Quy mô của Vũ trụ Điện ảnh Marvel
Thập niên 2010 chứng kiến sự thống trị của dòng phim siêu anh hùng, đặc biệt là Vũ trụ Điện ảnh Marvel với tổng doanh thu lên đến hàng tỷ USD.
Lịch sử điện ảnh thế giới chứng kiến sự thống trị của các dòng phim khác nhau. Những năm 60 là sự thịnh vượng dòng phim cao bồi, đến giai đoạn thập niên 90 là sự ngự trị của dòng phim khoa học viễn tưởng. Đến năm 2008, Iron Man mở đầu cho kỷ nguyên thống trị của phim siêu anh hùng nói chung và Vũ trụ Điện ảnh Marvel nói riêng.
Các nhân vật của Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Sách lược hợp lý
Marvel Studios có chiến lược xây dựng và phát triển chậm rãi, bắt đầu từ việc giới thiệu khán giả những nhân vật chủ chốt trong đội hình Avengers.
Những phim đầu tiên đặt nền móng cho mô hình vũ trụ điện ảnh của riêng Marvel bao gồm: Iron Man (2008), The Incredible Hulk (2008), Thor (2011) và Captain America: The First Avenger (2011). Đây là những nhân vật đóng vai trò quan trọng của Biệt đội Báo thù, đồng hành cùng thương hiệu Avengers xuyên suốt 10 năm.
Kết thúc giai đoạn một của MCU, Marvel Studios ra mắt The Avengers (2012), nhằm tổng hợp siêu anh hùng trong các phim lẻ trước đó, đồng thời họ khéo léo tiết lộ diễn biến tiếp theo của Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Tổng kết giai đoạn đầu tiên, Disney thu về hơn 3,5 tỷ USD tổng doanh thu, riêng The Avengers đạt mốc 1,5 tỷ USD.
Marvel Studios thu về doanh thu “khủng” sau giai đoạn đầu tiên.
Đến giai đoạn thứ 2, MCU có dấu hiệu bất ổn về mặt phong độ. Điển hình, Iron Man 3 (2013), Captain America 2: The Winter Soldier (2014) và Guardians of the Galaxy (2014) được đánh giá cao về mặt nội dung lẫn doanh thu. Trái lại, các phim khác cùng giai đoạn nhận nhiều lời bình luận tiêu cực, doanh thu không ổn định. Đặc biệt, Avengers: Age of Ultron (2015) gây nhiều tranh cãi về các yếu tố gây hài có phần tế nhị, cũng như đạt 7,8/10 trên IMDb, điểm số thấp nhất trong 4 phần phim về Biệt đội Báo thù.
Giai đoạn 2 của Vũ trụ Điện ảnh Marvel nhận nhiều đánh giá tiêu cực.
Thời hoàng kim của MCU diễn ra trong giai đoạn 2016-2019, giai đoạn 3 của Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Người hâm mộ lần lượt chứng kiến Spider-Man xuất hiện trong MCU, sát cánh cùng những người hùng tên tuổi. Bên cạnh đó, Thor: Ragnarok (2017) vực dậy hình tượng người hùng Thần Sấm sau sự thất bại toàn diện từ phần Thor: The Dark World (2013).
Endgame soán ngôi đầu bảng doanh thu của Avatar (2009).
Về doanh thu, Avengers: Endgame (2019) thu về gần 2,8 tỷ USD, vượt qua Avatar (2009) để trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Ngoài ra, Black Panther (2016) ghi điểm về mặt nội dung khi góp mặt vào nhiều hạng mục đề cử Oscar, trong đó bao gồm giải Oscar cho phim xuất sắc. Đây là tác phẩm duy nhất của MCU tính tới thời điểm hiện tại nhận đề cử Oscar cho hạng mục quan trọng.
Hiện nay, Vũ trụ Điện ảnh Marvel có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi các phim liên tiếp gây tranh cãi, không được như các giai đoạn trước. Cụ thể, Black Widow (2021) và Shang-Chi (2021) đều nhận đánh giá tiêu cực về nội dung thiếu logic, kỹ xảo chưa chỉn chu. Đáng chú ý, trong giai đoạn 4 của MCU liên tiếp gặp các vấn đề cấm chiếu với thị trường Trung Quốc vì Eternals (2021) và Doctor Strange in Multiverse of Madness (2022) chứa yếu tố đồng tính.
Phim siêu anh hùng gốc Á đầu tiên bị chê về mặt nội dung lẫn kỹ xảo.
Thời điểm hiện tại, điểm sáng duy nhất của giai đoạn mới chính là Spider-Man: No Way Home (2021). Phim gây sốt với khán giả trên toàn cầu khi tập hợp các nhân vật chính diện và phản diện của các phiên bản Người Nhện khác nhau. Ngoài ra, phim thu về gần 2 tỷ USD trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, nhiều rạp vẫn chưa có thể mở cửa trở lại.
Ngoài ra, trong giai đoạn hậu Avengers: Endgame, Marvel Studios sản xuất các chương trình truyền hình xoay quanh các tuyến phụ như Loki, Hawkeye, Wanda,… Các TV-Series vẫn có mối liên kết đến mạch truyện chính của MCU. Bên cạnh đó, nhà sản xuất vẫn cho ra các loạt phim truyền hình về nhân vật mới như Moon Knight (2022), nhưng tác phẩm vẫn chưa thể hiện mối liên quan đến tuyến truyện lớn của Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Ảnh hưởng lớn đến nền điện ảnh hiện đại
Do sức hút của MCU, nhiều nhà sản xuất chạy theo dòng phim siêu anh hùng, nổi bật là Warner Bros.. Về phía công ty truyền thông lớn của Mỹ, họ sở hữu bản quyền hình ảnh của các nhân vật từ DC Comics – đối thủ truyền kiếp của Marvel.
Bắt đầu từ năm 2013, Warner Bros. ra mắt Man of Steel với người hùng là Superman (Henry Cavill). Nếu trọng trách xây dựng MCU của Marvel do Kevin Feige đảm nhận, Zack Snyder là người được Warner Bros. trao quyền thực hiện Vũ trụ DC Mở rộng (DCEU).
Tuy nhiên, ban điều hành có phần vội vã trong cuộc đua doanh thu với Disney, nên Vũ trụ phim của DC nhồi nhét quá nhiều tình tiết, nhân vật trong giai đoạn ngắn, thay vì dàn trải trong nhiều năm như Marvel. Điều này gián tiếp làm phá sản kế hoạch xây dựng DCEU của Warner Bros. Đặc biệt, Justice League (2017) thất bại về doanh thu lẫn đánh giá chuyên môn, khiến người hâm mộ có ác cảm về nhà sản xuất.
Justice League nhận thất bại về doanh thu lẫn điểm số.
Mặt khác, Warner Bros. thể hiện rõ tham vọng của họ khi phát triển nhiều thương hiệu phim theo mô hình Vũ trụ Điện ảnh. Tiêu biểu, Vũ trụ Kaiju gồm các quái vật khổng lồ như Kong, Godzilla và Vũ trụ Ám Ảnh Kinh Hoàng gồm các vụ án tâm linh được ghi nhận trong lịch sử.
Việc “lạm phát” phim siêu anh hùng đã ảnh hưởng không ít đến bộ môn nghệ thuật thứ 7 ở thời điểm hiện đại. Nhiều đạo diễn gạo cội cho rằng phim siêu anh hùng của Marvel mang nặng tính giải trí, chỉ tập trung vào doanh thu, thiếu đi ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm, đồng thời điều này ảnh hưởng đến doanh thu của các phim tiềm năng khác, không thuộc dòng phim siêu anh hùng.
“Tôi đã rất cố gắng, nhưng không thể công nhận phim Marvel là điện ảnh. Chúng như công viên giải trí, chỉ thoáng qua phút chốc mà không đọng lại được gì cho khán giả”, đạo diễn Martin Scoresese chia sẻ với tờ Empire.
Martin Scorsese vướng vào vụ bê bối với phát ngôn tiêu cực về Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Phát biểu của đạo diễn từng nhận giải Oscar nhận về sự phản ứng trái chiều từ người hâm mộ MCU. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Francis Ford Coppola – đạo diễn loạt phim Godfather – đồng quan điểm với Scorsese, ông thậm chí có phần gay gắt hơn đạo diễn gốc Italy. Cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi hơn khi có sự tham gia của các đạo diễn nhà Marvel, tiêu biểu là James Gunn với màn phản pháo với Coppola.
Nhìn chung, Vũ trụ Điện ảnh Marvel vẫn đang có những bước chuyển mình đáng nể, liên tục khiến các đối thủ cạnh tranh phải dè chừng. Từ những tác phẩm được cho là chỉ dành cho trẻ em, Marvel đã xây dựng nên đế chế giải trí khổng lồ, mà sự tồn tại thêm nhiều thập kỷ là điều chắc chắn.
Spider-Man: No Way Home - Bom tấn siêu anh hùng cảm xúc nhất Marvel
Những bộ phim ăn khách và mang về doanh thu khổng lồ luôn là giấc mơ xa xỉ đối với hầu hết các hãng phim. Tuy nhiên, Marvel một lần nữa cho chúng ta thấy được sự thật rằng họ có trong tay tất cả và Spider-Man: No Way Home đã phá vỡ mọi hoài nghi về dòng phim siêu anh hùng.
Nếu Martin Scorsese từng thẳng thắn chê phim của Marvel: "Đó không phải là phim điện ảnh dùng để truyền tải cảm xúc và trải nghiệm tâm lý từ con người tới con người", thì Spider-Man: No Way Home đã đập tan câu nói trên với 2 tiếng 30 phút đắm chìm trong trải nghiệm điện ảnh cùng với những cảm xúc mà phim mang lại.
Spider-Man: No Way Home được cho là bom tấn siêu anh hùng cảm xúc, sâu sắc nhất của Marvel. (Ảnh: Marvel Studios)
Nếu bạn đang nghĩ rằng đây sẽ là bộ phim về Người Nhện "lớn nhất" từ trước đến nay thì có thể bạn đã đúng! Với rất nhiều nhân vật phản diện xuất hiện, nhiều easter eggs (những điều thú vị được tác giả giấu tinh tế trong phim) khiến bạn mắt chữ A miệng chữ O và giới thiệu khái niệm mới về đa vũ trụ. Spider-Man: No Way Home có đầy đủ các yếu tố để phá vỡ mọi danh hiệu mà Avengers: End Game mang lại.
Sau Avengers: End Game, đây là bộ phim đầu tiên tạo được cơn sốt trên toàn thế giới. (Ảnh: Marvel Studios)
Mở đầu trilogy là Spider-Man: Homecoming (2017), kế đến Spider-Man: Far From Home (2019) và cuối cùng là Spider-Man: No Way Home (2021), đến với phần thứ 3 của bộ phim sẽ khiến fan Nhện nói riêng và fan siêu anh hùng nói chung vô cùng lo lắng liệu "lời nguyền" có lặp lại như Spider-Man 3 (2007) trong trilogy của đạo diễn Sam Raimi hay The Amazing Spider-Man của đạo diễn Marc Webb.
Có rất nhiều điều thú vị mà bộ phim mang lại và dĩ nhiên chúng ta không thể thảo luận tại đây! Nhưng để nói về Spider-Man: No Way Home trong một câu thì đây là chính bộ phim về hành trình trưởng thành dưới vỏ bọc hào nhoáng của siêu anh hùng và khép lại "bộ ba phim Người Nhện" do Tom Holland thể hiện một cách trọn vẹn và sâu sắc.
Phim nói về sự trưởng thành của chàng Nhện nhí và nhận ra được con đường chân chính khi là một siêu anh hùng. (Ảnh: Marvel Studios)
Điều hay nhất của Spider-Man: No Way Home đã nhắc nhở lý do tại sao tôi lại yêu thích truyện tranh, đặc biệt là truyện về cậu bé tên là Peter Parker. Đạo diễn Jon Watts đã mang đến không chỉ đơn thuần là một bộ phim siêu anh hùng mà đã kể rất nhiều về sự chữa lành cũng như hành trình trưởng thành của nhân vật, rồi từ đó mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Điều này gợi cho tôi cảm giác hào hứng lật từng trang với sự háo hức chờ đợi về những khúc ngoặt tiếp theo trong truyện.
Nội dung phim đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. (Ảnh: Marvel Studios)
No Way Home bắt đầu ngay sau kết thúc của Spider-Man: Far From Home với âm thanh cảnh kết thúc của bộ phim đó vang lên trên logo Marvel. Mysterio đã tiết lộ danh tính của Peter Parker (Tom Holland) và mở ra hàng loạt viễn cảnh về cạm bẫy của sự nổi tiếng bậc nhất, đặc biệt là cách nó tác động đến bạn gái của Peter - M.J. (Zendaya) và người bạn tốt nhất Ned (Jacob Batalon).
Với sự bồng bột và trẻ con của mình, Peter đã đến tìm gặp Doctor Strange với mong muốn làm cho thế giới quên rằng mình chính là Spider-Man, nhưng lại không muốn M.J., Ned hay dì May (Marisa Tomei) quên đi tất cả những gì họ đã trải qua cùng nhau, và vì vậy câu thần chú bị trật bánh giữa chừng. Strange hầu như không kiểm soát được nó. Và rồi Doc Ock (Alfred Molina) và Green Goblin (Willem Dafoe) xuất hiện.
Người xem sẽ được đồng hành trong khoảng thời gian đen tối nhất cuộc đời của Người Nhện. (Ảnh: Marvel Studios)
Các nhân vật phản diện trở lại từ các bộ phim của Sam Raimi và Marc Webb không làm quá tải câu chuyện khi phim khai thác về hành trình trưởng thành của Peter. Phim giữ những điều bất ngờ và thậm chí xuyên suốt đến đoạn cuối, nhưng có lẽ điều bất ngờ nhất là quyết định của Peter - cùng với bạn gái MJ (Zendaya) và người bạn tốt nhất Ned (Jacob Batalon) chính là không đánh bại những kẻ phản diện này theo cách mà những người tiền nhiệm của anh ấy đã làm.
Cặp đôi Zendaya và Tom Holland yêu nhau từ đời vào phim nên mang lại khá nhiều cảm xúc. (Ảnh: Marvel Studios)
Spider-Man luôn gắn liền với 2 từ mất mát, và nếu không có mất mát thì Peter đã không thể trưởng thành. Đó là quá trình mà Parker phải lớn lên và đối mặt với không chỉ danh tiếng đến với Người Nhện mà còn các quyết định của anh sẽ có tác động nhiều hơn so với hầu hết những bạn trẻ bình thường với những sự lựa chọn vào đại học. Spider-Man: No Way Home một lần nữa đã làm rõ về sức nặng của những quyết định anh hùng.
Phim có những cảnh hành động và kỹ xảo rất mãn nhãn. (Ảnh: Marvel Studios)
Trailer Spider-Man: No Way Home - Bom
Một lần nữa, bộ phim đã định nghĩa lại quan điểm về dòng phim siêu anh hùng - "Phim siêu anh hùng đồng nghĩa với giải trí và hơi nông". Spider-Man: No Way Home có chiều sâu và cũng là bộ phim cho thấy được năng lực diễn xuất rất tốt của Tom Holland.
'Thor: Love and Thunder' dở tệ nhưng tại sao vẫn kiếm được bộn tiền? Dù nhận về vô số lời chê bai từ phía khán giả và giới chuyên môn, Thor: Love and Thunder vẫn ghi nhận thành tích phòng vé vô cùng ấn tượng. Bất chấp những đánh giá trái chiều, Thor: Love and Thunder vẫn ghi nhận thành tích phòng vé tốt hơn so với phần phim trước đó Thor: Ragnarok. Bộ phim thứ tư...