Quốc gia đầu tiên ‘kích hoạt’ điều khoản thiên tai trong trái phiếu chính phủ
Grenada vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới kích hoạt điều khoản thiên tai trong trái phiếu chính phủ, mở đường cho quốc đảo Caribe này hoãn thanh toán nợ sau khi đất nước của họ hứng chịu nhiều thiệt hại do siêu bão Beryl.
Cảnh tàn phá do bão Beryl quét qua Grenada ngày 2/7/2024. Ảnh tư liệu: Reuters/TTXVN
Trong thông báo gửi đến các trái chủ nắm giữ một trong số các loạt trái phiếu quốc tế của Grenada, Bộ Tài chính nước này cho biết đã lựa chọn Yêu cầu hoãn thanh toán do thiên tai, đồng thời bổ sung “mô hình chi phí – tổn thất” ước tính do bão Beryl gây ra lớn hơn 30 triệu USD. Điều này đồng nghĩa Grenada sẽ không phải thực hiện các khoản thanh toán trái phiếu theo lịch dự kiến vào ngày 12/11 năm nay và ngày 12/5/2025. Thay vào đó, số tiền này sẽ được gộp vào các khoản thanh toán gốc trái phiếu một lần tiếp theo trị giá 112 triệu USD cho đến khi tới hạn vào năm 2030. Đây là lần đầu tiên một quốc gia kích hoạt điều khoản thiên tai trong trái phiếu chính phủ.
Ngoài ra, với động thái “kích hoạt” mang tính bước ngoặt trên, Grenada cũng có thể hoãn việc thanh toán khoảng 5 triệu USD khác bao gồm khoản vay song phương từ Đài Loan (Trung Quốc) và hai khoản vay nhỏ hơn.
Động thái này diễn ra sau khi cơn bão Beryl tàn phá một số vùng của Caribe vào tháng trước, trong đó có Grenada. Đảo quốc Caribe ước tính thiệt hại do bão tương đương khoảng 1/3 GDP hằng năm của quốc gia này.
Trước đó, Grenada là quốc gia đầu tiên đưa điều khoản thiên tai vào trái phiếu năm 2015 sau khi hứng chịu một cơn bão rất mạnh dẫn đến việc 2 lần tái cấu trúc nợ trong vòng một thập kỷ.
WMO: Siêu bão Beryl báo hiệu mùa bão 'rất nguy hiểm' ở Đại Tây Dương
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết siêu bão Beryl báo hiệu mùa bão "rất nguy hiểm" trên Đại Tây Dương.
Đường đi ra bãi biển bị phong tỏa trước khi siêu bão Beryl đổ bộ, tại Cancun, bang Quintana Roo, Mexico, ngày 4/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Bão Beryl hình thành trên Đại Tây Dương từ ngày 30/6 vừa qua, sau đó nhanh chóng mạnh lên thành siêu bão cấp 5 - cấp mạnh nhất trong thang bão Saffir-Simpson gồm 5 cấp. Beryl là cơn bão đầu tiên trong mùa bão Đại Tây Dương năm 2024 và là cơn bão cấp 5 sớm nhất được ghi nhận ở Đại Tây Dương, Caribe và Trung Mỹ. Người phát ngôn của WMO Clare Nullis cho biết giới chuyên gia lo ngại sự xuất hiện của siêu bão Beryl có thể báo hiệu cho một mùa bão "rất, rất mạnh và rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến toàn bộ lưu vực".
Siêu bão này đã hoành hành Quần đảo Cayman, quét qua Jamaica, Grenada, Saint Vincent và the Grenadines, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm đổ sập nhiều nhà cửa, công trình và gây nhiều thiệt hại khác về tài sản. Dù đã suy yếu xuống còn bão cấp 1, song ngày 8/7, bão Beryl vẫn gây sóng mạnh nguy hiểm và gió cực lớn tại các khu vực ven biển khi tràn vào gần thị trấn Matagorda thuộc bang Texas (Mỹ).
Quyền Thống đốc bang Texas, ông Dan Patrick đã tuyên bố 120 hạt là khu vực thiên tai trước khi bão đổ bộ, cảnh báo nguy hiểm đối với các khu vực nằm trong vùng ảnh hưởng.
Bà Anne-Claire Fontan, chuyên gia thuộc Chương trình Bão nhiệt đới WMO cho biết việc siêu bão Beryl hình thành sớm, ngay trong đầu mùa bão một phần do nhiệt độ đại dương tăng cao. Bà lưu ý rằng Khu vực Phát triển Chính (MDR) - nơi thường hình thành các cơn bão, hiện đang ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay.
Theo thang gió bão Saffir-Simpson, bão cấp 5 là mức mạnh nhất, với sức gió từ 252 km/h trở lên, có khả năng phá hủy nhà cửa, cơ sở hạ tầng và gây ra các thiệt hại nghiêm trọng.
Liên hợp quốc đánh giá thiệt hại nghiêm trọng của bão Beryl Ngày 5/7, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (LHQ) tại Đông Caribe, ông Simon Springett, cho biết cơn bão Beryl quét qua vùng Caribe đã gây ra hậu quả nghiêm trọng ở các quốc đảo nhỏ trong khu vực. Hiện LHQ đang nỗ lực đánh giá thiệt hại và đáp ứng các nhu cầu cần trợ giúp ở các nước...