Quốc hội với dấu ấn đổi mới và những quyết sách chưa có tiền lệ
Năm 2021- năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã khép lại với dấu ấn là sự đổi mới mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Ấn tượng nhất trong năm đầu của Quốc hội nhiệm kỳ mới là những đổi mới quyết liệt và nhiều quyết sách chưa có tiền lệ, khắc họa đậm nét hình ảnh Quốc hội năng động, đổi mới, hành động quyết liệt vì dân.
Năng động, đổi mới
Tuyên thệ trước Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định “… tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân…”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức (Ảnh: Quốc Chính).
Vấn đề “đổi mới” đã được người đứng đầu Quốc hội liên tục nhắc tới trong các phát biểu trước Quốc hội, là sự khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong nhiệm kỳ khóa XV. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, 75 năm qua Quốc hội luôn đồng hành cùng dân tộc, giai đoạn nào, điều kiện nào cũng hoàn thành trọng trách của mình, nhất là những khóa gần đây, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng được nâng lên. Điều này đặt ra cho Quốc hội khóa XV những áp lực về đổi mới, tinh thần là phải tiếp tục tiến lên.
Tinh thần đổi mới đã thể hiện rất rõ nét tại ngay tại Kỳ họp thứ nhất, đặt nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội khóa mới.
Trước diễn biến rất nhanh và nguy hiểm của đại dịch COVID-19, Quốc hội đã quyết định rút ngắn 3 ngày làm việc so với chương trình đã được thông qua, 8 ngày so với dự kiến ban đầu, dù khối lượng công việc không giảm. Các đại biểu Quốc hội đã làm việc cả ngày chủ nhật và ngoài giờ để bảo đảm việc rút ngắn chương trình nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc của Quốc hội, nêu cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân. Trao đổi bên lề phiên họp, nhiều đại biểu đánh giá đây là một cách giải quyết tình huống rất nhạy bén của lãnh đạo Quốc hội để các đồng chí lãnh đạo Trung ương và các địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Kỳ họp thứ 2 được tổ chức thành hai đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung và là kỳ họp được chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. Tại kỳ họp này, Quốc hội chia làm 72 tổ, trong đó có 10 tổ ở Nhà Quốc hội, 62 tổ ở 62 tỉnh, thành phố – trừ Hà Nội họp tại Nhà Quốc hội. Khi thảo luận tổ ở địa phương, đại diện các sở, ngành có thể tham dự và cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội.
Video đang HOT
Trong đợt họp trực tiếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh được họp theo hình thức trực tuyến. Đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ (họp tập trung nhưng vẫn có một Đoàn họp trực tuyến), cho thấy sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đồng thời, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các vị đại biểu Quốc hội, góp phần vào thành công chung của Kỳ họp. Nhờ vậy, hoạt động thảo luận tại tổ và hội trường có số lượng ý kiến phát biểu lớn nhất từ trước tới nay: đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 08 phiên thảo luận tổ và 498 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể tại hội trường.
Việc đổi mới phương thức hoạt động thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được thực hiện quyết liệt, chủ động, tích cực ngay trong những kỳ họp đầu của nhiệm kỳ. Điểm nổi bật trong năm 2021 là triển khai hệ thống họp trực tuyến eMeeting để đảm bảo duy trì thường xuyên các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; tổ chức các phiên họp trực tuyến của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội với các quốc gia, các tổ chức quốc tế mà Quốc hội Việt Nam là thành viên và các cuộc họp toàn thể của các Ủy ban của Quốc hội; triển khai hệ thống truyền hình phục vụ các hội nghị trực tuyến… Để hỗ trợ, tăng hiệu quả cho cho các phiên họp diễn ra trực tuyến, Quốc hội đã đồng ý cho áp dụng hệ thống biểu quyết trực tuyến bằng hệ thống điện tử được cài đặt trên Ipad của đại biểu.
Sự mạnh dạn áp dụng công nghệ để đổi mới này không chỉ là sự thích ứng linh hoạt trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp mà có là những bước đi để cụ thể hóa việc xây dựng Quốc hội điện tử.
Chuẩn bị từ sớm, từ xa
Dù mới trải qua hai kỳ họp của nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội khóa mới đã để lại dấu ấn trên nhiều phương diện. Đáng chú ý là việc hoàn thành chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội về triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp 107 nội dung đề án trên các lĩnh vực: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đổi mới phương thức hoạt động trong 5 năm tới, thể hiện rõ tinh thần “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm” của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV. Điểm mới và nổi bật trong Chương trình hành động đó là thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, đề cao tính kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời yêu cầu tính đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững, được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cho cả giai đoạn 10 năm 2021 – 2030. Trên cơ sở đề xuất của Đảng đoàn Quốc hội, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19/KL-TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đây là cơ sở hết sức quan trọng để Quốc hội và các cơ quan chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật.
Có thể thấy, các dự án luật ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Quốc hội khóa XV đã có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Để chuẩn bị cho các dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, vào trung tuần tháng 8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch đã dành trọn một ngày làm việc với Thường trực của một số Ủy ban của Quốc hội về việc triển khai thẩm tra các dự án luật này. Đây là các dự án luật “mở hàng” cho việc thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2. Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Quốc hội đã đưa ra các định hướng lớn nhằm chuẩn bị kỹ hơn cho công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng luật có “tuổi thọ” ngắn, phải sửa đổi liên tục và bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Trong kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XV đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề. Kết thúc kỳ họp, nhiều đại biểu đánh giá đây là kỳ họp lịch sử khi ngay tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã có tầm nhìn dài hạn, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho cả nhiệm kỳ. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua 2 luật, 12 nghị quyết, cho ý kiến 5 dự án luật và quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, năm 2021, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên được tổ chức nhằm tạo sự thống nhất, chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát và hậu giám sát.
Những quyết sách chưa có tiền lệ
Ngay tại Kỳ họp thứ nhất, khi dịch COVID-19 đang diễn biết rất phức tạp, Quốc hội đã chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chương trình thảo luận và bổ sung vào nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ sau hai ngày khi các đại biểu đề xuất, các cơ quan của Quốc hội đã rất quyết liệt và khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua. Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết chung của kỳ họp (Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội) trong đó Quốc hội đồng ý trao một số quyền cho Thường vụ Quốc hội, căn cứ vào từng nhiệm vụ cụ thể sẽ cho phép Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết nhanh những vấn đề có thể chưa có quy định của luật, nhưng cần thiết để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân. Đây là điều chưa từng có trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam, thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Trong thời gian Quốc hội không họp nhưng với tinh thần khẩn trương, đồng hành cùng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức một số phiên họp bất thường để kịp thời ban hành hàng loạt các quyết sách đặc biệt với một số nội dung mang tính lịch sử, lần đầu tiên được áp dụng, góp phần hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19.
Đó là Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 với khoản hỗ trợ khoảng 38.000 tỷ đồng thông qua phát tiền mặt trực tiếp cho người lao động là quyết sách lịch sử lần đầu tiên được quyết định, nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 về bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những phiên họp khẩn, những nghị quyết chưa có tiền lệ là những hành động quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết ngay những yêu cầu cấp bách của cuộc sống. Điều này đã khắc họa đậm nét tinh thần đổi mới của một Quốc hội hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.
Và đặc biệt, ngay những ngày đầu tháng 1/2022, Quốc hội sẽ họp kỳ bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chủ động giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến nhất trí thông qua 4 nội dung cơ bản để trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong đó có dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Những đổi mới ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với những hành động quyết liệt, mạnh mẽ đã để lại dấu ấn sâu đậm, khắc họa một Quốc hội năng động, hành động quyết liệt vì dân.
Hải Phòng ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19
Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống COVID-19 được thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm, triển khai tuyên truyền trên mạng Internet qua các hệ thống Cổng thông tin điện tử; kênh thông tin chính quyền điện tử trên Zalo, Fanpage Facebook.
Qua đó, giúp cho thông tin về phòng, chống dịch được cập nhật kịp thời, tiếp cận đông đảo người theo dõi.
Khai báo y tế bằng quét mã QR-CODE tiết kiệm được nhiều thời gian của các lực lượng cũng như của người dân. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Lương Hải Âu cho biết, ứng dụng công nghệ truyền thanh kỹ thuật số phục vụ tốt cho công tác thông tin về phòng, chống dịch tại các tuyến cơ sở. Hiện thành phố có 12/217 xã, phường, thị trấn đã đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở theo công nghệ truyền thanh số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) chuyển từ văn bản thành giọng nói và phát thanh (trong đó huyện Thủy Nguyên có 1 xã, quận Lê Chân có 4 phường, quận Hồng Bàng có 6 phường, huyện Tiên Lãng có 1 xã). Hải Phòng đang tiếp tục triển khai hệ thống truyền thanh số cho 15 xã, phường, nâng lên thành 27/217 xã, phường, thị trấn trong năm 2022.
Cùng đó, Hải Phòng tổ chức nhắn tin những thông tin cấp thiết, cần thông báo rộng rãi qua mạng viễn thông, Zalo tới các thuê bao trên địa bàn thành phố. Hải Phòng duy trì hoạt động hệ thống hội nghị trực tuyến thành phố kết nối với Chính phủ, 100% quận, huyện và các xã, phường, thị trấn trực thuộc. Từ đầu năm 2021 đến 31/12/2021, đã tổ chức họp 230 phiên họp trực tuyến, phần lớn phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống COVID-19. Các sở, ngành địa phương thường xuyên ứng dụng các hệ thống công nghệ phục vụ làm việc, dạy học trực tuyến (MS Team, Zoom, Nhóm chat trên Zalo, Viber...).
Hệ thống một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến thành phố Hải Phòng được triển khai tập trung, thống nhất cho 35/35 sở, ban, ngành, quận, huyện, 217/217 xã, phường, thị trấn. Hệ thống cung cấp 871 dịch vụ công trực tuyến, gồm 641 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 230 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Trong năm 2021, có 899.978 hồ sơ được tiếp nhận, 782.243 hồ sơ đã giải quyết, 752.349 hồ sơ đã có kết quả cho công dân. Hiện hệ thống đang kết nối cổng thông tin Bưu điện hỗ trợ người dân đăng ký sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; triển khai thanh toán điện tử trả phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính; triển khai thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực của khẩu cảng biển Hải Phòng qua hình thức thanh toán trực tuyến
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã triển khai rộng rãi việc quản lý ra, vào bằng mã QR-code phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tính đến ngày 30/12/2021, trên địa bàn thành phố có 807.060 máy điện thoại cài ứng dụng PC-COVID, 59.885 điểm áp dụng giám sát bằng QR-code và có 4.231.015 triệu lượt quét (trung bình hàng ngày hơn 50.000 lượt quét). Ngoài ra, triển khai Hệ thống kiểm soát y tế điện tử QR-Code phục vụ hoạt động của các chốt kiểm soát ra vào đường bộ của thành phố để chủ động phòng, chống dịch.
Hải Phòng còn quản lý, vận hành tốt hệ thống bản đồ COVID cập nhật thường xuyên thông tin dịch bệnh trên địa bàn thành phố tại địa chỉ covidmaps.haiphong.gov.vn; kết nối, cập nhật thông tin trên Hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng quốc gia. Tính đến ngày 30/12/2021, tại Hải Phòng, tổng số mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 là 3.226.581, cập nhật trên nền tảng 2.763.940 mũi, đạt hơn 85,6%.
Từ ngày 20/12, thành phố đưa vào vận hành hệ thống Tổng đài tư vấn điều trị F0 sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, số tổng đài là 0904079888. Đến ngày 30/12 đã tiếp nhận và hỗ trợ gần 1000 lượt gọi vào của người dân, thực hiện gần 3800 cuộc gọi ra sử dụng AI để thông báo số tổng đài, hiện đang triển khai xây dựng kịch bản gọi điện dùng AI để tư vấn, chăm sóc, tổng hợp và thống kê tình hình sức khỏe F0.
Ngoài ra, Hải Phòng đã triển khai thực hiện kết nối 167 camera tại 14/23 cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn thành phố; hỗ trợ kết nối 45 doanh nghiệp nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử và đã có 106 mã hàng sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn.
Theo ông Lương Hải Âu, bên cạnh kết quả đạt được thì việc ứng dụng công nghệ và các nền tảng phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia còn một số vướng mắc do các hệ thống vừa hoạt động vừa chỉnh sửa, hoàn thiện; tích hợp thông tin chưa kịp thời. Thêm nữa, nhân lực vận hành, khai thác các hệ thống hiện đang thiếu, tập trung chủ lực là cán bộ, nhân viên ngành y tế, vừa phải thực hiện công tác chuyên môn vừa phải cập nhật thông tin, triển khai các hệ thống công nghệ. Một số nền tảng công nghệ chưa được triển khai như quản lý xét nghiệm, quản lý cơ sở cách ly tập trung, quản lý F0 tại nhà.
Từng bước khắc phục bất cập này, trong thời gian tới thành phố Hải Phòng tiếp tục tăng cường việc tuyên truyền, hướng dẫn triển khai ứng dụng PC-COVID phục vụ công tác phòng, chống dịch; tăng cường các dịch vụ công trực tuyến, bưu chính công ích, tránh tiếp xúc gần và giảm việc lây mắc COVID-19; phối hợp triển khai đồng bộ các nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 như quản lý F0 tại nhà, tiêm chủng, truy vết, xét nghiệm...
Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong quản lý thị trường bảo hiểm Chiều ngày 31/12, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đề nghị đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào quản lý thị trường bảo...