châm cứu Trung ương khuyến cáo, trong mùa đông, người dân cần chú ý phòng chống gió lạnh, không ra ngoài quá sớm vì lúc đó nhiệt độ trong ngày thấp nhất, độ ẩm cao nhất. Khi ra ngoài trời, nên giữ ấm toàn bộ cơ thể, đặc biệt ở vùng cổ, mặt và ngực. Việc tắm nước lạnh, tắm quá khuya và ăn, uống các đồ lạnh cũng cần tránh.
Nếu có các dấu hiệu của bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh diễn tiến quá nặng sẽ mất rất lâu để "sửa sai", hoặc không thể phục hồi hoàn toàn.
Bé gái 17 tháng tuổi đột ngột liệt mặt sau khi chảy mũi, ngạt mũi Một bé gái 17 tháng tháng đột ngột bị méo miệng, mắt nhắm không kín sau khi bị chảy mũi, ngạt mũi. Triệu chứng tưởng như bình thường. Tuy nhiên, khi gia đình đưa đến bệnh viện kiểm tra thì tá hỏa phát hiện bé bị bị viêm tai xương chũm biến chứng tổn thương thần kinh số VII ngoại biên có thể...