Rapper Hà Lê: Chọn con đường riêng để khẳng định mình
Hứng thú với những thể nghiệm mới mẻ trên nền truyền thống nhưng không phá vỡ tinh thần của chúng, Hà Lê luôn biết cách khiến người ta “bay” trong thế giới sáng tạo đầy màu sắc của anh.
Mới đây, trên sân khấu chương trình Trời sinh một cặp, ca khúc Forever Beautiful của Hà Lê nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả, nhất là với thông điệp: đoàn kết, đồng lòng vượt qua dịch bệnh.
PHÓNG VIÊN: Việc biểu diễn Forever Beautiful trên sân khấu chương trình Trời sinh một cặp so với thể hiện bài hát này qua MV cùng 13 ca sĩ đến từ nhiều quốc gia, mang đến cho anh cảm xúc đặt biệt như thế nào?
Rapper HÀ LÊ: Chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên, các chiến sĩ… ở tuyến đầu chống dịch qua các phương tiện truyền thông, tôi cũng như bất cứ công dân Việt Nam nào đều muốn góp một phần sức để động viên tinh thần mọi người. Tôi chọn âm nhạc vì tiếng hát có thể xoa dịu nỗi đau, sự sợ hãi, mang đến niềm lạc quan trong bầu không khí u ám đang bao trùm toàn thế giới. Mỗi hình thức thể hiện do đó đều chứa đựng những xúc cảm riêng.
Khi hòa giọng cùng các nghệ sĩ đến từ 13 quốc gia, tôi cảm thấy được sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng, siết chặt tay nhau thành nguồn sức mạnh to lớn không chỉ riêng của một vài cá nhân mà là của cả thế giới này. Nguồn sức mạnh đó chảy trong người tôi, thôi thúc tôi mang ca khúc này lên sân khấu để lan tỏa sự sẻ chia và động viên tất cả chúng ta. Rằng, không ai bị bỏ lại trong “cuộc chiến” này.
Forever Beautiful là một ca khúc đẹp, động viên tinh thần mọi người. Anh có nghĩ nó không đơn thuần là ca khúc “cổ động chống Covid-19″?
Forever Beautiful vốn được dành cho tất cả mọi người, ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của mỗi người, điều mà trong hoàn cảnh nào cũng đẹp, cũng đáng được ca ngợi. Tại thời điểm này, dịch Covid-19 đã là vấn đề của toàn cầu nên việc truyền thông có ý như vậy cũng là để chúng ta chú ý hơn. Cái hay của bài hát nằm ở ý nghĩa phổ quát của nó. Ta có thể hát tặng cho người mình yêu thương, những người đang vượt qua nghịch cảnh, những người đang chống chọi với
bệnh hiểm nghèo…
Thành công trong 10 năm làm vũ công và biên đạo, nhưng anh lại chọn con đường ca sĩ để bước tiếp. Có lý do nào đặc biệt?
Trở thành ca sĩ là ước mơ lớn nhất của tôi. Ước mơ này có từ bé, nhưng có lẽ số tôi phải đi đường vòng mới chạm được đến. Trong suốt những năm làm nghệ thuật (từ năm 2004 đến nay), tôi chưa bao giờ rời mắt khỏi ước mơ này. Thị trường vũ công và biên đạo ở Việt Nam hiện không bấp bênh. Ngày tôi trở về, nó còn rất mới mẻ. Nhưng nhờ đó, tôi góp được chút sức lực của mình để giúp các bạn vũ công ổn định hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn. Trên hành trình này, tôi vẫn còn nhiều ấp ủ, nhưng để thực hiện được cần thêm nhiều thời gian. Khi nào cảm thấy đủ khỏe, đủ cảm hứng, tôi sẽ lại dành cho nhảy múa những gì tốt nhất, sáng tạo nhất.
Video đang HOT
Năm 2019, anh tung các ca khúc đầu tiên trong dự án Trịnh Contemporary. Tại sao anh quyết định chọn nhạc Trịnh cho những thể nghiệm mới của mình?
Tôi chọn nhạc Trịnh vì đây là nhạc thuần Việt, do người Việt sáng tác và làm chủ. Quan trọng hơn, mỗi khi hát nhạc Trịnh và làm mới nhạc Trịnh, tôi tìm thấy trong không gian mênh mông đó rất nhiều hình ảnh, câu chuyện của mình. Và mục tiêu của tôi là “làm mới” chứ không “làm khác” nhạc Trịnh.
Lẽ tất nhiên, khi làm mới một thứ gì đó, chắc chắn sẽ có rất nhiều thử thách. Tôi luôn đặt ra cho mình nhiều câu hỏi. Cái mới đó có làm mọi người thích không? Mình đã làm đúng với cái hồn của tác phẩm chưa? “Phá” theo cách như vậy liệu có đúng? Để tìm được câu trả lời, tôi bắt đầu tìm đến những giọng hát kinh điển đã gắn liền với nhạc Trịnh, quan tâm đến câu chuyện đằng sau bài hát, những nhân vật xuất hiện dẫu chỉ là thoáng qua. Nhạc Trịnh không phải là những bài ca về tình yêu, về quê hương hay thời cuộc. Nó ẩn chứa những triết lý sống, nhân sinh quan mà lúc nào ngân nga, người ta cũng cảm thấy mới mẻ.
Anh đã vượt qua những phân tích, phán xét và góp ý của báo chí lẫn người nghe như thế nào để tiếp tục?
Tôi luôn đọc và tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp. Tôi ý thức được, để mọi người làm quen với cái mới, cần thời gian và phải kiên trì trên con đường mình đã chọn. Bạn có thể thấy, từ Diễm xưa đến Biển nhớ, tôi đều cố gắng làm hay, khác biệt hơn sản phẩm trước. Đó không chỉ đơn thuần là vì tôi và ê kíp luôn đặt thử thách ở những mục tiêu cao hơn, phá vỡ giới hạn sáng tạo, mà còn vì chúng tôi luôn lắng nghe phản hồi của thính giả.
Một nhạc sĩ tài năng từng chia sẻ, khi làm nghề, ở một số giai đoạn, hãy cho mọi người nghe cái họ muốn, rồi dần dần điều chỉnh để thuyết phục họ. Anh có nghĩ như vậy?
Tôi đồng tình với quan điểm này. Nhưng tôi đặt ra cho mình những cột mốc mới để thử thách khả năng và vươn tới. Tôi luôn bị thôi thúc sẽ giới thiệu đến khán thính giả những cái mới. Bởi suy cho cùng, công việc của nghệ sĩ là sáng tạo. Tôi chọn đi con đường riêng để khẳng định mình là ai, mình có gì và cống hiến được gì. Đó là giá trị cốt lõi tôi muốn mình xác định để theo đuổi. Ngày nay, thị trường âm nhạc cũng đang dần có nhiều sự phân hóa rõ nét. Dòng nhạc nào cũng có người nghe tùy vào tính cách, sở thích, thế giới quan của mỗi người. Mình không thể bảo nhạc này hay, nhạc kia không. Thị trường âm nhạc nào cũng vậy, phải có đầy đủ các trạng thái mới đa dạng và phát triển được. Đó là sự cân bằng.
Theo dự định, Trịnh Contemporary sẽ trở lại vào tháng 4 năm nay. Với tình hình hiện tại, kế hoạch của anh có gì thay đổi? Ngoài Bùi Lan Hương, anh còn kết hợp với những tài năng âm nhạc nào khác?
Có thể album sẽ ra mắt muộn hơn một chút trước tình hình dịch bệnh như thế này. Về phần vocal thì ngoài Bùi Lan Hương, tôi không hợp tác với ai nữa. Về phần âm nhạc, tôi có thêm sự trợ giúp của nhạc sĩ Hồng Kiên, violist Fat B, nhà sản xuất Khắc Hưng và toàn bộ anh em Màu Nước Band bên cạnh ê kíp ban đầu của mình.
HOÀNG LINH LAN
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui...
Có những nhà tiên tri báo trước cho nhân loại những hiểm họa, bất trắc. Song cũng có những nhà tiên tri chỉ nói với con người về tình yêu, lòng bao dung và cái đẹp... Trịnh Công Sơn không phải là nhà tiên tri, song ông xứng đáng là sứ giả của cái đẹp và tình yêu thương.
Triết lý của một thi nhân
Trịnh Công Sơn sống và viết nhạc trong tâm thế của một thi nhân; triết lý ông đưa vào tác phẩm là sự chấp nhận và buông bỏ. Vài năm trước, tôi có dịp được dự một chương trình văn nghệ do các bệnh nhân của Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 biểu diễn, đây cũng là một liệu pháp chữa bệnh bằng âm nhạc được bệnh viện áp dụng khá lâu. Những người bệnh đặt hết sự chú tâm, cố gắng để hát: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng... Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai..." .
Chứng kiến điều ấy, tôi không khỏi băn khoăn, day dứt về cuộc đời, song đồng thời lại cảm thấy an tâm, nhẹ lòng bởi nét mặt nhẹ nhàng, thoải mái của người hát. Cũng kể từ đó, tôi có thói quen lặng lẽ dõi theo những gương mặt khi họ đang hát nhạc Trịnh và nhận thấy hầu hết mọi người đều tỏ ra nhẹ nhõm, thanh thoát - dù là ca sĩ chuyên nghiệp hay là những người yêu âm nhạc...
Chấp nhận thực tại và buông bỏ những sầu não, ưu phiền, quả thực Trịnh Công Sơn đã làm được việc này qua gần 600 ca khúc ông đã viết, cùng những bức tranh, những bài thơ ông để lại... Vào các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, Trịnh Công Sơn đã có những mảng ca khúc khác nhau nhưng tất cả đều như "để gió cuốn đi"... Kể từ Ướt mi, rồi Diễm xưa, Biển nhớ, Tình sầu, Tình nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên, Hoa vàng mấy độ... Lẽ sống, tình yêu đều được nhạc sĩ mang tới bằng cảm xúc dịu dàng, để vỗ về, xoa dịu lẽ thương đau, sự mất mát sinh tử và cả lẽ vô thường...
Song hiểu theo phép biện chứng thì tâm thế chấp nhận và buông bỏ chính là sự tất yếu của triết lý sống và hành động (có lẽ với Trịnh Công Sơn còn là hành thiền nữa). Là một con người sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, Trịnh Công Sơn không theo đuổi con đường giải thoát riêng của mình mà ông đã tham gia phong trào sinh viên, viết nhiều bài hát phản chiến... Trịnh Công Sơn đã hát Nối vòng tay lớn trong ngày đất nước hòa bình, thống nhất, rồi Huyền thoại Mẹ, Em ra công trường em ra biên giới... Những bài hát dành cho thiếu nhi của Trịnh Công Sơn thể hiện tình yêu cuộc sống, tương lai thật hồn nhiên, tươi đẹp: Em là hoa hồng nhỏ, Tuổi đời mênh mông, Khăn quàng thắp sáng bình minh, Mùa hè đến...
Ẩn dụ của hoa quỳnh
Có thể thấy, cuộc đời Trịnh Công Sơn đi theo triết lý đấu tranh và hành động, song ông luôn hướng đến sự giải thoát bằng tình yêu, bằng sự thấu hiểu, bằng lý lẽ của thiên nhiên và cái đẹp. Đó cũng là một cách để "nhập thế".
Sinh thời, nhà thơ Rabindranath Tagore (giải Nobel Văn chương năm 1913) đã sáng tạo cho mình một tôn giáo riêng - tôn giáo của con người, song những tôn giáo lớn trên thế giới đều cho rằng thơ Tagore có tác động tích cực đến tín đồ của đạo mình. Trịnh Công Sơn đã tôn vinh con người bằng cuộc sống chân thật và sự ẩn dụ tuyệt đẹp của ngôn từ. Những giấc mơ phản chiếu đời sống qua một màng lọc rất tinh tế, đó chính là đôi mắt thanh khiết, trong veo của người nghệ sĩ....
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim.
Thái độ sống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì thế là rất tích cực, khi ông khẳng định: "Và như thế tôi sống vui từng ngày, và như thế tôi đến trong cuộc đời, đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi..." ( Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui). Có lẽ không lời bình nào hay hơn chính ngôn từ của Trịnh Công Sơn, khi ông diễn ca vẻ đẹp của nội tâm khi muốn trao gửi tâm sự cho cuộc đời.
Trong một bài hát, ông nhắc đến đóa quỳnh hương:
Ta mang cho em một đóa quỳnh
Quỳnh thơm hay môi em thơm
Em mang cho ta một chút tình
Miệng cười khúc khích trên lưng ( Quỳnh Hương).
Tròn 19 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa (1-4-2001 - 1-4-2020), mọi người có thể dành nhiều cảm xúc, nhiều mỹ từ để tưởng nhớ ông. Nhiều bài hát được cho là kinh điển của Trịnh Công Sơn cũng đã được hát nhiều thập kỷ qua, song ẩn dụ của một đóa quỳnh hương âm thầm nở trong đêm, mang đến mùi hương vừa quen vừa lạ, vừa thân thuộc, vừa quý giá... là điều mà tôi muốn nhắc đến tâm hồn và âm nhạc của Trịnh Công Sơn!
Mai Sơn
"Hiện tượng mạng" Hoàng Trang và những "ca lạ" của nhạc Trịnh Với nhạc Trịnh, có nhiều giọng ca thành danh như Khánh Ly, Hồng Nhung... Cũng có cả những "ca lạ" như "hiện tượng mạng" Hoàng Trang. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn từ lâu đã rất nổi tiếng với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Nhạc Trịnh len lỏi trong đời sống, trầm lắng trên sân khấu bởi lời ca da diết,...