Quốc Vượng:”Đừng để sai lầm đánh mất sự nghiệp”
Qua quãng đời đầy bão tố sau SEA Games 23, cựu tiền vệ Quốc Vượng đã trải lòng như thế với PV bên cạnh kho hàng Công ty du lịch Văn Minh, nơi anh đang làm việc tại TP Vinh (Nghệ An)…
Quốc Vượng trong ca trực của mình ở Công ty du lịch Văn Minh
Đêm 20-12-2005, đêm đầu tiên Quốc Vượng bước chân vô trại giam T14 của Bộ Công an ở Hà Đông. Ba ngày trước, khi bị cơ quan công an triệu tập ra Hà Nội lấy lời khai, Quốc Vượng chưa hề nghĩ đến cảnh lao tù đến sớm thế. Vì vậy, khi nghe công an đọc lệnh bắt tạm giam, Quốc Vượng mới bắt đầu hoảng loạn. “Khi cánh cửa sắt đóng lại, tôi hóa thành một người khác, ở một thế giới khác và mọi hi vọng bỗng dưng vụt tắt” – Quốc Vượng nhớ lại.
Những đêm khóc trong tù
Đêm đó, chỉ cách thế giới bên ngoài một cánh cửa sắt nhưng Quốc Vượng thấy tù túng, bức bối, khó chịu vô cùng vì nghĩ mình đang là người tự do, là cầu thủ với đôi chân điều khiển trái bóng trên sân cỏ giữa hàng vạn ánh mắt khán giả dõi theo nhưng giờ lại ở trong bốn bức tường. “Mất hết tất cả là cảm giác rõ nhất của tôi lúc đó” – Quốc Vượng nói. Đêm đó mùa đông, Quốc Vượng đứng mãi, nhìn trân trân vào cánh cửa rồi nước mắt trào ra.
Hai đêm tiếp theo Quốc Vượng bắt đầu nằm nghĩ về tất cả. Họ đối xử với bố mẹ mình ngoài đó thế nào? Bố mẹ ra đường có xấu hổ với mọi người việc do mình gây ra không? Rồi người yêu đang nghĩ gì về mình? Tương lai của mình sẽ trôi dạt về đâu? Nghĩ như thế, Quốc Vượng lại khóc.
Nhìn người viết bằng ánh mắt hoe đỏ, anh nói: “Buồn vô hạn. Buồn vì khi làm điều đó mình không nghĩ là phạm tội. Nếu biết thì đời nào tôi để mấy chục triệu bạc hủy hoại cả sự nghiệp của mình. Nếu là người chuyên đi ăn trộm, giết người cướp của thì biết sẽ có ngày bị công an bắt, còn mình là tuyển thủ quốc gia, là người tự do chưa bao giờ làm điều phạm pháp. Không ngờ, khi công an gọi hỏi mình mới biết đã phạm tội nghiêm trọng”.
Thời gian đầu trong tù Quốc Vượng chưa nghĩ gì về bóng đá. Phải sau mấy tháng mới thấy thèm đá bóng. Thèm những lúc tung hoành trên sân cỏ, nhớ tiếng reo hò của khán giả vang bốn góc sân. Nhiều lúc Quốc Vượng ước bệ ximăng hóa thành sân cỏ, rồi chạy đi chạy lại trong bốn bức tường để tự thấy “máu đam mê trái bóng vẫn còn thấm xuống đôi chân, nhưng biết khi nào mới được trở về với trái bóng”. Quốc Vượng nói: “Càng buồn càng thật sự thấm thía tội do mình gây ra. Ao ước duy nhất của tôi lúc đó là làm sao nhanh ra khỏi tù để được chạm vào quả bóng. Sân cỏ với tôi lúc đó là một thiên đường”.
Khát vọng và nỗi đau bóng đá
Rồi khát khao của Quốc Vượng đã đến sau 30 tháng 14 ngày trong trại giam số 6 Bộ Công an thuộc huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Năm đó (2008) Quốc Vượng mới 25 tuổi. Cởi phăng áo tù mặc chiếc áo sơmi màu trắng, bước chân ra khỏi phòng giam đến bàn làm thủ tục xuất trại, Quốc Vượng đã “ngửi được mùi tự do”. Đầu óc nhẹ nhõm, thanh thản vì “đã trả hết nợ lỗi lầm”.
Khát vọng lớn nhất hiện lên trong đầu trên đường về nhà là được đá bóng trở lại. Tháng 8 ra tù thì tháng 10 anh được đội bóng Thể Công Viettel gọi ra tập trung để chuẩn bị cho V-League 2010-2011. Nhớ lại quãng thời gian này, Quốc Vượng lại buồn bởi cảm giác bóng không thể nào bằng lúc trước mặc dù nhiệt huyết, đam mê lớn hơn trước nhiều. Anh nôn nóng được thể hiện nên muốn lấy lại thể lực thật nhanh. Cũng vì tập căng quá nên Quốc Vượng bị đứt dây chằng cổ chân. Cả mùa giải năm đó, Quốc Vượng không đá được một trận nào vì hết mổ rồi dưỡng thương.
Đã buồn, Quốc Vượng lại buồn hơn khi Thể Công Viettel giải thể, anh về đội bóng Xuân Thành Hà Tĩnh rồi ra đội bóng Thanh Hóa – một chặng thời gian đầy bất trắc lại đến “khiến cảm giác bóng của tôi còn tệ hơn khi mới ra khỏi trại”. Năm 2012, sự nghiệp bóng đá của tiền vệ có tiếng này thật sự chấm dứt từ đội bóng Thanh Hóa.
Quốc Vượng nói trong nỗi đau: “Những năm đó, một cầu thủ chuyên nghiệp như tôi muốn ra sân cống hiến một trận cũng không được. Biết vận đen đến nhưng ngẫm lại thấy tất cả chỉ vì lỗi lầm của mình nên phải vào tù. Được cái thời gian ở trong tù bản thân mình cũng sửa sai được nhiều nhược điểm. Những điều trước đây mình chỉ nghĩ nôm na giờ mới thấy thấm thía. Giờ mới biết quý trọng những hạnh phúc tưởng như bình thường như quý mỗi bước chân tự do rong ruổi trên đường”.
Đời thường và lời nhắn gửi
Chiều 23-7, sau khi rời kho hàng tại bến xe Văn Minh, Quốc Vượng ra sân cỏ nhân tạo với công việc của một phó ban tổ chức của đội bóng Văn Minh chuẩn bị giải đấu phong trào thường niên của TP Vinh.
Lúc rỗi ngồi bên sân cỏ, Quốc Vượng lại trò chuyện về công việc, về mái ấm gia đình của mình: “Tôi được nhận vào đây chuyên việc bốc dỡ hàng trong hầm xe ra cho khách và ngược lại. Ngày làm ba ca, ca chiều tôi làm từ 11g đến 23g. Xe đi là tôi về với vợ con. Mỗi tháng nhận lương 5-6 triệu đồng là đủ sống rồi, ngày xưa thì không biết tiêu bao nhiêu cho đủ. Sau khi mua được căn nhà cấp bốn và cưới vợ, sinh con, tôi nói với vợ: trong cái rủi còn có cái may, giờ thì nuối tiếc cũng qua rồi, không ai có thể sống được bằng quá khứ nên công việc bốc vác hàng hóa cho khách cũng là một hạnh phúc”.
Quốc Vượng không giấu giiếm, từ ngày rời khỏi đội bóng Thanh Hóa, cuộc sống của anh rất khó khăn. Nhận ra sự khó khăn ấy là do mình ham chơi, chưa biết tích lũy và cứ nghĩ kiếm tiền là dễ. Chỉ khi vấp phải sự khó khăn thì mới thấm những giọt mồ hôi mình đổ ra hôm nay.
Liên tưởng đến vụ cá độ mới đây khiến sáu cầu thủ đội bóng Đồng Nai bị bắt khẩn cấp, Quốc Vượng lặng đi một lát. Hình như anh đang nhớ lại cảnh tù đày đến với mình cách đây chưa đầy mười mùa bóng. Anh nói: “Tôi là cái “gương” quá lớn, vì sao sau tôi vẫn xảy ra chuyện cá độ từ đội bóng V.Ninh Bình đến Đồng Nai. Thay đổi được bây giờ để được 10-20 năm về sau. Trách nhiệm lớn nhất phải kể đến người cầm trịch của bóng đá VN. Nghĩa là LĐBĐ VN phải nhìn vào hệ thống đào tạo trẻ từ U-10, U-11. Phải hình thành ý thức chuyên nghiệp, đạo đức cho lớp cầu thủ từ khi mới biết chạy trên sân cỏ. Liên đoàn phải có trách nhiệm với các CLB chứ không chỉ thiên về đào tạo tài năng”.
Riêng với các cầu thủ đang thi đấu, Quốc Vượng nói: “Tiền không biết mấy cho đủ. Tiền nhiều hay ít là tùy thuộc vào quan niệm của mình về nó. Nhưng tiền không phải là quan trọng nhất. Trong tình yêu bóng đá phải xem tiền là thứ yếu. Sống đam mê với trái bóng và được cống hiến là điều quan trọng nhất của cuộc đời cầu thủ. Tuổi 20, 23 là tuổi đẹp nhất của sự nghiệp một cầu thủ, đừng để đồng tiền và tù tội chôn vùi nó”.
Theo VNE
Vì sao cầu thủ bán độ?
Câu hỏi này nhiều người đã đặt ra cách đây 9 năm khi lứa cầu thủ Văn Quyến, Quốc Vượng... "bán" một trận đấu ở SEA Games với giá 120 triệu đồng. Đó là cái giá quá bèo, khi mà trước đó rất lâu, Văn Quyến còn được thưởng cả chiếc xe Toyota Vios. Bây giờ, khi mà lương cầu thủ đã ở mức vài chục triệu đồng, mỗi năm thu nhập cả tỉ bạc, mà các cầu thủ vẫn bán. Vì sao?
Long Giang và Hữu Phát trong màu áo CLB Đồng Nai.
Bất chấp để... bán
Một trang web chuyên về thể thao đưa ra câu hỏi: "Theo bạn, cầu thủ bán độ là do đâu?". Kết quả là 57% chọn phương án "Bản thân cầu thủ bất chấp vì ham tiền", 35,5% chọn "Do kiểu làm chộp giật của bóng đá Việt Nam". Rất ít người tin rằng những cầu thủ bán độ là do lương cầu thủ thấp, cá độ mới đủ sống, hay hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn.
Ngay sau khi vụ các cầu thủ Đồng Nai hé lộ thì nhiều trang mạng đã nhanh chóng "cập nhật" gia cảnh một số cầu thủ bị cơ quan công an "sờ gáy". Điển hình như Nguyễn Thành Long Giang - cầu thủ trưởng thành từ giải U.21,
Vì sao cầu thủ bán độ?
từng 3 lần khoác áo U.23 dự SEA Games - là con một trong gia đình làm kinh doanh, nên cơ ngơi mà bố mẹ để lại cho Giang khá hoành tráng. Chưa kể, cầu thủ gốc Tiền Giang này từng có một hợp đồng chuyển nhượng lên tới 5 tỉ đồng với Navibank Sài Gòn.
Hay như Hữu Phát - cầu thủ được cho là chủ mưu trong vụ bán độ - thì chuẩn bị mở một quán karaoke 9 tầng trên lô đất 200 m2 ở Đồng Nai.
Những trường hợp này khiến người ta nhớ lại những "ông trùm" trong vụ 9 cầu thủ V.Ninh Bình bán độ cách đây chưa đầy 3 tháng, đều là những "đại gia": Trần Mạnh Dũng - người vừa kỷ niệm 1 năm ghi bàn vào lưới Arsenal, trong trại tạm giam - từng có hợp đồng cực khủng gần chục tỉ đồng. Còn Nguyễn Mạnh Dũng - vừa là cầu thủ vừa là chủ doanh nghiệp, tài sản đáng giá triệu USD, vẫn... bán.
Điểm lai 2 vụ bán độ nổi cộm, nhiều người giật mình bởi bóng đá VN gần như mất nguyên một thế hệ cầu thủ sinh từ 1988 tới 1992 với những người từng khoác áo tuyển, U.23 và các tuyển trẻ. Đó là Trần Mạnh Dũng, Lê Quang Hùng, Chu Ngọc Anh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ của V.Ninh Bình. Đó là Long Giang, Đức Thiện, Thế Sơn, Đình Hiệp, Kiên Trung, Niệm Tiến của Đồng Nai.
Lẽ ra, đó là những cầu thủ giờ đang ở độ chín của sự nghiệp, nhưng thay vì khoác áo đội tuyển QG, họ chọn con đường bán độ để khoác đồng phục của... trại giam.
Bầu Đức đã đúng khi cách ly U.19 khỏi môi trường V.League
Trao đổi với Lao Động, Chủ tịch CLB SLNA, ông Nguyễn Hồng Thanh nói: "Đừng tưởng chỉ có những người ít hiểu biết mới tham gia cá độ. Sinh viên, trí thức bây giờ cũng lao vào cờ bạc, cá độ bóng đá rất nhiều. Tôi cho rằng, một bộ phận cầu thủ cũng có máu đỏ đen, thích cá độ. Để giải quyết, phải là những giải pháp toàn diện: Xã hội lành mạnh, cầu thủ phải được sống trong môi trường, gia đình lành mạnh và quan trọng là, trong quá trình đào tạo trẻ phải xác định cho họ là việc tham gia cá độ là tuyệt đối cấm, nếu cố tình tham gia sẽ phải trả giá cực đắt. Với SLNA, ngoài việc trang bị kiến thức, dạy dỗ đạo đức cho cầu thủ, thì những nhà quản lý như chúng tôi cũng phải có thái độ rõ ràng: Cần lập tức loại cầu thủ có biểu hiện tham gia cá độ, bất kể cầu thủ đó có giỏi đến mức nào".
Bóng đá là môi trường đầy cám dỗ và dường như trong quá trình đào tạo cầu thủ, các CLB mới chỉ hướng dẫn các cầu thủ nhận đúng chứ chưa dạy họ cách "từ chối đúng".
Chỉ bầu Đức của HAGL mới mang lại những bài học "nhận đúng". Đó là khi U.19 VN (nòng cốt là HAGL-Arsenal JMG) thi đấu thành công tại giải Đông Nam Á 2013, VFF quyết định thưởng một khoản tiền lớn cho đội. Tuy nhiên, bầu Đức đã cấm các cầu thủ nhận tiền. Bầu Đức nói: "Tôi hiểu rất rõ gia đình của nhiều cầu thủ nhí ở quê nghèo lắm, mình có nhiều cách giúp đỡ cho gia đình bọn nhỏ, đâu nhất thiết phải thưởng nóng, thưởng nguội. Tôi cấm cầu thủ tuyệt đối đụng đến tiền, không đá banh vì tiền, mà phải vì màu cờ sắc áo, vì trách nhiệm".
Bầu Đức đã bảo vệ được các cầu thủ của mình, ít nhất dạy họ cách từ chối đồng tiền để sau này miễn nhiễm với những cám dỗ ở V.League. Đó cũng là lý do bầu Đức kiêm quyết cách ly U.19 ra khỏi V.League và đưa đội này đi tập huấn ở nước ngoài.
Hai vụ cá độ, hơn 10 cầu thủ trẻ từng khoác áo các đội tuyển đối mặt với nguy cơ bị cấm thi đấu vĩnh viễn, trong đó hầu hết là những cầu thủ được cho là ngoan, hiền.
Trong chuyện này, đâu phải những nhà quản lý, những ông bầu ở các CLB vô can?
Bắt khẩn cấp 6 cầu thủ Đồng Nai
Chiều 22.7, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) - cho biết: Cơ quan CA đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 6 cầu thủ Đồng Nai do liên quan đến bán độ, dàn xếp tỉ số.
6 cầu thủ Đồng Nai bị tạm giữ hình sự lần này gồm: Nguyễn Đức Thiện, Phạm Hữu Phát, Nguyễn Thành Long Giang, Đinh Kiên Trung, Phan Lưu Thế Sơn và Hà Niệm Tiến. Cơ quan cảnh sát điều tra đang khẩn trương làm rõ các hành vi của những cầu thủ này cũng như 4 đối tượng tham gia tổ chức môi giới, cá độ bóng đá để sớm truy tố những đối tượng này ra trước pháp luật.
Hiện cơ quan công an cũng đã bước đầu làm rõ phương thức bán độ của 6 cầu thủ Đồng Nai với 4 đối tượng tổ chức, môi giới đánh bạc. Trước mỗi trận đấu, cầu thủ Phạm Hữu Phát (đội trưởng CLB Đồng Nai - là người cầm đầu nhóm cầu thủ bán độ, dàn xếp tỉ số) nhận "nhiệm vụ" từ nhóm của Thuận - đối tượng thường tổ chức cá độ bóng đá - cho nhiều cầu thủ trong CLB bóng đá Đồng Nai tham gia. Theo đó, nhóm cầu thủ này sẽ tổ chức dàn xếp tỉ số trận có đội Đồng Nai thi đấu, có trận các đối tượng bán độ với giá 800 triệu đồng
Theo VNE
Quốc Vượng lý giải chuyện cầu thủ Việt bất chấp để bán độ 'Họ ngang nhiên nói về cờ bạc, chơi cờ bạc, cá độ bóng đá bởi nhận thấy việc này rất bình thường trong xã hội', cựu tiền vệ nói. Cách đây 9 năm, lứa cầu thủ U23 tài năng của bóng đá Việt Nam do Quốc Vượng cầm đầu đã dính tiêu cực SEA Games 2005. Bản thân Quốc Vượng phải nhận án...