Quốc hội không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng
Chiều 14/6, sau 20 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự đã đề ra. Kỳ họp tiếp tục ghi dấu sự đổi mới mạnh mẽ, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Trách nhiệm trước nhân dân
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2019 – năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đã thành thông lệ, trong chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Kỳ họp thứ 7 tập trung dành 60% tổng thời gian làm việc cho công tác xây dựng pháp luật, một chức năng quan trọng, cơ bản của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.
Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 7 luật để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, giữ vững quốc phòng, an ninh. Quốc hội đã cho ý kiến về 9 dự án luật khác, làm cơ sở để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.
Kỳ họp thứ 7 tập trung dành 60% tổng thời gian làm việc cho công tác xây dựng pháp luật. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Lập pháp là một trong những chức năng quan trọng cơ bản của Quốc hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực hiện chức năng đặc biệt này, trong nhiều kỳ họp gần đây, công tác xây dựng pháp luật ngày càng được thực hiện bài bản, rất nhiều luật có ý nghĩa, vai trò quan trọng đã được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý để đất nước phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.
Các dự án luật được xem xét, thông qua tại Kỳ họp đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Nhiều dự án luật quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống xã hội đã được bàn thảo kỹ lưỡng trước khi thông qua như Luật Giáo dục (sửa đổi). Đây là dự Luật thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước bởi sự tác động trực tiếp của các quy định tới những gia đình có con em đang đi học. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội thảo luận trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như xã hội đặc biệt quan tâm là chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Luật quy định: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định; quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông…
Tại Kỳ họp thứ 7, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tiếp tục được các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng, với tinh thần trách nhiệm rất cao. Trước khi thông qua toàn bộ dự thảo luật, đại biểu Quốc hội đã thông qua quy định “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” với 77,27% đại biểu tán thành. Như vậy, khi Luật này có hiệu lực ngày 1/1/2020, người đã uống rượu, bia sẽ không được lái xe. Đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các đại biểu đồng thuận sau khi cân nhắc rất kỹ lưỡng bởi cách đây không lâu, khi được đưa ra lấy ý kiến điều khoản này chỉ có 44,21% đại biểu đồng ý và 43,80% ý kiến không đồng ý.
Trong Kỳ họp này, Quốc hội xem xét lần đầu dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Việc sửa đổi Bộ luật nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển. Những vấn đề lớn trong dự thảo Bộ luật về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm; đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, phân tích cụ thể.
Đặc biệt, đề xuất của Chính phủ bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7 (ngày thương binh, liệt sĩ) trong dự thảo Bộ luật đã không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội. Trong phiên thảo luận chiều 12/6, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã tiếp thu và Chính phủ xin rút nội dung này ra khỏi dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Điều này thể hiện rõ nét trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trước những vấn đề liên quan mật thiết tới đời sống nhân dân, cũng như sự lắng nghe, cầu thị của Ban soạn thảo để xây dựng dự thảo Bộ luật chất lượng, khả thi.
Video đang HOT
Đi đến cùng vấn đề xã hội quan tâm
Quốc hội đã quyết định chọn chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” để tiến hành giám sát tối cao trong năm 2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội luôn là nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Đây là lĩnh vực “nhạy cảm”, đặc biệt trước những vấn đề về quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua, kết quả giám sát đã cung cấp những thông tin tổng hợp, đưa ra bức tranh tổng thể để từ đó các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng có sự điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp, qua đó nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực đất đai.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và xem xét đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội về những vấn đề nổi cộm, gây nhiều bức xúc trong thời gian qua, Quốc hội đã quyết định chọn chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” để tiến hành giám sát tối cao trong năm 2020.
Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung đặc biệt của mỗi Kỳ họp, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài hai ngày rưỡi đã giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong công tác quản lý, điều hành, giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Nối tiếp những kết quả tích cực đã được ghi nhận, Kỳ họp thứ 7 tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, nhằm tăng tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường. Phương thức “hỏi nhanh – đáp gọn” tiếp tục được áp dụng và phát huy hiệu quả, mỗi đại biểu có một phút để nêu câu hỏi chất vấn, sau năm câu hỏi chất vấn thì người được chất vấn phải trả lời ngay, thời gian mỗi lần trả lời là ba phút. Hai ngày rưỡi chất vấn đã khẳng định hiệu quả của việc tiếp tục thực hiện đổi mới một bước cách thức chất vấn, giúp tăng số đại biểu hỏi, đồng thời tránh sự trùng lặp về nội dung. Việc đổi mới cũng đặt ra đòi hỏi đối với các bộ trưởng, trưởng ngành phải nghiên cứu sâu sắc, nắm vấn đề chắc chắn để trả lời ngắn gọn, cô đọng, đi trực tiếp vào nội dung câu hỏi.
Tại các phiên chất vấn, hơn 230 lượt đại biểu đã tham gia chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn hầu hết các câu hỏi đặt ra. Mặc dù Quốc hội đã dành hai ngày rưỡi để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng vẫn còn nhiều đại biểu đặt câu hỏi mà các thành viên Chính phủ không có đủ thời gian để trả lời trực tiếp tại Hội trường. Điều này cho thấy, các vấn đề Quốc hội lựa chọn để chất vấn thực sự “ nóng”, liên quan mật thiết tới đời sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề xoay quanh 4 nội dung: An ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông vận tải; văn hóa, thể thao và du lịch. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá những nội dung được lựa chọn chất vấn xuất phát từ những vấn đề bức xúc trong đời sống để hướng tới các giải pháp giải quyết thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.
Sau hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề quan trọng, thiết thân đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước đã được giải đáp thấu đáo, được các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Nỗ lực đổi mới
Một dấu ấn trong Kỳ họp thứ 7 là việc áp dụng công nghệ tiên tiến. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại Kỳ họp này, lần đầu tiên áp dụng phần mềm hỗ trợ đại biểu Quốc hội. Với phần mềm này, đại biểu Quốc hội sẽ được cung cấp thông tin về các nội dung được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội một cách nhanh chóng, kịp thời, giảm dần việc cung cấp tài liệu giấy để các đại biểu không còn phải “ôm” cả chồng tài liệu dày cộp vào các phiên họp. Đồng thời, phần mềm này cung cấp cho đại biểu hệ thống dữ liệu thông tin phong phú, đa chiều, có thể tra cứu thuận tiện và nhanh chóng, qua đó góp phần thiết thực nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và Quốc hội.
Đổi mới này nhận được đánh giá cao từ các đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) việc áp dụng công nghệ 4.0, những tài liệu được cập nhật liên tục mang lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho các đại biểu. “Trước đây mỗi đại biểu phải ôm mấy chục kg tài liệu thì nay đã gọn nhẹ hơn nhiều bằng những phần mềm tiện ích. Việc tìm kiếm, tham khảo tài liệu cũng nhanh gọn hơn rất nhiều”, đại biểu hài lòng nhận xét.
Những kết quả tích cực, nhiều mặt của Kỳ họp thứ 7 tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, không ngừng đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Qua từng kỳ họp, hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn của đời sống. Quốc hội ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, các nghị quyết được thông qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, nơi gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước…
Quỳnh Hoa (TTXVN)
Theo Tintuc
Quốc hội có bước tiến quan trọng, hết cảnh bê chục kg tài liệu về nghiên cứu
Việc cung cấp Ipad cho đại biểu Quốc hội ngay từ đầu kỳ họp giúp tiết kiệm chi phí phát tài liệu giấy, tránh được cảnh bê hàng chục kg tài liệu về nghiên cứu.
Bên lề hàng lang Quốc hội, nhiều đại biểu chia sẻ đánh giá chung về kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, một trong các vấn đề được quan tâm nhất tại kỳ họp là các phiên chất vấn. Ở kỳ họp này, các phiên chất vấn có cải cách rõ rệt. Thay vì các các câu hỏi dài trong những kỳ họp trước đây, các phiên chất vấn vừa qua hỏi nhanh, đáp gọn, đi thẳng vào vấn đề.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV. (Ảnh: Duy Thành)
"Hầu hết các trưởng ngành giải đáp được các thắc mắc của các đại biểu. Tuy nhiên cũng có một số người vẫn trả lời loanh quanh, thiếu các thông tin chi tiết, chính xác và thiếu cam kết chắc chắn mà chỉ nói chung chung là sẽ tăng cường, đẩy mạnh, chưa làm cử tri hài lòng", đại biểu Tuấn chia sẻ.
Cũng theo vị đại biểu đoàn Hà Nội, đây là kỳ họp đầu tiên áp dụng công nghệ 4.0, trong đó có trí tuệ nhân tạo, các phần mềm tiên tiến và tất cả cho thấy hiệu quả.
Ngoài ra, ngay từ đầu kỳ họp, Quốc hội phát cho mỗi đại biểu một chiếc Ipad, trong đó có đầy đủ chương trình kỳ họp đi kèm tài liệu được cập nhật liên tục, giúp cho việc tra cứu trở nên dễ dàng, thuận tiện.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội).
"Đây là một bước tiến quan trọng thay vì phát tài liệu bằng giấy tốn kém. Các kỳ họp trước, chúng tôi phải khiêng về cả chục kg tài liệu, rất khó khăn trong việc đọc và nghiên cứu", ông chia sẻ.
Về vai trò của chủ tọa, vị đại biểu Hà Nội cho rằng, chủ tọa điều hành kỳ họp rất linh hoạt, phù hợp với các tình huống khác nhau.
"Chủ tọa đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của kỳ họp này", ông Tuấn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Tuấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) khẳng định Đoàn Chủ tịch điều hành rất tốt trong suốt kỳ họp, cho thấy sự linh động, nhạy bén, cái tâm, cái tầm trong điều hành.
"Tôi đánh giá rất cao vai trò của Chủ tịch và các Phó chủ tịch được phân công nhiệm vụ điều hành thông qua nghị quyết, các dự án luật. Một điều đổi mới là Đoàn Chủ tịch rất cương quyết, ngắt những ý kiến phát biểu quá giờ. Điều này sẽ tạo ra tiền đề tốt cho các kỳ họp tới đây", đại biểu Hòa chia sẻ.
Cũng theo ông Hoà, các đại biểu trong kỳ họp lần này ít vắng mặt hơn so với các kỳ họp trước. Nhiều đại biểu trong các kỳ họp trước rất ít hoặc không phát biểu thì trong lần này đóng góp nhiều hơn. Nhiều ý kiến góp ý vào các dự án luật, nghị quyết rất chất lượng, đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng một vấn đề mà Quốc hội cần nghiên cứu xem xét để chỉnh sửa trong các kỳ họp tới là thời gian thảo luận của các dự luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa.
"Các dự luật liên quan tới nhiều đối tượng thì thời gian thảo luận cần dài hơn như dự thảo luật về Luật lao động sửa đổi, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức, viên chức. Trong khi đó, các luật, dự thảo luật như Luật Xuất nhập cảnh, Luật dự bị động viên vốn... ít đại biểu tham gia ý kiến có thể cắt bớt thời gian", ông đề xuất.
Về các phiên chất vấn, ông Hòa cho biết điều mà ông quan tâm là lời hứa của các Bộ trưởng sau khi đăng đàn trả lời các thắc mắc của đại biểu.
"Tôi sẽ giám sát các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn để xem họ thực hiện lời hứa với cử tri, đại biểu thế nào. Liệu họ có thực hiện không, thực hiện đến chốn hay nửa vời, thực hiện tổ chức trách nhiệm như thế nào, ra làm sao. Tôi sẽ giám sát vấn đề này", đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.
Theo VTC
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV), góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về dự bị động viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ...