Quy hoạch vận tải đồng bộ, cân bằng
Thời gian gần đây, 4 quy hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã công bố rộng rãi.
Đây là những quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được hoàn thành, giúp định hướng để các loại hình vận tải phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối như hiện nay.
Trên tuyến Quốc lộ 5 Hà Nội-Hải Phòng, không khó bắt gặp hình ảnh hàng dài xe container nối đuối nhau chở hàng hóa đến và đi từ cảng biển. Nhiều tuyến đường bộ huyết mạch cũng nhanh chóng mãn tải dù mới được nâng cấp, mở rộng không lâu. Đây là minh chứng cho việc gánh nặng lưu thông đang dồn phần lớn vào hệ thống đường bộ.
Trong khi đó, những loại hình vận tải có khả năng chuyên chở khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường sắt lại chưa được đầu tư tương xứng. Một số cảng biển được xây dựng hiện đại, trở thành cửa ngõ thông thương quốc tế nhưng gặp ách tắc trên tuyến đường kết nối khiến chưa phát huy hết công suất, thời gian vận chuyển kéo dài. Để giải quyết những vấn đề này, cần đặt trong bài toán tổng thể với quy hoạch mang tầm nhìn dài hạn, đi trước một bước, phù hợp xu thế phát triển.
Với 4 quy hoạch đã được công bố và quy hoạch ngành hàng không đang trình Chính phủ xem xét, từng lĩnh vực vận tải đã xác định rõ vị trí của mình, khơi dậy thế mạnh và bảo đảm tính đồng bộ của vận tải đa phương thức.
Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng/ Ảnh minh họa/ TTXVN.
Video đang HOT
Trong đó, đối với vận tải hàng hóa, cảng biển được đặt ở vị trí trung tâm, các loại hình vận tải khác kết nối với cảng biển, đặc biệt là các cảng cửa ngõ quốc tế, vừa phục vụ vận chuyển trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu. Với vận tải hành khách, định hướng phát triển đường sắt tốc độ cao hứa hẹn mang đến phương tiện chuyên chở mới, hiện đại, nhanh chóng, an toàn, giảm áp lực cho đường bộ và đa dạng hóa lựa chọn bên cạnh hàng không.
Mô hình phát triển hạ tầng giao thông cũng được thể hiện rõ trong các quy hoạch, giúp tối ưu hóa hệ thống hạ tầng cơ sở. Trong đó, các trục chính đi qua những đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm. Từ các trục này chia thành những đường nhánh, phủ kín khắp các vùng, miền trên cả nước.
Quy hoạch là khâu đầu tiên, giữ vị trí trọng yếu trong phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Sau khi có quy hoạch, câu hỏi quan trọng nhất là nguồn lực nào để hiện thực hóa, biến định hướng trở thành thực tế. Đầu tư cho giao thông vận tải đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, từ hạ tầng cơ sở, mua sắm phương tiện, trang thiết bị đến chuẩn bị nhân lực khi vận hành, đưa vào sử dụng. Để đáp ứng nhu cầu vốn này, cần chú trọng đa dạng hóa nguồn lực.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, đáp ứng cho các công đoạn chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và đầu tư những hạng mục khó thu hồi vốn. Đồng thời, cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa, nhất là đầu tư tư nhân, tận dụng cả vốn trong nước và quốc tế.
Đề cập đến công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt. Kinh nghiệm từ thực hiện các dự án đối tác công-tư (PPP) cho thấy, những dự án có phương án tài chính hiệu quả, tác động tốt về kinh tế-xã hội sẽ khả thi cao khi triển khai trên thực tế.
Cùng với việc chuẩn bị chu đáo từng khâu, từng bước một cách bài bản, quá trình thực hiện cần theo lộ trình hợp lý. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, cần tính toán đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, ưu tiên các công trình, dự án có khả năng lan tỏa, trở thành động lực phát triển cho cả vùng, khu vực. Từ đó, sẽ tạo điểm tựa để mở rộng hơn nữa mạng lưới giao thông vận tải của đất nước theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Công bố quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy đến năm 2030
Chiều 10/11, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức công bố Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và các địa phương trên toàn quốc.
Đáng chú ý, tại quy hoạch này, Bộ Giao thông Vận tải đã định hướng ngành đường thủy phát triển theo 9 hành lang và 55 tuyến vận tải chính.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch. Ảnh: mt.gov.vn
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đến nay, các quy hoạch đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (và sắp tới là lĩnh vực hàng không), là định hướng quan trọng để phát triển toàn diện giao thông vận tải. Quá trình xây dựng các quy hoạch là cơ hội để đánh giá, nhìn nhận các tiềm năng phát triển của các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là lĩnh vực đường thủy nội địa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các đơn vị chức năng học tập kinh nghiệm từ phát triển đường thủy phía Nam để áp dụng cho khu vực phía Bắc, nhằm khai thác tốt, tổ chức kết nối tốt hơn giữa đường thủy, đường bộ, cảng biển, đặc biệt đối với tuyến hành lang vận tải ven biển Bắc - Nam và 4 hành lang vận tải phía Bắc.
"Hành lang vận tải ven biển Bắc - Nam là hành lang vận tải hàng hóa quan trọng của đất nước. Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để vận chuyển hành khách, còn vận chuyển hàng hóa Bắc - Nam được tập trung vào tuyến đường sắt hiện hữu và tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam hiện nay", Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng đề nghị chính quyền các địa phương trên tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang tiếp tục quan tâm đến hành lang vận tải này, thông qua việc khuyến khích, tạo thuận lợi để doanh nghiệp vận tải, tham gia đầu tư.
"Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển theo quy hoạch; trong đó có kế hoạch đầu tư công để nâng cấp các cầu, luồng tuyến... với phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; cũng như tham mưu cơ chế, chính sách thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cảng thủy, mua sắm phương tiện thủy hiện đại, phương tiện bốc dỡ hàng hóa chuyên dùng. Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích để hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực vận tải thủy để khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh đang có", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg. Theo đó, mục tiêu quy hoạch đến năm 2030: khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn; đạt khoảng 397 triệu lượt khách. Về kết cấu hạ tầng, cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km.
Phát triển hệ thống cảng, bến thủy đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy; từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng.
Bên cạnh đó sẽ kênh hóa các đoạn sông qua đô thị lớn và chuyển đổi công năng cảng thủy xếp dỡ hàng hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa. Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Đặc biệt, đã quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy gồm: 1 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (khu vực miền Trung thuộc hành lang ven biển), 4 hành lang khu vực miền Bắc (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai) và 4 hành lang khu vực miền Nam (TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, TP Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh - TP Hồ Chí Minh và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu). Trên hành lang gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh.
Bên cạnh đó, quy hoạch có 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km (khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km). Trong đó, miền Bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.028 km; miền Trung có 11 tuyến chính trên 28 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.229 km và miền Nam có 26 tuyến chính trên 63 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.043 km. Trên các tuyến vận tải, đầu tư đồng bộ các kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Nội dung quy hoạch cũng xác định tập trung phát triển 54 cụm cảng thủy hàng hóa, với tổng công suất khoảng 361 triệu tấn, được phân bố cân đối ở khu vực Bắc - Trung - Nam. Về cảng hành khách, quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 53,4 triệu lượt khách. Trong đó, khu vực miền Bắc có 10 cụm cảng, tổng công suất khoảng 10,9 triệu lượt khách; miền Trung 14 cụm cảng, tổng công suất khoảng 2,5 triệu lượt khách và miền Nam có 15 cụm cảng, tổng công suất khoảng 40 triệu lượt khách...
Cho mở lại quán bar, karaoke, Long An khẳng định "mở toang nền kinh tế" Từ 0h ngày mai (27/10), nhà hàng, quán ăn ở Long An được hoạt động bình thường trở lại. Vũ trường, karaoke, massage, quán bar, xông hơi... được hoạt động 50% công suất. Nhà hàng, quán ăn, karaoke... ở Long An được hoạt động bình thường trở lại (Ảnh Phạm Nguyễn). Ngày 26/10, UBND tỉnh Long An có Công văn số 10555/UBND-VHXH về...