Quý IV/2021 sẽ hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá theo khuyến nghị của EC
Chia sẻ bên lề hội nghị trực tuyến với các địa phương ven biển về “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch COVID-19, quý IV/2020″ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 22/10, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngày 27/10, dự kiến Tổng cục Thủy sản sẽ làm việc trực tuyến với Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định ( IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuỷ sản Nguyễn Quang Hùng báo cáo về tình hình khai thác thủy sản hiện nay tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Khi đó, phía EC sẽ có những nhận xét, đánh giá trên cơ sở báo cáo của Việt Nam. Trên cơ sở thống kê, báo cáo từ các tỉnh, thành triển khai thì có thể thấy các địa phương rất nỗ lực và có quyết tâm chính trị rất cao trong triển khai chống khai thác IUU. Tuy nhiên, vừa qua dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng nhiều đến việc chống khai thác IUU, đặc biệt là tại các cảng. Nhiều địa phương rất cố gắng thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo chống khai thác IUU.
Với các khuyến nghị của EC, Tổng cục Thuỷ sản đang tích cực rà soát sửa đổi, bổ sung điều chỉnh Nghị định số 26/201/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các thông tư trình cấp có thẩm quyền ban hành trong quý IV/2021 nhằm hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá bền vững, có trách nhiệm và khắc phục các khuyến nghị của EC.
Về kiểm soát hoạt động, theo dõi tàu cá trên biển cũng như tại cảng, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, những tháng đầu năm các địa phương rất cố gắng. Nhưng trong giai đoạn dịch COVID-19, nhiều tỉnh phải thực hiện phòng, chống dịch, việc kiểm soát số lượng ra vào cảng gặp nhiều khó khăn.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương vào cuộc rất quyết liệt, đặc biệt là Chủ tịch và Bí thư cấp xã đã vào cuộc trong việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá. Điển hình như Thanh Hóa, sau cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ hai tuần, địa phương này gần như lắp đặt 100% thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá; việc thực thi pháp luật, truy xuất nguồn gốc được các địa phương rất quan tâm.
Video đang HOT
Về thực thi pháp luật, các tỉnh, thành triển khai khá động bộ việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển cũng như ra vào cảng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua do dịch COVID-19 nên việc kiểm soát tại cảng gặp khó khăn.
Về truy xuất nguồn gốc, việc hoàn thành các quy định của EC, các đơn vị đã làm rất tốt và không phát hiện thấy sai sót gì trong các lô hàng xuất khẩu nhưng tháng vừa qua.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, phía EC cũng có đánh giá là Việt Nam đang đi đúng hướng và có tiến bộ rất tích cực. Những chậm trễ trong việc khắc phục 4 nhóm khuyến nghị do có những yếu tố khách quan là Việt Nam có số lượng tàu cá lớn. Trong khi đó, Việt Nam lại có nghề cá quy mô nhỏ nên việc khắc phục 4 nhóm khuyến nghị đó cần có thời gian, lộ trình hợp lý.
“Với những nỗ lực tích cực của Việt Nam cùng với những chuyển biến tích cực thì tôi tin rằng phía EC sẽ không rút “thẻ đỏ” mà tiếp tục cảnh báo “thẻ vàng” đến khi nào Việt Nam chấm dứt được tình trạng tàu vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài và khắc phục được 4 nhóm khuyến nghị của EC”, ông Nguyễn Quang Hùng nhận định.
Ông Nguyễn Quang Hùng cho hay, nếu tiếp tục bị “thẻ vàng” thì hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ tiếp tục bị kiểm tra gần như 100% các hồ sơ liên quan đến truy xuất nguồn gốc cũng như việc đảm bảo sản phẩm khai thác hợp pháp.
Theo Tổng cục Thủy sản, các địa phương tích cực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và đánh dấu tàu cá theo quy định của Luật Thủy sản. Đến nay, đã có 27.716 tàu đã lắp thiết bị VMS, đạt khoảng 90,5% tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị và 90,53% tàu cá đã đánh dấu tàu cá theo quy định. Một số tỉnh tỷ lệ tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình còn thấp mới đạt dưới 75% như: Quảng Ninh, Quảng Trị, Trà Vinh.
Điểm cầu họp trực tuyến ở các địa phương với trung ương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Bên cạnh đó, từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Tình trạng vi phạm vùng biển các nước trong khu vực có xu hướng giảm dần, nhưng còn diễn biến phức tạp. Các địa phương có nhiều tàu vi phạm như: Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến.
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm về khai thác IUU đã có chuyển biến tích cực ở một số địa phương như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… Tuy nhiên, việc xử phạt chưa thật sự nghiêm minh, chưa đồng bộ giữ các địa phương, đặc biệt là xử phạt đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài với tỉ lệ các vụ việc được xử lý còn rất thấp so với thực tế.
Khai thác thủy sản thích ứng với công tác phòng, chống dịch COVID-19
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, những tháng cuối năm 2021, các địa phương trên toàn quốc tiếp tục nỗ lực đưa chuỗi hoạt động khai thác thủy sản trở lại trạng thái bình thường mới, tiếp tục ổn định sản xuất và tuân thủ các biện pháp phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Bộ NN&PTNT cùng các địa phương tìm giải pháp về khai thác thủy sản thích ứng với công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Do tác động của việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất, nằm bờ. Theo thống kê của các tỉnh, số lượng tàu cá ngừng không đi khai thác chỉ tính trong 3 tháng là 43.200 tàu, tương đương 4,6% cường lực khai thác (tháng 7 khoảng 9.800 tàu; tháng 8 là 19.700 tàu, tháng 9 là 13.700 tàu). Các tàu ngừng sản xuất làm giảm sản lượng khai thác trong 3 tháng khoảng 186.000 tấn trong năm 2021.
Tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản cả về số lượng và chất lượng, khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ do không đủ lao động để đi biển. Tính đến tháng 9/2021, cả nước có khoảng 1 triệu lao động trực tiếp trên các tàu cá. Cùng với tác động của dịch COVID-19, số lượng lao động trực tiếp trên tàu cá càng khan hiếm, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản ở nhiều địa phương. Hiện số lượng lao động làm việc trên tàu cá được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 còn thấp, ước đạt khoảng 25%.
Bên cạnh đó còn nhiều khó khăn như: Cơ sở hậu cần nghề cá; việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thuỷ sản, nhất là trong bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Năm 2021 là một năm ghi nhận giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây, trong đó giá dầu Diesel tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch bệnh còn tác động sâu đến chuỗi tiêu thụ thuỷ sản, doanh nghiệp không tiêu thụ được làm cho giá bán sản phẩm giảm 15 - 20% so với cùng kỳ. Bên cạnh nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tàu nằm bờ không đi khai thác còn do một số nguyên nhân khác như: Năng suất khai thác trung bình thấp, giá nhiên liệu tăng, việc thu mua, vận chuyển thủy sản gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã, thiếu lao động do hạn chế đi lại của thuyền viên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương...
Tại hội nghị trực tuyến "Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch COVID-19" diễn ra ngày 22/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, thời gian qua, dù nhiều khó khăn, song các tỉnh, thành vẫn nỗ lực nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa duy trì, đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy hải sản. Từ nay đến cuối năm, tuy sẽ phải đối mặt với những khó khăn như giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao, lao động thiếu hụt cục bộ..., nhưng chúng ta vẫn có nhiều thuận lợi. Điều kiện thời tiết khá thuận lợi; tàu cá và các trang thiết bị đã được sửa chữa, bổ sung trong thời gian nghỉ phòng chống dịch.
"Dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước, các biện pháp phòng chống dịch tại các cảng, vận chuyển, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm đã được áp dụng linh hoạt theo tình hình thực tiễn, không làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhu cầu thị trường tiêu thụ thủy sản tăng mạnh, đặc biệt thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu"- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ đạo các tỉnh, thành quan tâm nâng cấp hạ tầng thủy sản; nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống khai thác bất hợp pháp; chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các chỉ đạo về phòng chống khai thác bất hợp pháp và tháo gỡ thẻ vàng của EC; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không lắp thiết bị giám sát hành trình, ngắt kết nối và vi phạm vùng biển nước ngoài...
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, tổng sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 2,917 triệu tấn (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng cá ngừ, mực và các loài cá nổi chiếm khoảng 60%. Sản lượng khai thác ở ngư trường Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 40%, sản lượng khai thác ở vùng biển vịnh Bắc Bộ và Tây Nam Bộ tiếp tục có xu hướng giảm.
Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2021 với sản lượng khai thác biển đạt khoảng 3,657 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, trong Quý 4 năm 2021, ngành thủy sản phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động và ngư dân, đưa chuỗi hoạt động khai thác thủy sản ở các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Không sang Việt Nam, EC sẽ họp trực tuyến Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 5/10, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, do dịch COVID-19 nên dự kiến năm nay Ủy ban châu Âu (EC) sẽ không sang Việt Nam kiểm tra. Tàu cá neo đậu trên vùng biển huyện...