Bài 9: Phiên tòa xét xử lần thứ 6 vụ dân kiện chủ tịch huyện lại “vỡ trận”
Sau 5 lần xét xử đều phải hoãn tòa, ngày 18/9, hàng trăm người dân đã đến trụ sở TAND huyện Đại Từ (Thái Nguyên) theo dõi phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 6 vụ án hành chính dân kiện chủ tịch huyện. Tuy nhiên, phiên tòa này tiếp tục “vỡ trận”.
Như Dân Trí đã đưa tin vụ án của ông Nguyễn Văn Bắc ở xóm 2 xã Hà Thượng huyện Đại Từ kiện ông Nguyễn Hải Đường – Chủ tịch UBND huyện xuất phát từ lý do ông Đường đã dùng quyền lực nhà nước để đập phá ngôi nhà làm tạm hợp pháp của ông Bắc và thu giữ một số tài sản có giá trị. Vụ kiện đã được TAND huyện Đại Từ thụ lý số 07 ngày 08/5/2013. Sau 5 lần hoãn phiên tòa, ngày 18/9/2014 vừa qua, TAND huyện Đại Từ mở phiên xét xử thứ 6 trong khi vẫn còn ngổn ngang các khiếu nại, tố cáo chưa giải quyết, khi thủ tục giám định – căn cứ để giải quyết vụ án chưa tiến hành.
Phiên tòa xét xử lần thứ 6 vụ dân kiện chủ tịch huyện.
Khi phiên tòa diễn ra, các luật sư bảo vệ nguyên đơn đã đưa ra ba luận điểm làm cơ sở hoãn phiên tòa: Thứ nhất, vắng mặt 21/24 người làm chứng; Thứ hai, sau quá trình xem xét hồ sơ, người khởi kiện và luật sư phát hiện Biên bản xác minh ngày 28/01/2013 có dấu hiệu giả mạo và đã gửi Đơn tố cáo đến TAND huyện Đại Từ. Tuy nhiên, TAND huyện Đại Từ chỉ trả lời rằng: “UBND huyện Đại Từ đã cung cấp nhầm biên bản xác minh… Ông Trần văn Mỳ – người được chủ tịch UBMND huyện Đại Từ ủy quyền tham gia tố tụng xác định đây là tài liệu không liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Văn Bắc…”
Trong công văn số 144/CV-TA, thẩm phán Lương Đức Long đã “phủi sạch” trách nhiệm cho UBND huyện Đại Từ. Sự thật là, trước đây ông Bắc từng ở xóm chùa 9 sau đó mới chuyển đến xóm 10 Văn Khúc và hiện nay “xóm chùa 9 không có ông nào có hộ khẩu tên là Nguyễn Văn Bắc, sinh năm 1960″ theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Thắng – Trưởng xóm Chùa 9. Vậy, ngoài ông Nguyễn Văn Bắc – người khởi kiện thì không thể có người nào khác. Quá bức xúc với cách giải quyết của Thẩm phán Long, ông Bắc đã gửi Đơn tố cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra và đang chờ giải quyết.
Thứ ba, Hội đồng xét xử (HĐXX) vụ án từ chối trưng cầu giám định theo yêu cầu của đương sự bởi toàn bộ tài liệu là “bản sao công chứng” nên không có cơ sở giám định. Toàn bộ các tài liệu do UBND huyện cung cấp không phải là bản gốc, cũng không phải là bản chứng thực, công chứng. Bởi công chứng là “chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác” (Điều 2, Luật công chứng), tài liệu này không phải hợp đồng, không phải văn bản giao dịch do đó không thể là “bản sao công chứng”, còn chứng thực là “cơ quan nhà nước có thẩm quyền … căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính” (Điều 2, Nghị định 79/2007/NĐ-CP). Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện không phải là cơ quan có thẩm quyền này. Những tài liệu mà bị đơn cung cấp không phải bản gốc, không phải bản chứng thực, công chứng theo đúng quy định pháp luật nên nó cũng không phải là chứng cứ trong vụ án. Vậy việc thẩm phán Long coi những tài liệu này là chứng cứ đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Hàng trăm người dân đã đến trụ sở TAND huyện Đại Từ (Thái Nguyên) theo dõi phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 6.
Tuy nhiên, trước yêu cầu hoãn phiên tòa từ phía luật sư, đại diện VKSND huyện và ngay cả đại diện người bị kiện bị là ông Trần Văn Mỳ, sau thời gian hội ý, thẩm phán Lương Đức Long vẫn ttuyên bố tiếp tục phiên xét xử.
Video đang HOT
Phía luật sư của nguyên đơn phản ứng tại tòa: Theo ý nguyện của ông Nguyễn văn Bắc để phản bác việc HĐXX đưa phiên tòa ra xét xử, hai luật sư chúng tôi xin rút khỏi phiên tòa. Đồng thời, 2 luật sư rời khỏi phiên tòa. Sau đó ông Bắc – người khởi kiện cũng xin phép ra ngoài xe lấy đơn đề nghị luật sư không tham dự phiên tòa để nộp cho HĐXX.
Tuy nhiên, khi ông Bắc quay lại, HĐXX đã giải tán, trong phòng xét xử chỉ còn vài người dân và họ cho biết HĐXX bỏ ra ngoài mà không tuyên bố hoặc xét xử gì. Vì vậy, ông Bắc đã mời luật sư bảo vệ cùng đi tìm HĐXX và chỉ gặp ông Nguyễn Xuân Mừng – Thư ký tòa án tại phòng làm việc ở tầng 1. Sau khi nộp Đơn đề nghị luật sư rút khỏi phiên tòa cho ông Mừng (có biên bản nhận tài liệu), cả ông Bắc và luật sư bảo vệ mới được ông Mừng cho biết: HĐXX hoãn phiên tòa và không có lý do.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Ạnh Thế
Theo Dantri
Sau bản án "ma" đến lượt UBND huyện Đại Từ bị phát giác làm giả tài liệu
Vụ khởi kiện hành chính của một công dân với UBND huyện Đại Từ (Thái Nguyên) vốn khiến dư luận bức xúc bởi việc thẩm phán tự vẽ ra một "bản án ma" thì nay lại phát lộ thêm chuyện "lạ đời" khi UBND huyện Đại Từ bị phát giác làm giả mạo tài liệu gửi tòa án.
Báo Dân trí đã có loạt bài điều tra về vụ kiện hành chính đầu tiên ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên liên quan đến việc thu hồi, cưỡng chế đối với diện tích nhà đất của ông Nguyễn Văn Bắc, trú tại Xóm 2, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), từ những bất thường trong quá trình thu hồi đất của UBND huyện Đại Từ đến những bất thường trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân huyện Đại Từ.
Tại phiên tòa ngày 20/8/2014 trước đây do vắng mặt tới 6/11 người làm chứng có vai trò quan trọng trong vụ án, đặc biệt Tòa án vẫn chưa giám định một số tài liệu do UBND huyện cung cấp có dấu hiệu giả mạo theo yêu cầu của luật sư và người khởi kiện. Vì vậy, phiên tòa sơ thẩm lần thứ 5 của TAND huyện Đại Từ đã phải hoãn ngay từ phút khởi động. Nay vụ án trở nên cực kỳ phức tạp do xuất hiện những tình tiết mới.
Trong biên bản xác minh do ông Trần Văn Mỳ - Trưởng phòng TNMT huyện Đại Từ lập đã "vẽ" thêm chữ ký và ý kiến của ông Nguyễn Văn Bắc để nộp cho TAND huyện Đại Từ.
Ông Trần Văn Mỳ - Trưởng Phòng TN-MT huyện - người được ông Nguyễn Hải Đường - Chủ tịch UBND huyện Đại Từ ủy quyền tham gia tố tụng đã nộp cho Tòa án 47 đầu tài liệu gồm các văn bản chỉ thị, các biên bản vi phạm, các quyết định xử lý, các biên bản giao quyết định xử lý, các văn bản đề xuất xử lý...Tất cả đều có chữ ký của UBND xã Hà Thượng, UBND xã Bình Thuận, Công an huyện, Công an xã, Đại diện Công ty TNHH khai thác khoáng sản Núi Pháo...nhưng toàn bộ mấy chục văn bản này đều không có chữ ký của ông Nguyễn Văn Bắc cũng như người thân trong gia đình ông Bắc.
Chỉ đến khi luật sư sao chụp được những tài liệu này, ông Bắc mới ngỡ ngàng khi phát hiện ra rất nhiều các biên bản, tài liệu không phản ánh đúng sự thật khách quan và dường như đã được lập sau để hoàn thiện các thủ tục. Thậm chí Biên bản xác minh ngày 28/01/2013 ghi rành rành tên người được xác minh là ông Nguyễn Văn Bắc với đầy đủ chữ ký. Nhưng trong trí nhớ của ông Bắc chưa từng có sự việc nào tương tự như việc ông Mỳ - Trưởng Phòng TN-MT huyện lại đến nhà ông chỉ để xác minh việc ông có nhận được thư hay không? Hoang mang quá và bức xúc, ông Bắc gửi đơn đến Tòa án nhân dân huyện Đại Từ để yêu cầu giám định đối với một số tài liệu và có Đơn tố cáo về việc giả mạo tài liệu đối với Biên bản xác minh ngày 28/01/2013.
TAND huyện Đại Từ trả lời tài liệu bị phát giác giả mạo là do UBND huyện Đại Từ gửi "nhầm".
Theo luật sư Ngô Tất Hữu (Trưởng VPLS Thủ Đô) và luật sư Trương Anh Tú (Trưởng VPLS Trương Anh Tú) - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội - luật sư tham gia bảo vệ cho ông Nguyễn Văn Bắc, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 49 và Điều 83 Luật Tố tụng hành chính, đương sự trong vụ án có quyền đề nghị Tòa án trưng cầu giám định và "theo yêu cầu của đương sựhoặc khi xét thấy cần thiết, thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định". Tòa án phải ra quyết định trưng cầu giám định khi đương sự có yêu cầu như là yếu tố bắt buộc mà không phụ thuộc vào đánh giá, nhận định từ phía thẩm phán.
Trong vụ án này, các tài liệu đương sự nghi ngờ giả mạo có vai trò quan trọng xác định quá trình tiến hành cưỡng chế của UBND huyện Đại Từ là đúng hay sai. Mặc dù giám định quan trọng như thế nhưng không hiểu lý do gì mà sau hơn chín tháng "phớt lờ", đột ngột Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án - ông Lương Đức Long đã ban hành hai công văn số 137/CV-TA ngày 29/8/2014 và công văn số 144/CV-TA ngày 11/9/2014 từ chối giám định với lý do rất "lý do": Công văn 137/CV-TA với nội dung Tòa án nhân dân huyện Đại Từ từ chối giám định với lý do "toàn bộ các tài liệu do UBND huyện Đại Từ cung cấp đều là bản sao công chứng, không phải là tài liệu gốc để làm cơ sở giám định".
Trong khi luật công chứng đã quy định rõ ràng rằng "Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng". Những giấy tờ tài liệu do người bị kiện (UBND huyện Đại Từ) cung cấp đều ở dạng biên bản, quyết định, công văn, thông báo... Đây không phải là hợp đồng, giao dịch do đó không thể công chứng được đối với những lại giấy tờ này. Thẩm quyền chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007 thuộc về UBND xã, phường hoặc quận huyện trong trường hợp giấy tờ tài liệu là song ngữ. Còn công chứng lại là việc chứng nhận đối với giao dịch, hợp đồng dân sự.
Một phiên tòa với 2 chuyện hy hữu: Sau bản án "ma" đến lượt UBND huyện Đại Từ bị phát giác làm giả tài liệu.
"Công văn số 144/CV-TA ngày 11/9/2014 trả lời đối với Đơn tố cáo tài liệu giả mạo của ông Nguyễn Văn Bắc (Biên bản xác minh ngày 28/01/2013) đã thừa nhận "UBND huyện Đại Từ đã cung cấp nhầm biên bản xác minh... Ông Mỳ xác định đây là tài liệu không liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Văn Bắc..., do vậy ông Trần Văn Mỹ đã có đơn xin rút tài liệu". Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là việc bị đơn cung cấp nhầm hay không mà rõ ràng bản chất những giấy tờ đó là giả mạo", luật sư Tú nói.
UBND huyện đã nộp những chứng cứ tài liệu có dấu hiệu giả mạo gần 01 năm nhưng cả phía Tòa án và UBND đều không phát hiện ra đây là "tài liệu nhầm" chỉ đến khi người khởi kiện nộp Đơn tố cáo thì lại đưa ra một câu "nhầm" và "không liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Văn Bắc" để chối bỏ trách nhiệm. Dẫn đến phải 05 lần hoãn phiên tòa xét xử, mới không để xảy ra tình trạng lạm dụng chứng cứ giả để tuyên án. Nếu giả sử, đương sự không phát hiện ra hoặc đấu tranh không quyết liệt để Tòa án đưa vụ án ra xét xử thì những tài liệu mà UBND huyện "cung cấp nhầm" và "không liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Văn Bắc" đã nghiễm nhiên trở thành chứng cứ, thậm chí nhờ chứng cứ "nhầm lẫn này" mà UBND huyện đã chứng minh được sự hoàn thiện trong quá trình giải quyết vụ việc.
"Ông Bắc cho biết đã tìm hiểu và được Trưởng xóm chùa 9 xác nhận rằng"xóm chùa 9 không có ông nào có hộ khẩu tên là Nguyễn Văn Bắc, sinh năm 1960". Vậy người được xác định trong Biên bản ngày 28/01/2013 ngoài ông Nguyễn Văn Bắc - người khởi kiện ra thì không còn có thể là ai khác. Ngoài ra, mối quan hệ giữa ông Nguyễn Văn Bắc và UBND huyện Đại Từ từ năm 2012 đến nay chỉ xoay quanh vụ việc thu hồi, bồi thường, giải phóng và cưỡng chế, phá dỡ tài sản của gia đình ông Bắc. Không phải ngẫu nhiên, vị cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường là ông Trần Văn Mỳ lại đến gia đình ông Bắc để xác minh việc nhận tài liệu giấy tờ nên việc cho rằng "biên bản này không liên quan đến vụ án" là không có căn cứ.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, dấu hiệu giả mạo của Biên bản xác minh ngày 28/01/2014 là rất rõ ràng. Lý do "cung cấp nhầm" mà UBND huyện Đại Từ nại ra hoàn toàn không có căn cứ. Việc giả mạo giấy tờ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, thể hiện sự coi thường pháp luật, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền địa phương mà hành vi này còn có dấu hiệu của "Tội giả mạo trong công tác" theo quy định tại Điều 284, Bộ luật hình sự", luật sư Ngô Tất Hữu phân tích.
Ngày 18/9/2014 tới đây, Tòa án nhân dân huyện Đại Từ sẽ đưa vụ án ra xét xử lần thứ 6. Trong khi mà những vấn đề mấu chốt nhất, quan trọng nhất của vụ án là cần phải giám định các tài liệu có dấu hiệu giả mạo không được tiến hành? Không hiểu Tòa án sẽ xét xử ra sao khi tài liệu "cung cấp nhầm" hơn 01 năm vẫn không phát hiện ra và không phân biệt được thế nào là công chứng, thế nào là chứng thực?
Được biết ông Nguyễn Văn Bắc đã làm đơn tố cáo hành vi giả mạo trong công tác đối với người đại diện theo ủy quyền của ông Chủ tịch UBND huyện Đại Từ đến Cơ quan CSĐT Công an Đại Từ, và đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế
Theo Dantri
Mâu thuẫn trong quán karaoke, giết chết bạn cùng phòng Không thích việc Tuấn gọi bạn gái đến chơi, Toàn và Tuấn xảy ra mâu thuẫn. Hẹn nhau ra để nói chuyện nhưng hai bên xảy ra xô xát, Toàn rút dao đâm chết bạn cùng phòng. Ngày 15/9, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt án tù chung thân đối với bị cáo Sú Sanh Bảo Toàn...