Rapper 11 tuổi khơi mào tranh cãi chính trị
Khi đăng video nhạc rap lên mạng xã hội, cậu học sinh 11 tuổi người Palestine ở Gaza không ngờ mình sẽ nổi tiếng đồng thời gặp rắc rối.
Video Abdel Rahman al-Shantti, 11 tuổi, đọc rap trước cổng trường ở Gaza City bằng tiếng Anh đầy tự tin và phong thái hip-hop sôi động, đã giúp cậu bé thu hút hơn một triệu lượt xem và lời khen của những rapper nổi tiếng thế giới.
Rắc rối xảy ra khi cậu bé được hỏi về thông điệp mình muốn truyền tải.
“Cháu muốn lan tỏa tình yêu giữa chúng cháu và Israel”, Abdel Rahman nói với một hãng tin Nga. “Không có lý do gì để đánh nhau và chiến tranh. Chúng ta cần xây dựng mối quan hệ giữa hai bên ngày càng tốt đẹp hơn”.
Video nhạc rap của Abdel Rahman thu hút hơn một triệu lượt xem. Video: Abdel Rahman/Twitter
Bình luận này vấp phải chỉ trích dữ dội ở Gaza, nơi lãnh đạo nhóm dân quân Hamas chủ trương chống Israel để đòi lại phần đất mà họ coi là thuộc về Palestine, không chấp nhận chuyện bắt tay làm hòa với Israel.
Nhiều người Palestine đã công kích rapper nhí trên mạng xã hội cũng như bố cậu bé, cáo buộc ông đã không dạy con đúng cách về lịch sử Palestine.
Khi một cậu bé “không được học hành đầy đủ về lịch sử quê hương sẽ dễ nảy sinh những ý tưởng này trong đầu”, Saad Yaghi, 23 tuổi, một người dân Gaza City, thành phố của người Palestine ở Dải Gaza viết trên Facebook.
Hãng tin Russian Today đã xóa video của Abdel Rahman theo yêu cầu của Saleh al-Shantti, bố cậu bé. Ông cũng đăng video giải thích rằng con trai không có ý nói hòa bình và tình yêu cụ thể với Israel mà muốn nói hòa bình thế giới.
“Thằng bé mới 11 tuổi và nó nói nhịu”, al-Shantti nói. “Khi đó người cháu không khỏe, chuyện nói nhầm hoàn toàn có thể xảy ra”.
Kêu gọi chung sống hòa bình với Israel là điều cấm kỵ ở Gaza và được coi là hành động bình thường hóa quan hệ với Israel. Một số hành động khác bao gồm các hoạt động chung hoặc giao tiếp với người Israel, có thể bị coi là phạm tội ở Gaza dù không có cơ quan chính quyền nào lên tiếng bình luận của Abdel Rahman là phạm luật.
Abdel Rahman, học sinh lớp 7 tại trường học do Liên Hợp Quốc điều hành ở Gaza City, cho biết tự học tiếng Anh bằng cách nghe nhạc trực tuyến. Cậu bắt đầu đọc rap từ năm 9 tuổi, nghe rap của những ca sĩ nổi tiếng và thu âm lại, thậm chí xuất bản nhạc của chính mình hợp tác với các nghệ sĩ nước ngoài.
Cậu thích xem giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA và trượt ván. Rapper nhí cho biết nghệ sĩ rap mà cậu ngưỡng mộ nhất là Eminem. Abdel Rahman mơ ước trở thành một nghệ sĩ nhạc rap chuyên nghiệp và được tới Mỹ biểu diễn.
Video nổi tiếng mạng xã hội do bố của Abdel Rahman quay và đăng. Một người dẫn chương trình phát thanh của Arab đã đăng nó lên Twitter của mình, thu hút gần nửa triệu lượt xem.
Abdel Rahman cho biết âm nhạc của mình nhằm truyền tải nỗi đau của người Palestine ở Gaza, nơi nền kinh tế bị tàn phá bởi sự phong tỏa của Israel và Ai Cập với lý do ngăn Hamas nhập khẩu vũ khí hoặc phương tiện để chế tạo vũ khí. Nhưng cậu cũng muốn chia sẻ thông điệp về hòa bình và bình đẳng.
“Hãy đối xử với người khác như cách ta muốn người khác đối xử với mình”, cậu bé nói. “Cháu ước chúng ta có thể ngăn chặn bạo lực và phân biệt đối xử ở mọi nơi và mọi chủng tộc”.
Các rapper người Palestine đánh giá cao tiềm năng của Abdel Rahman. Waheeb Nasan, rapper người Mỹ gốc Palestine, người đã viết lời bài hát trong đoạn rap đăng trên mạng của Abdel Rahman, ca ngợi cậu bé 11 tuổi vì “đã rất mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho mọi người”.
Abdel Rahman (phải) trò chuyện với bố tại nhà riêng ở Gaza. Ảnh: Reuters
“Tôi nhìn thấy cậu bé muốn truyền bá thông điệp tích cực”, Nasan nói. “Tôi thấy cháu đầy triển vọng, giàu năng lượng và mang trong mình khát khao thuần khiết”.
Phần đầu của video là lời khen ngợi những người Palestine đã chết vì lý tưởng, phản ánh tính dân tộc mạnh mẽ. Nasan đã kết hợp phần rap với bản phối lại bài “Hẹn gặp lại”, một ca khúc ăn khách của Wiz Khalifa.
“Trước hết, đây là đất nước của chúng tôi. Hãy để tôi kể cho bạn nghe về đất nước mình”, Abdel Rahman mở đầu video.
Nhiều người dùng mạng xã hội chấp nhận lời giải thích của bố cậu bé, rằng Abdel Rahman đã nói nhịu. Một số người khác không nhận xét về quan điểm của Abdel Rahman, chỉ nói việc biến một cậu bé thành mục tiêu chỉ trích là không phù hợp.
Cuộc vận động 'đánh bóng tên tuổi' của Kanye West
Tại buổi vận động tranh cử tổng thống đầu tiên, Kanye West nhắc tới một số vấn đề, nhưng lại gây cảm giác anh không hứng thú với chính trị.
Rapper Kanye West, người vốn luôn ủng hộ Tổng thống Donald Trump, hôm 4/7 bất ngờ tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống Mỹ, với cuộc vận động đầu tiên được tổ chức tại thành phố Bắc Charleston, bang Nam Carolina, hôm 19/7. Sau sự kiện, truyền thông ồ ạt đưa tin về những phát ngôn bị coi là thiếu suy nghĩ của West về nhà hoạt động Harriet Tubman, phá thai hay bạo lực súng đạn.
Theo bình luận viên Dani Di Placido của Forbes, rapper sinh năm 1977 không có lập trường thực sự trong bất cứ vấn đề gì, ngoài bản thân anh và niềm tin tôn giáo.
"Giống như Trump, West chỉ nói quanh co về những chủ đề nóng, thử phản ứng của đám đông, đưa ra những tuyên bố chung chung và lời hứa táo bạo, lúc nào cũng hướng sự chú ý vào bản thân", Placido đánh giá.
Rapper Kanye West trong buổi vận động tranh cử tổng thống ở thành phố Bắc Charleston, bang Nam Carolina, hôm 19/7. Ảnh: Reuters.
Tranh cãi lớn nhất trong cuộc vận động của West xoay quanh Harriet Tubman, nhà hoạt động người Mỹ gốc Phi nổi tiếng nhờ giúp giải phóng nô lệ, đồng thời là một điệp viên vào thế kỷ 19. West cho rằng bà Tubman "chưa bao giờ thực sự giải phóng các nô lệ, mà chỉ để họ làm việc cho những người da trắng khác".
Bình luận viên Placido đánh giá West có thể muốn trình bày góc nhìn sâu sắc hơn về chế độ nô lệ và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, "nhưng anh không nhất thiết phải công kích một người hùng dân quyền được mến mộ vì mục đích này".
West đã bật khóc trong lúc thảo luận về vấn đề phá thai, cho biết anh và vợ suýt quyết định phá thai khi mang bầu con gái đầu lòng, nên không khuyến khích điều này. Tuy nhiên, khi đám đông dường như không đồng tình với quan điểm của anh, West đề xuất cung cấp ưu đãi tài chính cho các bậc phụ huynh thay vì hạn chế phá thai. "Mỗi người sinh con sẽ được nhận một triệu USD", rapper tuyên bố.
" Tôi nghĩ West rõ ràng không có ý định tranh cử. Anh ta đang xây dựng thương hiệu, theo quan điểm rằng lĩnh vực giải trí và văn hóa đại chúng luôn gắn liền với chính trị. Chạy đua tranh cử tổng thống còn rẻ hơn so với quảng cáo", Placido nêu ý kiến.
Đạo diễn Michael Moore từng bày tỏ niềm tin rằng Trump ban đầu tham gia tranh cử tổng thống chỉ để PR, nhằm hưởng lợi từ làn sóng tranh cãi và không ngừng xuất hiện trên mặt báo. Theo Placido, West dường như cũng sử dụng kỹ năng dẫn dắt truyền thông và tự tung hô giống Trump, nhưng không hề có tham vọng chính trị mà chỉ muốn chứng tỏ bản thân.
"Phản ứng gay gắt của West đối với một người phê bình anh trong cuộc vận động càng chứng minh rõ rằng anh ta không hứng thú tranh luận với cử tri, hoặc thấu hiểu nguyện vọng và nhu cầu của họ. Cuộc vận động chỉ là công cụ để phô trương thương hiệu của anh ta", Placido nhận định.
West từng thông báo trên Twitter rằng album mới của anh có tên DONDA sẽ được phát hành vào ngày 24/7, nhưng sau đó xóa tweet. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng việc tổ chức vận động tranh cử ngay gần thời điểm quảng bá album không phải là trùng hợp.
Placido cho rằng bất kể mục đích thực sự của West là gì, sự chú ý của công chúng vẫn giúp đảm bảo thương hiệu của anh không bao giờ bị lãng quên hoặc giảm bớt.
Kanye West nộp đơn tranh cử tổng thống Rapper nổi tiếng Kanye West đủ điều kiện xuất hiện trong cuộc bỏ phiếu tổng thống ở bang Oklahoma sau khi nộp đơn tại bang này. Một đại diện của West đã nộp giấy tờ cần thiết và đóng 35.000 USD vào chiều 15/7, hạn chót cho việc đăng ký trong cuộc bầu cử tổng thống ở bang Oklahoma diễn ra ngày 3/11,...