Quốc hội Mỹ “nổi điên” vì đồng phục “Made in China”
Đồng phục cho các vận động viên Olympic Mỹ có màu sắc đại diện cho nước Mỹ (đỏ, trắng và xanh) nhưng lại được sản xuất ở Trung Quốc. Điều này đang khiến các thành viên của Quốc hội tức giận.
Hôm 12/7, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã rất không đồng tình với quyết định của Ủy ban Olympic Hoa Kỳ (USOC) khi cho đội tuyển Mỹ đội mũ nồi, mặc áo khoác và quần do Trung Quốc sản xuất trong khi ngành dệt may của Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, nhiều công nhân không có việc làm.
Một đại diện của phe đa số, nghị sỹ Harry Reid (đảng Dân chủ) đã phát biểu: “Tôi rất lấy làm khó chịu. Tôi nghĩ Ủy ban Olympic nên cảm thấy xấu hổ về việc làm này. Tôi nghĩ họ nên gom tất cả các bộ đồng phục thành một đống, đốt đi và sau đó bắt đầu làm lại”.
Video đang HOT
Đồng phục của vận động viên Olympic Mỹ
Lãnh đạo phe Dân Chủ Nancy Pelosi cho biết tại cuộc họp báo hàng tuần rằng bà cảm thấy tự hào về các vận động viên Olympic quốc gia, nhưng “họ nên được mặc đồng phục được làm tại Mỹ”.
Trong khi đó, Ủy ban Olympic Mỹ tuyên bố bảo vệ sự lựa chọn của nhà thiết kế Ralph Lauren về đồng phục tại sự kiện thể thao tại London bắt đầu vào cuối tháng này.
Người phát ngôn của USOC, Patrick Sandusky tuyên bố: “Không giống như hầu hết các đội tuyển Olympic trên toàn thế giới, đội Olympic Hoa Kỳ được tài trợ bởi các tổ chức cá nhân và chúng tôi biết ơn sự hỗ trợ của các nhà tài trợ. Chúng tôi tự hào về mối quan hệ hợp tác với Ralph Lauren, một công ty mang tính biểu tượng của Mỹ, và đang trông đợi vào sự thể hiện tốt nhất của các vận động viên Mỹ tại Olympic sắp tới ở London”.
Ralph Lauren cũng sẽ là công ty lo trang phục cho các đội tuyển Olympic và Paralympic trong lễ bế mạc và cung cấp quần áo thường ngày để mặc quanh làng Olympic.
Trên Twitter, Sandusky đã gọi sự phẫn nộ về đồng phục được sản xuất Trung Quốc là vô lý: “Các nhà thiết kế đã tài trợ cho đội tuyển của chúng ta. Một công ty Mỹ hỗ trợ các vận động viên Mỹ”.
Ralph Lauren từ chối bình luận về những lời chỉ trích.
Tuy nhiên, những tuyên bố của USOC vẫn không làm nguôi được cơn giận dữ của các nhà lập pháp. Nghị sỹ Steve Israel cho biết: “Đây không chỉ là vấn đề về nhãn hiệu mà đó là một vấn đề về kinh tế”. Israel thúc giục USOC thay đổi quyết định này và đảm bảo các vận động viên Mỹ được mặc đồng phục sản xuất tại Mỹ.
Thượng nghị sĩ Sherrod Brown và Kirsten Gillibrand, DN.Y, đã giử thư cho Lawrence Probst III, Chủ tịch của USOC, phàn nàn về sự việc đồng phục Olympic được làm tại Trung Quốc này. Brown cho rằng USOC nên tìm một nhà sản xuất có cơ sở tại Hoa Kỳ, như nhà máy Hugo Boss ở Cleveland. Còn Gillibrand thì cho biết: “Không có lý do nào có thể giải thích được việc tất cả các đồng phục lại không được làm ở đây, trên đất Mỹ với cùng một mức giá và có chất lượng tốt hơn”.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, D-Vt., thì nói rằng trong khi có hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp, thì không có lý do gì để các đồng phục cho đội tuyển Olympic Mỹ không được sản xuất tại Mỹ. Hành động này của Ủy ban Olympic Hoa Kỳ là biểu tượng của 1 thảm họa chính sách thương mại làm mất đi hàng triệu công ăn việc làm có thu nhập khá cho người dân và cần phải được thay đổi”.
Nick Symmonds, vận động viên Olympic, người sẽ tham gia vào nội dung chạy 800m tại London, đã viết trên Twitter: “Trang phục của Ralph Lauren cho lễ khai mạc Olympic được làm tại Trung Quốc. Vì vậy, um, cảm ơn Trung Quốc”.
Đây cũng không phải lần đầu tiên chủ nghĩa yêu nước được thảo luận cùng với đề tài đồng phục cho Olympic tại Mỹ. Tại thế vận hội Mùa đông Salt Lake 2002, các vận động viên Mỹ cũng đội mũ nồi được sản xuất bởi Roots, một công ty Canada trong lễ khai mạc. USOC và Ủy ban Olympic Quốc tế cũng bị chỉ trích vì đã nhận sự tài trợ từ BP sau sự cố tràn dầu gây chết người ở Vịnh Mexico.