Ra mắt ứng dụng về sức khỏe sinh sản để hạn chế nạn phá thai
Ngày mai (26/9), Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) sẽ giới thiệu và ra mắt ứng dụng trên điện thoại thông minh với tên gọi ‘Sống chủ động’.
Với ứng dụng này, người sử dụng là thanh niên, vị thành niên có thể tiếp cận sử dụng một cách dễ dàng.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ứng dụng sẽ tổng hợp đầy đủ tất cả các kiến thức về sức khỏe sinh sản, các phương pháp ngừa thai, đồng thời cũng là nơi giao lưu với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản.
“Ứng dụng này vừa được xây dựng xong, với mục đích cơ bản bước đầu là cung cấp thông tin và tạo diễn đàn để mọi người sử dụng có thể trao đổi, tiếp cận thông tin trên đó. Tất cả những thông tin chúng tôi cung cấp đều là từ những chuyên gia chuyên ngành về lĩnh vực sức khỏe sinh sản.
Vì vậy, các bạn có thể tin tưởng và sử dụng. Các bạn có thể tải ứng dụng trên các nền tảng Android và Ios kể từ ngày 26/9/2019″- ông Đinh Huy Dương – Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục – Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình cho biết.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Thống kê, hàng năm, Việt Nam có tới 250.000-300.000 ca phá thai.
Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, vị thành niên/thanh niên là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe quan hệ. Hầu hết họ đều thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai ở những đối tượng này còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến.
Ông Đinh Huy Dương cho biết, nguyên nhân mang thai ngoài ý muốn ở đối tượng vị thành niên/thanh niên chủ yếu do nhận thức những người này chưa cao. Bên cạnh đó, tình trạng quan hệ trước hôn nhân vẫn còn phổ biến trong học sinh, sinh viên. Ngoài ra, việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến các vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.
Theo Pháp Luật VN
"Chìa khóa" để nâng cao chất lượng dân số
Chất lượng dân số ở nước ta hiện nay được cải thiện về nhiều mặt, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp, chậm được cải thiện... Để nâng cao chất lượng dân số với các mục tiêu trong Nghị quyết 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới, Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đưa ra 3 nhóm giải pháp căn bản.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình.
Ảnh: VGP/Thùy Liên
Xung quanh nội dung này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Xin ông phân tích sơ bộ một vài khía cạnh liên quan đến con số hơn 96 triệu dân Việt Nam (tính đến thời điểm ngày 1/4/2019) vừa được Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương công bố?
Ông Nguyễn Doãn Tú: Theo kết quả sơ bộ của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, dân số Việt Nam tính đến ngày 1/4/2019 là 96,2 triệu người, tăng thêm 10,4 triệu người sau 10 năm. Như vậy, đến năm 2020, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu của Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là quy mô dân số không vượt quá 98 triệu người vào năm 2020. Con số 96,2 triệu người cũng giúp Việt Nam trở thành nước có đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 khu vực. Điều này thể hiện sự nỗ lực và thành quả của Đảng, của Chính phủ nói chung và ngành dân số nói riêng.
Xin ông cho biết những diễn biến chính trong quá trình phát triển dân số trong 10 năm qua có vấn đề gì đáng chú ý, quan tâm?
Ông Nguyễn Doãn Tú: Mặc dù Việt Nam đã khống chế được tốc độ gia tăng dân số nhanh, nhưng do mức sinh cao trong quá khứ nên quy mô dân số chưa ổn đinh và tiếp tục tăng. Trong 10 năm qua, quy mô dân số nước ta tăng thêm 10,4 triệu người tương đương với 10 tỉnh có dân số trung bình. Đáng chú ý, vùng Đông Nam Bộ 10 năm qua tăng cao nhất là 3,8 triệu người tác động rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội của vùng này.
Tỉ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Tỉ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm). Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực.
Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là 33.059.735 người, chiếm 34,4%, tỉ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm trong 10 năm qua. Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu người là một thị trường rất lớn, hấp dẫn đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; lực lượng lao động trẻ, dồi dào và tiếp tục tăng sẽ thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật, cơ hội dịch chuyển lao động thông qua di cư, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.
Ông đánh giá như thế nào về chất lượng dân số ở nước ta hiện nay, có những thuận lợi và khó khăn nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Doãn Tú: Chất lượng dân số ở nước ta hiện nay được cải thiện về nhiều mặt. Kết quả giảm sinh đã làm giảm đáng kể sức ép số lượng học sinh các cấp. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện. Người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư yếu thế được Nhà nước chăm lo, hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.
Tỉ lệ suy dinh dưỡng và tỉ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỉ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay, 54,4% bà mẹ mang thai và 38,5% trẻ em sơ sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh, tật.
Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3 cm, đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ.
Tuổi thọ trung bình người Việt Nam tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018.
Ảnh: VGP/Thúy Hà
Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Số năm sống trung bình sau khi đạt 60 tuổi của Việt Nam đã tương đương các nước châu Âu .
Tuy nhiên, chất lượng dân số chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp, chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân là 73,4 tuổi, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp, chỉ đạt 64 tuổi.
Tỉ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao, chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền. Tình trạng trẻ em thừa cân, rối nhiễu tâm trí, tự kỷ những năm gần đây có xu hướng gia tăng. Tỉ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh còn thấp.
Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Trong 30 năm chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng được 3 cm. Tỉ lệ người bị khuyết tật cao, chiếm 7,08% dân số. Tình trạng tảo hôn (26,6%), kết hôn cận huyết thống (0,65%) còn khá phổ biến ở một số dân tộc thiểu số. Việc bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người còn hạn chế, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi.
Chúng ta sẽ phải làm gì để phát huy nguồn nhân lực hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Doãn Tú: Để nâng cao chất lượng dân số theo các mục tiêu của Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới, chúng ta cần thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất, cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Tổ chức cung cấp các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến tuyến cơ sở để đáp ứng đầy đủ nhu cầu, thuận tiện với chất lượng ngày càng cao. Nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên đặc thù theo từng giai đoạn. Hình thành mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật. Chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ tại một số địa bàn trọng điểm. Đào tạo, đào tạo lại về kỹ năng, kỹ thuật và chuyên môn cho các cán bộ dân số, y tế theo quy định; cung cấp dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh tại y tế cơ sở, chú trọng phổ cập, đưa dịch vụ đến tuyến xã. Mở rộng mạng lưới, nâng cao hiệu quả dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh phù hợp với toàn quốc và từng địa phương. Tăng cường kết nối, hợp tác các cơ sở cung cấp dịch vụ công lập và ngoài công lập.
Cần cung cấp dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh tại y tế cơ sở.
Ảnh: VGP/Thúy Hà
Thứ hai, đầu tư phát triển các Trung tâm sàng lọc khu vực tại các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, trong đó phấn đấu hình thành ít nhất ba trung tâm ngang tầm các nước ASEAN và thế giới. Phát triển, nhân rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số, các mô hình can thiệp đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ các cán bộ dân số, y tế cơ sở...
Thứ ba, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng.Mở rộng, nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Đánh giá, xếp hạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, trong đó lấy tỉ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với nghề được đào tạo là tiêu chí chủ yếu.
Đẩy mạnh chương trình tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, tăng thời gian sử dụng lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường xuất khẩu lao động. Duy trì, củng cố thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, mở rộng xuất khẩu lao động sang các thị trường mới...
Thưa ông, tốc độ sinh hiện nay ở nước ta đã ổn định chưa? Chính sách 2 con liệu có nên thay đổi không?
Ông Nguyễn Doãn Tú: Ở nước ta, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số nhanh, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu của Nghị quyết số 04-NQ/HNTW và duy trì đến nay. Tuy nhiên, mức sinh vẫn còn biến động và chênh lệch đáng kể giữa các vùng, các nhóm đối tượng. Cụ thể như sau:
Theo kết quả điều tra biến động dân số 1/4/2017, mức sinh chênh lệch giữa các vùng: 4/6 vùng chưa đạt mức sinh thay thế là Trung du miền núi phía Bắc 2,53 con; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 2,31 con; Tây Nguyên 2,29 con; Đồng bằng sông Hồng là 2,16 con; 2/6 vùng còn lại mức sinh rất thấp là Đồng bằng sông Cửu Long 1,74 con và Đông Nam Bộ 1,55 con. Chênh lệch rất lớn giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía bắc) và vùng thấp nhất (Đông Nam Bộ) là 0,98 con.
Chênh lệch mức sinh giữa các tỉnh, cao nhất (Hà Tĩnh 3,24 con) và tỉnh thấp nhất (Đồng Tháp 1,36 con) là 1,90 con; Chênh lệch giữa mức sinh nhóm 5 tỉnh cao nhất và 5 tỉnh /TP thấp nhất là 1,20 con. Có 24 tỉnh nhóm mức sinh cao (trên 2,30 con), ngược lại có 16 tỉnh có mức sinh thấp (dưới 1,8 con).
Điều đáng lưu ý, những nơi có điều kiện phát triển kinh tế như TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và một số khu vực thành thị mức sinh đang xuống rất thấp thì vùng miền núi, vùng khó khăn người dân đẻ nhiều con hơn trong khi điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con chưa tốt.
Trước nhu cầu thực tiễn, chính sách dân số trong thời gian trước thực hiện thay đổi cuộc vận động "Mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con" nay chuyển sang cuộc vận động " Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con". Nghị quyết số 21-NQ/TW cũng chỉ rõ cần "tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp" nhằm ổn định quy mô dân số nước ta khoảng 110 triệu người vào giữa thế kỷ XXI để phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Thúy Hà (thực hiện)
Theo Chinhphu
10 điều lầm tưởng về tình dục của tuổi mới lớn Thiếu sự giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản trong trường học, gia đình, nhiều thanh thiếu niên có những lầm tưởng tai hại về tình dục. Để hiểu rõ về quan hệ tình dục, các chuyên gia đưa ra 10 điều lầm tưởng về tình dục cho thanh thiếu niên và phụ huynh giúp cho thanh thiếu niên thoát khỏi...