Quy định mới về thuế XK, thuế NK
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế XK, biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa, mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó, Biểu thuế mới sẽ có nhiều thay đổi về thuế suất thuế NK, thuế XK đối với một số nhóm hàng.
Theo quy định mới, xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh dưới 1.500cc áp dụng mức thuế tuyệt đối. Ảnh: T.Tr.
Ban hành kèm theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP gồm 4 phụ lục: Thứ nhất là biểu thuế XK (XK) theo danh mục mặt hàng chịu thuế. Thứ hai là biểu thuế NK (NK) ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế. Thứ ba là danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với ô tô chở người từ 15 chỗ trở xuống (kể cả lái xe), đã qua sử dụng; Thứ tư là danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Theo quy định mới, các mặt hàng phân bón thuộc các nhóm hàng 31.01, 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 áp dụng mức thuế suất thuế XK như sau: Nếu có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành phẩm trở lên áp dụng mức thuế suất là 5%.
Các mặt hàng phân bón không thuộc trường hợp nêu trên thì áp dụng mức thuế suất tại biểu thuế XK quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Bên cạnh đó, mặt hàng than gỗ rừng trồng thuộc mã hàng 4402.90.90 áp dụng mức thuế suất thuế XK 5% phải đáp ứng 4 tiêu chí (hàm lượng tro 3%; Hàm lượng carbon cố định (C)-là carbon nguyên tố, không mùi, không khói khi tiếp lửa 70%; nhiệt lượng 7000Kcal/kg; hàm lượng lưu huỳnh 0,2%).
Nghị định cũng quy định mặt hàng đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.13), đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.14) và các sản phẩm khác bằng vàng (thuộc nhóm hàng 71.15) được áp dụng mức thuế suất thuế XK 0% nếu đáp ứng đủ các điều kiện.
Ngoài hồ sơ hải quan đối với hàng hóa XK theo quy định chung, phải có Phiếu kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng dưới 95% do tổ chức thử nghiệm được cấp phép xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ cấp (xuất trình 1 bản chính để đối chiếu, nộp 1 bản chụp cho cơ quan Hải quan).
Trường hợp các mặt hàng là đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng (nhóm hàng 71.13), đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ bằng vàng (nhóm hàng 71.14) và các sản phẩm khác bằng vàng (nhóm hàng 71.15) XK theo hình thức gia công XK hoặc có đủ điều kiện xác định là được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu NK, XK theo loại hình sản xuất XK thì khi làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định hiện hành, không phải xuất trình Phiếu kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng.
Video đang HOT
Đối với trường hợp XK theo hình thức sản xuất XK thì khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp phải xuất trình giấy phép NK vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước theo quy định.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng quy định, một số mặt hàng hóa dầu được áp dụng thuế suất thuế NK ưu đãi theo lộ trình từ ngày 1-9-2016 đến ngày 31-12-2016 là 1% và từ ngày 1-1-2017 trở đi là 3% quy định tại mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Cùng với đó, Nghị định còn quy định thuế suất thuế NK ưu đãi đối với một số mặt hàng thực hiện cam kết WTO cho các năm 2017, 2018 và từ 2019 trở đi.
Nghị định 122/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-9-2016. Bãi bỏ 2 quyết định của Thủ tướng chính phủ, 9 thông tư của Bộ Tài chính đã ban hành trước ngày 1-9-2016.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 36/2016/QĐ-TTg quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá NK. Quyết định này quy định quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá NK theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 5 Luật thuế XK, thuế NK.
Thuế NK đối với mặt hàng xe ôtô đã qua sử dụng
Xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh dưới 1.500cc thuộc nhóm hàng 87.03 và xe ô tô chở người từ 10 đến 15 chỗ ngồi (kể cả lái xe) thuộc nhóm hàng 87.02 áp dụng mức thuế tuyệt đối.
Xe ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh từ 1.500 cc trở lên thuộc nhóm hàng 87.03 áp dụng mức thuế hỗn hợp.
Xe ô tô chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên (kể cả lái xe) thuộc nhóm hàng 87.02 và xe vận tải hàng hoá có tổng trọng lượng có tải không quá 5 tấn, thuộc nhóm hàng 87.04 (trừ xe đông lạnh, xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, xe xi téc, xe bọc thép để chở hàng hóa có giá trị; xe chở xi măng kiểu bồn và xe chở bùn có thùng rời nâng hạ được) áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 150%.
4. Các loại xe ô tô khác thuộc các nhóm hàng 87.02, 87.03, 87.04 áp dụng mức thuế suất bằng 1,5 lần so với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của xe ô tô mới cùng chủng loại thuộc cùng nhóm hàng.
Theo Báo Hải quan
Vào TPP, nhóm hàng Việt nào lập tức hưởng thuế suất 0%?
Bộ Tài chính vừa cho biết, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Viêt Nam khi vào TPP sẽ hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Bộ Tài chính vừa cho biết, theo Hiệp định TPP, các nước TPP cam kết mở cửa khá cao dành cho Việt Nam. Xét trên mặt bằng chung, khoảng từ 78-95% số dòng thuế được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan...
Nhiều các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su...
Nhiều hàng Việt sẽ lập tức hưởng thuế suất 0% ngay khi TPP hiệu lực (Ảnh minh họa:KT)
Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam cam kết với các nước thành viên TPP về: thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, dịch vụ tài chính và hải quan.
65% dòng thuế nhập khẩu lập tức về 0% khi TPP hiệu lực
Về thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước TPP, trong đó trên 65% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực và gần 98% số dòng thuế sau 10 năm; các mặt hàng còn lại có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ).
Những mặt hàng Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực bao gồm: động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, ngũ cốc, gạo, da và sản phẩm da, cao su và sản phẩm cao su, chất dẻo, dược phẩm, thuốc trừ sâu, hóa chất, khoáng sản, một số loại giấy, nguyên liệu dệt may, da giầy, vải bông các loại, sản phẩm dệt may, phân bón, nước hoa, mỹ phẩm, máy móc thiết bị, đồ nội thất, gỗ và sản phẩm gỗ, nhạc cụ, sản phẩm sắt thép, linh kiện điện tử ...
Những nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 4: gồm bánh kẹo, chè và cà phê, ngô ngọt, đồng hồ, hàng gia dụng, máy khâu, máy phát điện, đồ trang sức, vật liệu xây dựng, sữa, máy móc thiết bị, nhựa và sản phẩm nhựa, sản phẩm điện tử...
Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 6 gồm: dầu thực vật, chế phẩm rau quả, một số sản phẩm cao su..
Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 8 gồm: bộ phận linh kiện xe đạp xe máy, một số linh kiện ô tô, bánh kẹo, chế phẩm thủy sản, dầu mỡ động thực vật, rau quả, sắt thép, xe đạp nguyên chiếc, một số loại xe chuyên dụng...
Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 10-11 gồm: thịt các loại, bia rượu, đường, trứng, muối, xăng dầu, ô tô, sắt thép, một số loại linh kiện phụ tùng ô tô, phôi thép, săm lốp...
Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.
Doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình
Trong lĩnh vực hải quan, Hiệp định TPP đưa ra các quy định về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu như quy định về thủ tục đối với hàng chuyển phát nhanh, quy định về xác định trước, cơ chế chứng nhận xuất xứ, cơ chế giám sát đối với xuất xứ hàng hóa, cơ chế quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quy định cụ thể về thời gian thông quan hàng hóa.
Ngoài ra, Hiệp định TPP quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong thủ tục kiểm tra và xác định xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, cơ chế này cho phép doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình thay cho cách thức quản lý hiện tại là doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Về dịch vụ tài chính, các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam. Các nội dung cam kết về dịch vụ tài chính gồm: mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa (dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, cung cấp và lưu chuyển thông tin tài chính, các dịch vụ chứng khoán phụ trợ; tăng cường minh bạch hoá; bảo hộ đầu tư (cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả); cho phép áp dụng các ngoại lệ và các quy định thận trọng.
Hiện nay, các thành viên TPP đang hoàn tất các công tác rà soát kỹ thuật và các thủ tục cần thiết chuẩn bị cho ký kết chính thức dự kiến vào đầu năm 2016.
Là thành viên tham gia Hiệp định TPP có tiêu chuẩn cao, toàn diện, Việt Nam sẽ có cơ hội để thúc đẩy thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm./.
Theo_VOV
Vào TPP: Nhiều nhóm hàng hưởng thuế suất 0%, giá BĐS dự báo tăng Nhiều các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su... 65% dòng thuế nhập khẩu lập tức về 0% khi TPP hiệu lực Tin...