Quốc hội cho dùng kinh phí xử phạt về ATTP để trích khen thưởng
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, cho phép sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) để phục vụ quản lý nhà nước về vấn đề này, trong đó được trích một tỷ lệ hợp lý khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, tham gia bảo đảm ATTP.
Sáng 21.6, hơn 93% số đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020.
Nghị quyết của Quốc hội phấn đấu giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người (Ảnh: Zing)
Nói về những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP phẩm giai đoạn 2011- 2016, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến như: Sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường, thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra.
Theo ông, điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn. Công nghệ chế biến lạc hậu, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn nhiều khó khăn…
Việc thu hồi, xử lý thực phẩm không an toàn thực hiện chưa nghiêm, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng. Yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ của sản phẩm. Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về an toàn thực phẩm còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, còn có biểu hiện nể nang, né tránh, chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe…
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về ATTP, trong giai đoạn 2016 – 2020, Quốc hội giao Chính phủ tập trung thực hiện các nhiệm vụ và các giải pháp.
Cụ thể, đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về ATTP cho các nhóm đối tượng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Video đang HOT
Đến hết năm 2018, kiện toàn cơ bản xong bộ máy quản lý nhà nước về ATTP các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Ở cấp xã, phân công cán bộ theo dõi ATTP. Tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các cấp.
Phấn đấu giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không đảm bảo an toàn, tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP so với giai đoạn trước.
Bố trí đủ ngân sách cho công tác quản lý ATTP theo dự toán, cho phép sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về ATTP để phục vụ quản lý nhà nước về vấn đề này. Trong đó, được trích một tỷ lệ hợp lý khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, tham gia bảo đảm ATTP…
Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP năm trước vào kỳ họp đầu năm sau.
Theo Danviet
Vụ Công ty Thuận Phong: Nên giao cho Cơ quan điều tra Viện KSNDTC
"Trong xử lý vụ làm phân bón giả của Công ty Thuận Phong, tôi không có niềm tin vào Công an Đồng Nai. Tôi nghĩ nếu Bộ Công an không vào cuộc thì nên giao cho Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - trao đổi với Dân Việt sáng nay, 16.6.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. (Ảnh: Đàm Duy)
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều qua, 15.6, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nói rõ về hướng giải quyết vụ sản xuất phân bón giả của Công ty cổ phần sản xuất thương mại Thuận Phong (Công ty Thuận Phong). Vì sao ông vẫn muốn tranh luận lại?
"Tôi nhắc lại là tôi không chịu áp lực hay sức ép từ phía nào. Tôi cũng không được ai lobby cả. Bởi 60 triệu người nông dân chẳng ai đi lobby. Sự "lobby" duy nhất là có rất nhiều người nông dân đã gửi thư, nhắn tin qua điện thoại cho tôi để nói lời cảm ơn". ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương
- Với câu hỏi tôi đặt ra, Phó Thủ tướng trả lời chưa rõ. Câu hỏi của tôi có mấy ý quan trọng. Thứ nhất, tôi muốn trước quốc dân đồng bào, Phó Thủ tướng nói rõ quan điểm của Chính phủ trước nạn sản xuất phân bón giả nói chung và trách nhiệm của Chính phủ nói riêng.
Vấn đề thứ hai liên quan đến vụ việc của Công ty Thuận Phong. Trước đây Công an tỉnh Đồng Nai đã không khởi tố (tôi không muốn dùng từ chìm xuồng), giờ lại tiếp tục giao cho họ khôi phục điều tra đương nhiên họ sẽ có rất nhiều lý lẽ, cũng như tìm nhiều cách để bảo vệ quan điểm trước đây. Vì thế rất dễ dẫn đến vụ việc giải quyết không khách quan.
Thú thực, trong việc xử lý phân bón giả của Công ty Thuận Phong, tôi không có niềm tin vào Công an Đồng Nai. Tôi nghĩ nếu Bộ Công an không vào cuộc thì nên giao cho Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao.
Vụ việc sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói rõ là giao cho Bộ Công an chỉ đạo điều tra, sao ông vẫn thấy không yên tâm?
- Tôi không nói đến chuyện yên tâm hay không, bởi vì tôi chưa biết Bộ Công an sẽ chỉ đạo và điều tra như thế nào. Cần phải nói lại rằng, vụ việc này trước đây Bộ Công an cũng đã có chỉ đạo chứ không phải chưa chỉ đạo. Còn bây giờ, ngoài sự chỉ đạo chung của Chính phủ, cũng sẽ có thêm sự chỉ đạo cụ thể từ Bộ Công an.
Được biết ông là đại biểu Quốc hội theo đuổi vấn đề xử lý việc sản xuất phân bón giả ở Công ty Thuận Phong qua nhiều kỳ họp Quốc hội. Ông có gặp trở ngại hay áp lực gì không?
- Tôi không bị bất cứ một áp lực gì. Vấn đề ở đây, tôi nghĩ đến nền nông nghiệp nước nhà. Tôi thấy người nông dân quá vất vả, quá khổ sở, thậm chí họ đau đớn trước thiệt hại sản xuất nặng nề do phân bón giả gây ra. Vì vậy, với tư cách là ĐBQH tôi đưa vấn đề trên ra diễn đàn Quốc hội và mong Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có chỉ đạo sát sao để chống nạn phân bón giả.
Tôi nhắc lại là không chịu áp lực hay sức ép từ phía nào. Tôi cũng không được ai lobby cả. Bởi 60 triệu người nông dân chẳng ai đi lobby. Sự "lobby" duy nhất là có rất nhiều người nông dân đã gửi thư, nhắn tin qua điện thoại cho tôi để nói lời cảm ơn. Qua diễn đàn tiếp xúc cử tri, người dân cũng tỏ thái độ ủng hộ khi thấy tôi phát biểu trước Quốc hội một cách kiên quyết và và bền bỉ để bảo vệ người nông dân.
Kho của Công ty Thuận Phong khi đoàn kiểm tra vào làm việc và phát hiện hành vi đóng gói, sản xuất phân bón giả. (Ảnh tư liệu)
Vấn đề chống nạn sản xuất phân bón giả là vấn đề lớn. Tại sao ông không chia sẻ cùng các ĐBQH khác để nhiều người cùng lên tiếng, thưa ông?
- Tôi biết có nhiều ĐBQH quan tâm đến vấn đề này. Ở nhiệm kỳ Quốc hội trước, sau khi tôi phát biểu có rất nhiều ĐBQH chia sẻ với tôi, còn việc phát biểu hay không là quyền của mỗi ĐB.
Tại kỳ họp Quốc hội này khi tôi phát biểu quyết liệt xung quanh vấn đề này, có rất nhiều ĐB khi gặp tôi đã chia sẻ. Họ nói việc tôi theo đuổi là rất đúng đắn, bởi nó giúp trực tiếp cho người nông dân.
Ông sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh về vấn đề sản xuất phân bón giả, thưa ông?
- Tôi cũng đang cố gắng theo dõi vụ việc ở Công ty Thuận Phong xem nó sẽ đi đến đâu. Một kết quả cụ thể không chỉ là vấn đề với riêng với Công ty Thuận Phong mà cao hơn cả là sự răn đe, làm gương với những tổ chức, cá nhân khác, khiến họ phải chùn tay khi có ý định sản xuất phân bón giả. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước cũng phải cải thiện lại, làm sao giúp cho việc quản lý sản xuất phân bón được chặt chẽ hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
"Nhà nước phải chủ động xin lỗi người bị oan sai" "Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước văn minh, một Nhà nước văn minh phải là một Nhà nước lịch sự. Bất kỳ ai phạm lỗi với một cá nhân nào đó, họ còn xin lỗi trước" - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm...