Quyết định của Chánh tòa Hà Nội là “vi phạm nặng”
Sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Khi thảo luận về nguyên tắc xét xử độc lập của thẩm phán, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Hiện nay, Chánh tòa Hà Nội đang bắt tất cả thẩm phán phải báo cáo lên Chánh án TAND Thành phố, thế thì vi phạm rất nặng rồi”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không bị bất kì chỉ đạo nào. Nếu không đảm bảo tính độc lập của thẩm phán, tòa không thể là người bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng.
“Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã kiểm tra kĩ để đảm bảo nguyên tắc này chưa. Nếu phát hiện có vấn đề vi phạm thì các đồng chí xử lý sao? “, Chủ tịch Quốc hội nói.
“Về Quyết định 13 của Chánh án tòa án Hà Nội, chúng tôi đang tiến hành chỉ đạo kiểm tra, khi nào có kết luận sẽ báo cáo. Còn Chánh án TAND Hà Nội đã rút quyết định rồi”, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, khi tòa xử rồi mà sai thì tòa phải chịu trách nhiệm.”Đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử nhưng cũng phải đảm bảo độc lập chịu trách nhiệm”.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, vấn đề đảm bảo nguyên tắc tranh tụng sẽ được cụ thể hóa trong các luật tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế. Tuy nhiên, bước đầu tiên phải đảm bảo trong Luật tổ chức tòa án để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng theo đúng tinh thần Hiến pháp.
Video đang HOT
“Về vấn đề độc lập của thẩm phán, đây là nguyên tắc Hiến định. Hiến pháp 2013 đã quy định rõ và dự thảo luật đã thể hiện rõ. Dù vậy vẫn có nguyên tắc tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong nguyên tắc xét xử, chúng tôi sẽ chấp hành nguyên tắc này”, ông Trương Hòa Bình nói.
Theo Công Khanh
Tiền phong
Viện kiểm sát tham gia làm án sớm để chống nhục hình, oan sai
Ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã xảy ra những trường hợp bức cung, dùng nhục hình dẫn đến chết người, oan sai... Cảnh báo vấn đề này, UB Tư pháp của QH đề nghị VKS tham gia "làm án" ngay từ đầu.
Báo cáo về những vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến luật Tổ chức VKSND sửa đổi tại UB Thường vụ Quốc hội sáng nay, 23/9, UB Tư pháp của Quốc hội tập trung vào nội dung quy định về phạm vi chức năng thực hành quyền công tố của VKSND (Điều 3).
Cơ quan thẩm tra dự án luật khái quát, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo luật. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị quy định thời điểm bắt đầu thực hiện quyền công tố sớm hơn so với dự thảo, cụ thể là ngay từ khi có hành vi tội phạm xảy ra; có ý kiến đề nghị thực hành quyền công tố ngay từ khi Cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; có ý kiến đề nghị thực hành quyền công tố ngay từ khi khởi tố vụ án hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người tình nghi thực hiện tội phạm.
Ý kiến khác đề nghị phạm vi chức năng thực hành quyền công tố được thực hiện từ khi khởi tố bị can.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định, ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành một số hoạt động xác minh, điều tra như lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và áp dụng một số biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân như: bắt, tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang; gia hạn tạm giữ, thu giữ, tạm giữ các đồ vật, tài liệu... Kết quả giám sát thời gian qua cho thấy, trong giai đoạn này đã xảy ra những trường hợp bức cung, dùng nhục hình dẫn đến chết người, oan, sai; việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
Những hoạt động này được tiến hành trước khi khởi tố vụ án nên UB Tư pháp cảnh báo, nếu chỉ quy định VKS thực hành quyền công tố từ khi khởi tố vụ án hoặc từ khi khởi tố bị can thì không ràng buộc được trách nhiệm của VKS, không đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, thường trực UB Tư pháp đề nghị tiếp thu ý kiến góp ý, sửa đổi Điều 3 để quy định thời điểm thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Nêu nguyên tắc chung về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề, quy định đặt ra như vậy liệu có khắc phục được tình trạng bức cung, nhục hình? Theo Chủ tịch Quốc hội, việc kiểm sát viên có mặt từ đầu trong quá trình làm án sẽ có ý nghĩa, để tránh trường hợp, Công an vừa bắt người, đưa vào nơi tạm giam, tiến hành điều tra đã làm người ta chết nhưng người chết lại được thông tin là... tự tử.
Tiếp lời, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hỏi lại, đã có thể yên tâm với quy định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm ngay từ đầu sẽ chống được oan sai, bức cung, nhục hình và những sai phạm lâu nay?
Vấn đề mở rộng thẩm quyền của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao so với quy định hiện hành (Điều 20), có một số ý kiến khác nhau.
Cụ thể, có ý kiến cho rằng CQĐT của VKSND tối cao có thẩm quyền điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc cơ quan tư pháp, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Có ý kiến đề nghị cơ quan này có thẩm quyền điều tra các vụ án khi Viện trưởng VKSND tối cao xét thấy cần thiết, đảm bảo thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố. Ý kiến khác lại đề nghị giao thêm cho cơ quan này quyền điều tra tất cả các tội phạm về tham nhũng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ thẩm quyền điều tra của cơ quan này như luật hiện hành tức điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc cơ quan tư pháp.
Nêu quan điểm về vấn đề này, UB Tư pháp cho rằng, nếu CQĐT của VKSND tối cao chỉ có thẩm quyền "điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp" thì qua thực tiễn cho thấy việc làm rõ hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp sẽ gặp khó khăn do cơ quan này không đồng thời được điều tra hành vi phạm tội khác mà hành vi đó là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp (như nhận hối lộ để làm sai lệch hồ sơ vụ án, ra bản án, quyết định trái pháp luật dẫn đến oan, sai).
Ngoài ra, kết quả giám sát cũng cho thấy, ngoài cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp thì người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp (như giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành một số hoạt động điều tra) cũng có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp (như nhục hình, làm sai lệch thông tin tội phạm, bắt giữ người trái pháp luật...).
Vì vậy, để bảo đảm chống tội phạm trong hoạt động tư pháp có hiệu quả, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phù hợp với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS, tiếp thu các ý kiến góp ý, UB Tư pháp đề nghị chỉnh lý Điều 20 dự thảo theo hướng quy định cơ quan này có thẩm quyền điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hoặc người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Đối với ý kiến đề nghị giao thêm cho cơ quan này điều tra tất cả các tội phạm về tham nhũng hoặc điều tra các vụ án khi Viện trưởng VKSND tối cao thấy cần thiết, UB Tư pháp đề nghị không tiếp thu vì không khả thi, không bảo đảm chặt chẽ khi áp dụng dẫn đến chồng chéo thẩm quyền điều tra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng góp ý, mở rộng thẩm quyền điều tra của CQĐT - VKSND tối cao thì cần ghi rõ là đối với tội phạm tham nhũng vì nếu áp dụng với mọi tội phạm khác thì sợ đơn vị này... không kham nổi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận xét, có rất nhiều hành vi tham nhũng khác nhau mà giao toàn bộ cho VKS điều tra thì Viện sao gánh nổi. Chủ tịch đồng ý hướng quy định, với những vụ tham nhũng mà cơ quan điều tra của công an làm rồi nhưng VKS thấy cần làm lại thì giao lại... trọn gói. Đó chính một việc thể hiện chức năng giám sát hoạt động tư pháp.
Chốt lại nội dung này, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu - người điều hành phiên thảo luận - thống nhất quan điểm quy định, tội phạm tham nhũng do người trong cơ quan tư pháp thưc hiện thì CQĐT của VKSND tối cao có quyền điều tra.
P.Thảo
Theo dantri
Chủ tịch Quốc hội "truy" án oan từ Nguyễn Thanh Chấn tới Huỳnh Văn Nén "Vụ ông Chấn cũng là trả hồ sơ đi trả hồ sơ lại mấy lần mà vẫn kết tội người ta", "vụ Huỳnh Văn Nén, có dấu chân tại hiện trường, kích cỡ lệch nhau mà toà vẫn xử, để xảy ra oan sai, tù tội hơn 14 năm nay với một con người"... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lật lại...