Quốc hội Peru bác đề xuất về cải tổ Hiến pháp
Ngày 16/12, Quốc hội Peru đã bác đề xuất của tân Tổng thống Dina Boluarte về việc cải tổ Hiến pháp nhằm mở đường cho việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm vào năm 2023, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này sau khi Tổng thống Pedro Castillo bị phế truất vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tân Tổng thống Peru Dina Boluarte (giữa) chụp ảnh chung với các thành viên nội các mới tại Lima ngày 10/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, với 49 phiếu thuận, 33 phiếu chống và 25 phiếu trắng, phiên họp toàn thể của cơ quan lập pháp Peru đã không đạt đủ số phiếu cần thiết theo luật định để thực hiện việc cải tổ Hiến pháp. Theo quy định, để có thể được thông qua thì đề xuất này phải nhận được ít nhất 66 phiếu thuận và vượt qua được một cuộc trưng cầu ý dân hoặc phải nhận được 87 phiếu thuận trong hai vòng bỏ phiếu liên tiếp.
Một số nghị sĩ cho biết đã bỏ phiếu phản đối đề xuất của tân Tổng thống là bởi các nghị sĩ thuộc các đảng cánh tả ủng hộ ông Castillo muốn đưa vào văn kiện này điều khoản thành lập một Quốc hội lập hiến bên cạnh việc kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm.
Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị – xã hội nghiêm trọng khi cựu Tổng thống Castillo bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Tuy nhiên, hành động này đã bị Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và các nghị sĩ quốc hội phản đối mạnh mẽ, coi đây là động thái “đảo chính”. Quốc hội Peru ngay lập tức đã bỏ phiếu phế truất nhà lãnh đạo này. Phó Tổng thống Peru Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời sau khi ông Castillo bị cảnh sát bắt giữ.Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của tân Tổng thống Boluarte vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương bất chấp việc lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia đã được ban bố và lực lượng vũ trang đã được giao quyền kiểm soát an ninh trật tự. Theo thống kê chính thức, cho đến nay đã có 16 người thiệt mạng và hơn 340 người bị thương (một nửa trong đó là cảnh sát) trong các vụ bạo lực ở Peru.
Chính phủ Peru trình Quốc hội dự luật sửa đổi Hiến pháp
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 25/4, Chính phủ Peru đã trình Quốc hội nước này dự luật sửa đổi Hiến pháp.
Cảnh sát được triển khai để giải tán đám đông biểu tình tại Lima, Peru ngày 4/4/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong văn kiện chính thức gửi tới Chủ tịch Quốc hội María del Carmen Alva, Tổng thống Pedro Castillo và Thủ tướng Aníbal Torres đề nghị Quốc hội tiến hành tranh luận và thông qua dự luật, trước khi tiến hành cuộc trưng cầu ý dân. Chính phủ Peru nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cải cách Hiến pháp và đề nghị Quốc hội ưu tiên xem xét vấn đề này.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Peru (IEP) cùng ngày công bố kết quả cuộc khảo sát cho thấy 68% người dân Peru ủng hộ việc thúc đẩy cuộc tổng tuyển cử (bầu cử tổng thống và quốc hội mới) như giải pháp giúp sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị mà đất nước đang đối mặt.
Thông qua mạng xã hội Twitter, IEP cho biết chỉ có 31% trong số hơn 1.200 người tham gia cuộc khảo sát tiến hành từ ngày 18 đến 21/4, bày tỏ không đồng ý với ý tưởng thúc đẩy bầu cử, trong khi 1% không có ý kiến gì.
Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng khi các cơ quan hành pháp và lập pháp đối đầu gay gắt. Quốc hội đã hai lần cố gắng luận tội Tổng thống Pedro Castillo kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 7 năm ngoái với lý do thiếu tư cách đạo đức. Trong khi đó, mức độ bất bình của công chúng trước cách thức quản lý của Tổng thống Castillo và Quốc hội cũng tăng cao, với hơn 75% người được hỏi không tán thành với cả Tổng thống và Quốc hội trong các cuộc thăm dò gần đây.
Quốc hội Peru kêu gọi Tổng thống Pedro Castillo từ chức Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 8/4, Quốc hội Peru đã thông qua một đề xuất không mang tính bắt buộc về việc kêu gọi Tổng thống Pedro Castillo tự nguyện từ chức trong bối cảnh tình hình xã hội quốc gia Nam Mỹ này đang diễn biến căng thẳng với sự bùng nổ của các cuộc biểu tình phản đối...